Khi mùa hạ đến, những khóm sen trong
lòng ao đầm lại đâm chồi nẩy nụ. Thân sen hình trụ có gai nhó, phiến lá
hình lọng to có gân tỏa tròn, hoa có nhiều lớp cánh. Theo y học cổ
truyền, các bộ phận của sen từ lá, cuống, ngó, cánh hoa, đến nhụy hoa,
gương, hạt, củ, tim… đều có thể được dùng để chế thành nhiều vị thuốc
quý có các tác dụng cầm máu, an thần… chữa được những bệnh như kiết lỵ,
mất ngủ… Sen quen thuộc với tuổi thơ của bao người qua những buổi trưa
hè tắm mát bên hồ sen tỏa ngát. Còn đối với các bà, các mẹ thì đóa sen
luôn chuyên chở thành tâm để dâng lên cúng Phật mỗi độ vào Hạ.
- Hoa sen trong truyền thuyết, nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo.
Truyền thuyết của Phật giáo vẫn kể lại,
tài vườn Lâm Tì Ni, vào lúc Đản sinh, mỗi bước trong bảy bước đi đầu
tiên của Đức Phật đều có hoa sen hiện ra nâng đờ. Khi vừa thành đạo,
Ngài phân vân trước con đường giáo hóa chúng sinh. Giáo lý giải thoát tế
nhị, thâm sâu, ly dục, vô ngã, đi ngược với tập quán ham muốn và suy tư
chấp trước của con người, làm sao để con người có thể tiếp nhận giáo lý
ấy? Nhưng sau khi nhìn ngắm hồ sen, qua tuệ nhãn của mình, Đức Phật
thấy rằng giữa cuộc đời này có nhiều hạng căn cơ khác nhau. Có căn cơ
thấp như khi sen còn trầm luân dưới đáy bùn, có căn cơ cao như khi đã
vươn lên thành hoa sen xòe nở đón nhận ánh sáng mặt trời. Tương tự, nếu
có những người mãi đắm chìm trong dục vọng thì cũng có những người căn
cơ cao có thể đón nhận được giáo lý uyên thâm mà Đức Phật đã chứng ngộ.
Do đó, Đức Phật quyết định lên đường chuyển vận bánh xe Chánh pháp.
Khởi nguyên của lịch sử Thiền tông cũng
gắn liền với hình ảnh hoa sen qua sự kiện Đức Phật truyền chánh pháp
nhãn tạng cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp ở hội Linh Sơn. Truyền thuyết cho
rằng một hôm Đức Phật chỉ cầm một cành hoa sen đưa lên trước mặt mọi
người. Tất cả đều im lặng không hiểu. Riêng ngài Ma-ha Ca-diếp ngộ được
và đáp lại bằng nụ cười hiểu biết. Lúc đó Đức Phật mới nói: “Ta có
Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu
pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền nay trao cho Tôn giả
Ma-ha Ca-diếp”(Liên đăng hội yến).
Từ lâu, trong kiến trúc Phật giáo, hình
ảnh hoa sen đã được đưa vào trang trí ở vị trí chủ đạo. Ngay từ việc
chọn thế đất làm chùa, người ta cũng phải lưu ý đến”… bên phải có hình
hoa sen tràng phướn, lọng báu…”. Hoa sen cũng nằm trong biểu tượng tòa
sen nơi Phật ngự. Tòa sen vừa là bệ đỡ cho pho tượng cao hơn, uy nghi
hơn vừa mang ý nghĩa Đức Phật là đấng giác ngộ, đã tìm ra chân lý nên
ngồi trên tòa sen để thể hiện sự thanh tịnh tỏa sáng về trí tuệ. Cũng có
thể hiểu theo cách giải thích của Mật tông, hình ảnh Đức Phật ngồi trên
tòa sen biểu thị Phật tánh nơi một con người đã phát triển rực rỡ. Đài
sen thường được tạo thành hai lớp cánh hoặc ba lớp cánh ở dạng nở xòa
mềm mại, nét cong uốn khá sắc sảo. Một lớp cánh quay xuống theo bàn tay
phải của Phật biểu hiện sự nhu thuận, một lớp cánh quay lên nâng đỡ Đức
Phật biểu hiện sự điều phục. Nói chung tượng Phật dù đứng hay ngồi cũng
đều ngự trên tòa sen nhiều tầng. Đó là sự biểu hiện của linh thiêng
thoát tục, sự nảy nở tinh thần hướng thiện.
