03/03/2013 17:59 (GMT+7)
Số lượt xem: 82762
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đất nước với quá nhiều lễ hội, nên câu chuyện về nó cũng sẽ không bao giờ dứt. Mùa lễ hội năm nay, người ta lại bàn tiếp về việc trả lễ hội về cho dân hay là Nhà nước tăng cường quản lý; việc nâng cấp lễ hội, quy hoạch lễ hội; việc thương mại hóa và mê tín dị đoan... Tất cả "sôi” lên cùng lễ hội. Cùng đó là nỗi lo lễ hội bị biến dạng.
 

 

Lễ hội Tịch Điền (Đọi Sơn, Hà Nam)
                                                                        Ảnh: Hồng Vĩnh
 
1. Không ít nhà nghiên cứu văn hóa đã lớn tiếng cảnh báo rằng, lễ hội đã mất đi phần hồn mà chỉ còn phần xác. Ngay cả phần xác thì cũng đã xác xơ. Thói ứng xử của con người ngày nay hoặc là gượng ép khiên cưỡng, hoặc là chỉ chăm chú vào lợi nhuận. Vì thế, có người cho rằng đã đến lúc phải  "cấp cứu” lễ hội.
 
Một số nhà nghiên cứu lên tiếng kêu gọi hãy trả lễ hội về cho nhân dân, chính quyền không nên can dự. Lễ hội là từ làng xã, từ người nông dân thì hãy để họ tự tổ chức, tự thực hành. Nếu "quan hóa” thì hồn vía của lễ hội truyền thống sẽ biến mất, chỉ có nhung tuyết mà không còn gân cốt.
 
Chuẩn bị vào lễ
 
GS Ngô Đức Thịnh từng dẫn chứng cụ thể Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ hội phát ấn Đền Trần. Với Lễ hội Đền Trần, ông lưu ý, đây là hội của người dân, do dòng tộc nhà Trần tiến hành để tưởng nhớ tổ tiên của họ, bao nhiêu năm trước đó, nó diễn ra bình yên tốt đẹp. "Thế mà từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, chính quyền nhảy vào đâm thành ra hỏng hẳn, họ biến lễ hội ấy thành "tỉnh hội” rồi tiếp theo là "quốc gia hóa”, gây náo loạn hết cả lên”- ông nói. Từ đó, GS Thịnh đặt vấn đề, phải trả lễ hội đó về cho người dân, để họ tiến hành toàn bộ các nghi lễ, họ muốn phát bao nhiêu ấn thì phát, đừng có can thiệp vào, trừ khi họ làm điều gì vi phạm pháp luật. Với Lễ hội Đền Hùng, trước khi được UNESCO công nhận, ông từng nhận xét rằng việc Nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng các đền thờ, "bê tông hóa” khu vực di tích và hạn chế người dân đến đó để thực hiện nghi lễ, là một điều đáng buồn. "Muốn giữ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không bị biến tướng thì chúng ta phải chú ý "nhân dân hóa” nó chứ đừng làm theo kiểu giữ bo bo tín ngưỡng ấy cho cá nhân nào đó”- GS Thịnh nhấn mạnh. Tương tự quan điểm của GS Ngô Đức Thịnh, một số nhà nghiên cứu văn hóa khác cho rằng, phải để cho người dân thực hành tín ngưỡng thông qua lễ hội với luận điểm: Văn hóa phải thuộc về cộng đồng, nếu tách rời cộng đồng thì văn hóa sẽ chết.
 
Suối Yến trong mùa trẩy hội Chùa Hương
 
2. Chính quyền, nhà quản lý văn hóa cũng đưa ra cái lý của mình. Nếu lễ hội không được quản lý thì sẽ dẫn đến hiện tượng mê tín dị đoan tràn lan, thương mại hóa tràn lan và rất có thể là sự hỗn loạn với những lễ hội quy mô lớn. Về việc phát ấn Đền Trần, người ta đã bàn đi bàn lại, nâng lên đặt xuống rất nhiều lần về cách tổ chức lễ  này. Thực tế cho thấy, nếu không có sự lao tâm khổ tứ của Ban tổ chức do chính quyền địa phương lập ra, trong đó có cả lực lượng cảnh sát thì đêm phát ấn rất có thể sẽ biến thành một cuộc giẫm đạp khiến số người thiệt mạng hoặc thương vong không nhỏ. Năm nào cũng thế, không ít người "thoát” ra khỏi lễ hội đều hú vía cho rằng may có công an, có bảo vệ nếu không thì rất có thể đã… bỏ mạng rồi. Trước mùa trẩy hội chùa Hương, chính quyền đã phải lên rất nhiều kịch bản, có lớp có lang nhằm tránh việc tranh giành khách, chặt chém khách, giẫm đạp lên nhau. Nếu không can thiệp quyết liệt thì dòng suối Yến thơ mộng rất có thể trở thành một nơi "thủy chiến” của hàng ngàn con đò tranh giành khách, cướp khách, hất khách ngã lộn nhào xuống nước.
 
Mới đây, trong lần về dự lễ hội ở Bắc Ninh, chúng tôi hỏi một số người dân lẫn cán bộ văn hóa, cán bộ hành chính rằng, hiện có một luồng ý kiến phê phán sự "quan hóa” lễ hội, họ đánh giá thế nào? Hầu hết đều trả lời rằng, người nào chê "quan hóa” lễ hội là xa thực tế, vì bất cứ lễ hội nào người ta cũng đều mong sự có mặt của "quan” để lễ hội trở nên long trọng. Ngay cả thời phong kiến, lễ hội nơi nào được quan lại triều đình tham dự thì sẽ lấy làm vô cùng hãnh diện. Đó là tâm lý người dân chứ không phải là điều xa lạ gì. Lễ hội vẫn là của dân, người dân vẫn là chủ thể chứ "quan” có tranh mất đâu mà sợ. Không nên cực đoan gạt "quan” ra khỏi lễ hội, nhưng "quan” cũng không nên can thiệp quá sâu, lái lễ hội theo ý của mình. Nỗi sợ ở đây là sự thiếu hiểu biết của "quan” sở tại, có nghĩa là Ban tổ chức và đội ngũ cán bộ văn hóa địa phương. Do không thật hiểu thế nào là phần lễ, thế nào là phần hội trong một lễ hội, nên cứ làm lộn tùng phèo cả lên. Trong khi người ta đang tiến hành phần lễ mà tiếng loa vẫn oang oang, hết "chỉ thị” nọ đến "quyết định” kia răn đe người dự lễ hội, làm mất cả tính uy nghiêm của lễ lẫn tính chan hòa, vui vẻ của hội.
 
Một màn trình diễn trong hội làng Triều Khúc (Hà Nội)
 
3. Nhưng, bất chấp các ý kiến của những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa truyền thống cũng như tiếng loa răn đe của Ban tổ chức, người ta vẫn nườm nượp đi lễ hội. Có người, trong một mùa lễ hội đi đến cả chục nơi, bỏ cả công to việc lớn, bỏ cả chồng con mà đi lễ hội. Dự lễ hội ở làng chưa đủ, thì lên huyện, lên tỉnh, đi sang tỉnh khác. Chưa thỏa, từ miền xuôi, miền biển rủ nhau lên núi đến với Bà chúa Thượng ngàn. Cứ nghe ở đâu có lễ hội to, ở đâu "thiêng” là đến. Kêu khổ kêu sở, kêu bị "chặt chém”, bị mất cắp… nhưng đi thì vẫn cứ đi. Nhìn cái cảnh nhiều cụ bà lưng còng tóc bạc leo vài trăm bậc trong Lễ hội chùa Hương, Yên Tử không khỏi ái ngại, nhưng người trong cuộc vẫn cứ dẻo chân. Đa số không cần hiểu ý nghĩa sâu xa của lễ hội, mà chỉ là đến với tinh thần lễ hội mà thôi.
 
Chính vì "cái chí” đó của dân mà người tổ chức lễ hội cần phải làm cho tốt. Hội thảo thì cũng tốt, nhưng không nên cứ bàn đi bàn lại mãi,  "ngôn” lên hết ý kiến nọ đến ý đồ kia mà rốt lại lễ hội vẫn cứ lùm xùm, người tham dự vẫn bị "chặt chém”, vẫn bị mất tiền oan để mua cái bực vào người. Cũng không nên chê dân là không hiểu sự tâm linh của lễ hội, bởi có nhất thiết ai cũng phải hiểu cội rễ của lễ hội này, lễ hội kia là gì đâu. Họ đi hội là để hòa nhập cộng đồng, để phấn chấn trong cuộc sống, thấy lòng nhẹ đi là đã quý lắm rồi.
 
Năm nào cũng diễn ra cảnh chen lấn,
xô đẩy trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định)
 
Nhưng dẫu thế, vẫn phải nói đến một số chuyện của lễ hội thời nay mà kinh nhất là chuyện thương mại hóa. Đồng tiền trùm cả lên lễ hội. Tràn lan các mẹt hàng, quầy hàng với thượng vàng hạ cám đủ loại hàng hóa. Viết sớ cũng vì tiền, sóc thẻ cũng vì tiền, đến độ một số nơi còn có cả một đội "cửu vạn” cõng người thuê vượt dốc. Vì sao có chuyện đó? Là vì chính quyền được tiền, ban tổ chức được tiền, những người "dây máu ăn phần” được tiền, người bán hàng được tiền…, cho đến cả nhà chùa, nhà đền cũng được hưởng "giọt dầu”. Thế là tinh thần thương mại trong lễ hội ngày càng được đẩy cao. Có thể có điều này điều kia, nhưng nhất thiết phải giữ cho được sự trong sáng của tinh thần lễ hội, không thể để đồng tiền khuấy đảo như hiện nay bởi vẫn có nhiều người ngầm hiểu rằng mỗi mùa lễ hội là một mùa làm ăn, mùa chia chác. Bàn luận gì thì bàn luận, cảnh báo gì thì cảnh báo, báo động gì thì báo động, nhưng nếu không bắt tay vào "xử” việc này thì mỗi mùa lễ hội sẽ vẫn là một mùa tai tiếng.
 
GS. NGÔ ĐỨC THỊNH: Lễ hội là sáng tạo của người dân, nó gắn với cộng đồng làng xã. Có một thời kỳ người dân bị "đẩy” ra khỏi lễ hội. Nhà nước phải tạo điều kiện; nhà khoa học phải giúp cho người dân trong việc thực hiện quyền làm chủ. Thời gian trước, tại lễ hội Lam Kinh, người ta còn cử đoàn văn công về tế. Tôi rất lạ, dân làng ở đâu?
 
PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI: Để Nhà nước quản lý lễ hội hoặc trả lễ hội về cho dân, cả hai quan điểm này đều cực đoan. Một hoạt động có hàng vạn người tham gia mà không được quản lý, chính quyền buông thì tôi e rằng loạn.
 
GIA LINH

Nguon: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&Chitiet=61392&Style=1


Âm lịch

Ảnh đẹp