29/12/2011 20:43 (GMT+7)
Số lượt xem: 137028
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NSGN - Loung-gom (phiêu nhiên công) là một danh từ chung được người Tây Tạng dùng để chỉ nhiều môn luyện tập khác nhau nhắm vào nhiều mục đích khác nhau, có môn thuần về rèn luyện tinh thần, có môn thuần rèn luyện thân thể, tất cả đều kết hợp sự tập trung tinh thần với phương pháp hô hấp. 

Nhưng đặc biệt từ loung-gom dùng để chỉ một phương pháp tập luyện kết hợp tâm thân, nhằm giúp con người trở nên nhẹ nhàng, linh hoạt một cách siêu phàm. Các hành giả phiêu nhiên công (loung-gom-pa) là những người có khả năng chạy qua những đường xa rất xa với tốc độ phi thường mà không cần dừng lại để nghỉ ngơi.

dmy1303099012.jpg

Tây Tạng huyền bí, có những điều chúng ta phải khám phá nhiều nữa - Ảnh minh họa

Người Tây Tạng nói về rất nhiều hành giả phiêu nhiên công, và người ta thường nhắc đến nhiều mẩu chuyện trong truyền thống xa xưa về những người chạy bộ lạ thường đó với thái độ vô cùng ngưỡng mộ.

Đọc tiểu sử Thánh tăng Milaréspa, chúng ta thấy tại nhà vị Lạt-ma đã dạy huyền thuật cho ông, có một môn đồ chạy còn nhanh hơn cả ngựa.

Sau khi học tập công phu này, Milaréspa đã khoe chỉ cần vài ngày là ông có thể vượt một đoạn đường dài mà trước kia cần hơn một tháng. Điều khiển chân khí một cách khéo léo là chìa khóa cho khả năng đặc biệt này.

Cần nhớ rằng những thành tựu của các hành giả phiêu nhiên công luôn luôn gắn liền với công phu khổ luyện phi thường, chứ không phải là tốc độ trong một phút chốc. Họ không cần phải chạy hết tốc lực trong quãng đường mười hai hay mười lăm cây số như các vận động viên trong kỳ thi đấu thể thao của chúng ta, mà chạy đều đặn - theo như lời kể - hàng trăm cây số, và luôn giữ một nhịp độ cực kỳ linh hoạt.

Không chỉ đi sưu tầm những thông tin liên quan đến công phu tập luyện để đạt được mục đích này, tôi còn có dịp chứng kiến một vài hành giả phiêu nhiên công đang chạy. Mặc dù có nhiều tu sĩ luyện tập môn phiêu nhiên công nhưng rất ít người thành tựu, cho nên số loung-gom-pa thực sự vẫn rất hiếm.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với một hành giả phiêu nhiên công xảy ra trên thảo nguyên phía Bắc Tây Tạng.

Vào khoảng chiều, trong khi chúng tôi cưỡi ngựa dạo chơi băng qua một thảo nguyên rộng mênh mông, thì đột nhiên tôi thấy một chấm đen nhỏ đang di dộng ở phía trái. Tôi dùng ống nhòm quan sát thì thấy tựa hồ như một người đàn ông. Tôi vô cùng sửng sốt. Những cuộc gặp gỡ thế này rất hiếm xảy ra nơi đây, vì đã hơn mười ngày rồi tôi chưa hề trông thấy một bóng người. Hơn thế nữa, một người đi bộ một mình giữa chốn hoang vu bát ngát này là điều không thể xảy ra. Khách lữ hành kia là ai vậy?

Một người tùy tùng của tôi cho rằng đó là người trong một thương đoàn nào đó bị cướp tấn công nên đi lạc. Có lẽ anh ta lo chạy thoát thân nên giờ đây bị lạc giữa vùng hoang nguyên.

Điều này rất có thể xảy ra, nếu đúng vậy thì tôi sẽ đưa kẻ đào thoát kia về lều trại của những mục tử chăn bò (dokpa), hoặc đưa đi theo chúng tôi, cho đến khi nào anh ta tìm được đường về.

Trong khi tiếp tục dùng ống nhòm quan sát, tôi thấy bước chân người kia di chuyển đều đặn với tốc độ phi thường. Mặc dù những người tùy tùng quan sát bằng mắt thường thì chỉ phân biệt được một chấm đen di động, song họ vẫn nhận ra ngay là chấm đen đó đang dịch chuyển mau lẹ siêu phàm. Tôi đưa ống nhòm cho bọn họ thì có người quan sát trong mấy phút rồi lẩm bẩm: “Lama loung-gom-pa tchig da” (đó là một vị Lạt-ma hành giả phiêu nhiên công).

Từ loung-gom-pa lập tức khiến tôi lưu ý. Tôi vẫn chưa có dịp thấy được một hành giả phiêu nhiên công lão luyện, như những truyền thuyết đồn đãi về họ ở xứ Tây Tạng này. Làm sao tôi có thể bỏ lỡ cơ hội này được.

Người kia càng tiến tới gần và dáng điệu của ông ta dần hiện rõ. Nếu quả đó đúng là hành giả phiêu nhiên công thì tôi phải làm gì đây? Tôi muốn trò chuyện với ông ta, muốn hỏi ông vài câu, thậm chí muốn chụp hình nữa…, nói chung là tôi muốn làm nhiều thứ.

Thế nhưng tôi vừa mở miệng nói điều này, thì một người tùy tùng đầu tiên nhận ra đó là loung-gom-pa liền la lên:

- Thưa bà, bà đừng có chặn ông ta lại, cũng đừng có hỏi chi hết. Bà làm thế ông ta sẽ chết liền. Trong khi di chuyển, các vị Lạt-ma không ngừng niệm mật chú. Nếu dừng lại không đúng lúc, thần tính sẽ thoát ra khỏi người ông ta và gây chấn động dữ dội khiến ông ta chết ngay lập tức.

2917859563_a4a90b3fb2.jpg

Ảnh minh họa

Lời cảnh báo đầy ấn tượng này nghe rất phi lý, nhưng cũng không thể hoàn toàn gác ngoài tai. Theo những gì tôi nghiên cứu thì hành giả phiêu nhiên công di chuyển trong trạng thái xuất thần. Do đó, nếu làm thế mà giả sử ông ta không chết thì cũng chịu một cơn chấn động thần kinh dữ dội, khi bị lôi ra khỏi trạng thái đó một cách đột ngột. Cơn chấn động thần kinh này nguy hiểm đến độ nào thì tôi không biết, và cũng không muốn đem vị Lạt-ma kia ra thử nghiệm, vì điều đó rất tàn ác và gây hậu quả khôn lường. Còn một lý do khác nữa ngăn không cho tôi thỏa mãn tính tò mò.

Người Tây Tạng đã chấp nhận tôi là một gomptchénma (nữ tu sĩ Lạt-ma). Họ biết tôi là một Phật tử, nhưng không thể đoán được rằng trong quan niệm của tôi có sự phân biệt giữa Phật giáo thuần túy với Phật giáo Lạt-ma. Do đó, để xứng đáng với lòng tin và kính trọng mà bộ pháp phục đem lại cho mình, tôi buộc phải quan sát tập quán người Tây Tạng, nhất là tập quán về tôn giáo.

Sự kiềm chế này đã tạo nên trở ngại nghiêm trọng xét từ những quan sát mang tính khoa học mà tôi đã thực hiện, song đó lại là cái giá bắt buộc phải trả, để tôi được chấp nhận cư trú trên một mảnh đất vẫn còn đầy sự nghi kỵ và ngờ vực như Tây Tạng.

Một lần nữa, tôi buộc lòng phải từ bỏ lòng khao khát tìm hiểu, mà chỉ biết tự an ủi bằng cách đứng nhìn vị du khách lạ thường kia.

Khi ông ta đến gần, tôi quan sát thấy rõ gương mặt ông ta bình thản như vô cảm, còn đôi mắt thì mở lớn, tựa hồ như đang nhìn đăm đăm vào một điểm nào ở trên trời. Vị Lạt-ma không chạy, mà dường như chỉ búng chân để cả người nẩy cao lên như một trái banh đàn hồi. Ông ta mặc một bộ pháp phục thông thường đã cũ mèm. Bàn tay trái của ông giữ nếp gấp của tấm áo choàng, bị vải che một nửa. Bàn tay phải ông nắm con dao pourba. Khi di chuyển, ông đong đưa nhè nhẹ tay phải theo nhịp chân, tựa hồ như dùng con dao để làm điểm tựa như một cây gậy, dù mũi dao cách xa mặt đất.

Cả đoàn tùy tùng của tôi đều xuống ngựa, quỳ lạy, đầu cúi rạp sát đất khi vị Lạt-ma chạy ngang qua trước mặt, nhưng dường như ông không nhận ra sự hiện diện của chúng tôi.

Tôi nghĩ mình đã biểu lộ đầy đủ sự tôn trọng đối với xứ sở này khi bỏ ý định chặn vị Lạt-ma lại, bây giờ tôi đâm ra hối tiếc vì sự cẩn trọng của mình, và tiếp tục đăm đăm quan sát hành giả phiêu nhiên công kia thật lâu. Khi ông ta đã cách khá xa, tôi vội vã ra lệnh cho người những tùy tùng lên ngựa đuổi theo. Dù không cách nào đuổi kịp, nhưng chúng tôi vẫn cố giữ không để khoảng cách giữa chúng tôi tăng thêm. Nhờ có ống nhòm, nên tôi và con trai(2) tôi vẫn theo dõi được ông ta.

Do khoảng cách quá xa, tôi và người con trai chỉ nhìn thấy được hình dạng của ông, nhưng chúng tôi vẫn thấy được những bước chân đàn hồi cứ nẩy bổng lên một cách đáng kinh ngạc, đều đặn như quả lắc đồng hồ. Chúng tôi theo dõi được trong quãng đường độ ba cây số thì hành giả phiêu nhiên công kia bỏ con đường chính để chuyển lên một sơn đạo và mất dạng sau những rặng núi bao bọc chập chùng. Đám người cưỡi ngựa chúng tôi không thể đuổi theo ông trên sườn núi được nên đành quay về, tiếp tục lên đường.

Tôi tự hỏi liệu vị Lạt-ma kia có biết chúng tôi theo dõi ông ta không. Cho dù chúng tôi cách ông khá xa, nhưng bất kỳ người nào ở trạng thái bình thường cũng phải nghe tiếng vó ngựa đuổi theo sau, còn vị Lạt-ma đó dường như ở trong trạng thái xuất thần, nên tôi không sao đoán được có phải ông ta vờ không trông thấy chúng tôi, rồi rẽ lên đường núi để tránh những cặp mắt tò mò theo dõi; hay là ông ta không hề biết mình bị theo dõi, và việc ông ta chuyển sang đường núi chỉ vì đó là con đường ông ta phải đi.

Bốn ngày sau, vào một sáng sớm. chúng tôi đến vùng Thébgyai. Nơi đây rải rác lều trại của đám mục tử (dokpa) vùng thảo nguyên. Tôi không quên kể cho họ nghe chuyện trên đường đi đến đây, chúng tôi tình cờ gặp một vị loung-gom-pa. Một số người trong bọn họ, khi đang dồn đàn gia súc về chuồng, cũng đã gặp hành giả phiêu nhiên công đó vào buổi chiều trước ngày chúng tôi gặp ông ta.

Tôi thầm tính nhẩm để thử so sánh với khoảng thời gian chúng tôi di chuyển đều đặn trên ngựa, trừ những lúc hạ trại nghỉ ngơi, nếu vị Lạt-ma đó muốn di chuyển từ chỗ những mục tử này đến nơi chúng tôi gặp ông hôm trước, thì ông ta phải chạy suốt đêm cho đến hôm sau không ngừng nghỉ, với vận tốc xấp xỉ vận tốc mà chúng tôi đã thấy.

Giữ được tốc độ đó liên tục là một phép lạ, bởi vì ngay cả chuyện đi bộ suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ cũng là điều chưa hề được nghe nói đến trong đám sơn dân Tây Tạng.

Lạt-ma Yongden và tôi cũng đã từng chịu cảnh di chuyển suốt tám chín tiếng đồng hồ mà không hề dừng lại để nghỉ ngơi, ăn uống, trong cuộc hành trình từ Trung Quốc đến Lhassa. Có lần chúng tôi phải băng ngọn đèo Deo cao vút, tuyết ngập đến đầu gối. Thế nhưng những lần đi đó so ra chẳng ăn nhằm gì với cuộc hành trình của vị Lạt-ma có cánh này.

Chắc chắn vị hành giả phiêu nhiên công kia không thể khởi hành từ Thébgyai. Vậy thì ông ta từ đâu tới, khi những mục tử này bắt gặp ông ta? Và ông ta đã đi qua những chặng đường nào cho đến khi gặp chúng tôi và mất hút trong sơn đạo? Tôi không thể phỏng đoán được chuyện này. Các mục tử này tin rằng ông từ Tsang đến, vì những tu viện ở đó suốt bao thế kỷ đã nổi tiếng là các trung tâm đào tạo loung-gom-pa. Có rất nhiều giao lộ ở vùng Thébgyai, và các mục tử này không trò chuyện được với ông ta cho nên, cũng như tôi, họ chỉ đoán mò.

Tiến hành nghiên cứu hiện tượng phiêu nhiên công theo phương pháp khoa học là điều bất khả thi giữa vùng hoang nguyên này. Điều đó phải kéo dài hàng mấy tháng mà chưa hẳn đã đem lại kết quả như mong đợi, nên tôi không nghĩ đến nữa.

Ở trên tôi đã nói những tu viện ở Tsang suốt bao thế kỷ đã nổi tiếng là các trung tâm đào tạo loung-gom-pa, thiết tưởng cần phải nói đôi chút về khởi nguyên của môn này theo truyền thống.

Hai người hùng trong truyền thuyết là hai vị Lạt-ma lỗi lạc: Youngtön Dordji Pal và nhà sử học Boutön.

Lạt-ma Youngtön Dordji Pal sinh khoảng năm 1284, được xem là hóa thân thứ chín của Trưởng lão Tu Bồ Đề (Soubhouti), cao đồ của Đức Phật lịch sử. Chuyện “tái sinh” này về sau được truyền thừa bởi các Ban Thiền Lạt-ma, và vị Ban Thiền Lạt-ma hiện nay(3) được xem là lần “tái sinh” thứ mười sáu của Trưởng lão Tu Bồ Đề, đồng thời là hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Lạt-ma Youngtön Dordji Pal nổi tiếng là một pháp sư cao tay ấn có tài hàng ma phục quỷ. Người ta cho rằng sư phụ của ông là vị Lạt-ma huyền thoại tên Tzurwang Sengé, mà cuộc đời và hành trạng chỉ được đồn đãi qua những truyền thuyết hoang đường. Youngtön Dordji Pal có một thời gian phục vụ cho hoàng đế Trung Quốc, và ông mất năm 92 tuổi.

Boutön sinh năm 1288 tại Tjo Phoug, gần Jigatzé. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm sử học quan trọng, và đã phân loại sắp xếp nhiều bộ kinh luận Phật giáo - được dịch từ Phạn văn sang Tạng văn - để làm thành bộ tuyển tập khổng lồ tên là Khagyour.

Một ngày nọ, Youngtön quyết định dựng một đàn tràng trang trọng(4) để hàng phục quỷ vương Chindjé, chúa tể cõi chết. Nghi lễ này được tiến hành cứ mười hai năm một lần. Người ta kể rằng, nếu quên tế lễ thì Chindjé sẽ ăn thịt mỗi ngày một người. Mục đích của đàn tràng này là bắt Chindjé phải khuất phục dưới pháp lực của vị Lạt-ma, và buộc ác thần phải thề không được giết người ăn thịt nữa. Phẩm vật sẽ được hiến tế cho y trong buổi lễ, và sau đó được hiến tế hàng ngày để thay thế cho món thịt người.

Boutön nghe được tin này, và vì tò mò muốn biết bạn mình pháp lực có đủ cao cường để hàng phục quỷ vương hay không, nên ông thân hành đến đó cùng với ba người bạn là những Lạt-ma uyên thâm thông thái.

Khi họ đến nơi thì Chindjé đã xuất hiện theo lời hiệu triệu của Lạt-ma Youngtön. Truyền thuyết kể lại rằng hình dạng Chindjé trông rất khủng khiếp, vì y “to bằng cả bầu trời”.

Lạt-ma Youngtön tuyên bố với các vị khách rằng họ đến rất đúng lúc để biểu hiện lòng từ bi của mình. Ông cho biết đã khuất phục được quỷ vương vì lợi ích của chúng sinh, và dùng phẩm vật hiến tế để xoa dịu y, nhưng Chindjé đề nghị phải để y ăn thịt một trong vị Lạt-ma uyên bác đó. Ba vị Lạt-ma đồng hành của Boutön liền lấy đủ cớ để thoái thác lời đề nghị đó, rồi vội vã chuồn mất.

