03/07/2011 15:34 (GMT+7)
Số lượt xem: 325716
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tất cả các chuyến đi hành hương Phật tích hay Thánh tích phải nói đến nhân duyên. Vì phái đoàn chúng tôi khởi đầu bằng dự định sẽ đi hành hương tại Nhật Bản và Triều Tiên. Nhưng biến cố động đất và sóng thần tại Nhật Bản đã làm cho chương trình thay đổi.


 
 Do đó chúng tôi đã hủy bỏ chương trình hành hương ở Nhật Bản nên đã có nhiều thời gian lưu lại Triều Tiên để có dịp đi hành hương trọn vẹn tất cả những ngôi già lam Thánh địa nổi tiếng của xứ Triều Tiên và hội đủ nhân duyên để được đảnh lễ Xá Lợi của Ngài Huyền Trang đồng viếng thăm các Đại Tùng Lâm của những vị Cao Tăng thời cận đại tại Đài Loan.

Theo chương trình phái đoàn tổng cộng là 44 người nhưng vì biến cố trên chúng tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người bỏ cuộc nhưng thật không ngờ khi gặp nhau tại phi trường quốc tế Sydney thì mới biết được số người bỏ cuộc chỉ có 9 người. Trưởng đoàn là Thầy Nguyên Tạng ở Melbourne, phó trưởng đoàn là anh Tony Thạch, người hướng dẫn đoàn cùng với sự chứng minh của 2 Ni Trưởng Phước Trí và Chơn Đạo ở Perth Tây Úc. Ngoài ra, những người Phật tử gồm có 6 người từ Adelaide, 13 người từ Melbourne, 9 người từ Sydney, 1 người từ Perth, 2 người từ Canada và 1 người từ Việt Nam.

Sau khi đặt chân tới phi trường quốc tế tại thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên, phái đoàn chúng tôi được đưa về khách sạn ở phía Đông Bắc để chuẩn bị cho cuộc hành hương các thánh tích Phật giáo Triều Tiên cho ngày hôm sau.

Ngày đầu tiên, phái đoàn chúng tôi được xe đưa tới Tuyết Sơn Đầu (Sinheungsa, tỉnh Gangwon) để viếng thăm Tân Hưng Cổ Tự. Ngôi chùa đầu tiên được xây dựng vào năm 653 bởi Thiền Sư Jajang  thuộc Vương Quốc Silla. Ngôi chùa bị cháy vào năm 699 và được xây lại năm 710, và cháy lần nữa vào năm 1645 and xây dựng trở lại vào năm 1648 bởi Uisang.

Tính đến nay ngôi chùa cổ này được xây dựng khoảng 1358 năm, trị giá 3.8 tỷ WON và thuộc Tông phái Tào Khê của Lục Tổ Huệ Năng. Đây là ngôi chùa thiền đứng đầu trong Tông phái Tào Khê và  được xem là ngôi chùa thiền tông cũ nhất trên thế giới.

Bên ngoài có thờ một tượng Phật Thích Ca bằng đồng với tư thế ngồi có chiều cao 14.6m, bệ sen 4.3m và nặng 108 tấn. Tượng Phật đồng này được Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản thế giới năm 1982.
  

Đức Phật bằng Đồng nặng 108 tấn

Bên trong là Cực Lạc Bửu Điện thờ Phật Thích Ca, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát. Các tôn tượng Phật ở Triều Tiên được tạc đặc biệt là có râu tượng trưng cho hình tướng đại trượng phu.

Chánh Điện Tân Hưng Cổ Tự

Lên trên núi cao có một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng bằng đá nhìn ra biển, còn gọi Quan Âm Nam Hải của Triều Tiên.

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát (Quan Âm Nam Hải)

Ngôi chùa này do một vị Hòa thượng Thái Tổ người Triều Tiên sang Trung Quốc học thiền phái Tào Khê của Tổ Huệ Năng và về lại Triều Tiên thành lập chùa.
Khi nhắc đến Lục Tổ Huệ Năng, chúng tôi nhớ đến 4 câu thơ của ngài:

Bồ đề bổn vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bản lai vô nhất vật

Hà xứ nhá trần ai.       

Kế đến buổi chiều phái đoàn đi tới tỉnh Khánh Châu để thăm viếng chùa Lạc Sơn được xây dựng khoảng 1300 năm vào Triều Đại Tân La. Chùa này được mang tên Triều Tiên nhưng gốc từ Trung Quốc và được gọi là Đạo Tràng Quan Âm. Vì Đại Hùng Bửu Điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát và bên ngoài có tôn trí tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá. Chùa này không cho chụp hình quay phim, nên chúng tôi không có hình ảnh để minh họa. 

Cũng nên nói sơ qua về thời Tam Quốc Triều Tiên thì Phật giáo rất mạnh, lúc đó được cai trị bởi vua Asim đã tuyên bố “Tất cả thần dân muốn có hạnh phúc thì phải tin Phật giáo giống như vua Minh Trị ở Nhật Bản rất khắc khe.”
 
Ngày thứ hai phái đoàn chúng tôi được chở đến am của một Sư Bà nổi tiếng tu ở  thánh địa 2000 năm. Trong điện thờ một tượng Phật được khai quật trong đá khoảng 1400 năm.
 

Tượng Đức Phật 1400 năm

Đường đi tới am, có một Tẩy Tâm Cầu, ý nói tẩy rửa tâm cho thanh tịnh khi bước qua cái cầu để đi vào am. Sau đó chúng tôi đến đảnh lễ Phật Quốc Tự. Bên ngoài có một Tháp Xá Lợi.

Tháp Xá Lợi

Phật Quốc Tự (Bulguksa) là một ngôi chùa đứng đầu Tông phái Tào Khê của Phật giáo Hàn Quốc ở phía Bắc Gyeongsang. Đây là di sản quốc gia Triều Tiên với chiều dài lịch sử và cảnh quang hùng vĩ của ngôi chùa. Năm 1995, Phật Quốc Tự đã được UNESCO công nhận là di sản của thế giới. Ngôi chùa này được coi là một kiệt tác của thời đại hoàng kim của nghệ thuật Phật giáo trong vương quốc Tân La (Silla) của Triều Tiên. Chùa xây dựng hoàn thành vào năm 774 Tây Lịch.

\
 

Quang Cảnh Phật Quốc Tự

Đường đi vào Đại Hùng Bửu Điện ở phía bên phải có một tháp Đa Bảo như trong Kinh Pháp Hoa diễn tả. Trong Đại Hùng Bửu Điện thờ Phật Thích Ca.  

Tháp Đa Bảo

Trên đường đi xuống bên phải có treo một Đại Hồng Chung rất lớn, du khách có thể dọng Đại Hồng Chung.

Đại Hồng Chung ở Phật Quốc Tự

Ngày thứ 3 phái đoàn chúng tôi đi đảnh lễ Hải Ấn Tự, nơi mà có Tam Tạng Kinh Điển được khắc trên gỗ duy nhất thế giới khoảng 1300 năm vào đời Đường. Đại Tạng Kinh bằng gỗ được thờ bên trong và chận bởi một lớp hàng rào bằng gỗ để tránh sự va chạm của khách thập phương nhằm bảo quản được lâu dài mà chỉ có thể chiêm bái hoặc lễ lạy.

Chùa Hải Ấn là ngôi chùa đứng đầu trong 18 phái ở Triều Tiên hơn 6 triệu tín đồ theo Tông phái Tào Khê.

Quang Cảnh Hải Ấn Tự

Chánh Điện Hải Ấn Tự

Đại Tạng Kinh được khắc trên gỗ vào thế kỷ 12, bị quân Mông Cổ tấn công đốt cháy Bộ Đại Tạng Kinh. Năm 1817 tàng Kinh cát này còn gọi là Bát Vạn Đại Tạng Kinh. Sau đó Vua Ko Yong (1213-1259) cho khắc trở lại. Gỗ được khắc là loại gỗ bu-lô, dẽo và mềm, được ngâm dưới biển 3 năm, dài 7 tấc, ngang 4 tấc 2 phơi bóng râm 3 năm, sau đó bào nhẵn đi rồi mới khắc được. Một điêu khắc gia ròng rã khắc trong vòng 16 năm mới xong. Bộ Đại Tạng kinh gồm 52.382.960 chữ trên 6791 miếng gỗ.

Năm 1995 Bộ Đại Tạng Kinh khắc trên gỗ này được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới và bảo tồn đến ngày nay.

Điện thờ Đại Tạng Kinh khắc trên gỗ

Tàng Kinh Cát được khắc trên gỗ

Việt Nam phải cúi đầu Bộ Đại Tạng Kinh này vì Việt Nam chưa từng có Đại Tạng Kinh và chữ Việt có quá trễ. Việt Nam chỉ có dùng Càng Long Bộ Đại Tạng Kinh của Hòa thượng Tịnh Không gởi tặng cho các chùa Việt Nam. Trong khi đó, các nước khác đều có như Thái Lan, Tây Tạng, Campuchia, Trung Hoa.

Từ bên ngoài vào có những cái phướng dài 2m, ngang 5 tấc, ghi các chữ “Phật thuyết Di Đà Kinh”, “Phật thuyết Bát Nhã Kinh”, “Đại Phương Tiện Bửu Điện”, “Đại Hùng Bửu Điện”. Phía bên trái là Minh Nhãn Đường, phía dưới là Bảo Đàm Điện thờ Lục Tổ Huệ Năng. 

Ở trong chùa Hải Ấn có ghi 2 câu của Lục Tổ Huệ Năng:

                        Tắng ái bất quan tâm

                        Trường thân lưỡng cước ngọa

Việt dịch:

                        Thương ghét không để lòng

                        Nằm thẳng chân mà ngủ

Ở Triều Tiên, không có ghi là 84 vạn pháp môn, mà ghi là Bát Đại Tạng Kinh, tức là 80 ngàn Đại Tạng Kinh. Còn ở Trung Hoa ghi là Tàng Kinh Cát hay Tàng Kinh Lầu.

 

Ngày thứ 4 phái đoàn chúng tôi đi Toàn Châu để viếng thăm ngôi chùa Tapsa và các tháp đá tại thị xã Jinan, tỉnh phía bắc Jeolla của Mã Nhĩ Sơn. Năm 1885, Hòa thượng Yi Gap Yong (1860–1957) từ Maisan đến để ngồi thiền và phát nguyện xin nhận tội cho tất cả chúng sanh, bằng cách sắp đá thiên nhiên thành tháp. Ngài niệm Phật “Nam Mô A Di Đà Phật” rồi sắp một cục đá lên, cứ như vậy cho đến khi hình thành một cái tháp. Do tâm đại bi vô lượng vô biên của Hòa thượng phát nguyện nên trải qua 30 năm ngài đã làm thành 120 cái tháp lớn nhỏ khác nhau mà không có dùng hồ. Ngày nay còn lại khoảng 80 tháp chưa bị rớt. Từ đó nơi đây trở thành Thánh Địa. 

Chùa Taspa và Các Tháp bằng đá

 

Quang Cảnh Các Tháp Đá

Ngày thứ 5 phái đoàn chúng tôi sáng đi Thiên An đảnh lễ chùa Giác Nguyện, là ngôi chùa lớn thứ 2 của Triều Tiên. Bên trong chánh điện thờ Phật Thích Ca, Đại Thế Chí và Quan Thế Âm Bồ Tát.
 

Chánh Điện Chùa Giác Nguyện

Quang Cảnh Chùa Giác Nguyện

Sau khi đảnh lễ Phật ở chánh điện, rồi đi lên đỉnh đồi kế tiếp nơi an vị tượng Phật Di Đà bằng đồng lớn với tư thế ngồi, cao 12m, nặng 60 tấn.

Đức Phật Di Đà bằng đồng cao 12m, nặng 60 tấn

Chiều đi chùa Quảng Đức, trong Đại Hùng Bửu Điện có thờ 3 tượng Phật Thích Ca nhỏ.

Chánh Điện Chùa Quảng Đức

Chánh Điện Chùa Quảng Đức

 

Mô Hình Chùa Quảng Đức

Lịch Sử Chùa Quảng Đức

Ngày thứ 6 đoàn chúng tôi đi đảnh lễ chùa Niết Bàn, từ cổng đi vào là một hồ nước rất lớn và một tạc tượng đầu đức Phật bằng vàng. Từ chân núi đi lên có một bức tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma bằng đá, trên đường đi có an trí các tượng Quan Âm với tư thế ngồi thuyết pháp, trên cùng là một Đại Hùng Bửu Điện thờ 5 tượng gồm 3 tượng Phật Thích Ca ở giữa và 2 tượng Quan Âm ở 2 bên. Sau khi đảnh lễ Phật xong, Hòa thượng Triều Tiên dẫn phái đoàn đi dọng Đại Hồng Chung. Theo lời Hòa thượng nói đây là lần đầu tiên được dọng chuông lại sau 25 năm. Lên cao nữa có một điện thờ tượng Phật nhập Niết Bàn.

Tạc Tượng Đầu Đức Phật

Tổ Bồ Đề Đạt Ma

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát

Chánh Điện Chùa Niết Bàn

Hòa thượng cùng mọi người dọng Đại Hồng Chung chùa Niết Bàn

Ngày thứ 7 chúng tôi bay về Đài Loan, và nghỉ đêm tại Nhật Nguyệt Đàm.
Qua ngày thứ 8 phái đoàn chúng tôi đi Đài Huyền Trang, nơi thờ ngài Huyền Trang và Xá Lợi óc của ngài. Chúng tôi được tận mắt thấy và đảnh lễ Xá Lợi óc của ngài.

Khi nhắc đến ngài Huyền Trang, chúng tôi xin được nói sơ lược qua tiểu sử của Ngài. Ngài Huyền Trang sinh năm 1602 vào Triều Đại nhà Đường bên Trung Hoa, ngài xuất gia lúc 13 tuổi, thọ giới vào lúc 21 tuổi. Ngài thấy mâu thuẫn trong việc học Kinh điển nên mới sang Tây Trúc thỉnh kinh. Ngài vượt qua 1 năm để đến Ấn Độ và  ở lại Ấn 16 năm, học với Pháp sư Giới Hiền ở Đại học A Nan Đà, và đi hành hương các Phật tích. Đại Đường Tây Vực Ký là nhật ký của ngài ghi lại cuộc hành trình suốt 16 năm ở Ấn Độ của ngài.

Ngài đã thỉnh 600 bộ Luật Kinh và các kinh khác. Ngài là người đầu tiên giới thiệu kinh Thế Giới Cực Lạc. Bộ Kinh Đại Bát Nhã gồm 13 tập do Ngài dịch từ Phạn ra Hán, Hòa thượng Trí Nghiêm dịch từ Hán ra Việt.

Ngài Tam Tạng Huyền Trang viên tịch vào mùng 5 tết tại Trường An Lạc Dương, 1 triệu đệ tử đưa tán, và 3 vạn người phát tâm ở lại đó tu niệm Phật.

Pháp Sư Huyền Trang

Xá Lợi Óc Của Ngài Huyền Trang

 

Xá Lợi Óc Của Ngài Huyền Trang

Kế đó, chúng tôi ghé qua thăm Văn Võ Miếu. Mặc dù đây không có trong chương trình của chúng tôi đi hành hương, nhưng trên đường đi ngang qua Miếu này, chúng tôi phải ngừng khoảng thời gian ngắn để tham quan cho biết vì vẻ đẹp và quy mô. Bên trong thờ Ngài Quan Công, v.v…

Văn Võ Miếu

Tiếp theo, đoàn chúng tôi được đưa đi Linh Nham Sơn Tự ở Huyện Nam Đầu, Đài Trung. Chùa này do Hòa thượng Diệu Liên khai sơn và tu theo Tịnh Độ Tông. Một ngôi chùa hùng vĩ ở trong một vùng núi thanh tịnh trang nghiêm, rất thích hợp cho việc tu tập. Vì vậy hàng năm có cả chục ngàn người về đây tu tập.

Nói đến ngôi chùa này, thì mọi người đều biết đến một vị cư sĩ hộ pháp đắc lực cho Hòa thượng Diệu Liên, vị cư sĩ này đã bán hết tài sản của gia đình mình đem cúng dường 2 tỷ tiền Đài Loan cho ngài xây dựng khi gặp khó khăn.

 

Đức Phật Thích Ca và Ngài A Nan

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát thờ ở ngoài chánh điện

Chúng tôi cũng xin được nói sơ qua tiểu sử của Hòa thượng Diệu Liên. Ngài là con một nhà nghèo, tu lúc nhỏ. Năm 1949 ngài chạy nạn đi HongKong. Một vị Hòa thượng ở HongKong đáng lẽ cho ngài bế quan chỉ có 6 tháng thôi, nhưng ngài xin bế quan đến khoảng 20 năm. Sau đó ngài về Đài Loan, nhiều minh tinh HongKong ủng hộ ngài nên ngài bắt đầu xây dựng Linh Nham Sơn Tự. Nhưng việc xây dựng ngôi già lam vĩ đại này tốn rất nhiều tiền, nên thiếu hụt nhiều, do đó vị cư sĩ ủng hộ 2 tỷ Đài Loan, và hoàn tất trong 2 năm.

Ngài có phát nguyện 48 lời nguyện giống đức Phật A Di Đà, nhưng có thêm 1 lời nguyện nữa là “Nếu ai gặp tôi thì tôi sẽ độ về Tây phương Tịnh Độ”.

Hòa Thượng Diệu Liên

Chiều đến, phái đoàn đi Trung Đài Thiền Tự ở Đài Trung, được xây dựng năm 1991, và khánh thành 2001. Từ xa có một cái tháp Mạn Đà La, Hòa thượng Ngộ Pháp xây dựng mấy năm xong rồi viên tịch. Ngài là người Trung Hoa nhưng tu theo truyền thống Tây Tạng nên có những cấu trúc của chùa giống đường nét của Tây Tạng và Hòa thượng là người phát triển dòng phái Thiền tông lớn nhất ở Đài Loan.

Quang Cảnh Trung Đài Thiền Tự

Hòa Thượng Khai Sơn Trung Đài Thiền Tự

Đại Hùng Bửu Điện vĩ đại từ cửa bước vào chúng tôi thấy tượng Phật Di Lặc ở chính giữa, kế đến tiến sâu vào bên trong 18 vị A La Hán ở bên hông rất đẹp và có 4 vị Thiên Vương to lớn ở 2 bên. Phía trong cùng của Đại Hùng Bửu Điện được chia làm 3 khu: bên trái có một tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ trầm hương cao 3m được tuyển từ Trung Hoa, bên phải là tượng ngài Quan Công và chính giữa là thờ Phật Thích Ca. Ngôi chùa này có một Phật học viện, gồm 12 tầng lầu và nuôi khoảng 200 Tăng Ni.

Phật Di Lặc

A La Hán

A La Hán

A La Hán

Chánh Điện thờ Đức Phật Thích Ca

Ngài Ca Diếp

Ngài Quan Công

Ngày hôm sau chúng tôi được đưa đi tới Phật Quang Sơn ở Cao Hùng.

Khi nói đến Phật Quang Sơn thì phải nói đến một vị Hòa thượng lỗi lạc nổi tiếng hiện nay là Hòa thượng Tinh Vân. Ngài được ví là Bồ Tát Di Lặc thời nay. Ngôi chùa này vô cùng vĩ đại trên một khuông viên cả trăm ngàn mẫu đất.

Sân trước Chánh Điện Phật Quang Sơn

Chánh Điện Phật Quang Sơn

Ở Phật Quang Sơn có thờ tượng Phật A Di Đà cao 18m. Chúng tôi đi vào cảnh thế giới Cực Lạc được tạo dựng theo Kinh A Di Đà.

Cảnh Thế Giới Cực Lạc

Ở đây có câu chuyện có thật do một Ni Trưởng ở Đài Loan kể lại rằng “Ngày trước, Ni Trưởng còn trẻ là học sinh đi cùng với vài người bạn lúc còn đi học tới chùa này, Ni Trưởng có nói một câu rằng “Nếu tượng Phật đó quay được thì tôi đi tu”. Nhưng không ngờ sau đó tượng Phật sáng lên và xoay 1 vòng, quý cô liền hoảng hốt và sau đó đã đi tu, nay là Ni Trưởng.

Chúng tôi được diễm phúc may mắn có thể đảnh lễ Xá Lợi Răng của Phật sau một tấm màn mỏng và nhìn thấy qua bức ảnh lớn.

Hòa Thượng Tinh Vân

Sẵn đây chúng tôi cũng được xin nói sơ lược qua vài nét về Hòa thượng Tinh Vân. Hòa thượng Tinh Vân xuất gia từ nhỏ lúc 8 tuổi vì lúc chiến tranh Quốc Dân Đảng nhà nghèo nên ngài vào chùa thích ở lại, mẹ ngài nuôi không nỗi nên cho ngài xuất gia luôn. Ngài đi làm khuân vác để kiếm tiền, sau đó làm giáo viên sửa văn phạm. Ngài chạy qua Đài Loan năm 1963 mua miếng đất nhỏ làm đạo tràng, xây 4 tầng. Sau đó, năm 1973 có một người Việt gốc Hoa bán đất ở núi, ngài mua để làm Phật Quang Sơn ngày nay.

Ngài phát triển Phật pháp ở Mỹ, Úc, Phi Châu và Âu Châu. Ngài làm báo, thuyết pháp trên tivi và nguyện cuối cùng của ngài là xây 8 tháp để chôn tất cả những vật dụng của quý Thầy vào đó, 10 năm chôn 1 lần, 10 lần cho 100 năm và 800 năm cho Phật pháp trường tồn mãi mãi. Ngài đang xây dựng một cái tháp vĩ đại để thờ Xá Lợi Răng của đức Phật do một vị Rinpoche Tây Tạng tặng cho ngài và tin tưởng ngài có khả năng làm cho thế giới biết đến Xá Lợi Răng của Phật để đến chiêm bái đảnh lễ.

Công trình xây dựng Phật Đà Kỷ Niệm Phật Quang Sơn
(gồm 1 Phật Đài Thích Ca cao 108 mét, 1 tháp thờ xá lợi và 8 bảo tháp,
công trình sẽ khánh thành vào cuối năm 2011 này)

Tiếp tục lên đường, phái đoàn chúng tôi đi đến đảnh lễ Thừa Thiên Tự của Hòa thượng Quảng Khâm, người được xem như là vị A La Hán chứng quả của thời nay. Đầu tiên chúng tôi ghé thăm Quan Âm Cát, là nơi mà Hòa thượng đã khai sơn năm 1948 và trùng tu lại vào năm 1976. Trong đó có thờ Bồ Tát Quan Thế Âm khoảng 2m bằng vàng đặc, do đó được gọi là Đạo Tràng Quan Âm.

Quan Âm Cát

Lên trên có một Đại Hùng Bửu Điện thờ 3 vị Phật Thích Ca.

Chánh Điện Thừa Thiên Tự

Hòa thượng xuất gia khoảng 35 tuổi, tu 60 năm ngủ ngồi và chỉ ăn trái cây. Ngài viên tịch có Xá Lợi rất nhiều và có hoa sen hiện ra.

