14/09/2013 16:49 (GMT+7)
Số lượt xem: 2025
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Việt Nam cùng các nước ở Đông Á sắp đón Tết trông trăng. Cùng với một ý nghĩa đoàn viên, mang hạnh phúc, vui vẻ cho trẻ em, tết trông trăng của người Việt còn mang riêng màu sắc, hồn cốt quê hương với chiếc đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy…


  và đặc biệt không thể thiếu mâm quả đêm rằm.

Mỗi rằm tháng 8, người dân đất tổ Tò he (thôn Phượng Dực, xã Xuân La, Hà Tây) lại dâng lên tổ tiên mâm ngũ quả bằng bột nặn tò he, mong một mùa an vui, hạnh phúc.
Mỗi rằm tháng 8, người dân đất tổ Tò he (thôn Phượng Dực, xã Xuân La, Hà Tây) lại dâng lên tổ tiên mâm ngũ quả bằng bột nặn tò he, mong một mùa an vui, hạnh phúc.

Tết trung thu, trái cây mùa thu đang vào vụ, mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên cũng mang đậm hương sắc trái chín mùa thu. Đó là nải chuối chín vàng thơm lừng, là trái hồng đỏ mang hi vọng, là trái na nhiều hạt đen nhánh mang ước nguyện lộc nở, sinh sôi, là trái bưởi mang những điều mát lành và trái lựu chứa đựng bên trong những ngọt ngào, may mắn. Mâm quả có xanh, có chín, như quan niệm của người xưa, màu xanh của hoa quả mang tính âm, trái chín mang tính dương. Mâm ngũ quả là tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ.

Ngày nay, với nhu cầu thẩm mĩ cao, để có mâm ngũ quả đẹp dâng lên tổ tiên ngày Tết trông trăng, có khi cả chục loại quả được xếp vào đĩa, người ta vẫn chẳng ai gọi là “khay/đĩa thập quả”. “Mâm ngũ quả” hàng trăm năm nay vẫn được người Việt gọi tên - dù đang xa xứ hay ở quê nhà thể hiện tấm lòng, sự tôn kính dâng lên tổ tiên, mong may mắn, hạnh phúc về với gia đình, dòng họ.

Bên cạnh mâm ngũ quả dâng lên tổ tiên ngày Tết trung thu, mâm quả để trẻ con phá cỗ đêm rằm cũng là một nét đẹp riêng trong văn hóa Việt Nam.

 Mâm quả tết Trung thu truyền thống của những gia đình Việt Nam - hài hòa các hương vị mùa thu của hồng, bưởi, chuối, na…
Mâm quả tết Trung thu truyền thống của những gia đình Việt Nam - hài hòa các hương vị mùa thu của hồng, bưởi, chuối, na…

Bà Đào Lệ Mão, 77 tuổi, một người Hà Nội gốc ở phố Bát Đàn kể lại những tết Trung thu từ ngày xa xưa, khi bà còn là thiếu nữ đất Hà thành: “Mỗi gia đình quây quần ăn bữa cơm tối với các đồ cúng gia tiên, sau đó sửa soạn mâm quả trông trăng.” Bà kể, tương truyền xa xưa, khi dân ta đang đón Tết trông trăng, có con sư tử tới quấy phá, trong làng có ông cầm gậy tới đánh đuổi được sư tử, cả làng làm mâm cỗ ăn mừng - đó là sự tích cho mâm cỗ ngày rằm Trung thu.

Đa dạng quả và cầu kì hơn với dưa hấu tỉa hoa, mâm quả đêm rằm tháng 8 của người Việt vẫn vẹn nguyên ý nghĩa mong những điều bình an, may mắn.
Đa dạng quả và cầu kì hơn với dưa hấu tỉa hoa, mâm quả đêm rằm Trung thu của người Việt vẫn vẹn nguyên ý nghĩa mong những điều bình an, may mắn.

Mâm cỗ đêm rằm được cha mẹ bày thật đẹp cho các con, trong đó là bánh nướng, bánh dẻo, mía, bỏng gạo và vô vàn các loại cây trái mùa thu. Các mẹ khéo tay còn tết cho con chú cún xinh bằng trái bưởi… Mâm quả đêm rằm là một bản hòa tấu các hương vị mùa thu, đa dạng sắc màu như lời nhắn nhủ của mẹ cha tới các con, cuộc sống vốn là nhiều màu sắc. Cha mẹ cùng ăn bánh, thưởng trăng, uống trà, phá cỗ cùng con, mong cho các con một mùa an vui, một đời hạnh phúc…

Độ non tuần lễ nữa là tới rằm tháng 8, các mẹ, các chị cũng sắm sửa trái cây, rục rịch nhiều địa chỉ trên phố Hà Nội đã nhận tết cún con bằng bưởi, bày mâm ngũ quả đẹp, nhiều trường học, khu phố cũng nhộn nhịp những cuộc thi cho các cháu học bày mâm quả dân gian…

Cuộc sống hiện đại, thật đáng mừng khi nhiều văn hóa đẹp của Việt Nam còn nguyên giá trị trong không ít gia đình truyền thống!

Thúy Hằng

http://laodong.com.vn/Am-thuc/Hon-Viet-qua-mam-qua-dem-ram/27192.bld


Âm lịch

Ảnh đẹp