12/07/2011 06:53 (GMT+7)
Số lượt xem: 106444
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nằm cách trung tâm TP.Đà Nẵng hơn 7km về hướng Đông nam, Ngũ Hành Sơn như “hòn non bộ khổng lồ” giữa lòng thành phố. Ngũ Hành Sơn còn có tên gọi rất dân dã là núi Non Nước. Nơi mang đậm hình bóng một vùng sơn thủy hữu tình đã in sâu mấy trăm năm trong tâm tưởng người Quảng Đà.

 Non Nước là một thắng cảnh đẹp của thiên nhiên, với quần thể chùa chiền và độc đáo với nghề tạc tượng đá.

Từ những phiến đá vô cảm

Từ những phiến đá vô cảm, được gọt giũa bằng khối óc và bàn tay khéo léo, người nghệ nhân thổi hồn của mình vào đá, đã đánh thức giấc ngủ hàng ngàn năm của thiên nhiên...

060302-Da-NN.jpg

Vườn tượng trong Cơ sở điêu khắc Nguyễn Hùng

Ngày trước, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước do người thợ xứ Thanh, xứ Nghệ đi đến lập ấp tạo dựng. Lúc bấy giờ sản phẩm chủ yếu phục vụ đời sống gồm những hòn chì đá dùng để buộc neo tàu thuyền, các loại cối giã gạo, xay bột, tiếp theo là những sản phẩm điêu khắc bia mộ, đặc biệt là những chế tác tứ linh: rồng, phượng, rùa, nghề phục vụ cho trang trí tại các chùa chiền, miếu mạo, lăng tẩm, cung đình. Cả làng lúc bấy giờ chỉ có khoảng 5-6 gia đình làm nghề. Do kinh tế tự cung, tự cấp, việc giao lưu buôn bán chưa phát triển, nên người dân nơi đây quanh năm chỉ làm ra những vật dụng như bia mộ, bia ký, cối giã, chì lưới và các dụng cụ phục vụ cho trồng trọt trong nông nghiệp...

Chúng tôi đến thăm Cơ sở chế tác đá Nguyễn Hùng tại Non Nước, dưới chân núi Thủy Sơn. Vườn tượng ở đây khá quy mô với những bức tượng Phật, tượng thiếu nữ, tượng động vật, cả những bức tượng mang phong cách Chăm pa độc đáo. Những người thợ làm đá tại cơ sở này đang miệt mài cưa cắt những khối đá lớn, để định hình, tạo thành những sản phẩm sau này sẽ đi khắp các nước trên thế giới. Anh Phan Thanh Vinh, một thợ đá lâu năm ở cơ sở này cho biết: “Làng đá này cũng qua nhiều thăng trầm, có những lúc tưởng không trụ lại được. Nhưng nhờ có những người còn yêu nghề, còn chịu cực nhọc với đá nên mới có ngày hôm nay”.

Chúng tôi đi xem các cơ sở khác trên đường Huyền Trân Công Chúa, đường Nguyễn Duy Trinh, len lỏi trong nhiều con hẻm nhỏ, đâu đâu cũng nghe thấy những tiếng cưa tiếng cắt, tiếng mài, tiếng đục đẽo vang lên trong một không gian sôi động của làng nghề. Một sản phẩm nghệ thuật ra đời đúng ý, nghệ nhân phải biết chọn đá phù hợp với sản phẩm, đồng thời cũng dựa trên nét đẹp hình khối vốn có của đá. Sản phẩm nào cũng có nhiều hình dáng khác nhau, không cái nào giống cái nào. Muốn được như vậy, trước hết nghệ nhân phải luôn làm mới ý tưởng cũng như kết hợp hài hòa yếu tố thẩm mỹ, cộng với một đôi tay tài hoa mới có thể làm được.

Ðá ở đây là loại cẩm thạch nhiều màu sắc như trắng sữa, hồng phấn, sáng đục, xám vân đỏ, nâu đen, xanh đậm, mang vẻ đẹp bền bỉ trước thời gian. Để tạo được một sản phẩm mỹ nghệ, những người thợ đá đã phải đi khai thác đá từ những vách núi cheo leo hiểm trở, rồi chuyên chở về đây những khối đá lớn vài tấn, vài chục tấn. Sau đó mới xẻ thành những khối đá nhỏ hơn tùy vào tác phẩm định chế tác. Sau khi có được những khối đá như ý, họ bắt đầu đục đẽo, tạo hình những đường nét thô mộc trên phiến đá to và nặng ấy. Để có được những sản phẩm như thế, họ chỉ dùng những chiếc búa, những chiếc đục rất thô sơ, sau đó mới đến những công đoạn của giai đoạn hoàn thiện tác phẩm.

Giai đoạn này nhanh hay chậm tùy thuộc vào tác phẩm có nhiều chi tiết hay không, và cũng còn tùy vào tay nghề của người thợ. Sau khi đã hoàn thành xong những chi tiết tỉ mỉ rồi, công đoạn cuối cùng là đánh bóng sản phẩm bằng những miếng giấy nhám nước. Tất cả những việc đó đều phải làm bằng tay, bởi chỉ có như vậy tác phẩm mới thật sự có sức sống. Những tảng đá ngàn năm không tuổi, vốn đã mang hồn núi non. Người nghệ nhân chỉ là người mượn tạo vật của thiên nhiên để tạo hình cho đá. Những phiến đá mang trầm tích ngàn năm qua tay người thợ đá đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật với đường nét hoa văn, họa tiết rất sống động.

Đến tài hoa của nghệ nhân

Ít ai biết rằng, để tạo nên một sản phẩm hoàn hảo cho người tiêu dùng, phải mất một thời gian dài thiết kế mẫu, làm thử, đem ra ngoài trời để thử độ bền sau đó mới bắt đầu sản xuất. Mỗi một sản phẩm từ khi bắt tay vào đẽo, gọt đến khi hoàn thành phải mất từ năm đến bảy ngày với nhiều công đoạn khác nhau. Lúc đầu kỹ thuật chế tác đá Non Nước chỉ được đào tạo theo kiểu truyền nghề và chủ yếu dựa theo kinh nghiệm và trí nhớ. Nhưng dần dần về sau do nhu cầu phát triển, nhiều nghệ nhân đã mở các lớp đào tạo tại chỗ và hậu duệ theo học các trường đại học mỹ thuật trong nước. Vì vậy, ngày nay nhiều nghệ sĩ đã chuyên sâu sáng tác kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

DSCF9823.jpg

Cổng tam quan dưới chân ngọn Thủy Sơn,
một công trình nghệ thuật từ đôi tay người thợ tài hoa

Sau khi thành phố có chủ trương cấm khai thác đá để bảo vệ quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhiều người ở làng đá Non Nước đã lấy đá tự nhiên từ Thanh Hóa, Nghệ An… về chế tác, nhằm duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Hiện nay, tại đây có hơn 650 hộ làm nghề sản xuất và buôn bán đồ mỹ nghệ bằng đá. Cách đây 30 năm chỉ có mấy chục hộ dân theo nghề chế tác đá, nhưng nay con số này đã tăng lên đáng kể, lớp trẻ tham gia học nghề nhiều hơn, các nghệ nhân ngoài việc truyền nghề và lòng đam mê cho thế hệ trẻ, còn có sự phối hợp với chính quyền để có hướng đầu tư đào tạo quy mô và bài bản hơn về lâu dài để nghề điêu khắc của làng hòa nhập và không lạc lõng với nghề điêu khắc trong nước và thế giới. 

Mới đây, thành phố đã quyết định quy hoạch lại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước với quy mô đầu tư lên đến 35,4ha, hơn 650 hộ dân nơi đây phải di dời để sắp xếp lại làng nghề. Sau khi quy hoạch, sẽ có từng phân khu chức năng của quy trình sản xuất sản phẩm đá, mang tính liên hoàn, khép kín như phân khu chế tác, đánh bóng sản phẩm, khu phố chuyên giới thiệu sản phẩm...

Bài, ảnh Bùi Hữu Cường

http://www.giacngo.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp