11/02/2011 16:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 2730
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mỗi khi máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Suvarnabhumi, tôi đều có cảm giác mình sắp được trở về nhà, về quê hương thân thương thứ hai của mình. Bạn Đặng Quốc Chí chia sẻ.


Tôi đặt chân tới thủ đô Bangkok cuối tháng 8/2002, bắt đầu hai năm học cao học tại ĐH Assumption, ĐH Quốc tế đầu tiên của Thái Lan. Lúc đó tôi không hề biết rằng đó là thời điểm quan trọng, đánh dấu “tình yêu” của tôi với đất nước Thái Lan tươi đẹp. Con người Thái Lan thân thiện, mà tôi không tìm thấy ở đâu khác dù đã đặt chân tới hơn 10 quốc gia nữa.

2 năm học ở Bangkok đầy ắp những kỷ niệm và trải nghiệm thú vị. Tôi đã may mắn được đặt chân tới các tỉnh Khon Ken (thủ phủ của vùng Isan, đông bắc Thái Lan, nơi tìm thấy hóa thạch khủng long đầu tiên của Thái Lan), tỉnh Mahasarakham (tới thăm nhà người bạn sống trong ngôi nhà sàn bằng gỗ, rất đặc trưng của vùng quê Thái Lan, trong lễ Tết truyền thống Songkran năm 2003), tỉnh Chonburi (có bãi biển Bangsen), tỉnh Chiang mai (với chùa Prathat Doi Su Thep, một trong những ngôi chùa thiêng liêng nhất của Thái Lan).

Tôi cũng được đến tỉnh Chiang rai (với Tam giác vàng hùng vĩ), bãi biển Huahin (nam Thái Lan, giờ đã trở thành điểm du lịch hút khách quốc tế không kém gì Pattaya), tỉnh Auythaya (cố đô của Thái Lan), tỉnh Samutprakan (nơi có Muong Boran (Ancient City), mô hình thu nhỏ của tất cả di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng nhất của 76 tỉnh, thành trên toàn vương quốc Thái Lan) và Crocodile Farm, trại nuôi cá sấu lớn nhất thế giới)...

Trải nghiệm có thể là những chuyến đi du lịch trong và ngoài Bangkok, nhưng trải nghiệm cũng có thể chỉ giản dị mà không bao giờ quên như một góc phố mình hay đi qua; một góc quầy sách xinh xắn trên tầng 6 của Big C đường Ramkamheang hay đường Ladprao, nơi tôi hay ngồi đọc sách và nghe nhạc sau những giờ học căng thẳng; một góc sân vận động Rajamangala thanh bình, nơi sinh viên chúng tôi hay chạy bộ, tập thể dục buổi sáng; những ánh mắt và nụ cười thân thiện mình gặp hàng ngày của người bán hoa quả buổi sáng, bán đùi gà nướng và xôi buổi chiều, hay bán chè Thái buổi tối; sự ân cần của người lái xe máy ôm hay nhân viên phục vụ bán hàng trong Big C hay the Mall; những giờ tắc đường ngồi trên xe bus đi từ khu Silom về khu Bangkapi...

Chùa Doi Suthep ở Chiang Mai. Ảnh: Đặng Quốc Chí.

Ẩm thực Thái Lan có lẽ là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất. Đồ ăn Thái thường trộn lẫn 3 vị ngọt, chua và cay. Vị ngọt và chua là đặc trưng nổi bật nhất trong hầu hết các món có nước súp, còn vị cay thì hiện diện trong các món salad hoặc chiên, xào. Dọc theo hai bên những con phố du lịch tại Bangkok, đập vào mắt bạn là những quán hàng rong với những món ăn chế biến từ hải sản như tôm, mực, cá, nghêu, sò hay những lát thịt heo, bò được xếp ngay ngắn trong tủ kính, trông thật hấp dẫn và đẹp mắt. Đầu bếp sẽ chế biến ngay trước mắt khi bạn chọn món cơm xào, mì xào hay mì kiểu Thái. Ăn ngoài đường phố cũng có cái thú vị riêng của nó, vừa ăn vừa ngắm cái không khí nhộn nhịp của một thành phố du lịch.

Nếu như bạn e ngại là tiêu hóa của mình không hợp với thức ăn đường phố thì các bạn có thể vào ăn uống tại Food Center của các trung tâm thương mại, như MBK Center, The Mall Bangkapi, Big C, Platinum, Central Chitlom, Central Ladprao, Seacon Square... Vào đây, các bạn tìm Food Center nằm ở tầng mấy nhé (thường nằm ở tầng trên cùng hoặc dưới cùng). Thức ăn nơi đây vô cùng hấp dẫn, đầy đủ mọi chủng loại như Thái, Hoa, Ấn, Malay, Sing, Việt và Arab. Thức ăn bày biện rất bắt mắt và vệ sinh, hình thức bài trí những dãy bàn ghế sẽ làm hài lòng ngay cả các thực khách khó tính nhất. Giá cả khá mềm, rất hợp túi tiền với khách du lịch. Khi vào Food Center, các bạn tìm quầy thu ngân, mua một thẻ từ hoặc coupon. Sau đó các bạn thư thả đi ngắm nhìn từng gian hàng thức ăn để lựa chọn.

Nếu không nói được tiếng Thái, bạn chỉ cần cho người bán hàng biết hình ảnh món ăn bạn chọn rồi đưa thẻ từ cho họ, người bán hàng sẽ gạt thẻ từ vào máy đọc thẻ thì lập tức thẻ sẽ bị trừ đi số tiền món ăn mà bạn vừa chọn. Họ sẽ cho bạn biết số tiền còn lại trong thẻ để bạn cân nhắc giá cả cho món ăn tiếp theo. Ăn xong, nếu các bạn tiêu không hết số tiền trong thẻ thì ra quầy thu ngân để lấy lại tiền thừa. Còn sử dụng bằng coupon thì hình thức cũng tương tự như thẻ từ. Chỉ với khoảng 150 bahts, bạn sẽ thưởng thức một bữa ăn (có cả đồ uống) ngon lành, sạch sẽ, trong một không gian rộng rãi, mát mẻ và thơm tho.

Nhưng không chỉ có vậy, đối với tôi, để thực sự có được tình yêu với Thái Lan, trải nghiệm còn là nhạc Luk Thung Thai. Hồi đó sinh viên chúng tôi ở trong chung cư cùng với người dân Thái trên đường Ramkamheang và chúng tôi chưa có điều kiện lắp truyền hình cáp. Trong phòng ở, để giải trí, ngoài Internet ra, tôi chỉ có mỗi bộ dàn stereo để nghe nhạc trên đài, trong đó có kênh Luk Thung FM 95.

Đối với tôi, kênh nhạc phát 24/24 giờ này thực sự là người bạn thân thiết. Nhạc Luk Thung là những bản tình ca rất nhẹ nhàng, sâu lắng, trữ tình. Hơn thế nữa, ngôn ngữ khá đơn giản nên nghe nhạc có thể giúp bạn học thêm tiếng Thái, ngoài sách học tiếng Thái chính thống ra. Sau này khi về Việt Nam rồi, ký ức hoài niệm về Thái Lan trỗi dậy mạnh nhất khi nghe lại những bản nhạc Luk Thung mà tôi đã may mắn ghi lại được vào băng cassette.

Được học tập tại nước bạn không chỉ là cơ hội để cảm nhận những điều thú vị khi được di du lịch mà còn là học những điều tốt đẹp để hoàn thiện bản thân. Điều tôi thực sự ấn tượng với người Thái là sự nhường nhịn, mà như người Việt Nam ta vẫn nói “Một điều nhịn là chín điều lành”. Các trung tâm mua sắm ở Bangkok hay Chiangmai rất đông nhưng rất trật tự. Mọi người ai ai cũng nhường nhịn nhau, không ai chen lấn, xô đẩy ai cả. Hàng lối ra vào, nếu đông thì mọi người di chuyển chậm rãi và nhẹ nhàng trong hàng lối của mình nhưng không bao giờ lấn sang hàng lối đối diện. Lỡ có va vào nhau hay giẫm lên chân nhau thì nói lời “Xin lỗi” và mỉm cười. Điều này cũng luôn đúng khi bạn sử dụng xe bus, tàu điện ngầm, tàu skytrain, tàu hỏa.

Tượng Phật nằm ở Wat Pho, Bangkok. Ảnh: Đặng Quốc Chí.

Hơn 2 năm học ở đó, tôi chưa bao giờ thấy ai to tiếng, nặng lời với nhau, kể cả ngoài chợ. Và văn hóa xếp hàng là quy tắc tối thiểu trong cuộc sống. Tất cả mọi người đều xếp hàng trong mọi tình huống, kể cả xếp hàng đợi xe máy ôm! Ngoài ra còn là sự ân cần, chu đáo trong từng chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ, ví dụ khi lên xe bus mua vé, người soát vé nhẹ nhàng và ân cần đặt vào lòng bàn tay bạn chiếc vé xe bus và các đồng xu tiền thừa, không quên nói câu cảm ơn! Trong các Food center đông người ở trung tâm mua sắm, bạn phải tự bưng bê khẩu phần ăn, uống của mình tới bàn ăn nhưng tuyệt nhiên không ai va chạm với ai dẫn tới đổ đồ ăn thức uống cả vì tất cả mọi người cùng nhường nhịn các thực khách xung quanh mình.

Học xong, lần cuối cùng tôi rời Bangkok là tháng 11/2004. Tôi còn nhớ hôm đó rất khuya rồi nhưng tôi vẫn còn ngồi dưới sân trường ĐH vắng lặng và tự hỏi “Sáng mai, mình sẽ ra sân bay về nước và không biết bao giờ mới có cơ hội được quay lại mảnh đất của những nụ cười hiền hậu này?”.

Sau đó rất nhiều kế hoạch đã được sắp đặt để tôi quay lại Bangkok nhưng phải mãi tới tháng 7/2007, tôi mới thực hiện được ước nguyện của mình. Và từ đó đến nay mỗi năm hai lần, tôi đều đặn quay trở lại Thái Lan, tổng cộng khoảng 20 lần. Dù quay lại Thái Lan nhiều nhưng cảm xúc thì luôn đong đầy. Mỗi khi máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Suvarnabhumi, tôi đều có cảm giác mình sắp được trở về nhà, về quê hương thân thương thứ hai của mình.

Đặng Quốc Chí

Nguon: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/du-lich/2011/02/thai-lan-trong-trai-tim-toi/


Âm lịch

Ảnh đẹp