Bốn phương pháp thu phục lòng người
Bốn phương pháp thu phục lòng người, thường gọi là Tứ nhiếp pháp,
cũng do đức Phật truyền dạy và đã được chư tăng áp dụng suốt 25 thế kỷ
qua trong công cuộc hoằng dương chánh pháp. Tuy nhiên, tương tự như Lục
hòa kính, các phương pháp này cũng hoàn toàn có ý nghĩa tích cực trong
việc vận dụng vào đời sống của người thế tục.
Tứ nhiếp pháp bao gồm bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng
sự nhiếp. Đây là bốn phương pháp có thể được vận dụng để thu phục lòng
người, khiến cho người khác tin vào những điều mình nói cũng như chấp
nhận đặt niềm tin nơi bản thân mình. Cơ sở đầu tiên để thực hiện Tứ
nhiếp pháp là tự bản thân mình phải nhận ra được chân lý đúng đắn, biết
được phương pháp tu tập theo chánh đạo. Bởi vì có như vậy thì sự thuyết
phục người khác tin theo mình mới có ý nghĩa tích cực.
Có sự khác biệt cơ bản giữa Lục hòa kính và Tứ nhiếp pháp. Trong khi Lục
hòa kính là những nguyên tắc để tự mình noi theo nhằm góp phần tạo ra sự
hòa hợp trong gia đình hoặc trong một tập thể, thì Tứ nhiếp pháp lại là
những phương pháp nhằm giúp đỡ người khác, vì người khác mà thực hiện.
Vì thế, nếu như yêu cầu trước hết của Lục hòa kính là tinh thần hướng
thiện, thì yêu cầu trước hết của Tứ nhiếp pháp lại là tinh thần vị tha.
Nhưng để có được tinh thần vị tha, trước hết phải có tinh thần hướng
thiện. Đó là lý do vì sao phải đề cập đến Tứ nhiếp pháp sau Lục hòa
kính, và trong thực tế thì trình tự thực hiện của hai pháp này cũng là
như vậy.
Từ xưa, Tứ nhiếp pháp vẫn được xem là giáo pháp của hàng Bồ Tát Đại thừa
dùng để giáo hóa, cứu độ chúng sinh. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu những
phương pháp này, chúng ta sẽ thấy được những ý nghĩa tích cực của chúng
ngay trong cuộc sống thường ngày.
Trước hết là bố thí nhiếp, nghĩa là phương pháp thu phục lòng người bằng
cách thực hành bố thí. Bố thí tức là trao tặng cho người khác những gì
họ cần mà không đặt ra bất cứ điều kiện trao đổi nào. Bản thân việc thực
hành bố thí đã là một phương thức tu tập, có công năng đối trị lòng tham
lam, ích kỷ. Trong bố thí nhiếp, việc thực hành bố thí được vận dụng như
một phương pháp để nhiếp phục lòng người. Điều này dựa trên tâm lý chung
là bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thiện cảm với người đã giúp đỡ,
trao tặng những thứ mà mình cần.
Bố thí không chỉ là giới hạn trong những giá trị vật chất như tiền bạc,
thức ăn, đồ dùng... mà còn có thể là bất cứ điều gì được cần đến, như sự
an ổn, sự hiểu biết... Vì thế, bố thí thường được chia ra ba hình thức
là tài thí, pháp thí và vô úy thí.
Tài thí chỉ cho việc ban phát, trao tặng tiền bạc, của cải hay đồ ăn
thức uống, y phục, thuốc men... nói chung là những giá trị vật chất mà
người khác đang cần đến trong cuộc sống.
Pháp thí chỉ cho việc trao tặng giáo pháp, truyền dạy những kiến thức,
hiểu biết chân chánh có thể giúp người khác đạt được sự an vui, thanh
thản trong đời sống. Tuy ở đây không có giá trị vật chất cụ thể nào được
trao tặng, nhưng lại có thể mang đến những lợi ích sâu xa và lâu dài cho
đời sống tinh thần của người nhận bố thí. Việc thực hành pháp thí có thể
là trực tiếp hay gián tiếp, chẳng hạn như giảng dạy, khuyên bảo người
khác những phương pháp tu tập chân chánh, khuyến thiện trừ ác, đó là
trực tiếp thực hành pháp thí; còn góp sức vào việc sao chép, in ấn, phát
hành kinh điển, giáo pháp... đó là gián tiếp thực hành pháp thí, bởi vì
qua sự lưu hành kinh điển, sách vở mà sẽ có nhiều người học biết được
giáo pháp chân chánh để thực hành.
Vô úy thí được xem là hình thức bố thí cao nhất, nghĩa là mang lại sự an
ổn, không sợ sệt cho người khác. Hình thức bố thí này không chỉ dựa vào
lòng tốt hay sự phát tâm bố thí là đủ, mà đòi hỏi người bố thí phải tự
mình đạt được đời sống an vui hạnh phúc, có được uy lực của chánh pháp,
mới có thể ban bố sự an ổn, không sợ sệt cho người khác. Cũng giống như
khi có biến loạn xảy ra, hết thảy mọi người đều hốt hoảng, lo sợ. Nếu có
người muốn trấn an người khác thì bản thân người ấy phải đạt được sự
bình tĩnh, không sợ sệt, phải có đủ dũng lực để vượt qua cơn biến loạn
ấy. Có như vậy mới có thể làm chỗ nương dựa, tin cậy cho người khác, mới
có thể mang đến sự an ổn, không sợ sệt cho mọi người.
Người thực hành bố thí vốn không đặt ra mục đích, yêu cầu hay điều kiện,
chỉ là xuất phát từ tâm nguyện của mình muốn đem đến sự lợi lạc, tốt đẹp
cho người khác. Tuy nhiên, hệ quả tất nhiên của sự thực hành bố thí bao
giờ cũng mang lại sự tin cậy và thân thiện của người khác. Vì thế mà
việc thực hành bố thí mới được xem như một phương pháp có thể thu phục
lòng người. Nói cách khác, tu tập hạnh bố thí vừa mang lại những lợi ích
tinh thần cho chính mình, vừa làm cho người khác tin phục và cảm mến. Đó
chính là ý nghĩa của phương pháp bố thí nhiếp.
Cần phân biệt rõ là người bố thí không phải nhắm đến mục đích thu phục
lòng người. Vì như đã nói, tâm nguyện bố thí là hoàn toàn vô điều kiện,
không có bất cứ một sự đòi hỏi đáp trả nào. Công năng thu phục lòng
người, tạo ra được sự tin phục và cảm mến của người khác chỉ là một hệ
quả tất nhiên phải có. Giống như bạn đốt lửa để sưởi ấm chứ không nhằm
tạo ra khói, nhưng điều tất nhiên khi lửa đã cháy lên là phải sinh ra
khói. Tương tự như vậy, khi bạn thành tâm thực hành bố thí thì tất nhiên
phải gặt hái được sự cảm mến và tin phục của người khác.
Thứ hai là ái ngữ nhiếp, nghĩa là thu phục lòng người bằng lời nói khiến
người yêu mến. Lời nói khiến người yêu mến được chia ra thành 2 loại.
Thứ nhất là tùy theo tâm tánh, cách nói của người khác mà thường xuyên
thăm hỏi, an ủi, chia sẻ những khi họ buồn khổ; khen ngợi, khuyến khích
những khi họ làm được điều lành, khiến cho người nghe ngày càng tăng
trưởng thiện tâm, lâu dần trở nên thân thiết, có thể tin phục và nghe
theo mình. Như vậy gọi là thế gian ái ngữ. Thứ hai là vận dụng những lời
dạy trong kinh điển, đúng theo chánh pháp mà khuyên dạy người khác,
khiến cho họ xa rời điều ác, tăng trưởng điều thiện, đạt được đời sống
ngày càng an vui, hạnh phúc. Nhờ kết quả đó mà người nghe trở nên tin
phục mình. Như vậy gọi là xuất thế gian ái ngữ.
Việc thực hành ái ngữ không có nghĩa là phải chọn một trong hai cách vừa
nêu, mà phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, nhân duyên thích hợp để chọn lựa.
Có khi phải đem chánh pháp giảng giải cho người nghe, nhưng có khi chỉ
nên dùng những tình cảm thế tục để chia sẻ buồn vui với họ. Nói chung là
phải chọn đúng lời và đúng lúc để nói thì mới có thể đạt được hiệu quả
đối với người nghe.
Thực hành ái ngữ nhiếp cũng tương tự như “khẩu hòa” trong sáu pháp hòa
kính. Sự khác biệt ở đây là “khẩu hòa” nhằm tạo ra sự hòa hợp giữa mọi
người trong cùng một tập thể, còn ái ngữ nhiếp thì hướng đến sự thu phục
lòng người nên cần có thêm sự chú ý đến tâm tánh, sở thích của người
nghe. Như nói chuyện với người thích thể thao mà chỉ đề cập đến thời
trang hoặc ca nhạc thì tuy không có gì sai trái nhưng sẽ không tạo được
sự quan tâm của người nghe. Nếu biết vận dụng thế gian ái ngữ thì không
phải vậy, vì cần phải biết quan tâm đến tâm tánh, sở thích của người
nghe mới có thể thu phục được sự yêu mến, tin phục của họ. Trong kinh
điển còn mô tả lại cách vận dụng thế gian ái ngữ của đức Phật khi thuyết
pháp: cho dù có rất đông người đến nghe pháp, nhưng tùy theo tâm tánh mà
mỗi người đều nghe thấy đức Phật giảng pháp bằng đúng thứ tiếng của mình
và đều có thể hiểu rõ được ý nghĩa. Kinh Duy-ma-cật ghi lại ý này như
sau:
Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp,
Chúng sinh tùy loại các đắc giải.
Giai vị: Thế Tôn đồng kỳ ngữ.
Tư tắc thần lực bất cộng pháp.
Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp,
Chúng sinh các các tùy sở giải.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Chúng sinh loài nào cũng hiểu được.
Họ bảo: Thế Tôn nói giống mình!
Đó là thần lực chẳng ai bằng.
Thuyết pháp, Phật dùng một thứ tiếng,
Chúng sinh ai nấy tùy chỗ hiểu.
Vì thế, người khéo vận dụng ái ngữ nhiếp thì trước khi nói phải biết
quan tâm đến tâm tánh, sở thích của người nghe. Từ đó mới có thể chọn
cách nói sao cho vừa diễn đạt được những điều tốt đẹp, hữu ích, mà vừa
thu phục được cảm tình của người nghe.
Ở đây, cần chú ý rằng việc chọn lựa cách nói sao cho phù hợp với người
nghe hoàn toàn không có nghĩa là cách nói giả dối, trau chuốt hoa mỹ chỉ
nhằm được lòng người nghe. Yêu cầu cơ bản của ái ngữ nhiếp vẫn phải là
sự chân thật và đúng chánh pháp. Chính trong phạm vi của những gì chân
thật và đúng chánh pháp mà người nói sẽ cố gắng chọn lựa cách nói, thời
điểm nói sao cho phù hợp với người nghe.
Khi một người đang gặp nhiều chuyện buồn khổ, nếu chúng ta đến khuyên họ
làm lành lánh dữ vào lúc đó thì chắc chắn là họ sẽ không lắng nghe. Tốt
hơn là lúc ấy phải biết chân thành chia sẻ những nỗi khổ đau của họ, an
ủi họ bằng những lời thích hợp để họ vơi bớt đi sự đau buồn. Đợi khi họ
đã có thể sẵn sàng tiếp nhận thì mới đưa ra những lời khuyên thích
hợp...
Như vậy, cũng có thể nói rằng ái ngữ nhiếp là cả một nghệ thuật sử dụng
lời nói kết hợp với những phân tích sâu xa về tâm lý. Chúng ta không thể
đạt được những điều ấy chỉ bằng vào sự suy luận học hỏi hay sự khôn
khéo, lanh lợi của lý trí, mà trước hết là phải xuất phát từ một trái
tim chân thành tràn ngập lòng thương yêu, vị tha. Có như vậy thì sự vận
dụng ái ngữ nhiếp của chúng ta mới thực sự đúng đắn và đạt được hiệu
quả.
Phương pháp thứ ba là lợi hành nhiếp, nghĩa là dùng những việc làm, hành
vi có lợi cho người khác để thu phục lòng tin của họ. Trong những việc
làm, hành vi có lợi cho người khác, có thể chia ra thành hai nhóm là tập
thiện nhiếp và ly ác nhiếp.
Tập thiện nhiếp là phương pháp nhiếp phục đối với những người hiền
thiện, nghĩa là thu nhóm, tập hợp các điều lành. Trong nhóm này lại chia
ra làm hai trường hợp.
Một là đối với những người chưa từng làm điều thiện. Đối với những người
này, người biết vận dụng lợi hành nhiếp sẽ dùng phương tiện gần gũi, tùy
thuận với họ, rồi tìm những cơ hội thuận tiện, thích hợp để khuyên dạy,
khuyến khích họ phát tâm làm việc thiện. Sau khi đã phát tâm làm việc
thiện, họ sẽ tự mình nhận biết được những lợi ích thiết thực cho bản
thân, và do đó mà nảy sinh lòng tin phục, cảm mến.
Hai là đối với những người đã biết làm việc thiện. Đối với những người
này, người biết vận dụng lợi hành nhiếp sẽ gần gũi khen ngợi, khuyến
khích, làm cho tâm thiện của họ càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Nhờ làm
điều thiện nên người ấy có thể đạt được nhiều an vui, hạnh phúc trong
đời sống, do đó mà sinh ra kính tin người đã khen ngợi, khuyến khích
mình.
Ly ác nhiếp là phương pháp nhiếp phục đối với những người đã đi nhầm vào
đường ác, nghĩa là làm cho họ phải rời xa, lìa bỏ những việc ác đã làm.
Có hai cách để làm được điều này. Một là dùng những lời lẽ chân thật,
đúng đắn để chỉ trích, quở trách hoặc dùng các biện pháp trừng phạt,
nghiêm trị, làm cho kẻ ác phải nhận thấy rõ lỗi lầm của mình mà hối cải.
Hai là dùng sự uy dũng, mạnh mẽ của mình để khuất phục những kẻ ác ngang
ngạnh, cứng rắn, buộc họ phải lìa bỏ việc ác không dám tái phạm. Người
vận dụng ly ác nhiếp phải có đủ sự hiểu biết và sức mạnh để khuất phục
kẻ ác, làm cho họ không thể chống lại được. Mặc dù vậy, sau khi lìa bỏ
việc ác đã làm, những người ấy sẽ đạt được đời sống an ổn và hạnh phúc
hơn. Do đó mà họ nảy sinh sự tin phục, kính trọng đối với người đã giúp
mình rời bỏ đường ác.
Tập thiện nhiếp và Ly ác nhiếp đều nhắm đến cùng một mục đích là khuyến
thiện trừ ác, nhưng vận dụng cách nào là tùy thuộc vào đối tượng. Có
nhiều trường hợp cần phải vận dụng cả hai. Chẳng hạn như đối với hành vi
của một người, nếu khéo léo phân biệt sẽ thấy là không chỉ có toàn việc
ác, mà đôi khi vẫn có những việc thiện đáng khen ngợi. Đối với việc ác,
phải vận dụng nhiều phương tiện để khiến cho họ lìa bỏ, nhưng đối với
những việc thiện lại cần phải khen ngợi, khuyến khích.
Tự mình làm việc thiện sẽ đạt được những lợi ích rất lớn lao. Vì thế,
việc dùng mọi phương tiện để giúp người khác phát tâm làm điều thiện
chính là hành vi mang lại lợi ích lớn nhất cho họ. Đây chính là ý nghĩa
quan trọng nhất của lợi hành nhiếp. Việc thân cận, gần gũi và giúp đỡ
người khác tuy cũng mang ý nghĩa lợi hành, có thể khiến cho người khác
nảy sinh sự thân mật, cảm mến, nhưng không phải là ý nghĩa chính của lợi
hành nhiếp. Người vận dụng lợi hành nhiếp phải luôn hướng đến việc giúp
cho người khác có thể phát tâm làm việc thiện và từ bỏ việc ác, như thế
mới gọi là làm lợi ích cho người một cách chân chánh.
Phương pháp thứ tư là đồng sự nhiếp, nghĩa là thu phục lòng người bằng
cách cùng chia sẻ mọi việc với họ. Cùng chia sẻ mọi việc không chỉ có
nghĩa là cùng nhau làm việc, mà là cùng nhau trải qua những hoàn cảnh
buồn, vui, khó khăn vất vả hay dễ dàng thuận lợi. Nhờ cùng nhau trải qua
một hoàn cảnh nào đó, nên mới có thể chia sẻ tâm trạng của nhau, cảm
thông được mọi nỗi niềm của nhau.
Vì thế, đồng sự nhiếp thường được chia ra thành hai loại là đồng khổ sự
nhiếp và đồng lạc sự nhiếp. Đồng khổ sự nhiếp là cùng người khác trải
qua gian nan hoạn nạn, khó khăn khổ nhọc, nhờ đó mà lấy sự chân thành
chia sẻ, an ủi, động viên giúp sức cho họ vượt qua khó khăn, nhờ đó mà
tạo được sự cảm mến, tin phục. Đồng lạc sự nhiếp là cùng người khác trải
qua những hoàn cảnh thuận lợi, vui vẻ, luôn thân cận gần gũi để nhắc
nhở, khuyên răn, giúp người không rơi vào chỗ đam mê trụy lạc. Nhờ
có sự khuyên răn nhắc nhở ấy mà giúp cho họ giữ được đời sống an vui
hạnh phúc. Do đó mà tạo được sự cảm mến, tin phục.
Người thực hành đồng sự nhiếp phải xuất phát từ sự chân thành, thật tâm
chia sẻ, không giả dối, ngụy tạo. Trong lòng có thực sự thương yêu,
thông cảm thì mới có thể cảm hóa được người khác nghe theo mình. Nếu chỉ
thân cận gần gũi người khác vì những mục đích trục lợi thì không thể gọi
là đồng sự nhiếp. Những trường hợp ấy sớm muộn gì cũng sẽ bị người khác
nhận ra và khinh rẻ.
Như đã nói, cả bốn phương pháp bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự đều
là dựa trên nền tảng của sự tu tập đúng theo chánh pháp. Người thực hành
bốn phương pháp này trước hết phải tự mình tu tập chánh pháp, đạt được
chánh kiến, phát khởi tâm từ bi thương xót và muốn chia sẻ những khổ đau
của người khác, từ đó mới có đủ năng lực và trí tuệ để thực hành bốn
phương pháp này. Nhưng một khi thực hành được Tứ nhiếp pháp thì có thể
thu phục được hầu như tất cả mọi hạng người, dù là người tốt hay kẻ xấu
cũng đều có thể được giáo hóa. Chính do nơi công năng mạnh mẽ này mà đức
Phật đã dạy các vị tỳ-kheo phải biết vận dụng Tứ nhiếp pháp trong việc
giáo hóa chúng sinh, truyền bá chánh pháp.
Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta không thể vận
dụng Tứ nhiếp pháp trong đời sống thế tục. Thật ra, nếu tìm hiểu rõ về
bốn phương pháp này, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội vận dụng chúng
trong đời sống, cho dù có những hạn chế nhất định nhưng vẫn có thể mang
lại những kết quả rất khả quan trong việc thu phục lòng người.
Về phương pháp bố thí, chúng ta nên vận dụng trong việc chia sẻ khó khăn
cùng người khác bất cứ khi nào có thể. Cơ sở của phương pháp này là giúp
chúng ta có thể dùng những giá trị vật chất để đổi lấy một phần giá trị
tinh thần, bao gồm niềm vui của bản thân và tình cảm của người khác. Khi
chúng ta thật tâm làm việc bố thí, bản thân ta sẽ có được niềm vui nhẹ
nhàng trong tâm hồn, trong khi người nhận bố thí sẽ nảy sinh tình cảm
với chúng ta. Vì thế, khi cho đi một phần giá trị vật chất, chúng ta có
thể đổi lại được niềm vui và tình cảm. Cho dù khi thật tâm làm việc bố
thí, chúng ta không hề có ý tính toán trao đổi, nhưng kết quả tự nhiên
bao giờ cũng sẽ là như vậy. Nếu không có phương pháp bố thí, cho dù
chúng ta có dùng bao nhiêu tiền của cũng không thể đổi lấy được những
giá trị tinh thần, bởi vì những thứ ấy thuộc về hai phạm trù hoàn toàn
khác nhau.
Thời Chiến quốc bên Trung Hoa có Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc nước
Tề, là người hào hiệp, phóng khoáng, thường đãi khách trong nhà có hơn
ba ngàn người. Mạnh Thường Quân giàu có vào bậc nhất nước Tề, thường chu
cấp cho những người có tài để chờ khi có việc nhờ đến. Vì thế mà ngày
này chúng ta hay dùng tên gọi Mạnh Thường Quân để chỉ những người hào
phóng giúp đỡ, ủng hộ người khác.
Mạnh Thường Quân có được vua Tề phong cho một vùng đất ở xa gọi là Tiết
ấp, được toàn quyền cai trị và thu thuế trong vùng ấy. Ngày kia, Mạnh
Thường Quân xem sổ sách thấy số tiền nợ của dân đất Tiết quá nhiều, hầu
như người dân nào cũng có nợ, liền nói với mọi người: “Vị nào có thể
thay tôi đi đòi nợ ở đất Tiết.”
Có vị khách là Phùng Hoan xin đi. Trước khi đi, Phùng Hoan hỏi Mạnh
Thường Quân: “Tôi đòi nợ xong, có nên dùng tiền ấy mua gì mang về
chăng?” Mạnh Thường Quân vui vẻ đáp: “Ông xem trong nhà này còn thiếu
món gì thì cứ tùy ý mua về.”
Phùng Hoan đến đất Tiết, cho người mời tất cả dân chúng đến, mang giấy
tờ sổ sách ghi nợ ra đối chiếu rõ ràng, rồi thay mặt Mạnh Thường Quân mà
tuyên bố xóa hết nợ cho dân đất Tiết. Xong, ông đốt sạch giấy tờ sổ sách
ghi nợ, đánh xe quay về.
Mạnh Thường Quân thấy Phùng Hoan trở về nhanh quá nên có phần ngạc
nhiên, vội vã ra đón tiếp, hỏi rằng: “Tiên sinh về nhanh thế, có thu
được ít nhiều tiền nợ hay chăng?”
Phùng Hoan đáp: “Thu được đủ cả rồi.”
Mạnh Thường Quân lại hỏi: “Thế có mua gì về chăng?”
Phùng Hoan đáp: “Khi đi ngài có dặn, xem trong nhà thiếu món gì thì tùy
ý mua về. Tôi xem kỹ thấy từ châu báu quý hiếm cho đến vật dụng, của
cải, tôi tớ, ngựa xe trong nhà này đều thừa thải, không thiếu thứ gì. Vì
thế, tôi đã thay ngài dùng hết cả số tiền nợ ấy mà mua lòng dân đất
Tiết.”
Mạnh Thường Quân không nói gì, nhưng trong lòng có ý không vui.
Được hơn một năm sau, Tề Tuyên Vương không dùng Mạnh Thường Quân nữa,
bãi chức. Mạnh Thường Quân phải đưa gia quyến về sống ở đất Tiết. Khi
còn cách đất Tiết cả trăm dặm đã thấy dân đất Tiết già trẻ lớn bé đều
kéo nhau đi đón, đứng chật hai bên đường, reo mừng nhiệt liệt. Mạnh
Thường Quân xúc động nói với Phùng Hoan: “Tiên sinh vì tôi mua lòng dân
đất Tiết, nay tôi mới hiểu.”
Người làm chính trị thời xưa, sợ nhất là khi thất thế sa cơ, bởi khi
đương chức thì sự va chạm, oán thù không thể tránh được. Mạnh Thường
Quân làm Tướng quốc mấy chục năm, đến khi bãi chức về sống yên ổn được ở
đất Tiết chính là nhờ có Phùng Hoan sớm biết cách dùng tiền nợ để “mua
lòng dân”.
Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống mà nếu chúng ta biết khéo léo
ứng xử cũng có thể dùng các giá trị vật chất để đổi lấy tình cảm của
người khác. Bố thí nhiếp là một phương pháp giúp ta làm được điều đó.
Về phương pháp ái ngữ, chúng ta hầu như có thể mỗi ngày đều nhìn thấy
được tác dụng của nó. Trong cùng một tình huống, một hoàn cảnh, chỉ cần
thay đổi cách nói năng là có thể thấy ngay sự khác biệt trong phản ứng
của người khác. Lời nói dịu dàng, êm ái bao giờ cũng có tác dụng làm cho
“việc dữ hóa lành”, trong khi lời nói thô lỗ, cộc cằn bao giờ cũng dễ
làm cho “chuyện bé xé to”. Hiểu được nguyên tắc này, chỉ cần chúng ta
thường xuyên lưu ý rèn luyện cung cách nói năng của mình, biết “lựa lời
mà nói” cho đúng nơi, đúng lúc, thì chắc chắn mọi việc trong cuộc sống
đều sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Và quan trọng hơn hết là chúng ta sẽ chiếm
được cảm tình của người khác một cách tự nhiên qua lời nói.
Về phương pháp lợi hành, chúng ta có thể vận dụng qua việc thường xuyên
giúp đỡ, khuyên răn mọi người bỏ ác làm lành, cùng nhau sống cuộc sống
hòa hợp và quan tâm lẫn nhau.
Việc giúp đỡ người khác chính là biểu hiện cụ thể của lòng thương yêu,
sự mong muốn giảm nhẹ những khó khăn cho người khác. Vì thế, qua việc
giúp đỡ người khác mà chúng ta có thể tự mình rèn luyện và phát triển
tâm từ bi, mở rộng sự cảm thông với hết thảy mọi người.
Nhưng giúp đỡ người, làm lợi cho người thì không gì bằng chỉ bày cho họ
biết điều hay lẽ phải, biết con đường chân chánh để noi theo. Vì thế,
lợi hành không có nghĩa là tùy tiện ủng hộ, giúp đỡ hết thảy mọi việc
làm của người khác, mà quan trọng nhất là phải biết làm sao để dần dần
đưa họ vào con đường hướng thượng, bỏ ác làm lành. Chính vì thế mà trong
những trường hợp gặp người quá ngang ngạnh, tàn ác, chúng ta cũng phải
dùng đến sự uy dũng để khuất phục họ, buộc họ phải xa lìa việc ác. Làm
như thế không phải là chúng ta oán ghét họ, mà chính là cố sức giúp họ
thoát khỏi đường ác, không tiếp tục tạo ra những ác nghiệp nặng nề hơn
nữa. Vì thế mà khi họ đã hồi tâm chuyển ý, chắc chắn họ sẽ cảm nhận được
tình thương chân thật mà ta dành cho họ. Ý nghĩa thu phục lòng người của
lợi hành nhiếp luôn đúng trong mọi trường hợp là như vậy.
Về phương pháp đồng sự, chúng ta có thể vận dụng qua việc cùng chia sẻ
mọi hoàn cảnh với những người quanh ta. Hạnh phúc chân thật không thể là
niềm vui riêng lẻ cho mỗi người, mà phải được tạo thành từ sự an vui của
hết thảy mọi người.
Khi đức Phật thành đạo, bản thân ngài đã giải thoát mọi khổ đau nhưng
không chọn sống riêng mình trong cảnh giới an lạc, mà vẫn trải qua hơn
49 năm thuyết pháp độ sinh, cùng trải qua nhiều hoàn cảnh khác nhau với
người đời.
Cuộc sống chúng ta không phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái, mà cũng
phải có lắm lúc gian nan, khổ nhọc. Mọi người quanh ta cũng thế. Nếu có
thể chân thành cảm thông và chia sẻ với mọi người, chúng ta sẽ thấy gánh
nặng của mình trong cuộc sống tự nó vơi đi, vì không còn chỉ là riêng
mình ta gánh vác. Ý nghĩa tinh thần này rất quan trọng, vì nó luôn giúp
ta có đủ niềm tin và nghị lực để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Vì như đã nói, điều đáng sợ nhất với tất cả chúng ta không phải là đối
mặt với khó khăn, mà chính là sự cô độc không có người chia sẻ. Thực
hành đồng sự nhiếp là một phương pháp tích cực giúp chúng ta loại bỏ
được tâm trạng cô độc, bởi vì sự gần gũi chia sẻ cùng mọi người cũng
chính là tạo ra mối quan hệ gắn kết giữa ta với người khác.
Khi thực hành sáu pháp hòa kính, điều tất nhiên là nội tâm chúng ta đã
được chuẩn bị, tu dưỡng rất nhiều. Vì thế, việc tiếp nhận và thực hành
Tứ nhiếp pháp sẽ không phải là quá khó khăn. Chẳng hạn như, khi đã thực
hành “khẩu hòa vô tranh” thì việc tiếp tục thực hiện ái ngữ nhiếp
sẽ dễ dàng hơn rất nhiều; khi đã thực hành “thân hòa cộng trú” thì sẽ có
nhiều tương đồng trong việc thực hiện các pháp lợi hành nhiếp hay đồng
sự nhiếp. Nói chung, tất cả các pháp khác cũng đều có những mối quan hệ
nhất định với nhau như vậy. Và điều này cũng rất dễ hiểu, bởi vì tất cả
đều cùng hướng về một mục đích chung là khuyến thiện trừ ác, mang lại
cuộc sống an vui và hòa hợp cho hết thảy mọi người.