Sen còn được thể hiện trên các kiến trúc
ở cổng chùa và ở các tháp. Cổng chùa thường là cổng tam quan, nghĩa là
cửa giới, cửa định và cửa tuệ. Đó là ranh giới giữa cõi thánh với cõi
phàm, lại thể hiện phương châm tu hành của người Phật tử. Vì lẽ đó,
những họa tiết trang trí trên trụ cổng thường là cảnh sắc thanh tịnh hay
truyện tích nhà Phật, trong đó không thể thiếu họa tiết hoa sen. Hoa
sen được đắp nổi trên trụ cột với một hoặc hai lớp cánh cong, thanh
mảnh. Trên những ô hộc cổng chùa, họa tiết hoa sen là cả một đóa sen tám
cánh rõ ràng. Ba cánh dưới tượng trưng cho Tam bảo Phật-Pháp-Tăng. Năm
cánh trên tượng trưng cho năm hạnh của năm vị Phật và Bồ-tát mà người
Phật tử muốn hướng tới.
Vào trong không gian chùa, hình ảnh ngôi
tháp tạo nên điểm nhấn khá độc đáo. Ở Việt Nam, tháp và chùa là hai
công trình độc lập khác hẳn với ngôi tháp ở quê hương Phật giáo Ấn Độ.
Đặc biệt, ở Huế đã hình thành hệ thống tháp mộ với lối kiến trúc đặc
trưng. Trong đó họa tiết hoa sen được trang trí trên chóp tháp mang ý
nghĩa sâu sắc. Ở trường hợp này ngôi tháp chính là tòa cửu phẩm liên
hoa.
Hình ảnh hoa sen còn được trang trí trên
chuông chùa. Bằng chất liệu đồng, những họa tiết hoa văn trên thân
chuông được thể hiện rất tinh xảo. Đặc biệt, hình ảnh hoa sen được trang
trí tỉ mỉ trên vai và miệng chuông khá thẩm mỹ. Cánh sen thường đan lẫn
tua quấn, hoặc được cách điệu bằng những đường cong như lượn sóng…
Nói tóm lại,trong nghệ thuật và kiến
trúc Phật giáo, ta thấy người thể hiện luôn tìm cách đưa hình ảnh hoa
sen vào với ý hướng biểu thị những chiều sâu ý nghĩa của hoa sen. Vì thế
mà có người cho rằng đạo Phật là đạo “Hoa sen”.
- Ý nghĩa biểu tượng của hoa sen trong văn hóa tâm linh Phật giáo.
Thật ra, chẳng riêng gì giới Phật tử mới
quý trọng hoa sen. Từ 5.000 năm trước, người Ai Cập cổ đại đã thể hiện
lòng sùng kính đối với hoa sen và dùng sen trong nhiều nghi thức tế lễ.
Dường như từ Ai Cập, trước hết sen đã được phổ biến ra nhiều vùng khác
như Ba Tư, Ấn Độ, và Trung Quốc rồi sau đó được đưa đến trồng ở các địa
phương khác nữa, trong đó có khu vực Đông Dương.
Tại Ấn Độ, hình ảnh hoa sen mọc trên bùn
đã được coi là biểu tượng của đạo đức và thể hiện cho sức mạnh tinh
thần. Các văn bản cổ Ấn Độ đã nhắc tới hoa sen tám cánh như một biểu
tượng của sự hài hòa trong vũ trụ. Là một tôn giáo sử dụng nhiểu ngôn
ngữ biểu trưng và là một hệ tư tưởng cách mạng so với tư tưởng
Bà-la-môn, Phật giáo đã phát triển nhiều ý nghĩa biểu tượng của hoa sen.
Sen được coi là mang nhiều đức tính gần gũi với cuộc đời của bậc giác
ngộ, nói lên được những lời dạy của Đức Phật, cho nên được coi là vi diệu.
Sen ẩn sâu dưới bùn xa lìa trần cấu gọi là u vi,
giống như cuộc đời của người tu hành luôn tránh xa những điều trần tục,
cuộc đời ấy là sự dâng hiến âm thầm, là nỗ lực vươn đến sự giải thoát
chứ không khoe khoang. Quả thật, đối với bông sen, một nửa cuộc đời của
nó nào ai biết được, nhưng nó vẫn âm thầm tự mình vươn lên khỏi mặt nước
u tối để tòa hương.