Còn lại một mình với người bạn Youngtön, Lạt-ma Boutön liền tuyên bố nếu nghi lễ này thực sự cần phải hy sinh một mạng người mới đạt kết quả, thì ông rất sẵn lòng bước vào miệng quỷ vương đang há rộng.

Trước lời đề nghị đầy lòng từ bi đó, nhà huyền thuật Youngtön liền đáp, ông đã nghĩ ra một cách vẫn đảm bảo được kết quả tế lễ, mà không cần Boutön phải hy sinh mạng sống. Ông chỉ cần ủy thác cho Lạt-ma Boutön và các pháp tự đời sau phải tiến hành lễ cúng này cứ mười hai năm một lần. Lạt-ma Boutön hăng hái nhận lời. Youngtön liền dùng huyền thuật tạo ra vô số con bồ câu ảo (tulpa) để ném vào miệng Chindjé.

Kể từ đó, tất cả các Lạt-ma nào được xem là hóa thân của Boutön đều tiến hành lập đàn tràng này tại tu viện Chalu nhằm chúc phúc cho quỷ vương. Dường như số lượng các vị Lạt-ma tế lễ cứ tăng dần lên theo thời gian thay vì chỉ có một người như ban đầu, vì hiện nay các Lạt-ma ở Chalu thường nói “có rất nhiều quỷ vương” được cúng trong dịp này.

Do đó, để mời được tất cả những quỷ vương ở nhiều vùng cách rất xa nhau, cần phải gởi một điệp sứ đi mời, gọi là mahékétang. Mahékétang có nghĩa là “con trâu điệp sứ”, vì con trâu là vật cưỡi của Chindjé. Con vật này nổi tiếng vì tính gan dạ, và dám đi mời ác quỷ ma vương. Ít ra thì đây là cách giải thích phổ biến tại Chalu.

Vị điệp sứ này được tuyển chọn luân phiên trong các tu sĩ ở tu viện Nyang töd kyid và Samding.

Vị tu sĩ nào được chọn vào vai trò này phải trải qua một kỳ tập huấn tại một trong các tu viện trên. Quy trình tập huấn bao gồm các bài tập về hô hấp và những thao tác đặc biệt, được tiến hành trong một mật thất (tshams khang) tối đen như mực, suốt một khoảng thời gian là ba năm, ba tháng, ba tuần và ba ngày.

taytang-thegioitin2.jpg

Các vị Lama Tây Tạng - Ảnh minh họa

Trong số các bài tập đó, có một bài tập rất ưa thích trong giới những người tạm được xem là pháp sư có kiến thức ở mức trung bình. Không chỉ giới tu sĩ, mà ngay cả các thiện nam tín nữ, cũng lui về “chốn ẩn cư” để miệt mài luyện tập. Nội dung bài tập đó như vầy:

Hành giả ngồi tréo chân trên tấm bồ đoàn dày và lớn. Anh ta hít hơi thật chậm và thật sâu tựa hồ để người căng phồng lên. Sau đó, anh ta kìm hơi thở lại rồi nhảy lên, vẫn giữ hai chân bắt tréo và không dùng tay làm điểm tựa, rồi lại rơi xuống mà không thay đổi tư thế ngồi. Có một số Lạt-ma sau một thời gian luyện tập đã nhảy lên rất cao.

Theo người Tây Tạng, người nào kiên trì khổ luyện như thế suốt nhiều năm sẽ có khả năng: “ngồi trên mũi kiếm mà không làm oằn thân kiếm, hoặc đi trên một đống lúa mà không làm xê dịch hạt nào”. Trên thực tế, mục đích của công phu luyện tập này là phép cất người trên không, tức là cách đưa người bổng lên khỏi mặt đất.

Người ta đã nghĩ ra một phương pháp thử nghiệm kỳ lạ. Người nào luyện thành công môn này thì được xem có thể thực hiện được các kỹ năng dưới dây, hoặc ít ra là cũng gần đạt đến những kỹ năng đó. Để thử nghiệm, người ta cho đào một cái hố có chiều cao bằng với chiều cao của thí sinh. Trên miệng hố người ta cho xây một mái vòm có độ cao tương đương độ sâu của hố. Trên đỉnh mái vòm có khoét một lỗ nhỏ. Ví dụ thí sinh cao 1,7 mét thì chiều cao từ đáy hố đến mái vòm là 3,4 mét. Thí sinh ngồi xếp bằng dưới đáy hố phải tung người một cái sao cho cả thân mình lọt qua lỗ nhỏ trên mái vòm để ra ngoài, vẫn trong tư thế hai chân bắt chéo nhau.

Tôi đã nghe rất nhiều người Tây Tạng kể rằng chính họ đã tận mắt chứng kiến điều này ở xử sở họ, nhưng bản thân tôi thì chưa hề được thấy một kỳ công nào như thế.

Riêng đối với những “con trâu điệp sứ”, thì phương pháp mà tôi ghi nhận được tại nơi họ được sát hạch lần cuối lại thể hiện một cách khác hẳn.

Sau thời gian ba năm giam mình trong phòng tối, các tu sĩ được đề cử phải tập trung về Chalu để tham dự kỳ thi tuyển. Ở đó họ cũng bị nhốt trong một căn phòng kín, tối om như một nấm mồ mà tôi sẽ mô tả sau đây. Điểm khác biệt ở đây là lỗ trống để thoát ra được trổ trên tường chứ không phải trên nóc. Tu sĩ dự thi không cần phải tung người nhảy ra khỏi nấm mồ của mình. Nhờ vào một cái ghế đẩu người ta để lại, người đó có thể nhô người ra khỏi cái hố - nơi anh ta phải ngồi suốt bảy ngày. Sau đó, tu sĩ dự thi phải thoát ra ngoài thông qua cái lỗ vuông với kích thước mỗi cạnh bằng một gang tay của mình, mà anh ta tự phải mở rộng ra thêm khoảng hai tấc mỗi chiều. Tu sĩ nào vượt qua đợt thử thách này thì xem như đủ tiêu chuẩn để trở thành “con trâu điệp sứ” mahékétang.

Người ta thấy thật khó hiểu vì sao phương pháp luyện tập bắt một người giam mình bất động trong bóng tối suốt bao năm dài lại có thể giúp người đó đạt đến khả năng di chuyển nhẹ nhàng linh hoạt phi thường như vậy, nhưng cần nhớ rằng phương pháp tập luyện đó không hề liên quan đến vấn đề phát triển thể lực. Dĩ nhiên theo quan điểm của chúng ta, trong những phương pháp rèn luyện cách bước sải chân, vẫn luôn còn nhiều phương pháp khác nữa, gồm những bài tập rèn luyện hợp lý hơn.

Hành giả phiêu nhiên công thứ hai mà tôi gặp cũng không cho tôi cơ hội quan sát khi ông ta đang di chuyển.

Một hôm chúng tôi đang đi trong rừng, trong khu vực của những bộ lạc tự trị Tây Tạng, ở tận miệt Đông vùng Szetchouan. Lúc đó, tôi và Yongden đi bộ trước đoàn người. Đến một ngã rẽ, chúng tôi bất ngờ bắt gặp một người đàn ông trần truồng ngồi trên tảng đá với xích sắt quấn quanh người. Ông ta chìm sâu trong suy tưởng đến nỗi chẳng biết chúng tôi đi đến gần. Chúng tôi sửng sốt dừng chân lại, nhưng có lẽ có dấu hiệu khiến người lạ kia phát hiện ra sự hiện diện của chúng tôi, nên ông ta quay đầu lại và thấy có người đến. Ông ta vụt đứng phắt lên, tung người nhảy vào bụi cây nhanh hơn cả con linh dương, rồi biến mất trong đám lá um tùm. Chúng tôi chỉ nghe tiếng xích sắt khua loảng xoảng đi xa dần, rồi im hẳn.

Yongden liền bảo tôi:

- Đây là một hành giả phiêu nhiên công. Con đã từng thấy những hành giả thế này. Họ đeo sắt vào người để cơ thể nặng thêm, bởi vì khi tập luyện môn loung-gom thì cơ thể họ sẽ nhẹ đến mức họ có thể bị trôi bồng bềnh trong không khí.

Lần thứ ba, tôi gặp một hành giả phiêu nhiên công tại vùng Ga, xứ Kham. Người này bề ngoài trông giống như một aldjorpa bình thường. Aldjorpa là những kẻ nghèo khổ, đi hành hương với bọc vải trên lưng. Có hàng triệu người giống như thế đi hành hương lang thang khắp xứ Tây Tạng, nên chúng tôi cũng chẳng buồn để ý đến một cá nhân riêng lẻ trong đám người đông lúc nhúc đó.

Những kẻ bộ hành nghèo khó đó thường bám theo bất cứ đoàn khách buôn hay nhóm người du lịch nào mà họ bắt gặp trên đường đi. Họ đi theo đoàn tùy tùng, bên cạnh những con vật thồ. Nếu những con vật này chở ít hành lý có thể chạy nhanh, bỏ họ lại đàng sau, thì những kẻ khốn khổ này phải bươn bả tìm cách đi sao cho bắt kịp được đoàn người tại nơi hạ trại khi trời tối. Đối với họ thì điều này không khó lắm. Khi lộ trình dài thì người Tây Tạng chỉ đi những quãng đường ngắn, họ cứ lên đường vào lúc bình minh, đến quá trưa thì dừng chân tại những nơi có cỏ cho gia súc, và nghỉ ngơi cho đến xế chiều.

Những nỗi cực nhọc mà một aldjorpa chịu đựng, khi bôn ba theo cho kịp đoàn người cưỡi ngựa và phụ giúp các tùy tùng làm những công việc lặt vặt, đều được đền bù bằng những bữa cơm hàng ngày, được uống trà nóng và ăn bánh bột tsampa như món đồ bố thí.

Kẻ hành hương này gia nhập đoàn chúng tôi cũng theo tập quán đó. Qua trò chuyện, tôi biết ông ta đã từng ở trong chùa xứ Pabong, và bây giờ lên đường đi đến tỉnh Tsang. Một cuộc hành trình dài như thế mà phải đi bộ, lại phải dừng chân ở các làng mạc để xin ăn, có thể kéo dài từ ba đến bốn tháng. Nhưng những chuyến đi như thế chẳng nhằm nhò gì đối với người Tây Tạng.

Người bạn đồng hành ở chung với đoàn chúng tôi trong mấy ngày thì đoàn ngựa thồ liên tục gặp sự cố, nên chúng tôi chỉ có thể lên đường vào buổi chiều.

Chúng tôi phải băng qua một rặng núi. Vì nhận thấy những con lừa thồ nặng sẽ đến bên kia dãy núi rất trễ, nên tôi và con trai cùng một người tùy tùng đi tiền trạm trước để tìm một bãi cỏ bên bờ suối mà cắm trại.

Khi người chủ đoàn đi trước đoàn người mang hành lý, thì người tùy tùng phải có nhiệm vụ mang theo dụng cụ để pha trà và một ít lương thực, để người chủ có thể dùng bữa mà không cần phải chờ đoàn người đi sau. Người tùy tùng của tôi lo rất chu đáo điều này. Tôi kể chi tiết điều này tưởng chừng như vô nghĩa, nhưng đó là nguyên do giúp tôi lại gặp thêm một hành giả phiêu nhiên công.

