Chùa dát 60 tấn vàng
Đó là chùa Shwedagon, còn gọi là chùa Vàng, cao chừng 100 m, đường
kính khoảng 240 m. Bao bọc ngôi bảo tháp của chùa này là 60 tấn vàng lá
cùng 5.448 viên kim cương, 2.317 viên hồng ngọc dùng để trang trí…
Theo truyền thuyết, hai nhà buôn người Afghanistan đến Ấn Độ buôn
bán, được thần Nat (một trong nhiều vị thần trong tín ngưỡng dân gian
Myanmar) hướng dẫn đến gặp Phật vừa giác ngộ, trong thế tọa thiền dưới
gốc cây bồ đề. Hai nhà buôn dâng sữa cúng Phật và Phật đã ban cho họ 8
sợi tóc xá lợi. Hai nhà buôn này đem xá lợi Phật đến Yangon (trước đây
gọi là Rangoon - thành phố lớn nhất, cố đô của Myanmar), thờ trong hang
động trên đồi Singuttara.
Khi vào hang động, họ bắt gặp 3 di tích của 3 vị Phật quá khứ: tích
trượng, đãy lọc nước và tấm y. Họ liền thu thập 3 di vật ấy cùng với xá
lợi Phật để vào trong một hộp ngọc do Sakka, vua của thần Nat làm. Họ
để hộp xá lợi vào đền thờ, cửa động được họ đậy kín bằng tảng vàng,
trên đó họ xây một ngôi tháp bằng vàng.
Không chỉ có vàng
Qua nhiều thế kỷ và qua 32 triều vua, ngôi bảo tháp được mọi người
từ vua tới dân đến lễ bái và bảo trì. Để đánh dấu thời gian, những ngôi
tháp mới được xây chồng lên nhau. Cuối cùng là một ngôi tháp lớn được
làm bằng gạch, sắt trùm lên trên tất cả các ngôi tháp, cao chừng 100 m,
đường kính khoảng 240 m.
Bao bọc ngôi bảo tháp có những 60 tấn vàng lá và dùng 5.448 viên kim
cương, 2.317 viên hồng ngọc để trang trí, trên chóp đỉnh bảo tháp có
viên kim cương nặng 76 carat. Xung quanh bảo tháp còn có 64 ngôi tháp
nhỏ. Sư cô Liên Hiếu, nghiên cứu sinh Trường ĐH Phật giáo Nguyên thủy
Quốc tế Myanmar, cho biết thêm đây là ngôi bảo tháp lớn nhất, có nhiều
bảo vật nhất thế giới và là một trong 3 báu vật quốc gia của Myanmar
(cùng với tháp vàng Kyaihtiyo và tượng Phật vàng tại chùa Muhamuni).
Nhà báo Vu Gia (giữa) thắp đèn cầu phước tại chùa Shwedagon. Ảnh: LÂM HỮU TÀI
Theo sự hướng dẫn của tiến sĩ - thượng tọa Thích Đồng Bổn, chúng tôi
ngồi lại, tụng một thời kinh, cầu mong an lạc, rồi đi vòng quanh tháp
theo chiều quay của kim đồng hồ và thấy chùa này cũng có những vị Phật
ứng với những ngày trong tuần để cho ai sinh ngày nào trong tuần thì
đến vị Phật của ngày ấy mà chiêm bái, khấn nguyện.
Bên tượng Phật có vòi nước và có sẵn mấy chiếc cốc nhỏ để khách thập
phương tắm Phật. Vòng ngoài, từ vị Phật ngày thứ hai đến vị Phật ngày
chủ nhật là những dãy đèn dài, bề ngang có những chén nhỏ đựng sẵn dầu
và ngọn bấc. Khi tắm Phật xong, phật tử cũng như một số du khách thắp
đèn cầu phước.
