Huyền thoại Khúc Nghê thường


Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 147| LÊ HẢI ĐĂNG
02/03/2014 10:41 (GMT+7)
Số lượt xem: 2572
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khúc Nghê thường có tên gọi đầy đủ là Nghê thường vũ y khúc hay Nghê thường vũ y vũ. Ở nước ta,




huyen-thoai-khuc-nghe-thuong

 Khúc Nghê thường được nhiều người biết  đến  qua  tác phẩm  Thiên thai của nhạc  sĩ Văn Cao. Nó xuất hiện trong khổ thơ: “Thiên thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian. Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần. Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm. Khúc Nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn”. Đây có thể coi là khổ thơ hay nhất trong bài Thiên thai của nhạc sĩ Văn Cao. Toàn bộ “thế giới quan” của tác phẩm đều hiển thị nơi bốn câu thơ này. Lạc cảnh  “hoa xuân chưa gặp bướm trần gian”, “Mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần” chắc chỉ có ở cõi Tiên, nơi mà không gian – thời gian chưa phân  chia. Và Khúc Nghê thường được sử dụng  trong bối cảnh đó. Song, đằng  sau sự nổi tiếng của tên gọi Khúc Nghê thường, âm nhạc, vũ điệu của nó hoàn toàn xa lạ với tất cả chúng ta. Hầu như người thời nay chưa ai từng nghe qua Khúc Nghê thường dù chỉ một lần, kể cả tác giả tuyệt phẩm Thiên thai bất hủ. Vì, Khúc Nghê thường đã bị thất truyền từ hơn nghìn năm về trước.

 1. Bối cảnh văn hóa đời Đường

Nhà Đường là thời kỳ xán lạn nhất  trong  lịch sử văn hóa âm nhạc Trung Quốc. Nhà Đường cai trị đất Trung Hoa gần 300 năm; trong thời kỳ đó, tài lực, vật lực, nhân lực đều tập trung  trong tay hoàng  thất. Đó là lý do khiến cho nhà Đường có thể triển khai nhiều chính sách đổi mới trên quy mô lớn. Riêng về phương diện văn hóa, đặc biệt vào hai thời kỳ Khai Nguyên (713 – 740) và Thiên Bảo (741 – 755), trên có vị vua tài năng xuất chúng và vô cùng yêu thích nghệ thuật là Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, dưới có những nhạc công tài ba lỗi lạc như ba anh em nhà Lý Quy Niên, Lý Cổ Niên, Lý Hạc Niên, thị thần Hoàng Phan Xước, nhạc công Lý Thị; chưa kể vào đầu đời Đường còn có những  nhạc nhân người Hồ như Tào Diệu Đạt, An Mạt Nhược, An Mã Câu; giữa đời Đường có Bạch Minh Đạt, Vương Trường Thông; cuối đời Đường có Uy Trì Chương, Lý Khả, Vi Tùng… Nhân tố con người thêm một chiều kích khác tác động  vào việc triển khai chính sách âm nhạc trên diện rộng, từ quy chế Thái thường tự, Giáo phường, Lê viên… cho đến Mười bộ nhạc, Bốn bộ nhạc, rồi ngoài chốn dân gian có Kỹ quán, Tửu lầu (phát triển mạnh hơn vào thời kỳ nhà Tống)… Từ thể chế, hiểu là chính sách, đi đến thiết chế (thiết lập cơ sở vật chất, tập kết nguồn  nhân  lực, vật lực) đã thúc đẩy hoạt  động  âm nhạc phát triển. Tới giữa đời Đường, thể chế, thiết chế âm nhạc Đại Đường đi đến giai đoạn chín muồi, hoàn thiện với quy mô hàng chục cơ quan quản lý, tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật cho đến tổng số nhạc nhân, nhạc kỹ, nhạc sư… lên tới con số hàng vạn người khiến cho đời sống văn hóa âm nhạc đời Đường cực kỳ xán lạn.

2. Xuất xứ tác phẩm

Khúc Nghê thường vốn là một Đại vũ khúc (hay Đại khúc) nổi tiếng, xuất hiện vào thời kỳ nhà Đường (618 – 896), Trung Quốc. Đại khúc hiểu là tác phẩm nghệ thuật tổng hợp có quy mô lớn viết cho ca, múa và nhạc cụ. Về xuất xứ tác phẩm có khá nhiều giả thuyết khác nhau.

Thứ nhất, tác phẩm này do vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ sáng tác.

Thứ hai, theo “Đường hội yếu”, năm Thiên Bảo thứ 13, vua Đường Huyền Tông cải biên một số nhạc khúc Bà-la-môn du nhập từ Tây Vực (hiểu là Ấn Độ) thành ra Khúc Nghê thường.