Xá Lợi Của Hòa Thượng Quảng Khâm

Hoa Sen hiện ra trên trời khi hỏa thiêu Hòa thượng Quảng Khâm

Chúng tôi cũng xin chia sẻ về tiểu sử của Hòa thượng Quảng Khâm. Hòa thượng còn nhỏ cha mẹ chết sớm được ông chú nuôi. Sau khi ông chú mất vì được người chú thương yêu nên đã chia hết tài sản cho ngài. Vì vậy những người con của người chú đã ganh tỵ nói rằng “Ông là con nuôi nên không được lấy gia tài.” Ngài nói “Tôi tới đây còn nhỏ, cha nuôi nuôi tôi lớn lên, nay tôi không lấy gì cả”. Sau đó ngài về lại Mã Lai làm công nhân công trường, ngài có thể đoán trước những sự việc nguy hiểm sắp xảy ra. Cho nên, những người bạn khuyên ngài nên đi tu để phát triển khả năng của mình nhằm độ chúng sanh. Cuối cùng ngài nghe lời khuyên về Trung Quốc vào chùa xin sống trong chùa. Có một ngày, ngài gặp được sư phụ và ngài đã xin xuất gia lúc đó ngài 35 tuổi. Ngài xin một củ sắn có gân và bao gạo lên núi trồng củ sắn, và sống trong một hang động sau chùa. Sau vài ngày, ngài nghe cọp về, cọp cũng sợ ngài nên đưa mông tới trước. Ngài nói cọp nghe rõ “Ta tới tạm trú thôi, nếu nơi của cọp thì ta đi, còn không thì cho ta ở tu.” Cọp đi về lạy 3 lạy, và dắt bà con một đàn về. Ngài nguyện nếu đắc đạo thì độ cả đàn cọp.

Hòa Thượng Quảng Khâm

Năm 1949 ngài đi qua Đài Loan để hoằng pháp. Ngài đi tới Đài Bắc có một ngôi chùa không ai dám ở lại đêm, nên ngài xin ở lại chùa đó. Đêm đến có những vong hồn hiện ra quấy phá. Ngài nói “Một là đi, hai là diệt.” và ngài đã tụng kinh cầu siêu cho họ. Sáng hôm sau ngài kêu người lấy cái lư qua một bên và đào xuống thì có 3 cái xác lính Nhật ở dưới. Ngài cho người đem lên và chôn cất cho họ đàng hoàng. Từ đó ngài trở nên nổi tiếng. Vài tháng sau, ngài nói chùa đã yên rồi nên giao lại chùa cho quý vị và ngài lên núi ẩn tu. Lúc đó có một người cư sĩ phát nguyện làm thị giả cho ngài, hai thầy trò lên núi, từ từ dân chúng biết đến ngài nhiều hơn. Ngài dạy niệm Phật. Ngài nói “Ngài còn sống thì Đài Loan không có chiến tranh.” Khi Tổng Thống Tưởng Giới Thạch chết, Tưởng Giới Quốc con của Tưởng Giới Thạch thường lên gặp ngài trao đổi ý kiến.

Khi ngài viên tịch, thiêu có mấy ngàn xá lợi màu trắng hồng rất nhiều, trong đó có xá lợi hình Quan Thế Âm trong ngọn lửa và một bông sen hiện ra trên trời rất lớn. Lúc đó, có một bà cụ ở dưới quê nghe ngài viên tịch nói rằng “Sư phụ đi mà không cho con hay và cũng không cho con xá lợi, tự nhiên trên không rơi xuống tay bà ấy 1 viên xá lợi.”

Khi ngồi trên chuyến máy bay từ Đài Loan đi về, chúng tôi thầm tri ân Thầy trưởng đoàn đã tạo duyên cho những người con Phật từ khắp nơi gặp nhau để cùng đi chiêm bái những Thánh tích. Chúng tôi không quên cảm ơn các bác, cô chú và anh chị đi trong đoàn tuy lạ mà thân vì tất cả mọi người đối xử với nhau như người trong một gia đình.

Ngoài ra việc tối quan trọng trong chuyến hành hương này là chúng tôi cảm thấy vô cùng xúc động, hạnh phúc và hoan hỷ vì chúng tôi đã một lần tự chính mình đảnh lễ bộ Đại Tạng Kinh cổ được khắc trên gỗ hơn 1 thế kỷ và được đảnh lễ Xá Lợi Răng của Phật, Xá Lợi của Ngài Huyền Trang và Xá Lợi của Hòa thượng Quảng Khâm. Vì vậy, chúng tôi tự nguyện với lòng sẽ tinh tấn tu tập để không phụ lòng công ơn của Phật và các vị Thánh Tăng đã hoằng truyền Phật pháp cho hậu lai đến ngày hôm nay./.

Trương Kim Anh


Âm lịch

Ảnh đẹp