CHƯƠNG I: BÀN VỀ NHỮNG NGUYÊN TẮC SỐNG
Vì sao cần có những nguyên tắc sống
Khi tôi còn nhỏ, có lần tôi được nghe loáng thoáng một câu chuyện giữa
cha tôi với mấy người bạn, trong đó ông đề cập đến niềm mong ước sẽ cố
gắng nuôi dạy chúng tôi – tôi và các anh chị em – được khôn lớn nên
người.
Với đầu óc ngây thơ lúc đó, tôi lấy làm thắc mắc: “Vì sao phải cố gắng
nuôi dạy chúng tôi cho nên người? Tự nhiên thì chúng tôi cũng đã là
người rồi kia mà!”
Tất nhiên chẳng có ai trong số quý độc giả lại có thể có một câu hỏi
ngớ ngẩn kiểu ấy như tôi đâu. Nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta đôi khi
hiểu khác nhau về khái niệm “nên người”.
Có người xem việc này giản dị quá. Có người lại đặt ra những chuẩn mực,
kỳ vọng cao xa quá. Và hiểu như thế nào để không “quá” thì quả thật là
vấn đề còn phải bàn cãi khá nhiều. Ở đây sẽ không bàn đến điều này,
nhưng chỉ nêu ra để cho thấy việc hình thành nhu cầu thiết yếu về những
nguyên tắc sống trong mỗi một cộng đồng.
Vì sao khái niệm “nên người” lại có liên hệ đến vấn đề chúng ta đang
trao đổi? Bởi vì, khi nói đến “nên người” là đã có hàm ý về việc “thế
nào mới được gọi là người”. Và khi đã xác định được khái niệm “người”,
thì những đối tượng “chẳng nên người” sẽ được phân biệt theo kiểu như
là những “con vật đi hai chân”, hay nói khác đi là phải chịu sự khinh
miệt, coi rẻ của cộng đồng xã hội.
Một con người hiểu theo nghĩa này, cần phải có được những nhận thức
đúng đắn tối thiểu mà cộng đồng xã hội quanh mình đòi hỏi. Người dân
quê vẫn thường nói nôm na khi dạy dỗ con cái là “biết ăn biết ở”, có
nghĩa là ăn ở như thế nào để có thể được mọi người chung quanh yêu
thương, kính trọng, hoặc tối thiểu cũng là chấp nhận được mà không bị
phản đối. Và kèm theo với khái niệm này, chúng ta còn được nghe câu tục
ngữ “Ăn thì dễ, ở thì khó.” Đủ biết phép ứng xử trong đời sống được
người xưa coi trọng như thế nào.
Nhưng con người không phải sinh ra là tự nhiên có thể “biết ăn biết ở”
hiểu theo nghĩa này. Những điều đó phải học hỏi từ gia đình, xã hội,
hay nói cách khác là phải được dạy dỗ, rèn luyện từ thuở nhỏ.
Mỗi thế hệ có trách nhiệm giáo dục, rèn luyện cho thế hệ tiếp theo, nếu
như muốn bảo vệ được những giá trị tích cực về tinh thần cũng như vật
chất đã đạt được của thế hệ mình. Và sự giáo dục, rèn luyện đó, tuy
không tránh khỏi phần chủ quan của mỗi cá nhân, nhưng về mặt tổng quát
cũng đã hình thành nên những nguyên tắc sống được cộng đồng chấp nhận.
Tất nhiên là khi nói đến những nguyên tắc sống này, chúng ta không bao
hàm những nguyên tắc đã được văn bản hoá thành luật pháp. Bởi vì, với
loại nguyên tắc đó thì ngay cả khi chúng ta “không biết”, cũng sẽ có
người “dạy” cho ta biết ngay khi ta vi phạm vào.
° ° °
Sự hình thành những nguyên tắc sống như thế trong mỗi cộng đồng cũng
giúp tạo điều kiện để ngày càng hoàn thiện hơn sinh hoạt chung của cộng
đồng đó, vì người ta có thể thông qua việc điều chỉnh các nguyên tắc
này để làm cho cuộc sống trong xã hội ngày càng tốt đẹp, có ý nghĩa
hơn. Ngoài ra, mỗi thế hệ cũng có thể dựa vào những nguyên tắc sống đã
hình thành để dễ dàng truyền dạy lại cho thế hệ tiếp theo sau mình.
Như vậy, những nguyên tắc sống được hình thành từ việc tích luỹ kinh
nghiệm sống qua từng thế hệ. Bằng vào thực tế người ta nhận ra được là
mỗi cá nhân cần phải tuân theo những nguyên tắc nào để sinh hoạt của
gia đình, của xã hội được hoà hợp, êm ấm. Hơn thế nữa, người ta cũng
nhận ra những cách ứng xử tinh tế có thể thu phục được tình cảm, hoặc
tạo ra sự kính trọng trong lòng người. Một cách cụ thể, những nguyên
tắc chi li này bao hàm những nghi thức giao tiếp (phép xã giao), cách
đi đứng, ăn mặc, nói năng, chào hỏi... ở nơi công cộng, khi tiếp xúc
với mọi người... (phép lịch sự), cách ứng xử khác nhau trong các tình
huống khác nhau, với những đối tượng khác nhau (thuật xử thế)... Nhưng
quan trọng hơn hết là những nguyên tắc, cách nhận thức để định hướng
đúng đắn cho mọi hành vi giao tiếp, ứng xử trong gia đình cũng như xã
hội, sao cho có thể được xem như là một nếp sống đẹp.
