Một góc Borobudur
“Borobudur”, trong tiếng Indonesia,
có nghĩa là “Tháp Phật trên đồi cao”. Ngôi tháp được xây dựng trên ngọn đồi cao
27 mét, với mặt bằng hình vuông rộng 2.500m². Nhìn từ trên cao, Borobudur có hình ảnh của một mạn-đà-la, tức sơ đồ vũ trụ
theo Phật giáo Tây tạng. Nền tháp là một đài hình vuông có cạnh 123m.
Ngôi tháp
cao 32m, có 4 cửa và 9 tầng. Các tầng to, nhỏ, vuông, tròn xen kẽ, kế tiếp
nhau. Tầng thứ nhất là những tháp hình tứ giác với những hình tượng Phật và
Bồ-tát, đặc biệt là chuỗi hình ảnh ghi lại toàn bộ lịch sử cuộc đời Đức Phật Thích
Ca Mâu Ni. Tầng thứ hai, chạm trổ những chuyện tiền thân của Phật Thích Ca được
mô tả trong Jataka. Tầng thứ ba, bốn và năm trình bày hình ảnh của các vị
Bồ-tát như Quan Âm, Địa Tạng, đặc biệt là chuyện tích Thiện Tài đồng tử gặp
Bồ-tát Di Lặc được diễn tả trong kinh Hoa nghiêm. Và bốn tầng tháp còn
lại phía trên là phần tháp hình quả chuông. Trong mỗi tháp đều có tôn trí hình
tượng Phật. Toàn bộ 1.600.000 phiến đá lớn nhỏ của Borobudur được điêu khắc,
chạm trổ một cách tinh tế, sắc sảo và đẹp đẽ, tạo nên một vẻ đẹp hùng tráng cho
Borobudur.
Ban đầu, Borobudur
có 602 pho tượng Phật, nhưng một số đã bị mất cắp, ngày nay chỉ còn lại 504 pho
tượng Phật, một số bị lấy mất phần đầu. Bảo tháp được xây dựng vào khoảng thế
kỷ thứ VII và VIII Tây lịch. Theo các nhà khảo cổ thì để xây dựng hoàn thành
công trình vĩ đại này phải mất 100 năm.
Nguồn gốc của tháp Borobudur đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Có ý kiến
cho rằng, tháp Borobudur bắt nguồn từ
Campuchia. Đó là vào đầu thế kỷ thứ VIII, Hoàng triều Sanjaya theo Ấn Độ giáo
và thờ thần Shiva, đóng đô ở vùng Bắc trung tâm đảo Java. Một hoàng thân người
Campuchia được hoàng triều này che chở, nhưng sau đó ông trở về Campuchia vào
năm 802 và lên ngôi vua. Có thể chính ông đã đem theo về nước dự án đầu tiên
của Borobudur, vì người ta tìm thấy trên đất Campuchia một ngôi đền nhỏ xây
bằng gạch hình tháp tương tự với mô hình của Borobudur.
“Tháp Phật trên đồi cao”
Năm 850 có thể xem là năm hoàn
thành của ngôi tháp này. Nhưng vào khoảng đầu thế kỷ XIII, những người thương
gia Ả Rập đã đưa Hồi giáo vào Indonesia.
Chỉ trong vòng hai trăm năm, cả quần đảo Indonesia gần như hoàn toàn bị Hồi
giáo hóa. Borobudur trở nên hoang tàn.
Bảo tháp Borobudur được khám phá
vào năm 1814 do công của Toàn quyền Anh quốc tại Indonesia, ông Thomas Stanford
Raffles. Lúc bấy giờ, ngôi bảo tháp đang trong tình trạng bị đổ nát và chôn vùi
dưới một vùng cây cối um tùm. Người ta tin rằng, bảo tháp đã bị mất tích sau
cơn núi lửa xảy ra tại vùng này vào thế kỷ thứ XIV. Sau đó, Toàn quyền Raffles
đã cho dân làng khai quật và mọi người đều sửng sốt trước một ngôi vườn tháp
của Java vĩ đại như thế mà bấy lâu nay họ không hề hay biết. Tuy nhiên, nhiều
năm sau đó, chính quyền vẫn chưa đầu tư nhiều cho việc trùng tu, bảo tồn Borobudur.
Mãi đến sau Chiến tranh thế giới
lần thứ 2 kết thúc (năm 1945), Indonesia mới ý thức được tầm quan trọng của
Borobudur, liền mời nhiều nhà khảo cổ trên thế giới đến nghiên cứu, đồng thời
yêu cầu UNESCO giúp sức để trùng tu. Một chương trình cấp thời vào năm 1948 do
Liên Hiệp Quốc đưa ra đã giúp cho Borobudur
thoát khỏi cảnh hoang tàn và quên lãng. Tiếp theo là một chương trình trùng tu
với quy mô lớn, kéo dài từ 1973 đến 1982 do UNESCO đảm trách, với sự hợp tác
của 27 quốc gia trên thế giới, đã phục hồi Borobudur. Chương trình trùng tu hết
25 triệu đô-la.
Nhìn từ xa, ngôi đền giống như một
ngọn đồi hay một kim tự tháp với nhiều tượng Phật và bảo tháp, công trình được
xây dựng và tạc bằng một loại đá núi lửa màu xám khai thác trên đảo Java.
Borobudur - Hùng vĩ và linh thiêng
Kiến trúc tổng quát của ngôi đền
có thể chia làm ba phần từ thấp lên cao, tượng trưng cho ba cảnh giới ở cõi
Ta-bà: phần thấp nhất là Dục giới, phô bày những cảnh tượng của thế giới tham
dục, gồm đủ loại chúng sinh như quỷ đói, súc sinh, loài người, các cảnh tượng
tham lam, những xung lực thấp kém, tham dục và hận thù; phần tiếp theo là Sắc
giới, gồm những bậc thánh nhân, và sau hết là các thiên thần thuộc Vô sắc giới.
Đối với các tín đồ Phật giáo dưới vương triều Sailendra, thì Borobudur
là đại diện cho Phật giáo thực nghiệm. Họ có thể dễ dàng hình dung quá trình tu
luyện của bản thân qua kiến trúc của ngôi tháp.
Đến viếng Borobudur,
khách hành hương bắt đầu tiến vào từ cổng phía
Đông, đi theo chiều kim đồng hồ, mỗi tầng đều có bậc thang để leo lên tầng cao
hơn, hết tầng này đến tầng khác.
Ngày nay, Borobudur là thắng cảnh
thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Indonesia. Borobudur không chỉ là
một kỳ quan đáng ngưỡng mộ của Indonesia
mà còn là công trình nghệ thuật kiến trúc vĩ đại và vô cùng giá trị của Phật
giáo thế giới và của cả nhân loại.
Nhiều nhà khảo cổ học và sử học
tin rằng, ngôi bảo tháp vĩ đại này được xây dựng bởi vua Sailendras như
để biểu
dương sức mạnh chính trị của mình. Cũng có ý kiến cho rằng Borobudur chỉ
là sản
phẩm của những vị vua Phật giáo chuyên chế, tự nhận mình là những vị
Bồ-tát đã thực hiện công trình vĩ đại này để vinh danh Phật giáo và cũng
là
để tôn vinh chính mình. Cho dù mục đích của người tạo
dựng ra nó là gì, Borobudur vẫn là Borobudur như
thuở nào mà người Phật tử Indonesia
thường gọi để nói lên niềm tự hào của mình.
Minh
Nguyên