Thứ ba, Đường Huyền Tông sáng  tác nửa đầu  tác phẩm, còn nửa sau cải biên từ chất liệu nhạc khúc Bà-la- môn do Tiết độ sứ Hà Tây Dương Kính Thuật cung hiến.

Trong cả ba giả thuyết trên đều có liên quan tới vua Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Tương truyền Lý Long Cơ nằm mơ rong chơi cung trăng nghe thấy tiếng nhạc tiên, các tiên nữ múa trong  trang  phục  sắc màu cầu vồng (nghê thường) làm bằng lông chim (vũ y). Tiếng hát của bầy tiên nữ huyền diệu ưu mỹ, điệu bộ thanh thoát,  bay bổng…  Sau khi tỉnh giấc, Lý Long Cơ còn nhớ rõ cảnh tượng  trong  mộng. Ông muốn  chép  lại khúc nhạc đó để cho nhạc công diễn tấu cùng ca nữ múa. Ông dần dần hồi tưởng lại giấc mơ, rồi lần lượt chép lại vũ điệu, nhạc khúc, thậm chí có lúc thiết triều, Lý Long Cơ còn thủ sẵn một cây Địch bằng ngọc, vừa nghe các Đại thần bẩm tấu, vừa lén bịt lỗ Địch nhằm dò tìm âm điệu. Rồi một lần tới trạm Tam Hương, Lý Long Cơ dõi nhìn ra núi Tiên Sơn xa xăm. Trước cảnh núi non điệp trùng, mây mờ che phủ, ông vua nổi tiếng phong lưu tài hoa nhất trong lịch sử quân vương Trung Hoa bỗng  tức cảnh  sinh tình, nhớ  lại toàn  bộ  cảnh tượng trong mộng ngày trước. Sau khi trở về, ông sáng tác Khúc Nghê thường với kết cấu của một Đại khúc sử dụng cho cung đình. Nhạc công diễn tập nhạc khúc, ái phi Dương Ngọc Hoàn thiết kế phần vũ đạo. Kể từ đó, Khúc nghê thường chính thức ra đời và được sử dụng trong các nghi thức quan trọng hoặc yến hưởng (hiểu là tiệc tùng) diễn ra tại cung đình.

Nhà nghiên  cứu âm nhạc  danh  tiếng  người Nhật Bản Kishibe Shigeo trong cuốn Nghiên cứu lịch sử âm nhạc đời Đường, viết: “Nghê thường vũ y là một tên gọi khác của nhạc khúc Hồ Bà-la-môn do Tiết độ sứ Dương Kính Thuật (trong sách viết là Trung) người Hà Tây dâng biếu vào thời Khai Nguyên”. Cuốn Bích kê mạn chí của Vương Chước lại cho rằng: Nghê thường  vũ y là tác phẩm do “Tây Lương sáng tác, Minh Hoàng sửa sang”. Và Kishibe Shigeo có diễn dịch thêm rằng, Nghê thường vũ y được sáng tác dựa trên “tinh thần chủ đạo của việc cải biên tên bài mà thực chất là Trung Quốc hóa Hồ khúc xét về mặt tính chất”.

3. Cấu trúc tác phẩm

Theo nhà thơ Lý Bạch, toàn bộ tác phẩm  Khúc Nghê thường gồm 36 đoạn, chia thành ba phần:Tán tự (sáu đoạn), Trung tự (mười tám đoạn) và Phá tự (mười hai đoạn).

Tán tự giống  như Khúc dạo đầu, tốc độ vừa phải, tiết tấu tự do. Biên chế nhạc cụ gồm có: khánh, tiêu, đàn tranh, địch độc tấu hoặc diễn tấu thay phiên nhau. Phần này chưa có sự tham gia của ca, múa.

Trung tự còn gọi là Phách tự hay Ca đầu, một  bộ phận  có tính chất trữ tình, tốc độ chậm, giữa có mấy chỗ thay đổi, chuyển từ tốc độ chậm sang nhanh. Phần này có cả ca, múa, nhạc.

Khúc phá hay còn gọi là Vũ biên, cao trào của tác phẩm. Phần này múa đóng  vai trò chủ đạo, âm nhạc dồn dập, tốc độ nhanh, hoạt bát… Tốc độ có xu hướng chuyển từ vừa đến chậm rồi nhanh dần. Sắp kết thúc, tác phẩm chuyển hẳn về tốc độ chậm, không hát chỉ có múa.

Thời gian diễn tấu của đại khúc Nghê thường vũ y rất dài, trên cơ sở 36 đoạn trên mà theo truyền thuyết, khi thuyền ra khỏi thành được 15 dặm mới kết thúc phần giữa, khoảng thời gian 1 tiếng.