Sen khiêm tốn không khoe tài đua sắc với các loài hoa khác trên đồng nội gọi là ẩn vi,
thể hiện sự khiêm nhường như cuộc đời tu hành của người Phật tử. Họ
không đua chen danh lợi, những tiếng tăm hay của cải vật chất chỉ là phù
du. Và vì lẽ đó họ chọn những nơi hẻo lánh để tỉnh tâm tu Phật.
Lá sen ngửa rộng lên trời với những thớ mạch như nét vẽ của thiên nhiên gọi là tế vi.
Tất cả mặt phải của lá đều hướng lên tượng trưng cho sự thành tâm.
Tương ứng, người Phật tử có nhiều pháp môn tu tập, đều quy về một hướng
giải thoát. Một điều đáng quý nữa ở chỗ tuy lá sen chưa phải là hoa, nó
cũng có thể tô điểm cho hồ sen. Tương tự, với tâm hạnh của người Phật
tử, dù họ chưa chứng ngộ đạo giải thoát, lòng từ bi và thái độ dũng cảm
sống một đời trung thức của họ cũng đủ giúp ích cho cuộc đời và cho xã
hội.
Mọi thành phần của sen đều có công dụng, hoặc để chữa bệnh, hoặc để ăn, được gọi là tinh vi, cũng giống như thân, khẩu, ý của một người Phật tử biết thúc liễm thân tâm luôn luôn có công dụng cứu người giúp đời.
Sen không sớm nở tối tàn, mà sáng thì nở để đến đêm lại búp; được gọi là ẩn hiển tùy nghi diệu. Người Phật tử khi cần thì ra mặt, khi không cần thì lẳng lặng ẩn cư.
Sen chẳng vì mùa xuân mà khoe hương sắc,
chẳng theo mùa thu mà úa tàn, mỗi năm mỗi mang một thân một thân mới,
một hoa mới; được gọi là hàn thử bất thiên diệu. Người Phật tử
cũng vậy, không vì gặp được thuận duyên thì hăng hái đến khi đối mặt với
trở ngại thì bải hoải buông xuôi, mà luôn luôn tinh tấn hướng tới con
đường giải thoát trong lúc vẫn dũng mãnh cứu người giúp đời. Cuộc đời
sen lại còn như là một minh họa cho thuyết luân hồi của nhà Phật. Dưới
mặt nước trầm mặc sau mùa sen tàn lụi ta tưởng chừng chôn dấu đời sen
mãi mãi. Nhưng không, dưới ấy không có gì mất đi, chỉ là sự chuẩn bị cho
một kiếp mới hiển hiện. Sen tàn, sen nở, sen tàn..cũng chỉ là vòng luân
hồi thường tình như quan niệm Phật giáo bấy lâu.
Sen có hoa quây quần hạt, hạt xúm xít trong hoa gọi là tổng biệt tề chương diệu;
biểu thị cho lối sống của Tăng già luôn gắn bó với nhau trong tinh thần
lục hòa mà từng cá nhân một vẫn tự chủ. Sen vừa là hoa vừa là quả gọi
là nhân quả đồng thời diệu, là minh họa khác cho thuyết nhân
quả của Phật giáo. Nhờ tất cả các đức tính cao quý đó mà sen gần gũi Đức
Phật, biểu thị đước ý Phật.
Đạo Phật truyền vào Việt Nam cũng làm
phong phú thêm cho ý nghĩa biểu tượng của hoa sen đối với người Việt.
Hành trình của hoa sen đi từ thiên nhiên đến tiềm thức của con người để
trở thành biểu tượng Phật giáo thật sự như một căn duyên. Cái căn duyên
ấy chính là sự hòa quyện giữa những đức tính tốt đẹp của một loài thảo
mộc với tâm tính con người khi được làm cho nhu nhuyến bởi giáo lý nhà
Phật. Cũng cái căn duyên ấy đã khiến người Phật tử Việt Nam sử dụng hoa
sen làm biểu tượng cho niềm tin và sự tinh tấn của mình trên con đường
vươn tới đạo giải thoát…Cũng như đạo Phật, sen là biểu tượng của sự cao
quý giữa cuộc đời, hình ảnh của chơn tâm thanh tịnh đồng thời cũng là
khát vọng vươn đến cái chân thiện cao đẹp muôn thuở của con người.■
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Đăng Duy (2001), Văn hóa tâm linh, NXB Văn hóa thông tin.
- Pháp sư Tuệ Luật (Minh Đức dịch) (2006), Phật giáo với nhân sinh, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
- Hà Văn Tấn (1992), Chùa Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 95