Quãng đường cần băng qua để đến ngọn đèo dài hơn tôi tưởng. Tôi biết những con lừa mang nặng hành lý đó khó lòng mà đến được đỉnh đèo trước khi trời sập tối, và không thể để chúng đi xuống dốc đèo trong bóng tối ở phía bên kia sườn núi, nên khi thấy một bãi cỏ xanh gần bờ suối đủ để cho đoàn vật thồ nghỉ ngơi ăn cỏ, tôi liền dừng bước.

Trong khi chúng tôi đang dùng trà và gom phân bò khô để nhóm lửa(5) thì đột nhiên tôi phát hiện, ngay phía dưới chúng tôi, một aldjorpa đang đi lên con đường đèo. Mặc dù con đường rất dốc và hiểm trở, nhưng ông ta di chuyển với tốc độ mau lẹ tuyệt luân. Khi ông ta đến gần thì tôi thấy dáng điệu của ông ta giống hệt như vị hành giả phiêu nhiên công mà tôi đã gặp lần đầu nơi Thébgyai.

Khi đến chỗ chúng tôi, ông đứng bất động như pho tượng gỗ một hồi lâu, đôi mắt cứ đăm đăm nhìn về phía trước. Trong hơi thở hoàn toàn không có gì tỏ ra mệt nhọc, nhưng ông ta lại có vẻ như ngơ ngẩn xuất thần, không hề nói năng hay cử động. Khi cơn xuất thần dần dần tan biến, ông ta mới trở lại trạng thái bình thường.

Tôi bắt chuyện và biết được ông ta đã từng học môn phiêu nhiên công (loung-gom) này từ một vị gomtchén sống gần tu viện Pabong. Sau khi vị sư phụ bỏ đi, ông muốn đến Chalu để tiếp tục học hỏi.

Suốt cả buổi chiều hôm đó, ông ta không nói gì và lộ vẻ buồn rầu. Sáng hôm sau, ông ta thú thực với Yongden rằng ông ta đã rơi vào trạng thái xuất thần ngoài ý muốn, do những mối bận tâm vặt vãnh. Trong khi đi chung với những người tùy tùng dắt lừa, ông ta lộ vẻ bồn chồn nôn nóng. Ông nghĩ đoàn người đi sao quá chậm, và biết chắc chắn thế nào chúng tôi cũng nướng thịt mà ông thấy những người tùy tùng mang theo.

Khi ông ta cùng ba người khác gia nhập đoàn chúng tôi thì bọn họ đều tham gia dựng lều trại, chăm sóc vật thồ và cho chúng ăn khi trời tối. Như vậy, nếu cứ đi đủng đỉnh thế này thì sẽ quá trễ để chuẩn bị bữa ăn tối, chắc đành phải lót dạ bằng nước trà và bánh bột tsampa trước khi đi ngủ.

Ý nghĩ này thôi thúc mãnh liệt đến mức ông ta hình dung thấy ngọn lửa bập bùng, thấy thịt cháy xèo xèo trên than hồng thơm phức, rồi đắm chìm trong tưởng tượng, mà không biết gì đến ngoại cảnh chung quanh. Bị thôi thúc bởi lòng ham muốn được ăn thịt cùng chúng tôi đã khiến ông sải bước đi thật nhanh. Điều này vô tình khiến chân khí phát sinh và ông bước đi đúng với tiết nhịp của bộ môn phiêu nhiên công mà ông đã khổ luyện. Sự kết hợp quen thuộc giữa bước chân theo kiểu này, với những câu mật chú mà ông học từ sư phụ đã khiến cho tâm thức vị hành giả này quay trở lại với bài tập đã thuộc lòng. Sự tập luyện thuần thục giúp ông điều khiển hô hấp đúng theo cách quy định, lời mật chú ăn khớp với làn hơi hô hấp, khiến cơn xuất thần xuất hiện ngay sau đó, nhưng sự tập trung tư tưởng vào những miếng thịt nướng thơm nồng vẫn mạnh nhất và chi phối mọi điều khác.

 Vị hành giả cảm thấy mình có tội. Sự lẫn lộn giữa dục vọng thấp hèn với những câu mật chú và bài tập loung-gom đã trở thành sự báng bổ thực sự đối với ông ta.

Vị Lạt-ma con nuôi của tôi quan sát không sót những điều kín đáo tế nhị này và kể lại cho tôi nghe. Điều này khiến tôi thấy thú vị, nên cất tiếng hỏi với aldjorpa kia về những bài luyện tập môn loung-gom. Ông ta cứ lầm lì và trả lời nhát gừng. Tuy vậy, tôi cũng nắm bắt được một số thông tin để củng cố thêm những điều tôi đã biết.

Sư phụ ông bảo rằng hoàng hôn và đêm tối là những thời điểm thuận lợi cho một hành giả phiêu nhiên công. Ông ta đã khổ luyện môn này bằng cách chăm chú nhìn lên bầu trời đầy sao.

Tôi đoán chừng rằng các vị thầy Tây Tạng luôn bắt môn đồ phải thề không được kể lại cho bất kỳ ai những điều đã học, nên những câu hỏi của tôi làm cho ông ta khó chịu.

Đến ngày thứ ba của cuộc hành trình có cuộc gặp gỡ bất ngờ này, vào một buổi sáng sớm, khi thức dậy, chúng tôi mới hay vị hành giả phiêu nhiên công kia đã bỏ đi mất. Ông ta đã vội vã lên đường trong đêm, hẳn lại phải nhờ đến những bài tập về phiêu nhiên công, nhưng lần này là vì động cơ cao quý chớ không phải vì một miếng thịt thơm tho.

