|
Thủy tạ trong Khiêm lăng. |
> Huế - nơi chầm chậm cho cuộc sống dài hơn
"Gió về mang cả mùi lăng tẩm"
Hệ thống lăng tẩm ở Huế gắn liền với sự thăng trầm của
chiếc ngai vàng triều Nguyễn (1802 - 1945). Trải qua 13 đời vua, nhưng
vì những lý do lịch sử phức tạp mà hiện còn 7 khu lăng tẩm theo thứ tự:
Lăng Gia Long (Thiên Thụ Lăng), Minh Mạng (Hiếu Lăng), Thiệu Trị
(Xương Lăng), Tự Đức (Khiêm Lăng), Dục Đức (An Lăng), Đồng Khánh (Tư
Lăng) và Khải Định (Ứng Lăng).
Nếu đứng từ vị trí trung tâm của Cố đô, 7 khu lăng này
đều nằm về hướng tây của kinh thành Huế, đó là biểu tượng "Thái dương
tây hạ" (Mặt Trời lặn phía Tây) - chỉ việc băng hà của đấng Chí tôn.
Theo quan niệm xưa "Thứ nhất dương cơ, thứ hai âm
phần", việc xây cất quan trọng sau cung điện là lăng mộ. Từ thời Lý về
trước, lăng mộ các vua rất đơn giản, nay chỉ còn dấu vết ít ỏi.
Từ đời Trần, Lê về sau, mỗi vua có một lăng riêng,
nhưng tẩm thờ thì chung. Đến thời Nguyễn, các vua mới có lăng tẩm mộ to
thờ riêng từng người.
Thuật phong thủy là yếu tố phải tuân thủ triệt để trong
kiến trúc lăng tẩm Huế. Với quan niệm "Tức vị trị lăng", ngay khi tại
vị, vua đã cho tiến hành khảo sát địa thế, lập đồ án xây dựng lăng tẩm
cho mình.
Các quan ở Khâm Thiên Giám, bộ Lễ, bộ Công đi tìm cuộc đất, ngày khởi công, trình đồ án kiến trúc cho vua ngự duyệt.
|
Tòa Bi đình. |
Các thầy địa lý nổi tiếng nhất phải mất hàng tháng hoặc
hàng năm trời dò tìm long mạch để có địa cuộc đại cát hội đủ các yếu
tố minh đường huyền thủy, tiền án hậu chẩm, sơn triều thuỷ tụ, tả thanh
long hữu bạch hổ...
Huyền cung (nơi đặt quan tài) phải đúng long mạch.
Ngoài sông, núi, khe, hồ của tự nhiên là lầu, đài, đình, tạ hoặc đắp
thêm núi đất làm án, chẩm; hoặc đào thêm hào, khe làm huyền thủy... hình
thành nên những tòa lăng tẩm với kiến trúc độc đáo, cảnh quan hài hoà,
hùng vĩ mà thơ mộng.
Hầu hết các lăng đều nằm trên những đồi cỏ mượt với ngút thông xanh, cổ thụ sum suê toả bóng xuống mặt hồ lặng biếc.
Nhìn bao quát không gian lớn mới thấy hết vẻ hoành
tráng của lăng và mối liên hệ với những thực thể địa lý xa đến hàng chục
cây số. Lăng Gia Long có diện tích hơn 20ha, nằm trên núi Thiên Thụ,
có núi án là Đại Thiên Thụ, xung quanh có 36 ngọn núi chầu vào.
Lăng này do thầy phong thủy Lê Duy Thanh, là con của
nhà bác học Lê Quý Đôn, tìm ra địa cuộc. Vua Gia Long đích thân cưỡi voi
đi khảo sát trước khi chuẩn y.
Lăng Minh Mạng rộng 15ha, nằm trên núi Cẩm Kê (Hiếu
Sơn), có núi Kim Phụng chầu, toàn lăng như một người nằm gối lên đồi
cao, chân tay duỗi ra phía ngã ba sông. Quan Lê Văn Đức tìm ra đất này
được vua thăng hai cấp.
Lăng Thiệu Trị nằm trên núi Thuận Đạo, rộng 6ha, theo
phong thủy là thế "sơn chỉ thủy giao"(núi dừng, nước giao). Phía trước
có đồi Vọng Cảnh chầu bên phải, núi Ngọc Trản chầu bên trái thành thế
"tả thanh long, hữu bạch hổ". Trước lăng khoảng 9km có núi Chằm làm tiền
án, phía sau có núi Kim Ngọc làm hậu chẩm.
Sống gửi thác về
|
Mộ vua Tự Đức trong Khiêm lăng. |
Khu lăng tẩm nào cũng chia làm hai phần chính là lăng
và tẩm. Lăng là nơi an táng thi hài vua, tẩm là hành cung nơi vua làm
việc, sinh hoạt, giải trí kiến trúc mô phỏng như hoàng cung.
Vua thỉnh thoảng ngự giá đến đây để tiêu khiển, ngắm
cảnh, làm thơ, nhìn ngắm sinh phần của mình mà ý thức rằng cõi trần tạm
bợ, đời người chóng qua như giấc mộng: "Sự đời ngẫm nghĩ nghĩ mà
ghê/Sống gửi rồi ra lại thác về/Khôn dại cùng chung ba tấc đất/Giàu sang
chưa chín một nồi kê..."(Ngẫm sự đời - Vua Tự Đức).
Với quan niệm "Sống gửi thác về", lăng tẩm là hoàng
cung vĩnh hằng của các vị vua. Vì thế, trong hầu hết các lăng tẩm đều
trang trí vô số hoa văn các chữ "thọ", "hỷ", hình ảnh sông núi thân
quen, những bức họa sinh động để không có cảm giác chết chóc, nặng nề.
Lăng được kiến trúc từ thấp lên cao. Ngoài cùng là
thành bao bọc, có hồ thả sen, bờ hồ trồng sứ, cây cảnh. Cổng chính là
đến một sân gạch rộng, hai bên sân có đúc tượng người, voi, ngựa bằng
đá.
Trên cuối sân là Bái đình để các quan làm lễ khi tế tự.
Tiếp đó là Bi đình (nhà bia) là toà nhà nhỏ có một tấm bia lớn trên bệ
đá cao gọi là bia Thánh đức thần công. Trong bia khắc bài ký ghi nhớ
công đức của vua.
Sau lưng Bi đình là hai trụ hoa biểu (trụ dẫn linh hồn)
cao vút. Qua Bi đình là tẩm điện, thờ thần vị của hoàng đế và hoàng
hậu, bên ngoài bày những đồ ngự dụng lúc sinh thời.
Phía trong Tẩm điện và hai bên có hai dãy nhà lớn gọi
là Tả hữu tùng viện để các bà phi và kẻ hầu ở. Theo nhà nghiên cứu Phan
Văn Dật thì đến năm 1901, tức 14 năm sau khi vua Dực Tông băng hà, còn
có 47 bà phi sống trong Khiêm Lăng.
Lăng tẩm ngày nay vắng bóng cung nga, khói hương tàn
lạnh, tường xanh rêu phủ, nhưng dường như trong không gian se sắt ấy
phảng phất bóng u linh rì rào trên ngọn thông, khối đá khiến lòng người
chùng xuống.
Cảnh sắc ấy thật u uẩn mà cũng thật thi vị, như thi sĩ
Bích Lan từng viết: Kìa núi Ngự sông Hương cùng lăng tẩm/Vẫn âm thầm
chờ đón các thi nhân.
Nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An đã
đúc kết phong cách nghệ thuật của bảy khu lăng tẩm như sau: Lăng Gia
Long hoành tráng; Lăng Minh Mạng thâm nghiêm; Lăng Thiệu Trị thanh
thoát; Lăng Tự Đức thơ mộng; Lăng Dục Đức đơn giản; Lăng Đồng Khánh
xinh xắn; Lăng Khải Định tinh xảo.
|
Theo vietnamnet.vn/Bee.net.vn