Ngôi tịnh xá đơn sơ mái lá ngày nào nay đã được các đệ tử xây cất lại,
trang nghiêm và thanh thoát. Chỉ tiếc không còn mái “lương đình” vuông
vắn ở góc vườn là nơi xưa kia tôi thường đến thăm Sư, đàm đạo, tham vấn,
học hỏi. “Đàm đạo” với Sư vui lắm, không chỉ nói chuyện kinh sách mà
còn là chuyện văn chương thi phú, chuyện các nhân vật gần xa từ Kim
Dung, đến Bùi Giáng, Nguiễn Ngu Í, Trần Ngọc Ninh, Tuệ Sỹ… đến Không Lộ
thiền sư, Huệ Năng lục tổ…
Tôi biết sư Trí Hải từ lâu, từ hồi cô còn là Phùng Khánh, dịch giả Câu chuyện dòng sông
của Hermann Hess (cùng với Phùng Thăng),1966. Đó là cuốn sách mà đến
nay thỉnh thoảng tôi vẫn còn đọc lại. Cô cũng là người mà khi viết xong
cuốn Nghĩ Từ Trái Tim tôi liền gởi bản thảo viết tay đến nhờ
đọc, góp ý. Ngay sáng hôm sau, cô đã phone bảo tối hôm đó Hốc Môn cúp
điện, cô đã phải đốt đèn cầy mà đọc suốt đêm thứ “chữ bác sĩ” thế này!
Cô bảo được lắm, khuyên nên in ra đi, sẽ giúp ích được cho nhiều người
đó. Rồi cô đọc cho tôi nghe một bài viết của cô về Có Không. Cô cũng góp ý cho tôi vài điểm ở phần kết của cuốn sách.
Về thăm tịnh xá Trí Hải ở Hốc Môn lần này còn có Thầy Hạnh Bảo – là một
người cháu của Sư- vừa ở Đan Mạch về và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, chị
em chú bác ruột của Sư. Tôi đã có dịp nhắc lại những kỷ niệm về Sư thuở
sinh tiền, những điều tôi học hỏi được ở Sư cho các vị đệ tử Sư nghe.
Thầy Hạnh Bảo cũng có một bài pháp thoại ngắn. Buổi họp mặt chân tình và
ấm áp. Thế nhưng, hôm đó tôi chưa có dịp nói cho các cô nghe về bài thơ
tôi viết tặng Sư (2003) và bài họa của Sư ( đã in trong bản thảo Ngọa bệnh ca 2, Trí Hải).
Hai bài thơ này cũng đã được nhà thơ Trụ Vũ viết thành thư pháp trưng
bày ở Thiền viện Vạn Hạnh năm đó trong cuộc triển lãm của ông.
Nay xin “post” lại đây để chia sẻ cùng bè bạn và các vị đệ tử của Sư như một kỷ niệm.
Đỗ Hồng Ngọc
(12.5.2011)
Có Không
Kính tặng Ni Sư Trí Hải
Có có không không có có không?
Không không có có có không không?
Âm vang một tiếng hư không lạnh
Lấp lánh ngàn hoa nguyệt ánh lồng!
Tuyết cũ năm nao còn lắng đọng
Hương xưa ngày đó đã mênh mông…
Áo ai thấp thoáng bên bờ giậu
Vẫn có mà không chút bụi hồng…
Đỗ Hồng Ngọc
(9.5.2003)
Có không mê giác
(họa thơ Bs Đỗ Hồng Ngọc)
Có cũng không mà không cũng không
Giác mê mê diệt: giác không không
Thấy danh thực hữu: mê dường có
Xem lợi hư vô: giác đã lồng
Vướng có, khổ đau càng thống thiết
Chấp không, tội nghiệp cũng mênh mông
Ngộ tâm ấy Phật, ly trần cấu
Rừng tía không xa chốn bụi hồng.
TRÍ HẢI
(Ngọa bệnh ca 2)