28/12/2017 13:28 (GMT+7)
Số lượt xem: 4421
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa gốc, còn gọi là văn hóa bản địa. Nền văn hóa gốc này rất quan trọng đối với sự mất còn của một dân tộc. Chính từ sự coi trọng văn hóa gốc đó mà có câu: "Văn hóa còn là đất nước còn, văn hóa mất là đất nước mất".



Khi mà một dân tộc được truyền thông cổ vũ lái cho họ quay lưng với nền văn hóa bản địa, mà lạc dẫn họ đi theo một nền văn hóa mới, thì hệ lụy xảy ra cho tương lai dân tộc không thể nào đoán định được, sáng sủa hay u tối.

Cây thông, ông già Noel là của nền văn hóa mới, nhà nhà trang trí, người người trang trí. Trang trí trên banner của nhiều tờ báo chính thống có lượng độc giả lớn, trang trí ở Bưu điện công, khu vui chơi, nhà hàng, thậm chí nơi bán vé xe cũng có, ông già Noel vô thẳng trong trường học phát quà cho các em. Từ yêu thương đi đến hành động không cách nhau mấy bước. Ông già Noel, cây thông là văn hóa phương tây, cụ thể hơn là văn hóa Ki Tô giáo. Con mình được ông già Noel phát quà, được tặng quà mang về nhà, thế là sẽ có một ngày cha mẹ dắt con đi chơi hội lễ Noel, vô nhà thờ chụp ảnh bên hang đá, bên ông già Noel, bên cây thông.

Và thế là giáo đường trở thành sân chơi chung cho tuổi trẻ, tình yêu khác đạo hội nhập một cách dễ dàng như nước với sữa. "Cải đạo mà không cải đạo" nhẹ nhàng êm thắm, như không hề có sự bắt buộc. Quyền lực mềm đã thắng.

Tiếp tay cho sự suy vi của đạo Phật là một số tăng ni trẻ, và một số khá đông cư sĩ, phật tử trẻ đã mừng đón giáng sinh một cách hăm hở. Soạn tin nhắn “Merry Christmas” chúc mừng cho nhau, người cùng đạo và không cùng đạo, một cách vô tâm, vô tư. Check-in chọn một nơi vui chơi tràn đầy không khí lễ hội Ki Tô, chụp hình bên ông già Noel, cây thông rồi đăng lên trang mạng toàn cầu facebook.com.... Việc làm như thế họ đã vô tình đưa đạo Phật trở thành một tôn giáo thiểu số, ngay trên một đất nước có nguồn gốc Phật giáo trên hai ngàn năm.

Chuyện ngày Noel hôm nay đã xảy ra như thế, nguyên nhân từ đâu:

- Phật giáo đã quá lỏng lẻo khâu quản lý đối với tăng ni, phật tử để họ muốn làm gì thì làm.

- Phật giáo đã không quan tâm đúng mức cho ngày đại lễ Phật Đản, nhiều nơi không tổ chức xe hoa diễu hành trong ngày Phật Đản để cho giới trẻ biết đến đức Phật sơ sinh, để lại một ấn tượng sâu sắc, trong thời thơ ấu, thiếu niên trôi qua quá nhanh.

- Chúng ta không học hỏi cái cách rất hay của tôn giáo bạn: Từ trung ương cho đến địa phương, vùng biên giới, hải đảo...in thiệp Phật Đản tặng cho nhau, chúc mừng nhau, và hơn hết chiêu hiền đãi sĩ mời các họa sĩ trong đạo ngoài đời thiết kế thiệp Phật Đản cho đẹp cho ấn tượng, gần gũi với phong cách á đông, dân tộc. Các vị văn hay chữ tốt soạn giúp cho những câu chúc mừng Phật Đản, hay dễ nhớ, ấn tượng sâu đậm trong lòng người được chúc....càng nhiều càng tốt.

Họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt, tín đồ đạo Thiên Chúa đã thành công trên lãnh vực này, ông vẽ đức Mẹ Maria mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ bồng Chúa hài đồng in hệt như bà mẹ Việt Nam xưa, giới Phật giáo rất nhiều nơi, nhiều vị, đã lầm tưởng bức tranh này là tượng trưng cho tình mẹ con, rất Việt Nam. Nên đã đem vào trang trí cho ngày lễ Vu Lan báo hiếu, làm bìa cho tạp chí nữa...
Đức Mẹ Maria mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ bồng Chúa hài đồng
- Số tăng ni trẻ dấn thân cho đạo còn quá ít, cho lãnh vực truyền thông của Phật giáo còn khá khiêm tốn. Cho đến thời điểm hiện nay chỉ thấy Thượng tọa Thích Nhật Từ, Thích Phước Tiến.... biết vận dụng công nghệ 4.0 của thời đại để chống cải đạo, truyền bá giáo lý Phật giáo hiệu quả, nhưng như thế vẫn chưa đủ.

- Về phía chính quyền cần nền kinh tế phát triển, bởi phải hội nhập, bởi nhiều thứ khác.... nên cũng dễ dãi trong khâu quản lý đạo giáo. Luật giáo dục có cho phép truyền đạo trong trường học không? Không cho phép. Vậy mà cứ xảy ra. Công sở nhà nước có được phép phô bày trưng dẫn hình ảnh, biểu tượng của tôn giáo không? Không được phép đấy! Nhưng ông già Noel, cây thông và câu chúc “Merry Christmas” vẫn cứ hiện diện vô tư ở công sở đây đó.

Ba bà giúp một nên đến ngày hôm nay ngày lễ Noel gần giống như quốc lễ, bởi truyền thông trong và ngoài nước quảng bá rộng rãi: Chơi Noel, ăn Noel, check-in Noel, nhắn tin chúc Noel.... nhà nhà có facebook.com, nhà nhà có Zalo, nhà nhà có điện thoại, chúc “Merry Christmas”, sử dụng quyền lực mềm quá tuyệt vời.

Ngày lễ Phật Đản im ắng đã đành, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, chỉ chốn Tổ đền Hùng mới đông, còn các tỉnh thành khác cũng chưa thâm nhập sâu đậm vào lòng con dân Việt, bởi chúng ta làm chưa tốt.

Cụ thể là truyền thông Phật giáo (nhà nhà làm truyền thông, người người làm truyền thông) chứ không phải chỉ Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo. 

Truyền thông nhà nước tuyên truyền cho ngày quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương không bằng tuyên truyền cho ngày Noel.

Chúng ta phải làm gì để giữ gìn nền văn hóa bản địa, và giới phật tử chúng ta phải làm gì để cho ngày lễ Phật Đản, đó là trách nhiệm, bổn phận của tất cả chúng ta, những người con trai lành, những người con gái lành của đức Thế Tôn.

Nguyên Thư

http://phatgiao.org.vn/van-de-quan-tam/201712/Ngay-le-Noel-va-bo-nao-khong-biet-tu-duy-29424/


Âm lịch

Ảnh đẹp