18/07/2012 19:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 77302
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong văn hóa Nhật , trà đạo là một nghệ thuật thưởng thức trà được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12. Vào khoảng thời gian này, nhà sư Eisa (1141-1215) sang Trung Hoa học đạo . Khi về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này Eisai viết cuốn "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà.


         
           Trà có một mùi vị chan chát, thanh khiết, dịu nhẹ, gợi nên vị thiền .Trước khi có trà đạo, các thiền sư đã dùng trà để giúp cho việc thiền định. Mùa nắng, trà là thứ giải nhiệt, mùa đông là thứ sưởi ấm .
           Sự thư giãn lẫn tính hấp dẫn đặc biệt của hương vị trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với cái thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tính Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, trở thành trà đạo (chado).
           Bản chất của trà đạo là chú trọng đến sự vô thường , vì vậy những sự thường như việc uống một chén trà đều được làm một cách cẩn trọng, chu đáo , kiên trì , cho đến khi thực hiện những công việc bình thường ấy một cách vô thức như không biết là mình đang làm việc đó . Ðây là lúc đạt đạo .
           Trà đạo gồm có 4 yếu tố : trà, trà thất, trà cụ , trà ẩm .
           Ðối với Ttung Quốc trà là thức uống ngon miệng . Ở Nhật trà được dùng như một liệu pháp. Ðến thế kỷ thứ 15 nghi lễ uống trà được đặt ra và trà trong trà đạo không phải là trà thông thường mà là trà đã được nghiền thành bột, hoà vào nước sôi cho đến lúc thành một thứ nước trà có một hương vị nhẹ .
           Trà thất là một gian lều cách biệt với nhà ở trong khu vườn được gọi là vườn sương. Khi bước vào khu vườn sương, khách cảm thấy như thoát khỏi mọi ô uế của thế giới ồn ào bên ngoài và lạc vào một khoảng không thanh tịnh .Trong lều mặt đất được phủ bằng một thứ chiếu rơm. Mái nhà thường lợp bằng rơm và vách làm bằng một thứ giấy , dựng với những cột trông có vẻ rất thô sơ . Ở góc lều, có một khoảng dành để treo tranh vẽ hoặc bức chữ treo sát vào vách, với một hòn đá, vài cánh hoa hay một đồ vật mỹ thuật. Mọi vật trong lều phải có vẻ cũ kỹ . Kết cấu gian lều bao hàm ý tưởng vô thường : sự phù du được gợi ra qua mái tranh, sự hư nhược với những chiếc cột mỏng mảnh, sự khinh bạc qua những cọc chống bằng tre, sự cẩu thả bề ngoài qua những vật liệu tầm thường . Riêng sự thường trụ chỉ có thể nhận thấy qua phong thái tao nhã của trà nhân.
           Trà cụ gồm có :
Bếp đun bằng than và hai thanh tre dùng để kẹp than . Nước suối đựng trong một cái bình biểu tượng của sự trong sạch chỉ có chủ nhà mới được đụng đến. Ấm đồng nấu nước , trên đáy ấm thường được sắp vài mảnh kim loại , nhờ vậy, khi sôi, nước sẽ phát ra tiếng reo như thác nước rơi hay như sóng biển vỗ vào vách đá . Nước biểu tượng cho âm, lửa biểu tượng cho dương. Một cái bát lớn để thải nước trà dư, một mảnh vải trắng nhỏ dùng để lau khô chén trà, muỗng bằng tre dùng để chia trà , muỗng cán dài dùng chuyển nước ở bình. Bình trà kèm theo que tre để khuấy trà và các chén màu sắc sẫm, dáng dấp thô kệch và thường thường người ta cố ý tráng men không đều, vẻ như chế tạo vụng về , khiến người xem thấy được cái "ngẫu nhiên" ở trên các vật đó. Các chén trà biểu tượng cho mặt trǎng (âm) được xếp cạnh bình trà tượng trưng cho mặt trời ( dương ) .
           Trà ẩm phải theo một nghi thức đặc biệt. Khách đến ngồi vào chỗ của mình. Chủ khách lần lượt cúi chào lẫn nhau . Chủ nhân nhóm lửa than, dùng muỗng tre cho nước vào một cái ấm đồng. Cử chỉ luôn luôn ung dung, thư thả . Khi nước bắt đầu reo thì tất cả im lặng để lắng nghe . Một lát sau, chủ mời từng người khách một. Dùng cái muỗng tre để khều trà trong hộp ra, chuyển nước ở bình bằng thứ muỗng cán dài và sau khi khuấy trà bằng que tre, chủ nhân hai tay nâng chén trà mời vị khách chính trước tiên và vị khách này cúi người , đưa hai tay nhận chén trà. Chén trà được nâng lên và xoay trên tay biểu thị sự ngưỡng mộ. Việc giao tiếp theo kiểu trà đạo cổ truyền phải theo bốn qui định : giữ sự ôn hoà (Hòa), tôn kính lẫn nhau (Kính), trà thất thanh tịnh (Thanh), tâm ý thanh nhàn (Tịch) .
           Trà đạo nâng cao phẩm chất con người, chú trọng đến cái đẹp trong những công việc bình thường, phát triển nhân cách. Ðó là đức tính tinh khiết và sự hoà hợp - giúp người ta cảm nhận được sự nhân ái và trật tự xã hội. Một nhúm trà gói ghém thiên nhiên được truyền nhiệt lượng để nở bùng thành một chén trà xanh thơm ngát, trái tim của chúng ta cũng gói ghém những niềm vui tao nhã, được ngụm nước trà nóng làm bùng nở cái nhân tính tự nhiên trong con người của chúng ta . []

http://oldcottage.net/vuonthien/thiennghethuat/thiennghethuat.html


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp