Đội tuyển bóng đá Bhutan luôn đứng trong nhóm thấp nhất thế giới. Tuy
vậy tình hình có vẻ đang dần khả quan hơn khi tại vùng đất Phật giáo
này, những mầm mống tương lai của nền bóng đá Bhutan thịnh vượng đang
được vun trồng từ những mảnh sân chùa đầy đá sỏi.
Một Bhutan kỳ bí
Tính theo đường chim bay, Bhutan chỉ cách Hà Nội 1.800 cây số, tức là
chưa bằng khoảng cách đến Singapore. Nếu bạn đã nghe về Bhutan, có ý
niệm về quốc gia này thì bạn là một người có kiến thức rộng. Còn nếu
chưa nghe qua thì cũng chẳng có gì phải buồn vì có khá nhiều người
giống như bạn. Bhutan thật sự là một quốc gia kì bí bậc nhất thế giới.
Sự biệt lập của Bhutan đến từ vị trí địa lý đặc biệt được bao quanh bởi
dãy Himalaya chọc trời. Giao thông đường bộ đến quốc gia này rất hiếm
trở và phương tiện đường không cũng rất khó khăn. Muốn đến Bhutan bằng
đường không thì chỉ có thể đi duy nhất bằng hãng hàng không quốc gia
Bhutan và cũng chỉ có 8 phi công Bhutan đủ trình độ để hạ cánh xuống
sân bay cực kỳ hiểm trở.
Do Bhutan kỳ bí như vậy nên rất nhiều người muốn tới đây du lịch
nhưng chính phủ Bhutan cũng chẳng mặn mà lắm với việc đón du khách vì
họ sợ du khách đến nhiều quá sẽ làm hỏng nét hoang sơ của mình. Mỗi năm
chỉ có dưới 30.000 người được cấp visa nhập cảnh vào Bhutan.
Nền bóng đá Bhutan như thế nào? Bhutan cũng là thành viên của FIFA. Tuy
nhiên, vị trí thường trực của đội tuyển bóng đá nước này là đáy bảng.
Trong bảng xếp hạng mới nhất họ xếp thứ 207 và không có điểm nào. Các
trận đấu của Bhutan trong khu vực luôn là những trận thua đậm và họ sẽ
rất mừng nếu có thể ghi được một bàn danh dự.
Cũng có lần bóng đá Bhutan được báo chí thế giới mang ra làm trò đùa. Ngày 30/6/2002, khi Brazil và Đức
thi đấu chung kết World Cup tại Tokyo thì tại SVĐ Quốc gia Bhutan, đội
chủ nhà đã thắng Montserrat (một quần đảo thuộc địa của Anh tại vịnh
Caribbean) trong trận chung kết ngược của 2 đội tuyển có thứ hạng thấp
nhất thế giới và đó cũng là trận thắng đầu tiên trong lịch sử bóng đá
Bhutan.
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter (giữa) trong chuyến thăm Bhutan
Tại sao Bhutan lại luôn thua? Có thể kể về chuyện chủ tịch FIFA Sepp Blatter đến thăm Bhutan hồi tháng 3 vừa qua để chứng minh cho
thực trạng này. Blatter ở Bhutan 2 ngày và được hoàng gia tiếp đãi rất
trọng thị. Họ đưa ông đi thăm một ngôi chùa cổ xưa với kiến trúc độc
đáo khiến Blatter ngây ngất.
Tuy nhiên, khi Blatter đề
nghị đi xem sân vận động thì nhận được nụ cười bí hiểm. Khi Blatter hỏi
một quan chức LĐBĐ Bhutan thì ông ta nói: "Chúng ta đang ở SVĐ quốc
gia đó, ngài hãy nhìn qua cửa sổ". Nhìn qua cửa sổ, Blatter thấy một bãi
cỏ rộng có kẻ vạch vôi và đó chính là SVĐ quốc gia của Bhutan.
Giải bóng đá các nhà chùa
Trước năm 2000, bóng đá không có chỗ đứng tại Bhutan. Người dân
Bhutan vốn trầm tính, không ưa sự sôi động của thể thao. Thậm chí, nếu
phải chọn một môn thể thao nào đó thì họ cũng sẽ chọn bắn cung hay leo
núi như tổ tiên của họ. Nhưng sau năm 2000, bóng đá đã bắt đầu xuất
hiện ở đây. Bộ môn thể thao số một hành tinh đang được giới trẻ Bhutan
yêu thích.