Từ những thông tin thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, tôi có thể phác họa phương pháp luyện tập môn phiêu nhiên công này một cách đại khái như sau:

Bước đầu tiên, trước khi bắt đầu tập luyện thì hành giả phải nhận lễ thụ pháp. Tiếp theo đó, người đó phải khổ luyện nhiều phương pháp hô hấp khác nhau dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy lão luyện. Khi môn đồ đã có những tiến bộ nhất định thì mới được phép tập luyện các bước khinh hành.

Đến giai đoạn này thì người môn đồ lại nhận lễ thụ pháp lần thứ hai, và vị thầy dạy cho các câu mật chú. Hành giả phải tập trung toàn bộ tư tưởng vào việc trì niệm các câu mật chú theo đúng tiết tấu, sao cho phải mỗi âm thanh đều hòa nhịp với bước chân.

Khi bước đi thì hành giả không được nói, không được nghĩ đến điều gì cả, không được quay sang trái hay sang phải. Anh ta phải dán đôi mắt vào một đối tượng nào đó thật xa, và không được xao lãng để chuyển sang bất kỳ một đối tượng nào khác.

Khi đạt đến trạng thái xuất thần, thì ý thức - dù lúc này gần như bị hủy bỏ hoàn toàn - vẫn còn hoạt động để giúp hành giả phiêu nhiên công tránh được những chướng ngại vật trên đường đi, và hướng dẫn hành giả đi đúng hướng để đến mục đích. Tuy nhiên hai điều này tự động phát sinh chứ không hề có sự suy tưởng của hành giả trong trạng thái xuất thần.

Sa mạc bao la, thảo nguyên bát ngát và đồng bằng mênh mông vào lúc hoàng hôn là những điều kiện thuận lợi cho môn phiêu nhiên công.

Cho dù có bị mệt mỏi, vì phải chạy cả ngày qua suốt một đoạn đường dài, thì hành giả phiêu nhiên công vẫn dễ dàng đạt được trạng thái xuất thần khi chiều xuống. Họ không còn cảm thấy mệt nhọc nữa, và có thể tiếp tục vượt qua những đoạn đường dài hàng vài chục cây số.

Bình minh cũng là thời điểm thuận lợi, nhưng kém hơn.

Lúc giữa trưa và gần chiều, những thung lũng quanh co nhỏ hẹp, những con đường mấp mô gồ ghề, những khu rừng rậm rạp là những điều kiện không thuận lợi cho môn phiêu nhiên công, chỉ có những hành giả lão luyện thượng thừa mới có thể vượt qua những trở ngại này.

Từ cách giải thích này, tôi có thể suy ra rằng người Tây Tạng xem sự đồng dạng của cảnh vật và sự vắng mặt của hầu hết những sự vật gây ấn tượng là điều kiện dễ làm phát sinh trạng thái xuất thần. Rõ ràng một hoang nguyên bao la sẽ giúp tinh thần dễ tập trung, ít bị xao lãng việc trì niệm mật chú và điều khiển hô hấp điều hòa, hơn là các khe đèo rậm rạp hay suối nước rì rào v.v… Còn chuyện giữ cho đôi chân chạy đều đặn sẽ khó mà thực hiện được trên vùng đất mấp mô gập ghềnh.

Kinh nghiệm của cá nhân tôi về bộ môn này, dù hạn hẹp đến mấy, vẫn cho phép tôi nói thêm rằng những vùng không gian hoang vu vô tận là những địa điểm dễ làm phát sinh trạng thái xuất thần; một khu rừng với những hàng cây cao thẳng tắp không có cành lá xum xuê rủ xuống, không có bụi cây chắn lối và có một con đường bằng phẳng chạy qua cũng là điều kiện thuận lợi cho môn phiêu nhiên công. Có thể sự đồng dạng của phong cảnh, sự vật khắp nơi đều giống như nhau cũng là nguyên nhân của trạng thái này. Tuy vậy, nhận định của tôi chỉ dựa trên những quan sát cá nhân từ các khu rừng ở Poyul, trong khi những nghiên cứu của tôi về phiêu nhiên công được thực hiện tại nơi đây, trên đường đến Lhassa.

Bất kỳ một đêm sáng trời nào cũng được xem là tốt cho những hành giả nhập môn, nhưng tốt nhất vẫn là đêm đầy sao. Người thầy thường hướng dẫn môn đồ phải tập trung toàn bộ tư tưởng vào một ngôi sao duy nhất, điều này giống như trạng thái bị thôi miên. Tôi thường nghe kể có nhiều môn đồ đang chạy phải ngừng lại đột ngột bởi ngôi sao mà họ đang dõi nhìn bỗng nhiên biến mất, có thể vì nó chìm khuất cuối chân trời, hoặc nhô lên cao rồi trôi qua trên đầu, hoặc bị núi non che khuất hoặc đổi hướng đi.

Một số người khác thì không quan tâm đến việc ngôi sao biến mất, bởi vì khi ngôi sao vừa xuất hiện thì họ tạo ngay hình ảnh của ngôi sao đó trong tâm thức, và nó luôn chiếu sáng trước mắt họ.

Nhiều hành giả lão luyện khẳng định rằng sau một thời gian dài khổ luyện thì một hành giả phiêu nhiên công có thể chạy trên những quãng đường dài mà chân không hề bén đất, và họ lướt bay trên không với tốc độ kinh hồn.

Một số hành giả phiêu nhiên công làm ra vẻ như đã luyện đến mức thượng thừa đó bằng cách quấn xích sắt đầy người.

Bỏ qua những điều ba hoa khoác lác, chỉ dựa vào kinh nghiệm ít ỏi của bản thân tôi về môn phiêu nhiên công và từ những gì học được nơi các vị Lạt-ma khả kính, tôi kết luận rằng lúc đó người ta đã không còn cảm nhận gì về sức nặng của thân xác nữa. Một dạng gây tê cũng làm giảm đi cảm giác đau đớn do sự va chạm giữa bàn chân với sỏi đá hay những chướng ngại vật trên đường, và khi chạy hàng giờ với tốc độ phi thường, hẳn người ta cũng cảm nhận được cảm giác chếnh choáng đê mê của những tay đua mô tô, khi chạy xe hết tốc lực.

Người Tây Tạng phân biệt rất rạch ròi những bước chân có chủ ý của các hành giả phiêu nhiên công với những bước chân không chủ đích của những người rơi vào trạng thái xuất thần vì bị “ma nhập” hay “quỷ ám” (pawo).

Những nạn nhân của căn bệnh kỳ lạ này rất dễ gặp ở vùng núi Hy Mã Lạp Sơn. Tôi có biết một cô nông dân đáng yêu, đầu óc mạnh khỏe bình thường, nhưng lại mắc căn bệnh này mà không sao chữa khỏi. Nhiều lần, trong lúc đang dùng bữa ở nhà chồng, đột nhiên cô đứng phắt dậy, lao ra khỏi nhà rồi chạy băng qua khu rừng với tốc độ nhanh không thể tả, mà không ai ngăn lại nổi. Vào mùa mưa, cô băng qua những con suối chảy xiết, nước ngập đến bụng, nhưng cô hoàn toàn mất hết ý thức nên không có cảm giác nào. Thường thì trong những lần như vậy, cô lại chạy về nhà bố mẹ.

Khi tỉnh khỏi trạng thái xuất thần đó, và dần dần hiểu rõ những điều xảy ra, cô òa lên khóc nức nở và lòng buồn chán ngán.

Người dân nơi đây tin rằng khi những người bị ma nhập đang chạy trong trạng thái xuất thần mà ta ra sức giữ lại thì họ sẽ chết.

Tôi xin nhắc lại, những hiện tượng này hoàn toàn không liên quan gì đến môn phiêu nhiên công.

Các vị Lạt-ma thông thái nhất không bao giờ phủ nhận những hiện tượng diễn ra trong thực tế khi luyện tập phiêu nhiên công, và họ cũng không xem đó là điều quan trọng. Thái độ của họ đối với bộ môn này giống như thái độ Đức Phật trong câu chuyện sau đây:

Một hôm, Đức Phật đang đi cùng vài môn đồ thì gặp một vị ẩn tu khổ hạnh gầy gò xanh xao, sống trong thảo am ở giữa rừng. Bậc đạo sư dừng bước và hỏi ông ta đã tu khổ hạnh ở nơi đây được bao lâu.

- Đã được hai mươi lăm năm rồi - vị tu sĩ đáp.

Đức Phật liền hỏi thêm:

- Sau bao nhiêu năm tu hành khổ hạnh như vậy, ông đã đạt được cái gì?

Vị ẩn sĩ đáp với giọng đầy kiêu hãnh:

- Tôi có thể đạp nước qua sông.

Đức Phật thương hại nói:

- Ôi vị đạo hữu đáng thương! Việc gì ông phải bỏ ra ngần ấy năm trời để làm một điều mà người khác dễ dàng thực hiện với mấy xu tiền đò.

Alexandra David-Néel  - Huỳnh Ngọc Chiến dịch

(Trích dịch từ sách Mystiques et Magicciens du Tibet, Alexandra David-Néel, NXB. PLON, 1929)

 ___________

(1) Bản dịch được thực hiện theo nguyên bản tiếng Pháp Mystiques et Magicciens du Tibet, NXB PLON, 1929, các trang 207-223. Thuật ngữ Loung-gom thường được dịch là “khinh công”, tôi dịch là “phiêu nhiên công” vì đây là công phu tập luyện kết hợp thân tâm một cách hài hòa, giúp thân thể nhẹ nhàng phơi phới khi di chuyển, với vẻ mặt thản nhiên không quan tâm đến ngoại cảnh.

- Những ghi chú là của người dịch, trừ ghi chú có ghi (T.g) là của nguyên tác.

(2) Ðây là vị Lạt ma Tây Tạng trẻ tuổi Yongden, người cộng sự lâu năm với tác giả và được tác giả xem như là con nuôi.

(3) Tức vào thời bà David-Néel viết sách này. Ðó là Ban Thiền Lạt-ma Erdeni Choekyi Nyima (1883-1937), người chủ trì công trình đúc pho tượng Phật Di Lặc khổng lồ tại tu viện Koum-Boum. Người Trung Quốc phiên âm là Khúc Cát Ni Mã (曲吉尼馬).

(4) Bản tiếng Anh gọi tên đàn tràng này là dubthab.

(5) Ðộc giả nên biết ở Tây Tạng có những địa phương không hề có rừng, nên chất đốt quen thuộc ở nơi đó là phân gia súc phơi khô. Ở những nơi đoàn gia súc thường đi qua thì khách đi đường gom các phân khô đó để dành làm chất đốt khi hạ trại. (T.g).

LTS: Nguyệt san Giác Ngộ số 189, ra vào giữa tháng 12-2011 với chủ đề Người cư sĩ và vấn đề tiền bạc, tài sản với nhiều bài nghiên cứu sâu sắc. Bạn đọc có thể tìm mua tại các sạp báo, địa chỉ phát hành báo Giác Ngộ trên toàn quốc, hoặc gọi về Phòng phát hành Giác Ngộ để đặt mua. ĐT: 08.39300675 - 39306982. 

Giá bìa: 8.500 đồng/cuốn.

bia 1.jpg

Bìa NSGN số 189 - Thiết kế: Nhuận Thường

http://giacngo.com.vn/vanhoa/phatgiao/2011/12/29/5B7003/


Âm lịch

Ảnh đẹp