Trong
đó, Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2, tổ chức vào ngày 16
- 17/11/2010 tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) với chủ đề “Nghi lễ trong đời
sống văn hóa tâm linh”, thu hút sự quan tâm đóng góp của 32 bài tham luận và các ý kiến phát biểu của đại biểu là một điển hình. Một trong những điểm nhấn của Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2 là công tác Việt hóa nghi lễ Phật giáo.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Đến nay, các thành viên Ban Nghi lễ Trung ương sau một
thời gian sưu tập, biên soạn, về cơ bản đã hoàn thành kinh Nhật tụng
bằng tiếng Việt. Hiện kinh Nhật tụng này đã được Ban Nghi lễ Trung ương
đệ trình lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN xem xét, chuẩn y, để
phổ biến cho toàn thể Tăng Ni Phật tử Việt Nam trong nước và nước ngoài
trì tụng, tu tập. Như vậy, không bao lâu nữa, chúng ta sẽ có một
bản kinh Nhật tụng (thuần Việt) chính thức do GHPGVN biên soạn, chấm dứt
hiện tượng “loạn” kinh Nhật tụng, mỗi chùa mỗi kinh, mỗi đạo tràng một nghi thức, ai ai cũng có thể biên soạn và ấn hành kinh Nhật tụng… một cách tùy tiện, dễ dàng.
Sự kiện này, thoạt nhìn tưởng chừng như đơn giản, không có gì lớn lao so với những Phật sự khác nhưng thực chất lại mang một ý nghĩa vô cùng trọng đại, góp phần quan yếu cho công cuộc chấn hưng và phát triển của PGVN trong hiện tại và tương lai.
Sự hình thành kinh Nhật tụng thuần Việt do GHPGVN biên soạn và phổ biến sắp tới đây là thành công
to lớn của Ban Nghi lễ Trung ương nói riêng và GHPGVN nói chung, nhưng
chỉ mới là bước đầu. Vì để bản kinh Nhật tụng này phổ cập nhanh chóng,
được Tăng Ni Phật tử cả nước nhiệt tình đón nhận đòi hỏi phải có sự
thuận hợp của nhiều nhân duyên khác nữa. Trong đó, quan trọng nhất là
nội dung bản kinh Nhật tụng này phải “hợp” với tâm tư và tình cảm của
đại chúng, số đông (vốn khác biệt về tông phái, hệ phái và đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền) để tiếng kệ lời kinh dễ dàng ăn sâu vào tâm khảm, thấm đẫm và an tịnh tâm hồn của người trì tụng.
Kế đến, một
nhân tố trọng yếu khác là GHPGVN cần thể hiện ý chí và lập trường kiên
định của mình trong việc chỉ đạo thực hiện hành trì bản kinh Nhật tụng
này xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở. Khi hàng triệu Tăng Ni và Phật
tử chuyên nhất trì tụng một bản kinh Nhật tụng sẽ tạo ra sức mạnh của “Phạm âm và hải triều âm”, một sức mạnh của an tĩnh nội tại như kim cương không
gì có thể lay chuyển được. Có thể nói đây là phương tiện nối kết nhân
tâm hữu hiệu nhất, và cũng chính là nền tảng “sức mạnh mềm” đích thực
của PGVN.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hàng triệu Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đang khát ngưỡng và trông
chờ, bản kinh Nhật tụng do GHPGVN chuẩn y và phổ biến ra đời sẽ đáp ứng
hoàn hảo nhu cầu đó. Đây là điều đáng tự hào, dù gặp nhiều khó khăn và
đã trải qua bảy kỳ đại hội nhưng với quyết tâm và nhất trí cao, chúng ta
nhất định sẽ làm được.
Quảng Tánh