Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ
Mỗi khi có dịp, tôi thường rất thích được xem những người thợ mộc làm
việc. Công việc của họ vừa có tính chất kiên trì, thận trọng, vừa mang
tính mẫu mực, khuôn thước. Để tạo ra một món đồ, họ không bao giờ dựa
vào sự ngắm nghía, ước tính chủ quan của mình, mà luôn tuân theo những
khuôn mẫu khách quan.
Chẳng hạn, khi muốn có một thanh gỗ thẳng, họ dùng dây mực để tạo ra
những đường thẳng ở vị trí cần thiết trên cây gỗ, sau đó căn cứ vào
những đường mực ấy mà bào chuốt, đẽo gọt để tạo thành một thanh gỗ
thẳng. Quan sát công việc này của họ thật hết sức thú vị, khi nhìn thấy
những chỗ cong trên cây gỗ cứ từng chút từng chút bị mất dần đi, và cuối
cùng trở thành một thanh gỗ thẳng băng, hoàn toàn khác hẳn với hình dạng
ban đầu của nó.
Hết thảy những cây gỗ khi đưa vào sử dụng đều ít nhiều có những độ cong
nhất định. Nhờ vào sự bào chuốt, đẽo gọt theo đường mực mà chúng mới có
thể trở thành ngay thẳng, hữu dụng. Tục ngữ có câu: “Thẳng mực tàu, đau
lòng gỗ”, nhưng chính nhờ có những chỗ “đau lòng” ấy mà giá trị của
thanh gỗ mới được nâng lên, mới có thể được dùng vào những công việc hữu
ích, tốt đẹp.
Mỗi chúng ta đều mang trong mình ít nhiều những thói hư, tật xấu, những
chỗ cong vạy... Để trở thành người tốt, chúng ta không thể dựa vào những
cảm nhận chủ quan của bản thân mình, mà cũng cần có những “đường mực”
thẳng để noi theo trong việc “bào chuốt, đẽo gọt” bản thân.
Nhờ vào kinh nghiệm để lại của những người đi trước, quanh ta luôn sẵn
có những “đường mực” rất thẳng để ta noi theo. Vấn đề là chúng ta có
biết nhận ra tầm quan trọng của những “đường mực” ấy để cố gắng noi theo
hay không mà thôi.
Từ khi chúng ta bắt đầu khôn lớn trong môi trường gia đình, ông bà, cha
mẹ, anh chị... đã dạy cho ta rất nhiều điều nên làm và không nên làm.
Những “đường mực thẳng” này thường giúp ta bước đầu hình thành nhân cách
sau này của mình. Nếu đứa trẻ nào biết chấp nhận những chỗ “đau lòng gỗ”
để vâng theo đúng những lời khuyên dạy này, nó sẽ sớm trở thành một đứa
trẻ ngoan hiền, dễ mến. Ngược lại, nếu đứa trẻ nào luôn ngỗ nghịch, đi
ngược lại những lời khuyên dạy ấy, thì nguy cơ trở thành một người xấu
trong tương lai là có thể thấy được. Những gia đình nào có sự dạy dỗ con
cái một cách nghiêm túc và đúng đắn theo những chuẩn mực đạo đức của gia
đình mình - thường gọi là gia phong - sẽ có khả năng đào tạo và đóng góp
cho xã hội những con người mẫu mực, đạo đức.
Trong môi trường xã hội, bất cứ nơi đâu cũng đều có những “đường mực
thẳng”, những khuôn thước để mọi người tuân theo. Bước vào một cơ quan,
công sở, mọi người đều phải tuân thủ nội quy; tham gia một tổ chức, đoàn
thể, mọi người đều phải tuân thủ điều lệ... Nói rộng ra trong phạm vi
của toàn xã hội là những quy định pháp luật, đảm bảo cho tất cả mọi
người đều được bảo vệ những quyền lợi cơ bản nhất, cũng như phải sống
theo những chuẩn mực nhất định nào đó mà xã hội chấp nhận...
Đó chỉ là lược nêu những điểm tiêu biểu nhất, nếu kể chi tiết ra thì còn
rất nhiều khuôn thước, chuẩn mực mà mỗi người phải tuân theo. Từ những
quy định cụ thể về hành vi, lời nói, cho đến những chuẩn mực về tinh
thần, đạo đức. Tất cả những khuôn thước, chuẩn mực ấy luôn giúp ta loại
bỏ được những “chỗ cong” để tự mình trở thành những “thanh gỗ thẳng”.
Mặc dù vậy, trong thực tế là chúng ta đôi khi rất ngại chuyện “đau lòng
gỗ”, và vì thế mà thường tránh né, không tuân thủ một cách nghiêm ngặt
những “đường mực thẳng” rất quý giá kia!
Khi so sánh theo cách này, chúng ta mới có thể thấy được giá trị tích
cực của việc khép mình vào khuôn thước, chuẩn mực. Bởi vì không ai trong
chúng ta có thể tự xem mình là hoàn thiện. Mỗi chúng ta đều có những
khuyết điểm, những tính xấu nhất định, nên việc khép mình tuân theo
những khuôn thước, chuẩn mực luôn là cách tốt nhất để tu dưỡng bản thân,
hoàn thiện chính mình. Điều này cũng tương tự như người thợ mộc biết noi
theo những đường mực thẳng để bào chuốt, đẽo gọt, biến một cây gỗ cong
trở thành một thanh gỗ thẳng!
Trong mỗi một hoàn cảnh, môi trường sống khác nhau, chúng ta đều có
những khuôn thước quanh mình để tuân theo, và điều này luôn là điểm
chung giữa bản thân ta với những người sống trong cùng một môi trường,
hoàn cảnh đó. Một người lính phải tuân theo những kỷ luật trong quân
đội, và điều này là điểm chung giữa anh ta với tất cả những người lính
khác. Một vị tỳ-kheo phải trọn đời vâng giữ theo giới luật mà đức Phật
đã chế định, và điều này là điểm chung giữa vị này với tất cả những vị
tỳ-kheo khác. Tương tự, khi chúng ta sống chung với những người khác
trong một môi trường, hoàn cảnh nào đó, chúng ta phải cùng với mọi người
quanh ta tuân thủ theo những quy định, những khuôn thước mà tập thể ấy
đã đặt ra, như lời người xưa vẫn thường nói: “Nhập gia tùy tục.”
Chính việc cùng nhau tuân thủ những quy định chung trong một tập thể là
điều kiện trước hết để tạo ra sự hòa hợp và gắn bó của tập thể đó. Ai đã
từng sống trong quân đội đều biết rõ rằng “kỷ luật là sức mạnh của quân
đội.” Bất cứ đội quân nào, dù có quân số hùng mạnh đến đâu, được trang
bị vũ khí hiện đại đến đâu, mà thiếu đi tính kỷ luật thì chắc chắn sẽ
không bao giờ phát huy được sức mạnh. Hơn thế nữa, khả năng thất bại và
tan rã của một đội quân như thế chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.
Không chỉ là quân đội, mà đối với bất cứ tập thể nào cũng vậy. Đối với
một công ty kinh doanh, nếu tất cả nhân viên đều tuân thủ một cách
nghiêm túc mọi quy định chung, công ty ấy nhất định sẽ nhanh chóng gặt
hái được thành công. Đối với một lớp học, nếu tất cả học sinh đều học
tập nghiêm túc theo hướng dẫn của thầy cô giáo, đều chấp hành tốt mọi
quy định của nhà trường và nội quy lớp học, chắc chắn thành tích học tập
của lớp học ấy sẽ nhanh chóng được cải thiện. Đối với một gia đình, nếu
mọi thành viên đều biết tôn trọng và sống theo đúng với nền nếp gia
phong, gia đình ấy chắc chắn sẽ ngập tràn hạnh phúc...
Khi sáng lập Tăng đoàn, đức Phật đã chỉ dạy sáu pháp hòa kính để giúp
mọi người cùng sống chung hòa hợp trong Tăng đoàn. Trong sáu pháp hòa
kính đó, pháp thứ tư khuyến khích tất cả mọi người vâng giữ theo giới
luật để cùng nhau tu tập, xem giới luật là khuôn thước, chuẩn mực chung
để mọi người cùng noi theo. Chính sự chỉ dạy này của đức Phật đã giúp
cho Tăng đoàn trong nhiều thế kỷ qua luôn duy trì được sự hòa hợp, gắn
bó.
Đối với những người chưa xuất gia, việc vận dụng lời khuyên “giới hòa
đồng tu” chính là biết cùng với mọi người quanh mình vâng giữ theo những
khuôn thước, chuẩn mực của môi trường, hoàn cảnh mà mình đang sống, cùng
nhau tạo ra sự hòa hợp, gắn bó trong gia đình cũng như trong cả cộng
đồng xã hội. Để làm được điều đó, mỗi người phải nghiêm khắc với chính
mình, luôn tôn trọng những quy định của tập thể cũng như biết tự
khép mình vào khuôn thước, không ngại cả những khi phải “thẳng mực tàu,
đau lòng gỗ”!