Để thấy điều đó thì người ta không cần những
con số khô khan trên giấy hay những thống kê đôi khi thiếu trung thực.
Người Bhutan đã chỉ cho ông Blatter thấy tình yêu đá bóng ở nơi đây một
cách rất trực quan. Chiều hôm đó, họ mời ông lên gác một ngôi chùa
trên vách núi và đưa cho ông một chiếc ống nhòm.
Từ một
vị trí cao, Blatter có thể nhìn gần như toàn bộ thủ đô Thimphu vốn
không có các tòa nhà cao ốc. Tại Thimphu, công trình nhiều nhất là các
ngôi chùa và mỗi chùa đều có sân rộng bằng đá. Một vòng nhìn quanh thủ
đô, Blatter cũng có thể đếm ra hơn chục sân bóng như vậy và nhìn các
chú tiểu đang chơi bóng trong khi vẫn khoác áo nâu sồng. Người ta nói,
Blatter rất xúc động khi nhìn cảnh đó.
Tại Bhutan, Phật giáo là tôn giáo được tôn sùng là quốc giáo. Trẻ em
Bhutan thường được cha mẹ gửi vào chùa từ nhỏ để tu tâm dưỡng tính, học
kinh kệ và cả văn hóa. Trẻ em Bhutan rất hiền lành như xứ sở kỳ bí này
nhưng chúng cũng cần một môn thể thao mang tính vận động để nâng cao
thể chất. Bắn cung bị chối bỏ vì môn này sát khí nặng quá và bóng đá
được chọn như một môn thể thao hoàn hảo. Bóng đá hội tụ các yếu tố:
thân thiện, đoàn kết và một chút ganh đua.
Các chú tiểu chơi bóng sau giờ tụng kinh
Với những đứa trẻ tu ở ngôi chùa có sân cỏ rộng ở
bên cạnh thì không gì tuyệt vời hơn. Nhưng nếu chùa không có sân cỏ mà
chỉ có một khoảng sân đá rộng vừa đủ thì cũng tuyệt để chơi đá bóng ma.
Vào các buổi chiều, các sân chùa rộn ràng khi các chú tiểu ùa ra sân
bóng sau giờ tụng kinh. Ai là trọng tài và HLV trong các trận đấu của
chú tiểu? Chính là các nhà sư. Họ đã mua bóng về chùa và giảng dạy luật
thi đấu cho các chú tiểu.
Hari Gurung, một chú tiểu 15 tuổi cho
biết trên tờ Kuensel (tờ nhật báo quốc gia của Bhutan): "Sau 3 giờ ngồi
im tụng kinh mà được chơi bóng đá thì rất phấn khích. Nhưng sau khi đá
bóng, chúng em lại tụng kinh tiếp 15 phút để tĩnh tâm lại rồi mới tắm
rửa và ăn tối.
Thật sự, chơi bóng đá giúp chúng em khỏe
mạnh, thư thái nhiều và học tập cũng tốt hơn. Nếu không học hành chăm
chỉ, nghiên cứu giáo lý nghiêm chỉnh và ngoan ngoãn, chúng em có thể bị
các thầy “treo giò” và chẳng ai muốn như vậy".
Không chỉ vậy,
các nhà chùa ở Thimphu còn lên kế hoạch tổ chức giải vô địch giữa các
chùa ở thủ đô để các chú tiểu tranh tài. Biết đâu, bóng đá sân chùa có
thể sẽ là cái nôi để giúp Bhutan tìm kiếm những tài năng giúp họ thoát
khỏi vị trí đáy bảng FIFA.
Passang Tshering - Vĩ đại nhất Bhutan
Cầu
thủ Passang Tshering được coi là vĩ đại nhất Bhutan. Ngày 4/8/2007,
chân sút của Transport Utd đã lập 3 kỷ lục thế giới khi giúp đội nhà
thắng RIHS 20-0 tại giải vô địch Bhutan. Trận đó, Passang Tshering đã
trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong 1 hiệp: 9 bàn, ghi bàn nhiều
nhất trong 1 trận: 17 bàn, ghi hat-trick nhanh nhất (3 phút).
Bhutan là quốc gia của đồi núi và người ta còn phải xây chùa cheo leo
trên vách núi. Rất hiếm có những khoảng đất rộng để tạo thành sân bóng
nên bóng đá đỉnh cao khó phát triển tại đây. Tuy nhiên, tình yêu bóng
đá ở đây lại mãnh liệt chẳng kém gì nơi nào trên thế giới.
Hồ Khuê - Bóng đá & cuộc sống