“Boong, boong…” - tiếng khánh
quen thuộc lại vang lên. Đã thành thói quen, Htet Htet cầm nồi cơm và
thức ăn đứng chờ sẵn. Khi các nhà sư đến, cô tụt dép ra, khoác tấm vải
nâu lên vai, cúi đầu lạy rồi bưng cơm trút vào bình bát...
Tu giữa đời thường
Hàng ngàn năm qua, cúng dường đã trở thành nếp sống của người dân
Myanmar. Cứ mỗi sáng sớm, các nhà sư Myanmar lại “đi bát” (khất thực).
Theo Phật giáo Nam tông nguyên thủy (Theravada), nhà sư không được kêu
gọi cúng dường. Vì vậy, trước đoàn đi thường có hai giới tử thiếu niên
(cũng đi tu nhưng chỉ mới thọ 10 giới) khoác bộ đồ trắng, vừa đi vừa gõ
khánh báo hiệu để người dân biết. Không như ở VN đi riêng lẻ, các nhà sư
ở đây “đi bát” theo từng đoàn. Một hàng dọc các nhà sư choàng áo đỏ, đi
chân đất, tay cầm quạt, tay ôm bình bát cúi đầu im lặng bước. Cuối hàng
là hai giới tử khác đẩy theo hai cái nồi lớn. Thức ăn cúng dường, khi
đầy bình bát lại được trút vào đó. “Theo giới luật, các nhà sư chỉ được
ăn trước 12 giờ trưa. Đồ ăn mang về, ngoài để các nhà sư dùng bữa, còn
để nuôi những đứa trẻ trong tu viện”, Vũ Nguyên Phương, người từng tu
gần 3 năm tại Myanmar, cho biết.
|
Một đoàn nhà sư Myanmar “đi bát” vào buổi sáng sớm - Ảnh: Nguyễn Tập |
Ở đất nước này, tinh thần Phật giáo thấm sâu trong mỗi người dân
đến nỗi bất kỳ ai cũng có thể một ngày nào đó rũ bỏ tất cả để… vào chùa.
Đất nước của dép
Myanmar còn là đất nước của dép vì hầu hết người dân bất kể nam, nữ,
già, trẻ đều đi dép xỏ ngón. Ngay cả những ông bận comple, đeo cà vạt
rất trịnh trọng nhưng chân vẫn mang… dép. “Cuộc sống của người
Myanmar hầu như không thể tách rời khỏi chùa chiền. Mà theo phong tục,
vào chùa phải đi chân đất nên người Myanmar mang dép cho tiện”, một người bạn Myanmar giải thích. |
“80 - 90% dân Myanmar từng vào chùa tu tập từ vài ngày đến vài năm.
Chuyện cô học trò nhân dịp nghỉ tết, cạo đầu vào chùa tu, ra tết lại
mang cái đầu trọc tếu xách cặp đi học là “chuyện bình thường ở huyện”,
chẳng ai trêu chọc, chê bai”, Phương nói.
Thậm chí, không
cần vào chùa tụng kinh, cũng không cần khoác áo cà sa, mỗi ngày, người
dân Myanmar vẫn “tu” bằng chính lối sống của họ: thật thà, hiền lành và
hiếu khách.
Nụ cười Myanmar Ngồi
viết những dòng cuối cùng cho chuyến đi hơn 10 ngày, trước mắt tôi lần
lượt hiện lên những điều đã qua như thước phim chiếu chậm. Có những con
người, những câu chuyện tôi đã kể trong bài viết. Có những chuyện chỉ
nhẹ nhàng thoáng qua nhưng vừa đủ nhắc nhớ về một vùng đất hiền lành,
hiếu khách. Thật lạ, khi những khoảnh khắc dừng lại, điều còn đọng lại
trong tôi đơn giản là những nụ cười. Đó là nụ cười “chọc quê” của những
cô gái Myanmar khi tôi xoa thanakha lên mặt; đó là nụ cười an nhiên của
những người dân xóm nghèo bên kia sông; là nụ cười thân thiện của một
người lạ mặt chạy xe máy cả chục cây số hướng dẫn tôi mà vẫn cương quyết
không nhận bồi dưỡng:
“Đừng ngại! Anh là khách phương xa đến Myanmar, chúng tôi đương nhiên sẽ tiếp đón”.
Người Myanmar tin rằng, nếu bạn muốn một điều gì, hãy đến hàng chuông
xung quanh bảo tháp tại một trong ba ngôi chùa linh thiêng nhất ở
Myanmar là Shwedagon (Yangon), Mahamuni (Mandalay) và Kyaikhtiyo rồi gõ
chuông ba lần, mong ước sẽ thành hiện thực. Ngày cuối cùng ở Myanmar,
tôi trở lại chùa Mahamuni. Tôi muốn trở lại đất nước này, đi lại những
nơi vừa qua, gặp lại những con người vừa gặp. Thật chậm. Tôi đứng trước
cái chuông linh thiêng, tần ngần cầm dùi hồi lâu rồi bỏ xuống, không gõ.
Tùy duyên, tôi nghĩ thế, nhưng tận thẳm sâu tôi tin rằng chúng ta sẽ
sớm gặp lại nhau, phải không Myanmar?
N.T
http://www.lieuquanhue.vn/ph%E1%BA%ADt-gi%C3%A1o-kh%E1%BA%AFp-n%C6%A1i/7653-c%C3%B5i-thi%E1%BB%81n.html