09/06/2018 15:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 5258
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Sau khi bài đối thoại “Tượng Bồ tát Quan Thế Âm phục dựng trên Biển Hồ, Pleiku: nhìn ra mặt hồ hay nhìn vào triền dốc”? của tôi được đăng tải, một số bạn đọc đã trao đổi ý kiến với tôi, trong đó có những ý kiến thảo luận rất khác biệt.


Nhận thấy đây không chỉ là trường hợp cụ thể của việc phục dựng tượng Bồ tát Quan Thế Âm tại Biển Hồ, Pleiku, mà còn có ý nghĩa lý luận đối với nhiều trường hợp xây dựng tượng Phật về sau, tôi xin tiếp tục đề tài đối thoại về hướng nhìn của tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm tại Biển Hồ, Pleiku.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có thể trao đổi ý kiến với ông về những vấn đề phong thủy?

MINH THẠNH: Xin phép là không. Như đã nói, tôi chỉ tin vào giáo lý Phật giáo Nguyên thủy: Đất lành là đất mà ở đó con người tạo tác việc lành.

Ở đây, việc phục dựng tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm tại Biển Hồ, Pleiku đã là điều tốt, điều lành.Vấn đề chỉ còn ở chỗ thảo luận để có được việc tạo tác tốt lành nhất, tốt lành vượt trội mà thôi. Chúng ta thảo luận vấn đề từ niềm tin về công đức đó.

Tuy không đề cập trực tiếp đến chuyện phong thủy, nhưng tôi tin rằng cơ sở những quan điểm của tôi, về sự hài hòa tâm linh trong xây dựng, cũng là chuyện phong thủy, chỉ khác ở hình thức thể hiện, trình bày. Cho nên, chúng ta trao đổi ý kiến từ chiều kích như vậy vẫn mang tính chất phong thủy.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trước hết, trong bài đối thoại trước, ông cho rằng việc dựng tượng Bồ tát Quan Thế Âm tại Biển Hồ, Pleiku là việc tâm linh hóa Biển Hồ. Nói như vậy có là quá không, chỉ với một tượng Phật?

MINH THẠNH: Tôi thấy không quá, mà còn có thể là chưa tương xứng. Tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm phục dựng tại Biển Hồ, Pleiku không phải chỉ tâm linh hóa cảnh quan Biển Hồ, Pleiku, mà sẽ là biểu tượng tâm linh của thành phố Pleiku trong một thời gian rất dài.

Do đó, hướng nhìn của tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm là hết sức quan trọng và cần cân nhắc thấu đáo khi lựa chọn.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đến mức là biểu tượng tâm linh của thành phố Pleiku? Đề nghị ông phân tích chi tiết?Biểu tượng Pleiku phải là khu trung tâm thành phố Pleiku chứ?

MINH THẠNH: Với những bức ảnh khu trung tâm thành phố Pleiku, công chúng truyền thông toàn quốc có nhận ra ngay đó là Pleiku, là Gia Lai?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI:Khó. Vì phố xá thì thành phố nào cũng na ná giống như nhau.

MINH THẠNH: Nhưng với ảnh chụp và những đoạn phim về Biển Hồ, Pleiku, công chúng truyền thông có thể nhận ra ngay đó là Pleiku, Biển Hồ, đó là khuôn mặt của Pleiku, là mắt của Pleiku, như Hồ Xuân Hương đối với thành phố Đà Lạt, như sông Hương với Huế, như sông Hàn với Đà Nẵng, như Hồ Hoàn Kiếm với Hà Nội.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đồng ý. Vì cảnh sơn thủy hùng vĩ, đồi núi trập trùng và ở khá gần mặt nước của Biển Hồ rất đặc trưng cho Pleiku. Biển Hồ chính là mắt của Pleiku.

MINH THẠNH: Nếu quan niệm Biển Hồ là mắt của Pleiku, thì tượng đài Quan thế Âm Bồ Tát đặt ở trung tâm Biển Hồ sẽ là con ngươi của mắt Pleiku. Ý nghĩa của tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm không giới hạn trong phạm vi tâm linh hóa Biển Hồ, mà tầm mức ý nghĩa sẽ là toàn thành phố Pleiku, toàn tỉnh Gia Lai.

Cho nên, bàn việc tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát ở đây không phải chỉ là nói chuyện lợi ích Phật giáo địa phương, mà nói chuyện lợi ích của Pleiku, của tỉnh Gia Lai.

Tượng Bồ tát Quan Thế Âm Biển Hồ sẽ có ý nghĩa biểu tượng cho cả một thành phố, một tỉnh. Ý nghĩa đó được xác lập không chỉ ở bức tượng, vì một tượng Phật giống như bao tượng Phật khác chỉ có ý nghĩa tôn giáo, còn ở đây, ý nghĩa biểu tượng được xác lập trong quan hệ giữa bức tượng với đặc thù cảnh quan. Mục tiêu của tôi là lưu ý Phật giáo Gia Lai, người dân Gia Lai, chính quyền Gia Lai về mối quan hệ đặc biệt quan trọng đó.

Xin lặp lại để nhấn mạnh, nếu chỉ một bức tượng cắt rời thì không có ý nghĩa bao nhiêu, mà ý nghĩa là ở mối quan hệ giữa tượng Phật với non nước trùng điệp đại ngàn. Điều đó là vô hình, vì nếu nhìn giới hạn, thì sẽ chỉ thấy tượng Phật trong cự ly bó hẹp vài trăm mét.

Phong thủy, trong mọi trường hợp, là xét mối quan hệ vô hình đó. Nhà cửa, đền đài, mộ táng tuyệt đối chỉ tựa lưng vào đồi núi, còn phía trước phải thoáng đãng, Nhưng đó không phải là phong thủy của nước ta hay Trung Quốc, mà toàn thế giới đều làm như vậy. Cho nên, theo tôi, tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm nên nhìn ra mặt hồ.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Minh Thạnh nói đến mối quan hệ ông nhấn mạnh núi non luôn ở phía sau, thì thác thảo mô hình tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm Biển Hồ đăng trên báo chí cũng cho thấy điều đó. Những đỉnh núi phía sau tượng rất hùng vĩ?

MINH THẠNH: Tôi có cảm nhận được ý đó khi xem phối cảnh phác thảo mô hình tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm đang phục dựng ở Biển Hồ. Đó là một chi tiết rất đắc.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, nên xét cảnh quan ở mức tổng thể, chứ không chỉ một góc.

Nếu hình tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm ở giữa Biển Hồ, thì như vậy là rất đẹp.

Nhưng ở đây tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm chỉ trên một bán đảo gắn với bờ hồ và gần với bờ hồ.Bờ hồ cũng cao so với tượng đài.Cho nên, phía sau tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm nếu tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm nhìn ra mặt hồ vẫn là triền đồi, tuy thấp nhưng lại ở gần.Núi non phía sau công trình không chỉ có yếu tố cao thấp, mà còn là gần hay xa.

Điều cần lưu ý phối cảnh phác thảo mô hình dường như là tranh vẽ, do đó, có thể không đúng với thực tế. Có lẽ nên có nhiều phác thảo tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm giả lập từ ảnh chụp, chúng ta mới có thể hình dung chính xác.

Thứ hai, là bối cảnh phông nền cần xét trong quan hệ với mặt tiền.Tôi biết là khoa phong thủy cũng chú trọng đến điều này, tức là luôn nhìn bao quát, toàn diện, tổng thể, đại cục.Bối cảnh công trình là tốt, nhưng nếu công trình lại quay vào một vách núi khác, thì ưu thế đó sẽ không còn.

Hơn nữa, như đã phân tích trong bài đối thoại trước, hướng người lễ bái đến tượng đài không nên là hướng từ cao xuống thấp, mà chỉ nên là từ hướng thấp lên cao.Trường hợp Biển Hồ, thì cần xét đến hướng đến.Khi tượng đài nằm ở vị trí thấp, buộc phải đi xuống thấp để đến, thì chỉ nên đến từ phía sau lưng.

Nếu tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm nhìn ra Biển Hồ, tầm nhìn sẽ không vướng núi, vì núi ở rất xa, giữa núi và tượng đài đã có mặt hồ, rừng thông bạt ngàn.

Tôi nghĩ là từ khía cạnh phong thủy hay xét từ chiều kích hài hòa tâm linh, thì tượng đài là quan trọng trước tiên, tượng đài không thể nhìn vào triền đồi, vách núi. Còn bối cảnh, thì nên ưu tiên xét cái ở gần (tức là lấy triền đồi ở gần làm bối cảnh thay vì lấy bối cảnh ở xa như trong phác thảo mô hình).

Ngoài ra, đối với tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm, không chỉ có hướng nhìn từ phía trước ra phía sau, từ phía sau ra phía trước, mà còn có hướng nhìn từ hai bên.

Bố cục khuôn hình trong ảnh chụp hay điện ảnh truyền hình đều có nguyên tắc giáo khoa là nếu nhìn nghiêng, diện tích khung ảnh phía trước hướng người nhìn phải lớn hơn, chiếm 2/3 khung hình. “View” này ở tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm tại Biển Hồ có thể là từ điểm nhìn thực tế, có thể là điểm nhìn từ máy ảnh, máy quay phim trên mặt hồ hay flycam bay ở hai bên bán đảo. Nên hết sức chú ý đến hình ảnh truyền thông này, vì đó là diện mạo của Pleiku, là mắt Pleiku, là con ngươi Pleiku.

Cần lưu ý một điểm mà tôi không dám cho là từ phong thủy, mà chỉ từ mục tiêu hài hòa, bố cục mỹ thuật, là nhìn từ trên cao, bán đảo, con dốc đặt tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm đều chung xu hướng là nhô ra mặt hồ, tiến vào mặt hồ, cho nên tôi cho là trong cục diện chung của đất đai, sông núi, thì bố cục của tượng đài cũng phải hướng theo hướng thuận chiều đó.

Tôi hình dung bán đảo nhô ra Biển Hồ như một con rồng phóng ra biển, mà Pleiku chính là con rồng đó. Tất nhiên, hướng nhìn của tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm phải là hướng tiến tới của con rồng, chứ không phải quay ngược lại để chặn đầu rồng, đối lại với rồng.Hơn nữa, hướng tiến là hướng từ khu dân cư ra mặt hồ mênh mông, được ví von là “biển” hướng thăng hoa, vượng khí.Ở đây, có lẽ vấn đề không chỉ là đẹp hay không đẹp nữa, mà sẽ là quan trọng hơn nhiều, nếu không muốn nói là “tâm linh tiêu cực”.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Người dân Pleiku vẫn gọi bán đảo là mỏm đầu rùa thưa ông?

MINH THẠNH: Dù là rồng hay rùa, thì Bồ tát vẫn là vị dẫn đạo hiển hiện trên đầu nó, đưa những linh vật đó tiến theo hướng nhìn của Bồ tát. Nhưng xin nhìn kỹ ảnh chụp từ trên cao để xem đó là linh vật nào? Rồng hay rùa? Riêng tôi xin đề nghị tên “mỏm Đầu Rồng”.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Quan điểm từ trước đến nay của Minh Thạnh là chú trọng đến số người có quan hệ đến tượng Phật, được sự tác động an lạc từ tượng Phật. Như vậy, nếu nhìn vào con dốc tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm có thể tạo thành một không gian chính điện ngoài trời từ diện tích con dốc. Cuối con dốc là tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm nhìn vào, có thể tập trung hàng ngàn người cử hành khóa lễ?

MINH THẠNH: Câu hỏi này hay, vì nó là phần quan điểm của tôi về xây dựng tượng Phật. Ở đó, tôi cho rằng tượng Phật lộ thiên luôn cần phải gắn bó với không gian hành lễ, hình thành một chính điện ngoài trời, có thể tập trung Phật tử ở mức tối đa.

