Tất nhiên, cái gì cũng có giá của
nó, nếu vượt qua được những thách thức khi tiếp cận Ladakh, bạn sẽ học
hỏi được nhiều điều vô cùng thú vị cũng như chứng kiến được sự trưởng
thành của chính bản thân mình.
Được mệnh danh là vương quốc tiểu Tây
Tạng trên đất Ấn Độ do có địa hình khí hậu và văn hóa rất giống với Tây
Tạng, Ladakh là một vùng đất rất đặc biệt, nơi Phật Pháp nói chung và
Truyền Thừa Drukpa nói riêng phát triển mạnh mẽ, tạo nên một nền văn hóa
Phật giáo đầy sống động và thịnh vượng. Cộng thêm với những nét văn hóa
đặc thù của dãy tuyết sơn Himalaya, mảnh đất này sở hữu vẻ đẹp của sự
pha trộn giữa hoang dã và bí ẩn.
Những đỉnh núi đầy tuyết phủ ở Ladakh
Ladakh bắt nguồn từ địa phận hai bang
Jammu và Kashmir kéo dài qua những cao nguyên và dãy núi Himalaya. Cái
tên Ladakh có nghĩa là “mảnh đất của những con đường ở trên cao”, thế
nên khi khám phá Ladakh, bạn đừng ngạc nhiên khi ở đây sở hữu những con
đường cao nhất thế giới. Chịu ảnh hưởng kiểu thời tiết sa mạc, nhiệt độ
ban ngày ở đây rất cao nhưng ban đêm thì lại xuống dưới 0 độ C.
Nếu đi xe buýt từ Manali tới Ladakh thì
sẽ là một chặng đường khá dài. Thông thường những chiếc xe buýt sẽ dừng ở
một thị trấn rất đáng yêu có tên gọi là Keylong vào lúc nửa đêm. Và
ngày hôm sau bạn có thể đi tiếp đến Leh. Nhưng ngày thứ 2, hành trình sẽ
trở nên thách thức hơn nhiều. Nó sẽ dẫn bạn đi lên những cao nguyên núi
hùng vĩ và hoang tàn như sa mạc. Bạn sẽ đi qua con đường Taglang La ở
độ cao 5328m, một trong những con đường cao nhất thế giới mà xe cộ có
thể đi lại.
Taglang La, một trong những con đường cao nhất thế giới
Đứng từ trên con đường này nhìn xuống
dưới, bạn sẽ tưởng tượng như mình đang ở trên cung trăng, dường như nơi
đây, chẳng có cây cối nào mọc được và cũng chẳng có con người nào có thể
sinh sống.
Có rất nhiều hoạt động bạn có thể thực
hiện ở Ladakh. Bạn có thể tới thăm Cung điện Leh, thiền viện Sankar
Gompa, tháp Shanti stupa hoặc nhà thờ Jama Masjid. Đây đều là những công
trình kiến trúc mang đậm màu sắc của đạo Phật. Đặc biệt tòa tháp trắng
Shanti stupa được xây trên đỉnh đồi theo kiểu mái vòm tuyệt đẹp với
nhiều di tích quý giá của Phật giáo. Tòa tháp này được xây dựng từ năm
1983, đến năm 1991 mới hoàn thiện và có mục đích để kỷ niệm 2.500 năm
ngày Phật giáo ra đời. Shanti stupa không chỉ thu hút khách du lịch bởi
tầm quan trọng về mặt lịch sử, mà từ đây, du khách có thể chiêm ngưỡng
được toàn bộ phong cảnh xung quanh – một bức tranh hùng vĩ hiếm thấy.
Tòa tháp trắng Shanti stupa
Bạn cũng có thể nhảy lên xe buýt và đi
tới một trong những ngôi làng gần đó với những thiền viện Phật giáo hoặc
chỉ đơn giản là những ngôi nhà của người dân địa phương Ladakh để chứng
kiến cuộc sống của họ. Văn hóa Ladakh rất gần với văn hóa Tây tạng và
Phật giáo là tôn giáo chính ở đây. Bạn có thể chứng kiến các vị sư tham
gia những buổi cầu kinh vào buổi sáng và buổi tối.
Nếu muốn đi xa hơn một chút để chiêm
ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của Ladakh thì bạn có thể đặt tour tại một
trong những đại lý du lịch ngay ở địa phương. Ngay khi có đủ khách, họ
sẽ khởi hành chuyến đi bằng xe jeep. Đây là loại phương tiện rất thuận
tiện để di chuyển trên địa hình của Ladakh. Những địa điểm nên lui tới
là Thung lũng Nubra nằm vắt ngang con đường Khardung La có độ cao 5359m.
Khardung La cũng là một trong những con đường mà các loại xe cộ có thể
đi được cao nhất thế giới. Con đường thoai thoải theo triền dốc sẽ đưa
bạn đi xuống thung lũng, chào đón bạn với một bầu không khí dễ chịu với
những ngôi chùa xinh đẹp, những khu vườn trĩu nặng những táo, những mơ
và những đụn cát đủ rộng để bạn có thể cưỡi lạc đà đi trên đó.
Những địa điểm tuyệt vời khác ở Ladakh mà
bạn không nên bỏ qua bao gồm: Tso Moriri, hay còn gọi là hồ Moriri. Đây
là một hồ nước mặn có diện tích khoảng 120km vuông, nằm ở độ cao 4.500m
so với mực nước biển, nằm trọn vẹn trong lãnh thổ Ấn Độ. Cùng với bầu
trời xanh thẫm, những dải mây trắng lững lờ, hồ Moriri tạo nên một bức
tranh phong cảnh tuyệt mỹ đặc trưng của Ladakh mà không một nơi nào trên
thế giới có thể có được.
Hồ Tso Moriri
Ngoài ra, Tso Pangong, hay hồ Pangong
cũng là một điểm du lịch tuyệt vời khác cho những người yêu thích thiên
nhiên. Đây là một hồ nước nội sinh, nghĩa là chỉ nhận nước từ các nhánh
sông và không chảy ra biển. Hồ này rất đặc biệt với những sắc xanh rất
khác nhau của mặt nước thay đổi tùy vào thời điểm trong ngày. Hồ Pangong
có chiều dài là 134km, rộng 5km và có tới 60% chiều dài của hồ nằm ở
địa phận Tây Tạng. Đây cũng là hồ lớn nhất trong khu vực dãy Himalaya
với diện tích lên tới 700km vuông. Lưu ý du khách nên tới những hồ này
vào mùa hè vì lúc đó cảnh sắc sẽ đẹp nhất và thích hợp nhất cho việc
thăm quan. Không nên tới vào mùa đông vì mặt hồ có thể đóng băng và nguy
hiểm đối với du khách.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về văn hóa
Ladakh thì làng Alchi sẽ là một ví dụ hoàn hảo về cuộc sống ở Ladakh.
Ngôi làng nằm bên bờ sông Indus này là một trong những ngôi làng có
những ngôi chùa cổ xưa nhất ở Ladakh với những bức họa còn giữ được từ
thế kỷ 11, 12 và chắc chắn sẽ giúp bạn khám phá được nhiều điều bổ ích
về thế giới Phật pháp linh thiêng.
Làng Alchi
Ladakh là một nơi khá an toàn cho việc đi
bộ đường dài. Những rủi ro duy nhất mà bạn có thể gặp phải khi tự mình
khám phá mảnh đất này là nguy cơ lạc đường và bị hội chứng khó chịu khi
đi lên cao (AMS). Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn có mang theo bản đồ và
có đủ thời gian để làm quen với khí hậu vùng núi. Nếu xảy ra các triệu
chứng AMS thì hãy tìm ngay một nơi có độ cao thấp hơn để nghỉ ngơi. Để
tránh khả năng bị lạc đường, bạn hãy nhờ đại lý du lịch thuê cho mình
một hướng dẫn viên du lịch đi kèm với ngựa hoặc bò yak để chúng mang
hành lý cho bạn. Hầu hết các ngôi làng đều có chỗ nghỉ qua đêm cho
khách. Với những khu vực hơi xa xôi hơn một chút như Zanskar thì bạn nên
đi đông người.
Mùa hè ở Ladakh khá ngắn và mùa du lịch
chính ở đây tùy thuộc vào việc có thể đi qua con đường Taglang La được
hay không. Con đường này thường không thể hoạt động được vào giữa tháng 9
khi có đợt tuyết rơi đầu tiên. Khi đó chỉ có 2 cách tới Ladakh là bằng
đường hàng không, hoặc đi tắt qua Shrinagar (nhưng sẽ khá nguy hiểm vào
những tháng cuối năm).
Trước khi mùa du lịch kết thúc, người
Ladakh thường tổ chức lễ hội Ladakh hàng năm từ ngày 1-15/9. Khi đó bạn
sẽ được chiêm ngưỡng những điệu nhảy truyền thống của người Ladakh, màn
bắn cung tên và trò polo (một trò chơi mà trong đó 2 đội chơi dùng gậy
đánh bóng vào lỗ từ vị trí trên lưng ngựa). Hầu hết các trò chơi và buổi
biểu diễn này đều được tổ chức vào buổi tối và chắc chắn sẽ để lại
trong lòng du khách những bất ngờ thú vị và những ký ức khó quên.
Dưới đây là một số lưu ý cho những người khi đi du lịch tới những nơi có độ cao lớn so với mực nước biển như Ladakh.
- Hội chứng khó chịu khi đi lên cao (AMS)
thường xảy ra khi bạn ở những nơi cao hơn mực nước biển khoảng 3000m
trở lên với những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, nôn, hơi thở
ngắn, bất tỉnh.
- Tốt nhất bạn nên có thời gian để quen với kiểu khí hậu của vùng núi cao trước khi khám phá những độ cao lớn hơn.
- Nhớ uống nhiều nước vì cơ thể bạn sẽ
mất nước rất nhanh ở những nơi có độ cao lớn. Bạn cũng cần biết có một
số mẹo nhỏ để giúp cơ thể giữ được nước lâu hơn đó là hãy ăn tỏi và
nhiều rau xanh./.
(Theo Suite101&Wikipedia)