01/02/2012 18:47 (GMT+7)
Số lượt xem: 49829
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Viện trao đổi Văn hoá với Pháp
SGTT.VN - Mùa xuân, đường phố cũng gấm hoa như thiên nhiên. Đô thị khoác lên những gam màu tươi rói như bao người. Nhà nhà đua chen khoe mã như những đôi chim trống tị nạnh nhau.




Lang thang phố xá những ngày cuối năm, tôi nghe thấy đô thị và kiến trúc TP.HCM đang chuyển mình mạnh mẽ. Có rất nhiều công trình mới mọc lên, với những ngôn ngữ kiến trúc khác biệt nhau, có khi “chỏi” nhau cũng đứng rất gần nhau, mới và cũ đan xen chật chội với nhau.

Như từ trong sâu thẳm của vô thức, tôi, tiếc nuối một cách lẩm cẩm, tìm trong bóng tối những mảnh vụn thời gian của đô thị còn sót lại. Giữa những nhấp nhô và lộn xộn của kiến trúc bản địa và khi thời gian càng chao đảo qua nhanh, tôi lại càng mong muốn tìm thấy sự thăng bằng trong thị giác đô thị.

Khoảng hơn hai tuần trước, tôi điện thoại hẹn và càphê với KTS Ngô Viết Nam Sơn, con trai của KTS Ngô Viết Thụ. Anh Sơn hẹn tôi ghé qua chơi nhà anh ở đường Trương Định, quận 3. Tôi luôn cho rằng mình rất rành khu vực quận 1, quận 3 vì tôi đang sống ở khu vực này từ nhỏ đến giờ. Tôi đã qua lại con đường này cả ngàn lần và nghĩ rằng tôi có thể biết rõ từng ngôi nhà mặt tiền trên đường này. Nhưng khi đến địa chỉ trên, tôi thực sự ngỡ ngàng vì giữa con lốc biến đổi đô thị, lại còn có một ngôi biệt thự mang đậm dấu ấn đô thị của một thời, nằm lặng im bên con đường ồn ào. Ngôi biệt thự ấy cũ thôi, thấp thôi, không diêm dúa, hào nhoáng và cũng không hoành tráng như những kiểu biệt thự khác. Nó đặc trưng cho ngôn ngữ kiến trúc đá rửa mái bằng của Sài Gòn trong thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ 20. Nó được tư duy với những đường nét ngay thẳng và chân phương trong một tổ hợp tỷ lệ rất đẹp và “vừa vặn” với con người. Vật liệu ngoại thất kiến trúc không gì khác hơn là đá rửa, toát lên một sự thống nhất “ton-sur-ton” về màu sắc. Bên trong không gian ấy là một cuộc sống yên ả với những khoảng sân vườn nhỏ bao quanh ngôi nhà. Cây cối sân vườn và màu sắc kiến trúc đều khoác lên một màu dịu dàng của thời gian.

Từ ngôi biệt thự ấy tôi bỗng nhớ đến những công trình kiến trúc cùng thời nhưng với quy mô lớn hơn nhà ở. Cũng như ngôi biệt thự ấy, chúng dường như “mặc kệ” những biến đổi xung quanh, vẫn trầm lặng với những hoạt động thường nhật của mình. Có lẽ cũng ít người để ý tới khi đi trên đường Lý Tự Trọng, có hai công trình kiến trúc với “đá rửa mái bằng”. Đó là viện trao đổi Văn hoá với Pháp và thư viện Khoa học tổng hợp thành phố.

Viện trao đổi Văn hoá với Pháp thật sự là một công trình rất dễ thương, không to tát như tên gọi của nó, được bao bọc bởi ba con đường Lý Tự Trọng, Thái Văn Lung và Lê Thánh Tôn. Công trình là một tổ hợp ngôn ngữ kiến trúc rất chân phương nhưng giàu tỷ lệ đẹp, đẹp với đô thị, với phố phường và đẹp với cả con người... Còn thư viện Khoa học tổng hợp thành phố thì có quy mô lớn hơn và được bao bọc bởi bốn mặt đường. Công trình thực sự là một sự kết hợp hài hoà giữa các hình khối kiến trúc cao và thấp, tạo nên những góc nhìn và điểm nhấn không gian. Đó còn là một sự kết hợp tinh tế giữa những vạm vỡ ngay thẳng và ẩn dụ về hình khối và các hoạ tiết mỹ thuật phương Đông, vừa tạo cảm giác gần gũi về văn hoá cũng như tạo nên một công trình kiến trúc tương thích với khí hậu địa phương.

Tôi đã tin vào sự luân hồi trong cõi đời này và tôi cũng tin vào sự luân hồi trong đô thị và kiến trúc. Bởi nó là nơi xã hội loài người sinh tồn, do đó nó mang trong mình hơi thở và nhịp sống của thời đại. Một thời đại qua đi thì đô thị và kiến trúc xuất phát từ nó cũng khó lòng bất tử. Một thế hệ khác lại sinh ra, cũng sẽ kế thừa những “vật chất” của thế hệ trước và phát triển “vật chất” này ở tầm tiến hoá hơn. Kiến trúc và đô thị lại tiếp tục được tái sinh, được kế thừa và tiến hoá hơn trong thẩm mỹ thiết kế và kỹ thuật xây dựng.

bài: ThS. KTS. Trần Thái Nguyên


Âm lịch

Ảnh đẹp