Một đất nước có đến 54 dân tộc anh em, với những vùng
đất có lịch sử mấy ngàn năm, lại có những vùng chỉ mấy trăm năm. Về mặt
địa lý, đất nước ta hẹp chiều ngang, phát triển chiều dài nên ba miền
Bắc Trung Nam cũng là ba vùng văn hóa khác nhau cho nên tìm một vẻ đẹp
chung về mặt con người hoặc trong nghệ thuật là điều không tưởng, nói
cách khác là không nên đặt vấn đề này ra.
Trừ khi giới hạn nó ở người Kinh là tộc người chủ yếu và đại diện cho
người Việt. Điều này, trong câu chuyện "đại đoàn kết dân tộc" thì cũng
không nên. Những bức tượng nhà mồ của các tộc người thiểu số ở Tây
Nguyên rất đẹp, mộc mạc, giản dị và ngược lại, điêu khắc của người Chăm
lại là vẻ đẹp của tinh xảo, cầu kỳ, kỹ lưỡng, cân đối. Ngay cả trong
cùng một tộc người cũng vậy, chắc chắn một điều, chưa bao giờ người
Thái trắng (ở Mai Châu - Hòa Bình) nghĩ mình đẹp hơn người Thái đen (ở
sông Mã - Sơn La). Nước da trắng, đen, vàng hoặc bánh mật đều đẹp. Có
lẽ đã đến lúc cho bán nhưng hạn chế quảng cáo vô tội vạ các loại xà
phòng, sữa tắm để tẩy trắng da. Tại sao ở một nước nông nghiệp mà lại cổ
súy cho làn da trắng! Ai cũng suy tôn da trắng thì sẽ không có ai muốn
làm nghề nông.
Sự mù quáng của các giám khảo những cuộc thi hoa hậu lớn bé đang tạo
ra một vẻ đẹp giả tạo, một biểu tượng giả về vẻ đẹp Việt. Họ đang áp đặt
những vẻ đẹp Âu - Mỹ vào người Việt. Tôi cùng một đoàn họa sĩ Việt Nam
đi triển lãm ở châu Âu, một hôm chúng tôi ngồi café vỉa hè ở Amsterdam
(Hà Lan), bên kia đường là nhà ga xe lửa và một khu vực ăn chơi xanh đỏ
gì đó, tất cả đều có chung nhận định: "Người châu Âu hình như không có
ai xấu, ai ai cũng trắng trẻo, cao ráo, sáng sủa. Tại sao nước mình cứ
tổ chức thi hoa hậu nhỉ? Người đẹp nhất Việt Nam cũng chỉ đẹp bằng người
bình thường của họ". Đó là cái lỗi của hệ thống chấm thi hoa hậu Việt
Nam (người Việt nhưng chấm theo tiêu chuẩn châu Âu). Nói dài thế cũng
chỉ để nhắc lại: đẹp thì phải khác, mỗi quốc gia mỗi thời kỳ sẽ có một
vẻ đẹp khác nhau.
Ảnh minh họa: vnexpress |
Nước Pháp có cái lệ là mỗi giai đoạn họ lại tìm một người đàn bà đẹp
làm biểu tượng cho mình. Ví dụ, họ đã từng chọn Catherine Deneuve, một
vẻ đẹp rất Pháp, chứ ai lại chọn diễn viên người Anh, Vivien Leigh, hay
Củng Lợi, diễn viên Trung Quốc, cho dù hai cô này đều đẹp. Có thể hiểu
rằng quan niệm về vẻ đẹp phụ nữ ở mỗi quốc gia là khác nhau. Lào,
Campuchia, Congo, Thụy Điển nếu tổ chức thi hoa hậu thì tôi đoan chắc
rằng họ cũng sẽ trao vương miện cho một cô gái nào đó tiêu biểu cho vẻ
đẹp của đất nước họ. Chắc là chẳng ai lại đi lấy lấy vẻ đẹp mắt xanh tóc
vàng của các cô gái Bắc Âu để làm tiêu chí cho các cuộc thi sắc đẹp ở
các nước Phi châu và ngược lại. Ví dụ, mang tiêu chuẩn đẹp của hoa hậu
Cameroon ra để chấm thì các cô hoa hậu châu Âu và Mỹ sẽ trượt hết. Chẳng
hiểu mấy vị giám khảo của các cuộc thi hoa hậu quốc tế lấy tiêu chuẩn
nào để chấm? Khi mà các cuộc thi đó hội tụ đầy đủ các cô gái đến từ khắp
các châu lục. Liệu có một vẻ đẹp lý tưởng chung cho tất cả không?
Chương Tề Vật luận trong Nội Thiên của Nam Hoa Kinh, ông Trang Tử chủ
trương về sự ngang bằng. "Con người ngồi trên cành cây thì run sợ nhưng
loài khỉ thì thích thú. Vậy chỗ nào là chỗ ở lý tưởng. Con cú mèo, con
quạ thích ăn chuột còn con trâu con ngựa thích ăn cỏ. Vậy đâu là thức ăn
lý tưởng? Nàng Mao Tường, nàng Lệ Cơ nhan sắc diễm lệ, ai thấy cũng ưa
nhìn nhưng hươu nai thấy thì bỏ chạy, vậy đâu là cái đẹp lý tưởng?".
Các cuộc thi hoa hậu của Việt Nam từ trước đến nay có lẽ nên đổi tên
thành cuộc thi của các cô gái dài chân hoặc hoa hậu bóng chuyền thì
chính xác hơn. Tại sao lại cứ khư khư ôm cái tỷ lệ của người Âu, Mỹ về
để làm thước đo cho các cô gái Việt?
Trong chữ đẹp đã hàm chứa chữ khác biệt nếu không muốn nói đẹp là
phải khác biệt. Làm gì có một tiêu chuẩn chung về đẹp vừa khít cho tất
cả các cô gái từ Nhật Bản cho tới Peru, từ nước Nga cho tời Bờ Biển Ngà.
Ngay cả ở Việt Nam cũng vậy, không nên so sánh vẻ đẹp của một cô gái ở
Đồng bằng Sông Cửu Long với vẻ đẹp của một cô người dân tộc Thái. Cũng
như không nên lấy vẻ đẹp của một cô gái Hà Nhì ở Lào Cai để làm tiêu chí
chấm thi cho cuộc thi sắc đẹp của các cô gái H'mông.
Tôi đã khảo sát hầu hết các pho tượng người trong các ngôi chùa ở
miền Bắc Việt Nam, tỷ lệ thường thấy là khoảng từ 4,5 đến 5 đầu (có
nghĩa là chiều cao của một người Việt là bằng 4,5 đến 5 lần khoảng cách
từ cằm đến đỉnh đầu) trong khi người châu Âu là 7 đến 8 đầu. Có lẽ đã
đến lúc nên bỏ quan niệm cao là đẹp, chỉ cao mới là hoa hậu. Cuộc thi
sắc đẹp phụ nữ Việt và cuộc thi xem ai cao nên tách ra làm hai cuộc thi
khác nhau.
Không hề có ý định tán tụng vẻ đẹp thấp bé nhưng rõ ràng người Việt
và người châu Á nên có một hình mẫu riêng, không nên áp dụng tỷ lệ thân
hình của các cô gái châu Âu làm tiêu chuẩn. Ngay cả vẻ đẹp của khuôn mặt
cũng vậy. Không nên lấy đặc điểm mặt của người châu Âu, tóc quăn vàng
hoe, mũi lõ, mắt xanh để làm khuôn mẫu.
Vẻ đẹp Việt là vẻ đẹp của vóc dáng thon thả, thanh mảnh, của mỏng mày
hay hạt, ngực nhỏ, của tóc dài, của mắt một mí gần như đã hoàn toàn bị
quên lãng.
Vẻ đẹp Việt nếu nhìn rộng ra trong khái niệm văn hóa thì sẽ thấy bất
luận loại hình nghệ thuật nào từ xưa đến nay đều là vẻ đẹp của nhỏ bé,
nhỏ nhưng vẫn đẹp. Đẹp nhỏ.
Mỗi quốc gia có một tiêu chuẩn riêng về nét đẹp của phụ nữ. Mỗi một
thời lại có một quan niệm riêng về đẹp. Từ nét đẹp của những vũ nữ trong
điêu khắc Chăm thế kỷ X, XI hoặc tượng bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng chùa
Dâu thế kỷ XVIII, đến nét đẹp thời hiện đại như Thiếu nữ bên hoa huệ (Tô Ngọc Vân, sơn dầu, 1943) hoặc Thiếu nữ và hoa (Nguyễn Sáng, sơn dầu, 1972) không giống nhau.
Trên cái nền chung, khá trừu tượng và chỉ có tính chất tương đối, mỗi
người lại có quyền nêu định nghĩa về vẻ đẹp phụ nữ cho riêng mình.
Ông cậu tôi chỉ thích những cô gái đậm người, tóc dài đến eo. Bạn tôi
không thích những cô gái có thân hình bốc lửa, anh ta bảo đó là vẻ đẹp
thiếu an toàn, người em tôi lại thích những cô miệng rộng, mắt xếch, tóc
ngắn. Tôi hay đùa nó, em chở cô ta đi ngoài đường, anh nhìn tưởng hai
thằng đèo nhau. Nó cãi: "Nhưng em thích". Một người bạn khác của tôi có
cô bạn gái cao lớn, tôi nói: "Đứng nói chuyện với cô ta không mỏi cổ
à?". Anh ấy bĩu môi: "Những cô cao cao đi cạnh bạn trai thấp hơn mình
đang là mốt đấy ông anh ạ".
Đúng là bách nhân, bách tính, Đẹp là khái niệm rất động và mở, khó
chỉ ra cụ thể. Cho nên các cô người mẫu, hoa, á hậu cũng nên biết, nên
hiểu mọi sự chỉ là vừa phải và mình cũng nên vừa vừa phai phải thôi.
Đẹp không định nghĩa được còn có thể hiểu trên một khía cạnh khác.
Đẹp mà vô duyên mà không có tri thức, không có văn hóa thì sao đây, thì
có còn đẹp nữa không? Có phải lúc nào các người đẹp cũng chỉ đứng trước
ống kính để chụp hình in lịch hoặc đi đi lại lại trong các clip ca nhạc,
hoặc quay chụp để quảng cáo sản phẩm đâu. Các mỹ nhân ấy còn phải sống
trong đời sống (làm việc, giao tiếp, quan hệ, yêu đương...) nữa chứ.
Duyên không học được, tri thức, văn hóa học được nhưng không thể trong
một thời gian ngắn là có, nó là cả một quá trình tích lũy dài lâu. Nào
đâu đã hết cứ giả sử rằng có những người đàn bà vừa đẹp, vừa duyên, vừa
có tri thức, có văn hóa nhưng không biết là họ có hạnh phúc không nhỉ?
Đẹp mà bất hạnh thì tốt hơn là ít đẹp nhưng nhiều hạnh phúc? Bởi vì đẹp
nhiều khi đồng nghĩa là mất đi điều gì đó.
Tạng của người Việt là nhỏ, người Việt không nên chạy theo cái hoành
tráng. Những tinh hoa trong nghệ thuật Việt đều là nhỏ. Từ mấy con rối
nước có từ đời Lý đến con tò he, đến điêu khắc trong đình chùa v.v...
đều là cái đẹp của sự nhỏ nhắn. Thử hình dung những pho tượng Thị giả
trong chùa Bút Tháp mà lại cao lênh khênh thì còn đẹp hay không? Không
cứ to cao dài mới là đẹp. Bất kể một ngôi đình nào, bạn hãy đo cho tôi
khoảng cách từ hiên đến tầu mái thì sẽ thấy rất thấp, sẽ thấy tỷ lệ của
người Việt. Từ nhà cho đến đình đền chùa của người Việt đều thấp, chỉ có
nhà thờ công giáo mới cao. Các cô hoa hậu, á hậu nếu đi thăm đình,
không chú ý rất dễ bị cộc đầu.
Đẹp trước tiên là phải cho mình và của mình. Hoa hậu của người Việt
phải tôn vinh vẻ đẹp Việt. Hoa hậu Việt đi thi hoa hậu thế giới cũng
phải cho thế giới thấy vẻ đẹp riêng biệt của người Việt. Đẹp tức là
riêng là khác biệt.
Theo Tạp chí Lifestyle