Chính những nguyên tắc, cách nhận thức này sẽ được đề cập đến nhiều
nhất trong sách này. Lấy ví dụ, trong quan hệ giữa cha mẹ với con cái,
mỗi người đều có thể có những phương thức ứng xử riêng phù hợp với gia
đình mình. Những chỉ dẫn chi li thường là rất ít khi phù hợp, nếu không
muốn nói trong nhiều trường hợp hầu như là vô ích. Vì thế, chúng ta chỉ
cần trao đổi về những nguyên tắc chung nhất, những nhận thức đúng đắn
nhất có thể sẽ áp dụng được cho hầu hết mọi gia đình. Một trong những
nguyên tắc này sẽ được bàn đến chẳng hạn như là “Đừng bao giờ cáu gắt
với con cái.” Bạn có thể sẽ đồng ý hoặc không đồng ý với nguyên tắc
này, nhưng hy vọng của tập sách này tất nhiên là cố gắng thuyết phục
một cách hợp lý sao cho được nhiều người cùng đồng ý.
Trải qua các thời đại
Khi nói đến những nguyên tắc sống đã được cộng đồng xã hội chấp nhận,
chúng ta có thể nhận ra một điều là những nguyên tắc mà chúng ta đang
đề cập đến trước đây hầu hết thường là thuộc loại “bất thành văn”.
Chúng được truyền dạy từ đời này sang đời khác, cha mẹ dạy cho con cái,
người già dạy cho người trẻ, thậm chí mọi người đều truyền dạy lẫn
nhau. Khi chúng ta lớn lên, có nhiều điều chúng ta biết được mà thậm
chí không còn nhớ là mình đã học được từ lúc nào. Chẳng hạn, tôi không
sao nhớ được từ lúc nào tôi đã được dạy là mỗi khi ngáp phải quay vào
chỗ khuất và dùng tay che miệng lại. Lớp trẻ ngày nay có nhiều người
chắc là không được dạy như thế, vì vậy ở nơi công cộng hoặc trên đường
phố ta rất thường nhìn thấy những cái miệng ngoác ra rất to mà không
chút e ngại gì! Sự truyền dạy theo lối “bất thành văn” đôi khi cũng có
những giới hạn của nó.
Vì thế, ngay từ thời cổ đại, một số người đã cố gắng tìm cách ghi nhận
lại những phương cách ứng xử, những hướng dẫn giao tiếp... thành những
tập sách để có thể dễ dàng truyền dạy cho người khác. Mặc dù có thể đã
phát sinh từ khi con người bắt đầu biết sống tập trung thành những cộng
đồng xã hội sơ khai, nhưng những nguyên tắc loại này chỉ được biết là
đã ghi lại thành tập sách đầu tiên vào khoảng 25 thế kỷ trước Tây lịch
ở Ai Cập, vào thời vua Pharaoh, do một vị đại thần của nhà vua biên
soạn. Ông này tên là Ptahotep, và tập sách của ông lấy nhan đề là
“Những chỉ dẫn của Ptahotep”.
Trong sách của Ptahotep, chúng ta còn thấy được một số những chỉ dẫn mà
ngày nay có vẻ như khôi hài, nhưng thật kỳ lạ là chúng vẫn còn đúng
đắn. Chẳng hạn như, ông chỉ dẫn về cách giao tiếp với những người có
địa vị xã hội cao hơn mình như sau: “Hãy cười khi họ cười, điều đó sẽ
làm cho họ cảm thấy thích mình.” Hoặc ông khuyên một người đàn ông đối
xử với vợ cần phải biết “... im lặng khi cần thiết, vì điều đó là một
món quà đôi khi quý giá hơn một bông hoa...” Tương truyền tập sách đã
được lưu hành rất rộng rãi và có ảnh hưởng lớn trong vùng Cận Đông
trước cả khi Kinh Thánh ra đời. Vì thế, nó cũng có ảnh hưởng đến ngay
cả lời lẽ trong Kinh Thánh nữa.
Ngược dòng thời gian đến những thời kỳ xa hơn nữa trong quá khứ, chúng
ta không còn biết được một cuốn sách nào xưa hơn nữa có nội dung thuộc
loại tương tự như cuốn sách này.
Tuy nhiên, những cố gắng của con người để ngày càng tỏ ra văn minh,
lịch sự hơn – dù là văn minh, lịch sự theo cách của người cổ đại – còn
được ghi nhận qua nhiều dấu vết công cụ được các nhà khảo cổ học tìm
thấy.
Ngoài những công cụ thiết yếu cho lao động sống còn, người thời cổ cũng
đã phát minh ra các vật dụng để sử dụng trong bữa ăn cho “dễ coi” hơn.
Thay vì tiếp tục việc ăn bốc bằng hai tay, người ta dần dần biết dùng
đến đũa, dao, muỗng, nĩa ...
Đôi đũa mà ngày nay chúng ta dùng đã được người Trung Hoa phát minh ra
từ thời thượng cổ, nghĩa là nhiều ngàn năm trước Tây lịch. Những nền
văn hoá chấp nhận sử dụng đôi đũa trên bàn ăn có sự khác biệt với những
nền văn hoá dùng dao, nĩa để ăn. Hãy nghe một câu tục ngữ của người
Trung Hoa nói lên quan điểm của họ: “Ngồi vào bàn để ăn, không phải để
cắt xé xác chết.” Theo quan điểm đó, thức ăn cứng hoặc dai thường được
cắt sẵn theo kích cỡ vừa “đũa gắp”, để người ăn không cần phải dùng đến
dao và nĩa. Điều này có lẽ cũng còn phản ánh một phần nào đó quan điểm
của người Á Đông nói chung, không thích nhìn ngắm những con vật bị mình
ăn thịt. Tất, nhiên, ngày nay thì vấn đề đã thay đổi khá nhiều, bởi vì
việc dùng dao nĩa cũng không xa lạ mấy với rất nhiều người Á Đông.
Dao là công cụ được phát minh để dùng làm vũ khí trong săn bắt thú.
Người ta tin là con dao đầu tiên phải có không dưới 1,5 triệu năm tuổi,
theo những kết quả khảo cổ ở châu Phi và châu Á. Từ công dụng ban đầu
là một loại vũ khí, những con người “lịch sự” đã bắt đầu đưa nó vào bàn
ăn để hạn chế những thao tác bằng tay “khó coi” hơn. Thời xưa, dao rất
quan trọng nên mỗi người chỉ được quyền sở hữu một con dao mà thôi. Chỉ
những người có quyền thế trong cộng đồng mới được quyền giữ cho mình
nhiều con dao. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến việc hạn chế sở hữu
súng đạn ngày nay. Có lẽ cũng tương tự như vậy.
Muỗng là một công cụ được phát hiện thấy ở tất cả các nền văn hoá cổ,
và chỉ thuần tuý được dùng khi ăn thức ăn lỏng. Những chiếc muỗng xưa
nhất có độ tuổi vào khoảng thời đại đồ đá cổ. Ban đầu muỗng được làm
bằng xương, bằng đá... Về sau nó cũng được chế tạo bằng gỗ, bằng kim
loại, ngay cả những kim loại quý như vàng và bạc. Trong các mộ cổ Ai
Cập, người ta tìm thấy những cái muỗng bằng ngà, bằng vàng hoặc bằng
bạc. Trong nền văn minh Hy La cổ, giới quý tộc dùng muỗng bằng đồng và
bạc, còn những người bình dân thì dùng muỗng gỗ.
Nĩa là công cụ được dùng đến muộn màng nhất, nhưng có thể là cũng đã có
từ khoảng thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch. Đó là theo các kết quả khảo cổ.
Còn việc sử dụng nĩa vào bàn ăn được người ta biết chắc chắn ít nhất
cũng là từ thế kỷ 11 ở vùng Tuscany của nước Ý. Loại nĩa thời ấy chỉ có
2 chĩa, thay vì là 3 hoặc 4 như ngày nay. Đến thế kỷ 14 thì nó đã có
mặt ở Anh quốc, nhưng chỉ được giới quý tộc sử dụng như một dấu hiệu
trang trí, vì thế thường được làm bằng vàng hoặc bạc và có nạm cả đá
quý. Tuy nhiên, cho đến thế kỷ 17 thì ngay cả ở nơi khai sinh ra nó là
nước Ý, nĩa vẫn chưa được quần chúng chấp nhận rộng rãi. Những người
bình dân nào dùng nĩa trong bữa ăn thường bị chế giễu là quá cầu kỳ.
Trong thế kỷ 18 thì việc ăn bằng nĩa được xem như dấu hiệu đặc trưng
của tầng lớp quý tộc thượng lưu
° °
Vào khoảng năm 1530, tại Phần Lan đã thấy xuất hiện một tập sách hướng
dẫn các phép tắc ứng xử, đặc biệt được biên soạn để dạy dỗ trẻ em. Vì
thế, sách có tựa là “Văn minh trẻ em”. Sách được xuất bản và lưu hành
rất rộng rãi, được sự chấp nhận nồng nhiệt của công chúng đến nỗi phải
tái bản đến 30 lần ngay trong khi tác giả của nó vẫn còn sống. Người
biên soạn tập sách này là một triết gia thiên về giáo dục ở Rotterdam,
có tên là Eramus. Qua tập sách, ông đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc
giáo dục các nguyên tắc sống trong cộng đồng xã hội cho trẻ em từ khi
chúng còn rất nhỏ. Sau khi ông qua đời, sách tiếp tục được tái bản
nhiều lần cho đến tận thế kỷ 19. Nó cũng được dịch ra nhiều ngôn ngữ
khác và được biên soạn bổ sung, cũng như thêm vào các phần luận giải
cho phong phú hơn. Đây là một tập sách có ảnh hưởng rất lớn về chủ đề
này trên khắp phạm vi Châu Âu.
Gần đây hơn và cũng thành công không kém phần rực rỡ là cuốn sách dạy
về phép lịch sự của bà Emily Post, xuất bản vào năm 1922 tại Hoa Kỳ.