Sau một hồi tham quan, chụp hình, mặt trời đã khuất núi từ lâu, sư
cô Liên Hiếu tập hợp đoàn lại, dẫn tới chỗ sân gạch có đánh dấu những
chữ: R, O, Y, W, G. Đây là những chữ viết tắt của tiếng Anh: Red - đỏ,
Orange - cam, Yellow - vàng, White - trắng, Green - xanh. Chúng tôi sắp
hàng, lần lượt đứng vào những chữ ấy, nhìn lên đỉnh bảo tháp, nơi có
viên kim cương 76 carat. Đúng là tuyệt vời! Trên đỉnh bảo tháp hiện ra
những màu như thế. Ai cũng hành thiền Chùa Shwedagon không chỉ là bảo
tháp để dân chúng đến lễ bái, để tăng chúng đến ngồi thiền, mà còn là
nơi gặp gỡ của phật tử trong cả nước. Đúng là người đông như hội. Nhìn
người quay ra, kẻ quay vào, người như tham thiền nhập định, người thì
cúi gằm, lẩm nhẩm điều gì đó (không biết đọc kinh hay nguyện cầu cho
riêng mình), người thì nằm chống tay, duỗi thẳng người giống như tượng
Phật nằm… Mọi tư thế ấy đều được gọi là hành thiền cả. Một số du khách
muốn chụp được những tấm ảnh đẹp của bảo tháp phải nằm rạp mình xuống
đất. Tôi nói với sư cô Liên Hiếu: “Đó cũng là cách hành thiền”. Sư cô
Liên Hiếu thừa nhận: Nếu người đó tập trung cao độ cho tấm ảnh và thích
thú với tư thế của mình… thì đó cũng là một cách hành thiền! Tôi rủ
người bạn dạo quanh tòa bảo tháp xem cách hành thiền của người Myanmar,
rồi cả hai cùng ngồi xuống hành thiền. Bên cạnh tôi có mấy người đàn
ông ra dáng đại gia vừa “xả thiền” và bàn về cách tu học. Thấy chúng
tôi để ý, một trong nhóm người ấy hỏi chúng tôi ở đâu tới rồi vui vẻ
bắt chuyện. Tôi hỏi tại sao họ không đi tu, ông Aung Thie, 59 tuổi,
nói: “Từ nhỏ, hầu hết chúng tôi đã vào chùa nhưng trong các giới cấm có
giới “bất tà dâm” là chúng tôi không giữ được!”…
Chùa vàng Shwedagon. Ảnh: VU GIA
Ông Aung Thie cho rằng vì một số giới luật của nhà Phật, nhiều người
không giữ được, nhất là giới “bất tà dâm” nên không thể đắp y vàng
nhưng họ vẫn kính Phật trọng tăng, vẫn vun trồng thiện nghiệp.
Ông khẳng định người tu hành khó chứng ngộ hơn ông bởi vì họ chưa
bao giờ thấy vợ buồn con khóc, chưa bạc tóc vì những đêm thức trắng lo
toan…, nghĩa là họ không hiểu rõ ý nghĩa cái khổ (Dukkha) của cuộc đời.
Một khi chưa hiểu rõ ý nghĩa cái khổ thì làm sao có thể nỗ lực vượt
khổ như lời Phật dạy. Đức Phật đã trải qua kinh nghiệm này, đã đi trên
hành trình này và ông cùng bạn bè đang bước theo con đường ấy.
Trên đường về, sư cô Liên Hiếu cho rằng đó là ý nghĩ của những người cấp tiến nhưng không nhiều.
Tất cả đều là vàng mười
Theo truyền thuyết, chùa Shwedagon có từ trước khi Phật qua đời,
nghĩa là có cách đây hơn 2.500 năm. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học cho
rằng chùa được xây lần đầu vào khoảng từ thế kỷ VI đến thế kỷ X.
Đối với người Myanmar thì bố thí, cúng dường không những là phương
tiện tư lương trên tiến trình giải thoát mà còn là phương thức biểu
hiện uy tín trong cộng đồng.
Vàng được dát ở các chùa, các tượng Phật tại Myanmar là vàng mười,
được các thợ thủ công chế tác bằng kỹ thuật tuyền thống, mỏng hơn tờ
giấy pelure.
|
Kỳ tới: Chợ đá quý Bogyoke Aung San
VU GIA