Về biên chế dàn nhạc, cũng theo mô tả của nhà thơ Lý Bạch trong tác phẩm Nghê thường vũ y vũ ca hòa vi chi có: “Linh Long không hầu Tạ Hảo tranh. Trần Sủng tất  lật Trầm Bình sênh. Thanh huyền  xuế quản  tiêm tiêm thủ. Giáo đắc Nghê thường nhất khúc thành” (Linh Long chơi không hầu, Tạ Hảo gảy đàn tranh. Trần Sủng thổi tất lật, Trầm Bình thổi sênh. Dây đàn trong, tiếng quản giòn, những cánh tay thon nhỏ. Dạy được Nghê thường một khúc xong). Như vậy, theo “Nghê thường vũ y vũ ca hòa vi chi” của nhà thơ Lý Bạch, thành phần nhạc cụ của Nghê thường vũ y có: không hầu, đàn tranh, tất  lật, sênh, bốn chủng  loại nhạc khí. Còn vào thời Văn Tông diễn tấu Nghê thường vũ y có thêm khánh ngọc, đàn cầm, đàn sắt, chúc, tiêu. Dù trong Nghê thường vũ y không thấy nói tới biên chế dàn nhạc, cũng như diễn viên múa có bao nhiêu người, song tham chiếu với tình hình của các Đại khúc khác thời Đường, biên chế của nó chắc hẳn rất đồ sộ.

4. Kết luận

Suốt hơn nghìn năm qua đã có rất nhiều cố gắng trong  việc phục  chế nhạc  Khúc Nghê thường. Nhưng, công việc này không mấy thu nhận được kết quả, ngay vào thời Văn Tông (827), tức sau loạn An Sử khoảng nửa thế kỷ, âm điệu Khúc Nghê thường qua công tác phục chế của Phùng Định đã khác nhiều so với nguyên tác. Đến thời Ngũ đại, hậu chúa Nam Đường Lý Dục và Đại Chu Hậu viết lại, bổ sung và âm hưởng đó không còn phản ánh phong khí của thời thịnh Đường huy hoàng. Những mảnh phổ rời rạc mà Khương Quỳ phát hiện, rồi viết lời cho Phần giữa ghi chép  trong  tập  Ca khúc Đạo nhân Bạch Thạch cũng chỉ có lời ca. Ngoài ra, chúng  ta cần lưu ý thêm về tình hình ghi chép nhạc phổ đời Đường. Theo mục Phách bản cuốn Nhạc phủ tạp lục có đoạn viết: “Phách bản vốn không có bản phổ. Minh Hoàng sai Hoàng Phan Xước sáng chế nhạc phổ. Sáng chế xong lại còn vẽ thêm hai cái tai lên giấy. Hoàng thượng hỏi lý do vì sao? Phan Xước trả lời, miễn là có tai, chỗ không cần đến tiết tấu vậy”. Có nghĩa là, tình trạng ghi chép nhạc khúc đời Đường còn khá sơ sài, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm  của nhạc nhân. Điều này càng khiến cho việc phục chế nguyên tác gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là những  cái tai biết về khúc Nghê thường  đã đi vào cõi vĩnh hằng. Mặt khác, so với với những tuyển tập nổi tiếng trước Công nguyên như Kinh Thi, Sở từ hay “Ca khúc Đạo nhân Bạch Thạch” thời Tống liệt kê lời ca trong tác phẩm âm nhạc có cơ sở để phục chế dễ dàng hơn nhiều, vì, khuôn khổ khá ngắn gọn, quan trọng nữa là chúng  tồn tại trên cơ tầng  của âm nhạc dân gian, len lỏi vào tầng lớp Nho sĩ và được bảo lưu bằng thói quen văn hóa. Tất cả những  yếu tố đó có giá trị hỗ trợ nhất định để tìm về nguyên tác. Còn khúc Nghê thường vốn là một đại vũ, đỉnh cao tinh hoa của văn hóa âm nhạc cung đình. Sau khi triều Đường chấm dứt vai trò lịch sử, những sản phẩm văn hóa, tinh thần tượng trưng cho giá trị thời đại ấy dễ dàng mất đi. Khuôn khổ tác phẩm càng đồ sộ càng có nguy cơ tuyệt diệt, cộng hưởng với tình trạng văn bản hóa thời đó chưa phản  ánh hết những nguyên  tố cấu thành  tác phẩm. Dù cho truyền thống ghi chép sử biên niên của Trung Quốc đã cung cấp rất nhiều dữ liệu liên quan, cộng thêm thơ ca, truyền thuyết, song tư liệu sống động cũng chỉ cho phép người đời sau có thể phục hồi phần “xác” của Khúc Nghê thường, còn phần “hồn” của nó đã mãi mãi tắt lịm trong không gian và thời gian của lịch sử. „

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 147| LÊ  HẢI  ĐĂNG


Âm lịch

Ảnh đẹp