Sách có ảnh hưởng sâu rộng với người Mỹ đến nỗi cái tên Emily Post được
người ta dùng để chỉ cho một phong cách cư xử được xem là lịch sự và
đứng đắn. Số lượng sách được phát hành cũng đạt đến một mức kỷ lục:
tính đến năm 1945 đã bán ra được hơn nửa triệu bản! Vì thế, ngay cả
hiện nay những chuẩn mực trình bày trong sách vẫn còn được rất nhiều
người tôn trọng.
Trong thời phong kiến – và một phần nào đó cho đến cả bây giờ – người
Việt chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các nguyên tắc, nghi thức được ghi
trong tập Thọ Mai Gia Lễ, khi tổ chức các nghi thức lễ tang, cưới hỏi,
mừng thọ... Đây cũng là một hình thức văn bản hoá những ước lệ chung
của cộng đồng về những vấn đề này. Ngoài ra, nền văn hoá của chúng ta
còn ảnh hưởng sâu đậm bởi những điều được nhà Nho xưa gọi là “lễ giáo”,
xét cho cùng cũng chính là những nguyên tắc được áp dụng cho sinh hoạt
của từng cá nhân trong cộng đồng.
Trong thời đại thông tin bùng nổ này, những sách dạy về phép lịch sự,
phép xử thế.. cũng ngày càng nhiều hơn. Người ta đã phát hành những tập
sách dày thu thập rất nhiều những nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi
trong việc xử thế, phép lịch sự, phép xã giao... Tôi có gặp được một
tập cẩm nang loại này được sắp xếp theo vần ABC. Tuy nhiên, tôi đã thử
tra cứu theo vần “NG” và không thấy có mục nào nói về cách ngáp sao cho
đúng phép lịch sự!
Điều muốn nói ở đây là chúng ta hầu như không thể nêu hết được những
phép lịch sự, cách ứng xử trong từng trường hợp... bởi vì chúng rất chi
li, tỉ mỉ và gần như là quá nhiều đến nỗi không sao kê cứu hết. Chính
vì vậy, dù là xưa hay nay, những cuốn sách như thế chỉ góp một phần,
thậm chí phần rất nhỏ, trong việc giúp cho chúng ta “nên người”. Trong
bối cảnh xã hội ngày nay, điều này càng dễ thấy hơn, vì các tình huống
giao tiếp, sinh hoạt cộng đồng đã trở nên phong phú, đa dạng và thậm
chí phức tạp đến nỗi không một người uyên bác nào có thể am tường được
hết.
Vì thế, để có thể ứng xử tốt, trở thành một người lịch sự, hay nói theo
cách nhìn của chúng ta trong tập sách này là để có thể sống đẹp, chúng
ta không thể chỉ học hỏi rập khuôn theo những gì được ghi lại trong
sách – cho dù là thật nhiều sách. Điều mà chúng ta thật sự cần có là
một quan điểm, một nhận thức đúng đắn về vấn đề. Với nền tảng này,
chúng ta có thể tiếp tục học hỏi tiếp thu những chi tiết, những phương
thức ứng xử trong từng trường hợp, hoặc thậm chí có thể sáng tạo ra
chúng mà vẫn đạt được hiệu quả tốt đẹp trong giao tiếp hoặc trong cuộc
sống cộng đồng nói chung.
Vài quan điểm khác nhau thời hiện đại
Chúng ta đã nói qua về sự hình thành của những nguyên tắc sống trong
một cộng đồng xã hội, và tầm quan trọng của nó trong việc giữ cho sinh
hoạt chung của toàn xã hội được hài hoà, giảm thiểu tối đa những bất
đồng giữa các cá nhân. Đối với những xã hội xưa kia, những phân tích
này hoàn toàn có thể chấp nhận được vì tính cụ thể, rõ ràng của chúng.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, khi mà vai trò của tự do cá nhân được
đề cao tối đa, ý thức độc lập về tư tưởng, quan điểm, nhận thức... đều
được mọi người ưa chuộng, thì không thể tránh được sự phát sinh một vài
quan điểm khác nhau. Chẳng hạn như, có cần đến những nguyên tắc cũ nữa
hay không? Và nếu cần, thì việc tuân thủ các nguyên tắc này có thể chấp
nhận được đến mức độ nào? Hoặc là, việc tuân theo các nguyên tắc chi li
trong giao tiếp, ứng xử... liệu có phải là có lợi, hay ngược lại nó làm
cho con người trở nên căng thẳng, khó khăn hơn trong cuộc sống vốn đã
có quá nhiều điều để lo toan? Chúng ta sẽ không bàn đến việc đúng hay
sai của từng quan điểm, nhưng sẽ điểm qua các nguyên nhân phát sinh và
lập luận của từng quan điểm, để từ đó mỗi người tự chọn cho mình một
cách suy nghĩ mà mình cho là thích hợp nhất.