Trường hợp tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm Biển Hồ, trước đây, với tượng cũ dường như quý liệt vị tôn đức đã chú ý điều đó, khi giữ khoảng cách tượng Bồ tát và mặt hồ. Chúng ta có thể nới rộng khoảng cách đó.

Còn lấy con dốc làm diện tích chính điện ngoài trời thì e không ổn. Vì ở xa tượng đài Bồ tát một chút trên con dốc, thì người hành lễ đã đứng cao hơn Bồ tát, phải nhìn về Bồ tát theo hướng ngó xuống dưới thấp. Điều đó, không phù hợp với không gian hành lễ, người lễ bái buộc phải đứng cao hơn đối tượng lễ bái.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trong phong thủy, người ta có xét tương quan đối tượng được kiến tạo với người kiến tạo. Ở đây, có việc xem tuổi người chủ trì xây dựng với hướng tượng Phật không?

MINH THẠNH: Tôi không có kiến thức về chuyện này nên không dám bàn luận. Nhưng từ ý nghĩa biểu tượng tâm linh của thành phố Pleiku của cả tỉnh Gia Lai, thì nếu có xét quan hệ kiến tạo đó, thì phải xét đến quan hệ tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm với tất cả người dân thành phố Pleiku và cả tỉnh Gia Lai, chứ không với riêng một người nào.

Tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm Biển Hồ là giá trị chung cho người yêu Pleiku trên cả nước, trong đó có tôi. Ý kiến của tôi cũng là một trong những ý kiến của những người liên hệ đến Pleiku, đến Biển Hồ.

Phong thủy là truyền thống, và chúng ta phần nào đã nói đến nó, dù không trực tiếp.

Tôi cũng muốn nói đến việc vận dụng công nghệ hiện đại để có một lựa chọn tối ưu cho hướng nhìn của tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm Biển Hồ, điều mà chúng ta phân tích là có ý nghĩa biểu tượng hết sức quan trọng.

Cụ thể, là nên chụp nhiều bức ảnh nơi phục dựng tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm ở Biển Hồ, từ nhiều góc cạnh, kể cả đưa flycam chụp từ trên cao. Sau đó, đặt giả lập ảnh tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm với góc nhìn tương ứng vào các bức ảnh trong hai tư thế nhìn ra mặt hồ và nhìn vào để có được hình dung rõ ràng, cụ thể về cảnh quan tương lai, sẽ là biểu tượng tâm linh của Pleiku, của Gia Lai.

Một bức phác thảo mô hình tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm Biển Hồ như chúng ta đang thấy là quá ít, không đủ để hình dung về “con ngươi trong mắt của Pleiku”.

Hồi tôi còn làm việc ở lĩnh vực truyền hình, tôi được biết trong hồ sơ xây dựng tháp truyền hình mới, cấp có thẩm quyền đã yêu cầu đài truyền hình giả lập hình ảnh tháp truyền hình được đề xuất ở rất nhiều góc nhìn, kể cả góc nhìn rất giới hạn là từ trên cao (khi đó chưa có flycam mà phải dùng không ảnh chụp từ máy bay).

Vấn đề hướng nhìn của tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm Biển Hồ là rất hệ trọng, nên tôi cũng cho rằng đề xuất của tôi, dù có phân tích cặn kẽ, vẫn có thể chủ quan, nên cần công nghệ thông tin về hình ảnh để những vị có thẩm quyền đi đến một kết luận tối ưu, trong một quyết định mà tôi nghĩ rằng có ý nghĩa lịch sử đối với diện mạo tâm linh của Pleiku, ý nghĩa đối với vượng khí của Pleiku.


Minh Thạnh


Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com,vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.



 14202521_1122431724461755_6062606630018327336_n.jpg

Pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm trước năm 1975 mặt Phật nhìn ra mặt hồ,

lưng dựa vào triền đồi bờ hồ

14225336_1122431727795088_4249418616051267043_n.jpg

Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm trước năm 1975.

1_1.jpg

Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm giả lập bằng photoshop (nhìn ra Biển Hồ)

2_1.jpg

Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm giả lập bằng photoshop (nhìn vô triền dốc)

BBTwww. chuabuuminh.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp