Du lịch nước ngoài trong mắt người ViệtMột thống kê nho nhỏ của Hiệp hội Lữ hành VN, cả nước hiện có hơn 1.000 công ty lữ hành quốc tế, trong đó chỉ khoảng 30% là kinh doanh mảng du lịch đưa khách vào VN - inbound, 70% còn lại là kinh doanh khách VN du lịch nước ngoài- outbound. Nhưng số lượng không làm nên giá trị của những chuyến đi.
Du khách nước ngoài, trước khi đến nơi nào họ tìm hiểu rất kỹ về nơi đó. Không chỉ về lịch sử, văn hóa, luật pháp mà còn cả về giá cả, khoảng cách đường đi, phương tiện di chuyển…, từ cái lớn nhất là toàn cảnh quốc gia đó nói chung đến nhỏ nhất, để có thể tận hưởng, thử nghiệm thậm chí là khám phá nghiên cứu những gì chưa từng biết, để chuyến đi có giá trị “đáng đồng tiền bát gạo” bỏ ra. Trong khi đó, du khách VN thì hầu như đi du lịch theo cảm tính, ngẫu hứng, với quan niệm đơn giản du lịch là đi chơi, thư giãn, “đi cho biết người biết ta”, thậm chí là đi để tiêu tiền, để khoe khoang như người “sành điệu”, cần gì phải tìm hiểu về nơi sẽ đến (đã có hướng dẫn viên), nơi nào nhiều người đi thì rủ nhau đi…
Đi du lịch với người VN không phải là dịp để khám phá, thưởng thức hay tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý…, của nơi mình đến, để tăng thêm vốn kiến thức, tri thức về thế giới xung quanh và những trải nghiệm về cuộc sống, mà nhiều khi chỉ là thú vui “tiêu” cho hết thời gian rỗi khi có tí “rủng rẻng” trong túi, hay theo trào lưu, theo mode, thậm chí có cả số người VN đi du lịch nước ngoài chỉ là để vung tiền ra xem xứ người ăn chơi như thế nào. Rất ít du khách VN ở nước ngoài có nhu cầu “du lịch” đúng nghĩa của nó, vì họ đi không chỉ là du lịch mà còn là đi làm việc, đi có mục đích ngay từ trước.
Chính vì du lịch nước ngoài trong mắt người VN có những cái “lệch chuẩn” như thế, nên ở những địa điểm du lịch nước ngoài, những hỉ - nộ - ái - ố ở du khách VN được thể hiện khá rõ.
Những “lệch chuẩn” của du khách Việt ở nước ngoàiĐến địa điểm du lịch, trong khi du khách nước ngoài thường chăm chú nghe thuyết minh, hỏi han, ghi chép, tìm hiểu cặn kẽ, có nhiều du khách tay còn cầm bản đồ hướng dẫn hay sách kiểu “guide book” về du lịch, thì du khách Việt tham quan lớt phớt “cưỡi ngựa xem hoa”, với ý nghĩ “biết để làm gì”, đi chơi chứ có phải đi học đâu mà ghi chép, tìm hiểu về các địa điểm tham quan. Đã thế, người Việt lại hay có những hành vi “khiếm nhã”, tạo nên hình ảnh “người Việt xấu xí” khi đi du lịch ở nước ngoài.
Khách nước ngoài họ rất có ý thức ứng xử văn minh, giữ gìn trật tự, vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi tham quan du lịch, trong khi khách người Việt thì thường tùy tiện, bừa bãi. Du khách người Việt đi đâu là gây ồn ào (nhiều khi ngay trong thang máy), ở những chỗ đông người bắt buộc phải xếp hàng thì lại thích “chen ngang”. Đã có lần, tôi ngạc nhiên khi thấy du khách Việt chen bật cả khách Tây để lên xe bus ra đường băng sân bay!
Còn việc tự nhiên xả rác, tự ý bẻ hoa, vin cành, viết vẽ bậy, sờ mó hiện vật... dù có hay không những bảng “chú ý”, hay “cảnh báo” ở địa điểm du lịch là chuyện thường ngày.
“Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” là phương châm du lịch đầy ý nghĩa của một trong những “chuẩn” khi đi du lịch bất kỳ đâu, thể hiện sự tôn trọng văn hóa, phong tục, giữ gìn cảnh quan, môi trường ở những nơi đi qua. Với nhiều du khách Việt, du lịch đơn giản chỉ để thể hiện cho người khác thấy mình đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ, hay “hơn người” để khoe, nên việc chụp ảnh là một “công việc” quan trọng bậc nhất khi đi du lịch nước ngoài, để khi về, sẽ “trưng” rất nhiều hình ảnh kiểu như “ta đã đến đây”, “ta đã có mặt ở nơi này”….
Nhưng nếu hỏi các du khách các nơi đã tham quan hình thành như thế nào, tại sao thắng cảnh ấy lại được đánh giá cao, được coi là có giá trị, hay vẻ đẹp của con người, phong tục nơi đó có gì đặc biệt…, có lẽ câu trả lời sẽ chỉ là một nụ cười xòa “biết làm gì lắm thế”, hay đơn giản một cái lắc đầu…
Nhưng cũng chính vì muốn có những tấm ảnh để khoe, du khách Việt đã “tận dụng” tối đa tất cả thời gian và cảnh quan để chụp. Khi mọi người đang cần một sự tĩnh lặng vừa phải để chiêm ngưỡng một di vật hay cảnh quan nào đó, thì người Việt cứ thế tự nhiên nói cười ồn ào lộn xộn, kéo nhau chụp ảnh, chẳng cần để ý đến những biển báo quy định về việc xâm phạm hiện vật hay cấm chụp ảnh (vì không có tiếng Việt nên không cần hiểu!), có khi còn chắn ngang cả tầm mắt người khác, thậm chí đôi lúc còn chổng cả mông vào người ta để chụp một bức ảnh kỷ niệm.
Một thói xấu nữa của người Việt đi du lịch nước ngoài là chuyện ăn uống. Đã thành một thói xấu gần như khó sửa, ở các bữa ăn tự chọn - buffet, người Việt bất chấp cái bụng của mình có thể ăn được bao nhiêu, mà ăn bằng “mắt”, lấy cho sướng tay, đầy ú các đĩa thức ăn, kể cả những món ăn lạ, không hợp khẩu vị, và để trên bàn ngồi ngắm nhìn như thành tích, rồi bỏ đi, trong ánh mắt vừa khó chịu vừa kinh ngạc của những người xung quanh.
Chuyện ăn uống này đã thành câu chuyện buồn của du lịch Việt ở Thái Lan và Singapore. Ở Thái Lan họ treo bảng bằng tiếng Việt “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht (bạt) đến 500 baht. Xin cảm ơn!”. Còn ở Singapore, biển ghi bằng tiếng Việt (và chỉ có duy nhất tiếng Việt): “Lấy vừa đủ ăn”.
|
Một thông cáo buồn cho du khách Việt ở một nhà hàng do người Việt làm chủ - Viêng chăn, Lào. |
Chuyện đi vệ sinh cũng là một chuyện tế nhị, và với du khách người Việt thì phải luôn có sự nhắc nhở “giữ vệ sinh chung”, như nhắc trẻ mẫu giáo, nhưng cũng chỉ là “nước đổ lá khoai”, họ cứ thẳng tiến “vào”, và đi “ra” tự nhiên, để người đến sau phải nhăn mặt bởi những gì người đi trước để lại. Đã có những chuyện cười ra nước mắt ở Châu Âu, du khách Việt bị nhốt trong toilet, bởi muốn của mở ra thì phải có động tác giật nước xả.
Và một chuyện xấu nữa là việc đi mua sắm. Người Việt đi du lịch gần như không có nhiều kiến thức về hàng hóa, nên khi mua sắm, nhiều khi đã trở thành những “trưởng giả học làm sang”, mua sắm vô tội vạ, đua nhau mua theo kiểu “anh có gì ả có đó”, khi mua, lấy hàng chọn hàng vứt bừa bãi lộn xộn, bới tung cả lô hàng…, chưa kể chuyện “rình” để ăn cắp vặt (mà chuyện này cũng trở thành chuyện buồn cho du khách Việt ở Singapore).
Những thói quen xấu của người Việt có thể nói là rất nhiều, nhiều đến mức mọi người cứ coi như đó là chuyện... đương nhiên, kiểu như câu nói bất hủ của GS Hoàng Ngọc Hiến “người Việt mình nó thế”. Và để “kết” cho những thói xấu của người Việt khi đi du lịch nước ngoài, là vấn đề ngoại ngữ. Du khách Việt khá bị động bởi vì gần như rất ít người có thể nói hiểu được tiếng Anh hay vài loại ngôn ngữ thông dụng quốc tế khi ra nước ngoài. Điều đó cũng mang lại sự mặc cảm, tự ti. Đó cũng là điều làm cho người Việt khi du lịch nước ngoài trở nên kém văn minh, lệch chuẩn” trong mắt bạn bè.
Cũng đến lúc cần có một chiến lược “giáo dục” có bài bản từ gốc, có một “sách giáo khoa” du lịch thế nào cho văn minh để người VN đi du lịch ở nước ngoài không còn bị nhìn như những khách du lịch “xấu xí”.