Sự khác biệt lớn của ngày nay so với các xã hội trước đây là tính hoàn
chỉnh của hệ thống pháp luật. Những bộ luật ngày nay đồ sộ hơn ngày xưa
rất nhiều. Lấy một ví dụ gần nhất ở nước ta, nếu đem so luật Hồng Đức
thời Lê cho đến luật Gia Long vào thời nhà Nguyễn – nghĩa là cũng chỉ
mới gần đây thôi – và hệ thống pháp luật hiện nay của chúng ta, sẽ thấy
sự cách biệt rất lớn về cả số lượng lẫn chất lượng. Nhìn sang đến luật
pháp của các nước lớn như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức... mỗi nơi một vẻ,
nhưng cũng đều đồ sộ và chi li hơn trước đây rất nhiều. Điều này có thể
hiểu được dễ dàng bởi những lý do rất cụ thể. Thứ nhất, do sự kế thừa
và hoàn chỉnh từ những gì đã có, nên luật pháp ngày càng phát triển hơn
về mọi khía cạnh là điều tất nhiên. Thứ hai, luật pháp ngày nay do
chính quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, thông qua việc đóng góp ý
kiến và bầu ra các đại diện của mình, không còn là công việc của một
nhóm rất ít các nhà chuyên môn như ngày xưa nữa. Điều đó dẫn đến việc
luật pháp có thể bao hàm được hầu hết mọi phạm vi sinh hoạt của mỗi cá
nhân trong xã hội, và dự kiến những biện pháp điều chỉnh thích hợp khi
cần thiết.
Sự phát triển như thế đã cho phép luật pháp can thiệp nhiều hơn vào
hành vi của một cá nhân. Lấy một ví dụ, ngày xưa một người đánh vợ thô
bạo và vô cớ có thể bị chê cười, chỉ trích hoặc thậm chí bị khinh miệt,
nhưng không ai có quyền can thiệp trực tiếp vào việc đó, với nguyên tắc
rất chung chung là “đèn nhà ai nấy sáng”. Vì vậy, đối xử tốt với vợ chỉ
là một nguyên tắc sống, một phép ứng xử mà người muốn “sống đẹp” phải
tôn trọng. Trong bối cảnh đó, sự khinh chê, áp lực tâm lý của cộng đồng
đóng một vai trò quan trọng để điều chỉnh hành động này. Những ai không
tuân theo các nguyên tắc đã được cộng đồng thừa nhận sẽ bị xem là không
“biết ăn biết ở”, nghĩa là không “nên người”.
Sự việc này ngày nay đã khác hẳn, vì bị xem là một hành vi vi phạm pháp
luật rõ ràng. Như vậy, dù có muốn sống đẹp hay không, cá nhân cũng
không có quyền thực hiện những hành vi tương tự, vì sẽ có sự can thiệp
tức thì của xã hội. Điều này có nghĩa là, rất nhiều nguyên tắc sống
trước đây, giờ đã được đưa vào luật pháp, và những điều không đưa vào
luật pháp chỉ còn là những điều “vô thưởng vô phạt” theo quan điểm của
một số người, như việc ngoác miệng thật to khi ngáp trên đường phố
chẳng hạn.
Do sự khác biệt thực tiễn này, một số người cho rằng không còn cần đến
những nguyên tắc sống như ngày xưa nữa. Bởi vì, những gì thật sự cần
thiết tất nhiên đã được đưa vào luật pháp. Còn những gì luật pháp không
đề cập đến thì tất nhiên là không có gì cần thiết. Nếu thích thì cứ
học, cứ theo; bằng không thì thôi, cũng chẳng sao!
Tuy nhiên, bằng vào cảm tính, mỗi người chúng ta hẳn là đều đã có ít
nhất cũng một lần thấy khó chịu hoặc “chướng tai gai mắt” vì tiếp xúc
với một người sống “không đẹp”. Một bà sồn sồn ngồi nói huyên thuyên
trong bàn tiệc cưới, chẳng cho ai mở lời, và mọi người cũng chẳng biết
tránh đi đâu khác vì sợ mích lòng gia chủ... Hoặc một thính giả cùng
nghe nhạc thính phòng mà cứ liên tục hắt hơi, khạc nhổ hoặc tuôn ra đủ
thứ các tiếng động “cá nhân” chẳng kể gì đến sự tập trung thưởng thức
của những người chung quanh... Những điều đó đều không có ghi trong
luật pháp, không bị “chế tài” bởi bất cứ hình phạt nào, nhưng không ai
có thể phủ nhận được sự khó chịu tất nhiên mà chúng gây ra cho mọi
người khác.
Như vậy, thực tế là luật pháp vẫn không làm sao chi phối hết mọi hành
vi của một cá nhân để họ trở nên những người “sống đẹp”. Điều này vẫn
phải cần đến ý thức tự giác học hỏi, rèn luyện của mỗi người, và một
nhận thức đúng đắn về mỗi hành vi của mình trong cộng đồng xã hội. Điều
này cũng có nghĩa là vẫn cần phải có những nguyên tắc sống nhất định
tồn tại, để theo đó mà giáo dục, rèn luyện nếu như muốn cho con cái
được “nên người”.
Nhưng vấn đề là những nguyên tắc như thế nên được tồn tại ở mức độ nào?
Có những nguyên tắc không thể phủ nhận được tính khắt khe hoặc không
hợp thời nữa của chúng, và vì thế bất cứ ai cũng có thể đồng ý là không
nên tồn tại. Chẳng hạn như một phụ nữ bo bo giữ câu “xuất giá tùng phu”
phải cúi đầu nhẫn chịu chung sống với anh chồng sáng say chiều xỉn mà
không có chút dấu hiệu cải hối nào. Hoặc một bậc cha mẹ nào đó cứ vin
vào câu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” để ép gả con gái cho một người mà
cô ta không hề thương yêu... Những điều này có lẽ miễn bàn.
Nhưng cũng có những nguyên tắc vẫn còn giữ được tính thiết yếu, cần
thiết trong đời sống mà không ai có thể phủ nhận được. Chẳng hạn như
con cái nhất thiết phải tôn kính cha mẹ, hoặc học trò cũ phải tôn kính
thầy cô giáo đã dạy mình trước đây... Bất kể địa vị xã hội của bản thân
có leo cao đến đâu cũng không được lấy đó mà coi thường các vị ấy, cho
dù hiện tại các vị có kém thua mình đến đâu đi chăng nữa. Một người
không giữ được điều này thì dù có biết đến một vạn điều tinh vi, tế nhị
khác nữa cũng chẳng thể xem là biết “sống đẹp”, vẫn bị xã hội xem như
là chưa “nên người”.
Bản thân tôi đã có lần tận mắt chứng kiến một trong những trường hợp
này. Hồi đó tôi còn đi giảng dạy Anh ngữ ở một trường phổ thông. Mặc dù
chỉ là một giáo viên hợp đồng, nhưng tôi vẫn được mời tham gia hội nghị
xây dựng kế hoạch năm học vào đầu niên khoá. Sau hội nghị, tôi thấy một
trong các giáo viên lớn tuổi có vẻ hơi khó chịu. Vốn chơi khá thân với
vị này, tôi liền mượn cớ mang cho ông một ly nước ngọt để tiện hỏi
riêng. Ông nhìn tôi rồi cười có vẻ chua chát, nói: “Anh xem, cái ông
phó phòng hôm nay về dự hội nghị ấy, thậm chí chẳng thèm chào tôi một
tiếng nữa. Ngày xưa nó đã từng học với tôi ba năm tiếp đấy.”
Tôi hiểu tâm trạng của thầy, và càng hiểu rõ cái “không đẹp” của ông
phó phòng “tuổi trẻ tài cao” kia. Hẳn là không ai trong chúng ta có thể
đồng ý với một hành vi kiểu đó.
Vấn đề là, giữa những nguyên tắc cần phải bỏ đi và những nguyên tắc
không thể bỏ đi, còn có vô số những vấn đề không dễ nhất trí với nhau
là cần thiết hay không cần thiết. Dưới góc nhìn của người này, một vấn
đề có thể là cần thiết, với một người khác thì lại không. Và ngược lại.
Như vậy, dựa vào đâu để chúng ta có thể xác định được những gì nên giữ
và những gì không nên giữ? Chuyện nhỏ nhặt như việc ngoác miệng ra ngáp
ở nơi công cộng, tuy có làm cho một số người cảm thấy khó chịu, nhưng
lại cũng có những người khác cho là bình thường, chẳng có gì đáng kể!
Trong thời đại mà cái “tôi” của mỗi cá nhân được tôn trọng hơn bao giờ
hết, và thậm chí là được cả pháp luật bảo vệ, thì sự khen chê của cộng
đồng cũng ngày càng giảm thiểu đi đáng kể. Thiên hạ bây giờ tôn sùng
chủ nghĩa “ba không” đối với hành vi của người khác: không quan tâm,
không bình luận, không can thiệp. Bởi vậy, nếu như có ai đó có những
hành vi “không đẹp” thì đó là chuyện của họ, miễn đừng vi phạm pháp
luật thì thôi, can thiệp đến, khen chê để làm gì? Mà nếu thiên hạ đã
thế thì việc gì mình phải quan tâm đến việc rèn luyện, chú ý từng hành
vi nhỏ nhặt để mà chi? Quan điểm như thế cũng là một quan điểm có thể
hiểu được trong bối cảnh thay đổi của thời hiện đại.
Từ cách nghĩ như thế, một số người bắt đầu cho rằng những nguyên tắc
ứng xử chi li, tỉ mỉ nếu đã không cần thiết, tất nhiên là chúng sẽ có
tác dụng ngược lại. Trong thời buổi này, người ta chạy đua nhau với tốc
độ phi thuyền, mọi việc làm đều hối hả và thời biểu trong ngày thì bao
giờ cũng dư việc thiếu giờ. Nếu đã vậy, việc quan tâm thêm đến các chi
tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống chẳng là một gánh nặng căng thẳng chồng
chất thêm đó sao? Bản thân mình đã vậy, nói gì đến việc quan tâm dạy
dỗ, rèn luyện cho con cái?
Theo một cách nghĩ khác, có người cho rằng sự tự do, thoải mái trong
sinh hoạt của mỗi người là quan trọng hơn những phép tắc vốn lúc nào
cũng phải quan tâm đến người khác. Bạn bè đi chơi với nhau, thích ăn
mặc gì, nói năng ra sao, cứ tự do theo ý mình chẳng dễ chịu hơn là cứ
theo nguyên tắc này nguyên tắc nọ hay sao? Nếu ai cũng như ai, chẳng ai
can thiệp đến ai là được rồi, việc gì phải như thế này hay như thế khác
cho thêm mệt óc?
Tuy nhiên, nói gì thì nói, mỗi khi tiếp xúc với bất cứ ai, nhất là lần
đầu tiên, thì ấn tượng tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, do những
hành vi ứng xử, nói năng, hoặc thậm chí phong cách ăn mặc của người ấy
tạo ra cho ta là điều không thể phủ nhận được. Vì thế, trong những
chương về sau chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.
Nhận thức mới cho nguyên tắc cũ
Để dạy dỗ cho con cái “nên người”, nghĩa là “biết ăn biết ở”, người xưa
đã có rất nhiều hình thức giáo dục khác nhau. Một trong những hình thức
tiêu biểu nhất, và có lẽ cũng là quan trọng nhất, là thông qua ca dao
và tục ngữ. Những câu hát ru, những câu tục ngữ được dùng trong ngôn
ngữ hàng ngày... ghi đậm nét vào những khối óc non nớt của trẻ con, và
hình thành nên một phong cách sống nhất định phù hợp với những chuẩn
mực của cộng đồng. Ngoài ra, việc trực tiếp khen, chê, la rầy, quở
trách, thậm chí là roi vọt, trừng phạt... của người lớn trong gia đình
cũng có vai trò quan trọng và được mỗi người chúng ta ghi nhớ rất sâu
đậm khi trưởng thành. Rất nhiều quan điểm sống hoặc thậm chí phong cách
sống, lời ăn tiếng nói... của chúng ta cũng được cha mẹ rèn đúc từ thuở
bé.
Tiếc thay, ngày nay có nhiều người không nhận rõ được tầm quan trọng
của vấn đề này. Tôi có quen biết nhiều gia đình, vì cha mẹ có công ăn
việc làm ổn định và thậm chí là rất tốt, nên các vị dành trọn thời gian
cho công việc và giao phó con cái cho người khác, chẳng hạn như nhà
trẻ, nhà trường... Tôi không phủ nhận khả năng giáo dục của những nơi
như thế, nhưng loại bỏ yếu tố gia đình ra khỏi việc dạy dỗ con cái chắc
chắn là một sai lầm. Nhiều năm sau, tôi tin chắc là các bậc cha mẹ này
rồi sẽ hối tiếc vì không thể dùng những tiền bạc tích luỹ được của mình
để làm thay đổi con cái nếu như chúng có điều gì đó không được như mong
muốn.
Vì vậy, nhận thức đúng về các nguyên tắc sống không chỉ có giá trị cho
bản thân chúng ta, mà còn mang ý nghĩa giáo dục, trao truyền cho thế hệ
kế tiếp.
Tôi nhấn mạnh ở đây vấn đề nhận thức, bởi vì tôi cho rằng đó là điểm
xuất phát và có tính cách chi phối quan trọng đối với những gì mà chúng
ta sẽ tiếp tục trao đổi.
Khi bản thảo của tập sách này được viết xong lần đầu tiên và đang trong
giai đoạn sửa chữa, tôi đã mang ra trao đổi với một số bạn bè để tranh
thủ ý kiến đóng góp. Một số các bạn tôi cho rằng cụm từ “nguyên tắc
sống” mà tôi dùng trong sách có vẻ quan trọng quá, nên thay bằng một
cụm từ khác có ý nghĩa “nhẹ nhàng” hơn, chẳng hạn những cụm từ như phép
lịch sự, nghi thức xã giao, thuật xử thế, cách ứng xử...
Tôi cho rằng những cụm từ ấy quả đúng là đều chỉ đến cái mà tôi gọi là
“nguyên tắc sống”, nhưng không có cụm từ nào trong đó có thể bao hàm
được đầy đủ những ý nghĩa mà tôi muốn đề cập đến. Hơn thế nữa, sự “quan
trọng” ở đây chính là dụng ý của tôi khi dùng từ, vì những điều được
nói đến tuy có thể là rất nhỏ nhặt, vụn vặt, nhưng nếu nhận thức từ góc
độ làm đẹp cho đời sống của mỗi cá nhân và cho toàn xã hội thì chúng
không kém phần quan trọng chút nào so với những vấn đề khác mà chúng ta
cho là quan trọng trong cuộc sống.
Đây cũng chính là vấn đề nhận thức mà tôi vừa nói đến. Bởi vì nếu chúng
ta nhận thức đúng được tầm quan trọng của những vấn đề nhỏ nhặt trong
hành vi giao tiếp, ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng, thì chúng ta
mới có thể thấy rằng việc tự mình rèn luyện hoặc dạy dỗ cho con cái
những điều ấy không phải là những việc “phí thì giờ vô ích” như một số
người vẫn nghĩ.
Cũng trong vấn đề nhận thức, chúng ta đều biết rằng mỗi một vấn đề, một
phát biểu... đôi khi có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau tuỳ
theo nhận thức của mỗi người. Chẳng hạn như, nói về cách đối nhân xử
thế, câu “Ở sao cho vừa lòng người” có thể được hiểu theo ít nhất là
hai cách khác nhau.
“Ở sao cho vừa lòng người” có thể được hiểu là một lời cảnh giác, cần
phải hết sức thận trọng trong giao tiếp để có thể giảm bớt tối đa sự
đụng chạm, gây khó chịu cho người khác, bởi vì mỗi hành vi của chúng ta
đều có thể dễ dàng bị một ai đó chê trách, không hài lòng.
“Ở sao cho vừa lòng người” cũng có thể được hiểu theo nghĩa là “chín
người mười ý”, thôi thì mặc kệ họ, hơi đâu mà quan tâm, bởi vì cho dù
chúng ta có thận trọng đến đâu đi nữa, cũng chẳng thể nào làm hài lòng
tất cả mọi người được kia mà!
Hiểu theo cách nào, điều đó tuỳ thuộc vào nhận thức của mỗi người, và
hệ quả như thế nào, cũng là chuyện mỗi người tự nhận biết lấy.
Lấy một ví dụ khác, câu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” cũng có thể
được hiểu theo ít nhất là hai cách khác nhau. “Ở bầu thì tròn, ở ống
thì dài” có thể được hiểu là hãy ứng xử phù hợp theo với từng hoàn
cảnh, môi trường cụ thể chung quanh mình, bởi vì một hành động có thể
là thích hợp trong hoàn cảnh này nhưng lại không thích hợp trong một
hoàn cảnh khác, môi trường khác... “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” cũng
có thể được hiểu là phải biết chiều tuỳ, thay đổi cách sống tuỳ theo
nơi mình đến, đừng cứng nhắc giữ theo những quan điểm hay cách sống của
riêng mình... Hiểu theo cách nào, lại cũng là tuỳ theo nhận thức của
mỗi người.
Tất nhiên là sẽ chỉ có một cách hiểu đúng nếu như chỉ có một nhận thức đúng.
° ° °
Ngày nay ca dao, tục ngữ không còn giữ được vai trò như xưa kia nữa.
Chẳng có mấy bà mẹ ru con bằng cách hát ca dao. Ngôn ngữ hàng ngày của
lớp trẻ cũng hiếm khi dùng đến ca dao, tục ngữ... Tuy có những nỗ lực
nhất định để “giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc”, nhưng cũng chẳng làm
sao giành lại được chỗ đứng của ca dao tục ngữ trong đời sống như trước
kia. Âu đó cũng là lẽ tất nhiên khi chúng ta vươn đến một nhịp sống mới
không còn êm ả như gió chiều đồng quê ngày cũ nữa.
Mất đi một phương cách giáo dục hiệu quả như ca dao tục ngữ, vai trò
của các bậc cha mẹ lại càng quan trọng, thiết yếu hơn trong việc giáo
dục cách sống cho con cái.
Nhưng cha mẹ ngày nay cũng không thể áp dụng lối giáo dục mạnh tay như
ngày trước nữa. Con cái đã “văn minh” hơn nhiều, không thể quát tháo la
mắng tuỳ tiện, càng không thể dùng đến roi vọt để nhắc nhở. Vấn đề ngày
nay là phải tự mình có một nhận thức đúng đắn và dạy dỗ, rèn luyện con
cái để chúng cũng có được một nhận thức đúng đắn.
° ° °
Như vậy, nguyên tắc sống ngày nay không còn là những nguyên tắc cứng
nhắc như xưa kia, để người lớn có thể bắt trẻ con ghi nhớ nằm lòng rồi
theo đó mà ứng xử. Mặt khác, sinh hoạt xã hội đã thay đổi theo chiều
hướng ngày càng đa dạng, phong phú, những bối cảnh giao tiếp ngày càng
mới mẻ, phức tạp, nhiều khi chúng ta rơi vào những tình huống mà chắc
chắn là cha mẹ chúng ta ngày trước chưa từng gặp phải. Và nếu vậy, thế
hệ trước làm sao có thể chỉ dẫn cho thế hệ sau một cách cụ thể trong
những trường hợp này. Do đó, chỉ có thể đưa ra những nguyên tắc chung,
một nhận thức đúng về vấn đề, hơn là chỉ dạy tỉ mỉ từng sự việc mà vốn
dĩ người dạy cũng như người học chẳng bao giờ đề cập được hết.
Chính vì vậy, một người sống đẹp trong thời hiện đại này không cần phải
là người am hiểu và thực hiện theo đầy đủ tất cả những phép lịch sự,
cách xử thế... như hàng tá cuốn sách đã sưu tập và in ra. Hơn nữa, dù
có muốn làm một người am hiểu theo cách đó vào thời này rõ ràng cũng
không ai có thể làm nổi, bởi có quá nhiều những yêu cầu ứng xử trong vô
số tình huống mà không có sách vở nào đề cập cho đủ cả.
Thay vì vậy, vấn đề quan trọng là nên tự rèn luyện cho mình một phong
cách sống sao cho thích hợp, một nhận thức đúng đắn về thế nào là sống
đẹp, để rồi từ đó quyết định việc phải ứng xử như thế nào trong từng
tình huống cụ thể. Ngay cả những nguyên tắc dù đã có từ xưa nay, cũng
vẫn cần phải được vận dụng bằng một nhận thức phù hợp với hiện tại thì
mới có thể giúp chúng ta trở thành một người sống đẹp