14/07/2011 09:44 (GMT+7)
Số lượt xem: 107542
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ra khỏi xứ Câu-đàm-di, Ngài Huyền Trang không đi ra hướng cửa sông Hằng để xuống ngay thành Ba-la-nại, vì Ngài muốn ngược lên miền thượng lưu của sông để viếng thăm nơi quê quán của Phật. Theo đường đó, ban đầu Ngài đến thành Xá-vệ. Hồi Phật còn trụ thế, xứ này là nơi thịnh vượng. Đây là kinh thành nước Câu-tát-la của vua Ba-tư-nặc, mà đến thế kỷ thứ bảy, không ngờ Xá-vệ đã thành ra một nơi xưa cổ rồi. Ngày nay, theo sự khảo sát của các học giả Âu Châu thì xóm Sahet-Mahet ở về phía bên phải sông Rapti chính là nơi tọa lạc của thành Xá-vệ hồi đời Phật. Biết bao tích Phật ở chốn này. Lúc trước, nhà thương gia từ thiện Tu-đạt mua cái vườn của thái tử Kỳ-đà mà cúng Phật, vườn ở trong thành. Mãi về sau, các vị tăng Trung Hoa sang đây trước Ngài Huyền Trang còn thấy ao hồ trong trẻo và hoa cỏ tươi xanh trong vườn. Vua A-dục có dựng nơi vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc hai cây trụ kỷ niệm. Ngài Huyền Trang chỉ còn thấy trụ đã hư hỏng và một ngôi chùa hoang phế mà thôi.

Ngài Huyền Trang cũng còn thấy đỉnh tháp ghi dấu tích ngôi tự viện mà ngày xưa bà Ba-xà-ba-đề lập ra cho hàng ni chúng. Bà này là dì của Phật. Hoàng hậu Ma-da sanh ra Phật được bảy ngày thì mất. Bà dì này nuôi nấng trông nom đến khi khôn lớn. Từ khi Phật thành đạo, nhiều lần bà đã xin xuất gia theo đạo, nhưng Phật không chấp nhận. Sau nhờ có A-nan-đà hết lòng cầu khẩn, Phật mới thuận cho bà với hàng nữ giới xuất gia, nhưng phải tôn kính hàng tăng chúng và thọ các giới luật nghiêm ngặt hơn.

Ngài Huyền Trang đi một quãng nữa thì gặp một ngôi chùa có ghi sự tích một tướng cướp cải tà quy chánh, theo học đạo với Phật. Tên cướp này tên Vi-ương-quật-ma-la là một kẻ cướp hung ác lắm, thường hay giết người, tin theo một thứ tà thuyết vô nhân đạo, vẫn nghĩ rằng khi giết ai thì chặt lấy mười ngón tay mà đeo, càng đeo nhiều thì càng mau đắc quả. Một lần kia, anh ta còn thiếu hai bàn tay nữa là đủ xâu. Muốn có cho mau đắc quả, nên định về giết mẹ và chặt tay. Khi vừa đưa dao lên để lấy đầu mẹ thì thấy Phật hiện ra ngay trước mắt. Tên cướp giận lắm vì thấy người ngoài xen vào việc mình, liền vung dao chém Phật. Phật tránh khỏi rồi quay lui. Tên cướp rượt theo, nhưng dù chạy nhanh đến đâu cũng theo không kịp. Khi ấy anh ta mới nhận biết ra là đức Phật Thế Tôn, liền quăng dao mà quỳ lạy xin theo Phật. Phật vui lòng nhận. Chẳng bao lâu sau, anh đắc quả A-la-hán.

Ngài Huyền Trang đi viếng cảnh tháp ghi sự tích Phật chữa bệnh cho một vị tăng. Ở đây, người ta còn cảm đức từ bi của Phật lắm. Chuyện kể lại rằng có một vị sa-môn mắc bệnh, nằm riêng một mình ngoài xa, không dám vào tinh xá. Phật đi gặp, hỏi nguyên do. Vị sa-môn bạch rằng: Bệnh con trầm trọng lắm, uống thuốc đã nhiều mà không thấy giảm chút nào, nên con không dám làm phiền lòng các ông lương y nữa, đành ra ở ẩn ngoài này. Con đau đớn lắm, chịu khổ một mình, không ai giúp cho.

Phật nói với vị này rằng: Tội nghiệp! Để ta làm lương y cho ngươi. Nói rồi lấy tay sờ vào người vị sa-môn. Vị này liền dứt bệnh. Phật mới cho đi tắm, lấy quần áo mới thay vào. Rồi Phật ra đi, dặn vị này phải lo tu tập chuyên cần hơn.

Ngài Huyền Trang đi xa hơn nữa, gặp một cái tháp ghi sự tích hai vị đại đức Mục-kiền-liên và Xá-lỵ-phất, là hai đệ tử lớn của Phật. Trước khi nhập đạo hai vị này đã tu học rất tinh tấn rồi, nên thọ giáo chẳng bao lâu, cả hai đều đắc quả A-la-hán. Một hôm Phật thuyết pháp gần hồ A-na-hoa-tắp-ta. Xá-lỵ-phất vắng mặt, Phật liền sai Mục-kiền-liên đi kiếm. Mục-kiền-liên đã chứng đắc thần thông, nên chỉ trong giây phút bay đến thành Xá-vệ. Bước vào liêu, thấy Xá-lỵ-phất đang vá áo tràng. Mục-kiền-liên bảo đi nghe Phật thuyết pháp, nhưng Xá-lỵ-phất không đi. Mục-kiền-liên đành bay trở lại một mình. Đáp xuống gần tới hồ, đi vào giữa hội thì thấy Xá-lỵ-phất đứng hầu gần bên Phật. Mục-kiền-liên lấy làm ngạc nhiên. Nhân nghe việc ấy, ngài Huyền Trang có nói rằng: Trong đạo Phật, không phải ai ai cũng theo đuổi việc chứng đắc thần thông. Người ít học không hiểu được điều này. Chính là đức càng lớn, đạo càng cao thì đó là phép thuật nhiệm mầu. Cho nên tăng chúng chưa hiểu biết đạo lý, chưa giữ hạnh thanh tịnh mà đã học những phù phép, ấy là những

kẻ dối đời, không đáng làm đệ tử của đức Thế Tôn.

Chuyện tích của Phật ở Xá vệ rất nhiều, đếm kể không xiết. Mỗi bước đều thấy chùa tháp ghi nhắc những câu chuyện của Phật có liên quan đến hết thảy các hạng người. Chỗ thì ghi chuyện mấy thầy Bà-la-môn giết gái lăng loàn mà vu cho Phật. Chỗ thì ghi tích Đề-bà-đạt-đa, người anh em họ theo học với Phật, lại trở lòng muốn hại Phật. Có chỗ ghi lại rằng, ngày trước có một cô gái lả lơi, vì nghe theo bọn Bà-la-môn, mới độn đồ vào trong bụng giả làm bụng chửa, rồi vu cho Phật ăn nằm với cô đến có thai. Cô ta bị lửa đốt sa xuống địa ngục A-tỳ. Lại chỗ khác ghi chuyện Phật cứu cả đất nước quê hương mình. Vua nước Câu-tát-la vì thù oán vua họ Thích nên đem rất nhiều binh tướng qua hãm thành Ca-tỳ-la-vệ. Phật liền ngồi bên đường, chỗ một gốc cây khô. Vua đi tới gặp bèn xuống ngựa, hỏi vì sao Phật không tìm chỗ cây tươi bóng mát mà tham thiền, lại ngồi nơi gốc cây khô. Phật đáp rằng: Nhà cửa ta, thân thể ta như lá với cành cây. Bây giờ nhà vua định chặt bỏ đi thì ta ngồi trên gốc cây khô vậy.

_ Vua nghe động lòng, bèn quay binh trở về. Đến sau vua lại đem binh qua nữa mà đánh phá nước Ca-tỳ-la-vệ. Vua nước Câu-tát-la được đại thắng, bắt đem về năm trăm mỹ nữ, ép họ phải hầu hạ, nhưng các mỹ nữ không vâng theo. Vua liền sai chặt tay chân họ và đem bỏ dưới hầm sâu. Năm trăm người này khi sắp chết, cùng nhau niệm Phật, liền thấy Phật hiện xuống và rước về cảnh tiên. Ngài Huyền Trang có lễ bái trước cảnh tháp ghi sự tích ấy.

Cách vườn Kỳ thọ Cấp cô độc chừng bốn năm dặm, có một cảnh tháp ghi sự tích Phật cứu sáng mắt người. Cũng là vua xứ Câu-tát-la bắt được năm trăm tên ăn cướp. Vua bèn móc mắt và đem bỏ vào giữa rừng. Đương khi đau khổ, chúng đồng tưởng đến Phật và khấn vái Phật. Bọn cướp này xưa nay vốn độc ác, đã phạm nhiều tội lỗi, nhưng vừa hối hận liền được Phật cứu vớt. Chúng đang niệm Phật thì có một luồng gió mát thổi lại làm cho chúng được sáng mắt như xưa.

Ngài Huyền Trang đi lên phía Đông nam, đến xứ Ca-tỳ-la-vệ là quê hương của Phật. Mấy nhà khảo cứu Âu Châu nhọc công lắm mới tìm được cảnh đất khi xưa là thành Ca-tỳ-la-vệ. Bây giờ là làng Pade, thuộc về xứ Népal. Sau khi Phật nhập diệt và dòng Thích-ca mất, thành này cũng suy tàn, mấy phen bị các vua láng giềng đánh phá, dần dần sa sụp. Đến thế kỷ thứ bảy, Ngài Huyền Trang qua đó thì chỉ còn là một nơi cổ tích thôi. Khắp trong nước là mười cái thành, đất đai đầy những cây cối bao che. Còn hoàng thành thì hư sập hết, không thể lượng định chu vi. Duy còn có vòng thành lớn cất bằng gạch là chưa mấy hư hao. Gần đó có một nhà chùa với ba mươi vị tăng Tiểu thừa. Sánh với đô thành to lớn xưa kia, với một xứ là nơi gốc gác của Phật, thì một cảnh chùa nhỏ như vậy có đáng vào đâu? Ngài Huyền Trang lấy làm cảm động vì thấy cả ngàn chùa tháp đều hư sập. Khắp trong xứ, đã mấy trăm năm người ta tản lạc đi mất rồi. Trong mấy làng còn lại ít dân cư. Không có một ông hoàng hay một ông quan nào. Mỗi xóm chỉ có một người hương chức nhỏ mà thôi. Dù vậy, phong thổ vẫn ấm áp, điều hòa như xưa, đất đai cũng phì nhiêu, cây trái tươi tốt. Thật là, chỗ đất Phật cũng không tránh khỏi luật bể dâu! Nào khi phong phú, vui vầy, nay lại là một xứ vắng tanh, thảm đạm!

Ngài Huyền Trang thấy cảnh động lòng, chất chứa những mối sầu cảm và tín thành. Trên nền cũ, người ta còn chỉ được cho Ngài chỗ hoàng hậu Ma-da ngồi tham thiền trước khi sanh ra Phật, mộng thấy voi sáu ngà đầu thai xuống vào lòng bà. Ngài Huyền Trang còn thấy một bức chạm bằng đá họa hình Phật hóa ra bạch tượng từ trên trời bay xuống cung vua Tịnh-phạn. Nhiều chỗ khác đều có tượng Phật lúc còn nhỏ và khi lớn lên. Ngay cung bà hoàng hậu về phía Đông nam, có một cái tháp ghi sự tích vị tiên khổ hạnh A-tư-đà đến viếng vua với hoàng hậu, tiên đoán rằng thái tử sau sẽ thành Phật, cứu độ tất cả chúng sanh. Ngoài cửa thành cũ về hướng nam, có một cái tháp cao do vua A-dục xây, vì ngài muốn ghi lại chuyện tích thái tử Tất-đạt-đa trong một cuộc thi tài đã chiến thắng vừa khoa văn vừa khoa võ.

Chỗ khác, lại là một ngôi tháp ghi chuyện tích thái tử đi chơi ra ngoài thành, gặp mấy người già, bệnh, chết. Ngài rất thương tâm. Từ nhỏ lớn lên, Ngài chưa hề tận mắt thấy những cảnh khổ của nhân gian. Nhưng đến hôm đầu mùa xuân, ngài ngoạn cảnh, ngồi trên xe có bốn ngựa, trông xuống thấy người già lưng khòm, chân run, răng rụng, Ngài buồn lòng lắm. Già là khổ, hết đẹp, hết mạnh, hết vui, hết trí, hết tài, lại xấu hình, mất sức, lãng trí, đau thân, điếc tai, lờ mắt... Qua hôm sau, ngài gặp một người bệnh: vừa đi vừa té, ngã nghiêng, xanh xao, hình hài gớm ghiếc, khóc lóc, than van, chẳng còn khi vui cười, sung sướng. Đến lần thứ ba, cũng đi chơi, ngài lại gặp người chết giữa đường: không còn nghe, thấy, rờ, ngửi, nếm, ăn gì nữa. Người thân đi theo khóc kể thảm sầu, còn đâu ngày trước thì ăn chơi đúng bực! Thái tử tham thiền, biết trần gian là giả cuộc, con người mê muội, lạc lầm. Ngài bèn dứt tình vợ con, lìa xa nhà cửa, ra đi một mình để tìm đạo giải thoát.

Ngoài thành cũ Ca-tỳ-la-vệ, về phía Đông nam có một cái đường mòn lẫn trong cỏ bụi, là dấu tích ngày xưa thái tử bỏ lầu đài mà ra đi lúc nửa đêm. Nhằm khi các cung phi mỹ nữ đều ngon giấc, Ngài ra tàu ngựa, bảo người đem ngựa lại. Rồi ngài cỡi ngựa ra khỏi thành, nương theo đường mòn ấy mà thẳng đến núi cao.

Lại cũng ngoài thành chừng bốn dặm, về hướng Bắc, có một đỉnh tháp vua A-dục cất để ghi chỗ vua cha đón rước đức Phật. Thái tử ra đi, trải qua sáu năm khổ hạnh. Rồi sau, khi Ngài thành Phật nơi cội bồ đề và khai sáng đạo giải thoát, thì vua Tịnh Phạn đã già yếu, hằng thương nhớ con. Đã mấy phen vua phái quan binh đi rước con về nhưng Phật không thuận vì chưa phải lúc. Đến khi Phật ra khỏi vườn Trúc lâm bên thành Vương-xá, mới định việc về thăm cha. Vua Tịnh Phạn hay tin, ngự ra khỏi thành, chờ đón rước Ngài một cách kính trọng. Chỗ vua gặp lại Phật, có xây ngôi tháp để nhắc nhở chuyện này cho người đời sau.

Cũng có một cái tháp khác ghi nhớ lần đầu tiên Phật tham thiền. Lúc ấy, Ngài còn rất nhỏ. Một hôm, theo vua cha đi xem lễ Hạ điền, thấy nông phu cày ruộng làm chết những côn trùng, lại có các giống chim muông tranh nhau mà ăn những côn trùng ấy. Ngài đau đớn lắm, thương xót vô cùng. Ngài lại xét thấy nông phu làm lụng rất cực nhọc, tay lấm chân bùn, phơi lưng dưới nắng. Ngài động lòng thương và suy nghĩ rất nhiều. Khi ấy, Ngài mới ngồi nơi cội cây mà tham thiền. Trời đứng bóng, rồi ngã về tây mà Ngài vẫn còn chìm sâu trong đại định. Dấu hiệu đầu tiên này đã làm cho vua Tịnh-phạn đem lòng lo ngại vì dự cảm Ngài sẽ không ở lâu nơi cung vua.

Ngài Huyền Trang có viếng một cái tháp được nhiều người thờ kính hơn hết, ở nơi vườn ngự uyển Lam-tỳ-ni ngày xưa chỗ Phật giáng sanh. Cho đến nay nơi đây cũng còn một cây trụ có khắc chữ. Nhờ vậy mà mấy nhà khảo cứu Âu Châu mới xác định đích xác là vườn Lam-tỳ-ni.

Ngài Huyền Trang lại đi về hướng Đông, đến một cụm rừng hoang. Người ta nói trong rừng có đầy những cọp, voi và ác thú, song Ngài không sợ vì nghe rằng trong ấy có tháp xưa. Tuy tháp có nhiều dấu tích của Phật, nhưng người ta bỏ phế giữa rừng đã lâu rồi. Dù vậy, hình thể vẫn còn khá tốt.

Có một vị tăng đến viếng tháp, kể rằng chính mắt nhìn thấy voi hái hoa quả dâng lên bàn thờ mà cúng Phật, lại lấy vòi nhổ cỏ mọc quanh tháp và tưới nước trên đất cho mát.

Đi một quãng xa, đến một cảnh tháp ghi chuyện tích Phật đi tu. Thái tử lên ngựa đi với Xa-nặc. Ngài lột áo mũ với châu ngọc mà đưa cho Xa-nặc. Rồi Ngài cắt tóc mà ném lên trời, có tiên nhân đón lấy. Xa-nặc khóc than, không muốn trở về một mình. Con ngựa cũng khôn ngoan, lấy lưỡi mà liếm Thái tử, không nỡ rời đi. Thái tử khuyên dỗ Xa-nặc với con ngựa Kiền-trắc và bảo trở về thành. Nơi đây vua A-dục có xây hai cái tháp, một cái thờ Xa-nặc và một cái ghi tích người thợ săn đổi áo người tu cho Thái tử mà lấy áo đẹp. Khi ấy Thái tử gặp một thợ săn mặc áo người tu, Ngài hỏi: Người đi săn sao lại mặc y phục người tu? Thợ săn đáp rằng: Tôi mặc y phục này, muông thú trông thấy tưởng là người tu niệm hiền lành nên mới dám lại gần, nhờ vậy mà tôi săn bắt được! Thái tử bèn đổi y phục quý giá mình đang mặc cho người thợ săn và khuyên rằng: Người bán những y phục này cũng được một khoản tiền khá lớn. Nên lấy đó mà tìm cách khác sinh nhai, chẳng nên theo đường ác sát hại muông thú nữa. Thợ săn đổi y phục cho Ngài, từ tạ mà đi và hứa sẽ bỏ ác làm lành.

Ngài Huyền Trang ra khỏi thành Ca-tỳ-la-vệ, bèn đi tiếp đến xứ Câu-thi-na. Đó là chỗ xưa kia Phật nhập Niết-bàn. Bây giờ là xứ Ka, nằm về phía bên phải sông Gandak.

Ngài Huyền Trang viếng cảnh ấy vào năm 637, tính ra Phật tịch đã một ngàn một trăm hai mươi năm rồi. Quanh vùng có nhiều tháp. Chỗ thì ghi chuyện tích ông thợ rèn Thuần-đà cúng dường bữa cơm cuối cùng cho Phật. Chỗ khác là nơi đặt kim thân Phật, chờ ngài Ca-diếp về mới làm lễ thiêu. Sau đó, tăng đoàn tôn ngài Ca-diếp làm Tổ sư đầu tiên theo lời phó chúc của Phật.

Gần đó, vua A-dục cũng có xây tháp thờ những con thú có lòng từ. Người Ấn Độ chẳng những trọng người hiền, mà cũng tôn sùng những thú có lòng lành nữa. Chuyện kể rằng ngày xưa nơi đây là một khu rừng lớn. Một hôm, xảy ra nạn cháy rừng, lửa cháy lan khắp nơi. Tất cả cầm thú đều nguy ngập, cùng nhau chạy đi lánh nạn, nhưng gặp phải một cái suối nước chảy rất xiết, không thể nào lội qua. Phía sau là lửa cháy đuổi tới, nếu không qua suối thì sẽ bị chết cháy. Một con dê chúa có lòng từ bi, thấy cảnh khốn thì thương cho tất cả các thú khác. Dê bèn nhảy xuống lấy thân mình chận ngang chỗ hẹp của dòng suối, để cho giảm bớt sức nước. Nước chảy rất mạnh, xói vào xương thịt của dê. Nhưng nhờ đó cả đoàn thú đều qua khỏi suối.

Trong thành Câu-thi-na, chẳng những chỉ có chuyện tích dê cứu muông thú, mà lại còn có tích một con chim cứu cho các chim khác và thú vật khỏi chết. Vua A-dục cũng có lập tháp để thờ, các vị du tăng thường ghé đây chiêm ngưỡng, lễ bái.

Chuyện kể rằng thuở xưa, chỗ rừng này cũng bị nạn cháy. Các loài chim và thú đều đua nhau tìm đường tránh lửa. Nhưng phần thì lửa cao, phần thì gió lớn, tình cảnh thật nguy khốn lắm. Lúc đó, một con chim nhỏ động lòng từ, bèn bay xuống suối nước, rồi bay trở lên, rảy nước trên lửa. Thiên-đế thấy chim nhỏ mà mong tưới tắt lửa khắp rừng thì cười rằng: Ngươi sao lại mong làm chuyện vô ích? Lửa đã cháy khắp cả rừng, cây cỏ đều hóa ra than đỏ. Một mình ngươi nhỏ yếu như vậy, làm thế nào nên chuyện? Chim nhỏ thấy có người không giúp sức mà còn cười nhạo mình thì giận lắm, bèn lớn tiếng quở trách Thiên-đế là người hèn nhát. Thiên-đế bị quở, giận mới dùng nước trong lòng bàn tay mình mà rưới tắt cả đám lửa. Vậy là nhờ có chim nhỏ mà cầm thú đều khỏi nạn chết thiêu.

Ngài Huyền Trang có viếng khắp các chùa tháp nơi Phật nhập Niết-bàn. Sau đó, Ngài theo đường rừng mà đến thành Ba-la-nại. Xứ này là thánh địa. Dân cư đông đúc, cây cối tốt tươi, ruộng nương sung túc, mà đạo Bà-la-môn đang thịnh hành. Đền thờ đạo Bà-la-môn rất nhiều. Mỗi nơi đều có nhiều tầng, sơn phết và điêu khắc tráng lệ lắm, lại có vườn rộng và ao hồ. Người theo đạo Bà-la-môn, phần đông đều nhờ đức Xi-hoa. Kẻ thì cạo đầu, người thì để chóp, có kẻ tu khổ hạnh ở trần truồng. Nhiều vị sư lấy tro mà bôi trét lên thân mình, hoặc hành khổ thân xác vì tin rằng như vậy sẽ được thoát khỏi kiếp luân hồi.









Biểu tượng Pháp Luân (Bánh xe Pháp)

Hai con nai bên dưới

tượng trưng cho Vườn Nai (Lộc Uyển),

nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên

Thành Ba-la-nại cũng có nhiều dấu tích rất quan trọng của Phật giáo. Ngài Huyền Trang có chiêm ngưỡng tượng Phật ngồi thuyết pháp, xem ra hiền hòa và nghiêm trang lắm. Tượng ấy bây giờ hãy còn trong bảo tàng viện tại Xạt-nát cũng trong xứ Ba-la-nại.

Chính tại đây, trong Vườn Lộc, Phật thuyết bài pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế, rồi thâu nhận những vị đệ tử xuất gia đầu tiên.

Bấy giờ có nhóm năm vị tu sĩ lấy sự hành xác làm trọng, mà trước đây trên đường tìm đạo Phật cũng có đến tu theo như họ. Nhóm này do ông Kiều-trần-như cầm đầu, tin theo học thuyết rằng: nếu càng cực khổ về thể xác thì sự chứng đạo càng cao. Cho nên họ chịu khổ nhọc nhiều lắm. Lúc trước họ tôn trọng đức Thích-ca, vì Ngài cũng khổ hạnh như họ trong sáu năm. Sau Ngài bỏ lối tu ấy thì họ chê cười là kẻ còn ham mê sự dục lạc. Đức Thích-ca bỏ lối tu khổ hạnh, lấy lại sức khỏe rồi nhờ tham thiền dưới cội cây Bồ-đề mà chứng đạo. Ngài bèn trở lại thành Ba-la-nại để độ cho năm người kia. Những người này thấy Ngài đi lại từ xa đã nhận biết, bảo nhau rằng sẽ không tiếp rước Ngài. Nhưng khi Phật đi tới, họ bỗng dưng bối rối dường như bị lửa đốt. Có một mãnh lực lạ thường toát ra từ dáng dấp, phong thái siêu việt của đấng giải thoát khiến họ cùng đứng bật dậy, chạy đến tiếp rước Phật, lại chia nhau mà nâng áo, cầm bình bát, dọn chỗ Phật ngồi và mang nước rửa chân cho Ngài.

Liền đó đức Thế Tôn dạy rằng Ngài đã chứng ngộ được chân lý. Rồi Ngài thuyết cho họ nghe bài pháp đầu tiên, đại lược Ngài giảng rằng, có hai điều cực đoan mà người tu hành phải tránh xa. Một là quá sung sướng, con người cứ miệt mài trong việc vui chơi, không thể có tư tưởng minh mẫn được. Hai là quá hành khổ thân mình, không cảm xúc, hưởng thụ gì nữa, chỉ là vô ích vậy. Người tu hành thường tránh hai điều cực đoan ấy mà chọn lấy một đường ở giữa, ắt sẽ được khoái lạc về tinh thần, chứng biết được đạo lý...

Ngài lại chỉ ra chân lý của sự khổ: sanh ra, già yếu, bệnh khổ, chết đi, lại phải gần gũi những kẻ mình oán ghét, hoặc xa cách với những người mình thương yêu. Nguồn gốc của sự khổ là sự tham muốn, vốn không bao giờ có giới hạn cuối cùng. Muốn hiểu chân lý dứt trừ sự khổ thì chỉ cần dứt lòng tham muốn đi là xong vậy. Đức Phật cũng nói rõ là Ngài đã hiểu được chân lý để dứt trừ đau khổ, nên Ngài muốn giáo hóa cho tất cả chúng sanh chân lý ấy...

Ngài Huyền Trang vẫn còn nhớ rõ những lời thuyết pháp của Phật ghi trong kinh sách. Ngài viếng cảnh Vườn Lộc rất lâu, trong trí mường tượng như còn thấy rõ cảnh đức Phật đang giảng đạo lý lần đầu.

Gần Vườn Lộc có một ngôi tháp ghi lời Phật thọ ký cho Bồ-tát Di-lặc sẽ thành Phật tiếp theo Ngài. Gần Vườn Lộc, về hướng Đông, Ngài Huyền Trang còn thấy một cái hồ, là nơi thuở trước Phật thường tắm tại đó. Cảnh Vườn Lộc vẫn còn tốt đẹp, tháp xưa được giữ gìn cẩn thận. Trong vườn có cây cao bóng mát, thích hợp cho việc tham thiền, và có một tự viện với khoảng 1.500 tăng sĩ theo phái Tiểu thừa.

Nơi đây người ta thường truyền tụng nhau những chuyện tiền thân của Phật, và tin rằng trong những đời trước, khi chưa thành Phật, Ngài thường đầu thai tại xứ Ba-la-nại này, sanh trong loài cầm thú nhưng nêu cao gương từ bi cho chúng sanh. Có một chuyện kể rằng, một thuở trước Ngài sanh làm con voi chúa màu trắng có sáu ngà xinh đẹp lắm. Voi có hai vợ. Một hôm đang đi dạo trong rừng đụng phải một cây đang nở bông. Cây bị đụng mạnh, hoa rơi xuống mình một cô vợ, còn cuống và lá thì rơi nhằm cô kia. Cô này sanh lòng thẹn và ghen tức, quyết rửa hờn. Sau khi chết, cô được đầu thai làm hoàng hậu thành Ba-la-nại. Hoàng hậu sai thợ săn lên rừng tìm voi mà giết và lấy ngà đem dâng cho mình. Thợ săn giả làm một thầy tu hiền lành, vào rừng thấy voi trắng đang đi gần hồ sen, oai nghi như hòn núi lớn, còn cả bầy voi nhỏ thì đi đằng xa. Người ấy nghĩ rằng voi trắng là đáng giết hơn hết, vì có sáu ngà, mới dương cung lên mà bắn một mũi có tẩm thuốc độc. Voi chúa bị tên đau đớn lắm, muốn xốc lại mà giết thợ săn. Nhưng vì có lòng từ nên lại thôi, và ngăn cản bầy voi không cho hại mạng tên thợ săn. Voi chúa nghe biết hoàng hậu sai thợ săn đi kiếm ngà, bèn lấy vòi bị thương mà bẻ ba cặp ngà của mình trao cho anh ta. Voi chúa lúc ấy chịu đau không nổi mà chết, sanh lên cõi trời. Còn hoàng hậu khi lấy được ngà, nhận biết là của người mình yêu thương đời trước thì hối hận lắm, hối hận và khổ tâm cho đến lúc chết.

Người ta cũng truyền kể một chuyện tiền thân của Phật sanh làm vua loài hươu ở Ba-la-nại. Vua loài hươu cầm đầu một đàn hươu là 500 con. Một hôm, vua trong thành Ba-la-nại sai một đoàn thợ săn lên rừng mà vây bắt cả đàn hươu. Vua hươu liền vào thành đến ra mắt nhà vua ở đây và xin tha cho bầy hươu của mình, và hứa mỗi ngày sẽ nộp cho vua một con hươu để ăn thịt.

Một hôm đến phiên một hươu cái phải đi nộp thịt, nó tìm đến chúa hươu, quỳ xuống và tâu rằng: Xin Ngài chờ cho tôi sanh con xong, bấy giờ tôi sẽ đi dâng nạp mạng tôi. Chúa hươu động lòng thương, bèn thế mạng mình, vào thành Ba-la-nại mà chịu chết thay cho hươu cái. Vua trong thành cũng có từ tâm, biết chuyện bèn tha và thôi không bắt nộp lễ nữa. Vua lại phán rằng: Trong tất cả các vùng rừng núi, các ao trong suối tốt, nay trẫm ban cho loài hươu và truyền lệnh không ai được giết hại chúng nó.

Xa nữa là một đỉnh tháp ghi chuyện tích về lòng từ của một con dê. Người ta còn truyền nhau một chuyện tiền thân khác, kể rằng có một thuở Phật sanh làm con dê ở trong rừng. Dê ăn cỏ lá với hoa quả chứ không giết hại sanh linh. Có ba anh em bạn, một con vượn, một con chó với dê cùng kết nghĩa sống chung với nhau. Dê dạy cho vượn và chó đều biết những nghĩa lý ở đời, chỉ rõ đâu là việc ác, đâu là việc thiện.

Một hôm, có một ông thầy Bà-la-môn đến chỗ ba anh em. Đó là Thiên-đế hóa hình ra. Ngài hỏi rằng: Các con ở đây có vui thích chăng? Ba anh em đều đáp rằng: Chúng con ăn ở với nhau trên cỏ rậm, trong rừng sâu, tuy là khác giống nhưng thương yêu nhau, thật là yên ổn và vui vẻ lắm.

Thầy Bà-la-môn nói rằng: Ta nghe các con kết tình bằng hữu với nhau rất khắn khít, nên chẳng ngại đường xa đến đây thăm các con. Nhưng bây giờ ta đói lắm, các con lấy gì mà đãi ta?

Ba anh em đồng chia ra mỗi con đi mỗi ngã mà kiếm đồ ăn. Chó xuống rạch bắt được một con cá. Vượn đem về những hoa quả ngon. Chỉ có dê đi về mình không, lại còn nhảy nhót ra bề vui vẻ lắm. Thầy Bà-la-môn thấy lạ bèn hỏi: Sao con lại về không? Dê đáp: Muôn loài cỏ cây, sinh vật đều tham sống mà sợ chết, nên con không nỡ bắt lấy loài nào mà làm thức ăn cho ông. Nhưng hôm nay con sẽ đãi ông một món đặc biệt là tấc lòng thành. Vậy ông chịu phiền đem củi lại đây và nhóm lửa. Thầy Bà-la-môn làm theo lời dê. Đợi lửa cháy đỏ, dê bèn nhảy vào lửa mà chết, hiến thịt mình cho thầy Bà-la-môn ăn.

Ngài Huyền Trang viếng phong cảnh và tìm hiểu các chuyện tích nơi thành Ba-la-nại, lấy làm hoan hỷ lắm. Sau khi làm lễ các chùa rồi, Ngài bèn đi lên hướng trên và tới thành Tỳ-xá-ly. Thuở trước Phật thường đến xứ này vì đất đai thạnh phát với nhiều vườn cây bóng mát, thích hợp cho việc tham thiền. Nhưng nay thành Tỳ-xá-ly đã suy sụp lắm rồi. Ngài đi viếng vườn xoài trước đây của một cô kỹ nữ tài sắc nhất thời tên là Ẩm-ra-bát-lý cúng cho giáo hội. Ngài có đi thăm một cái hồ, tương truyền là do một bầy khỉ đào để có nước cho Phật dùng. Gần hồ lại có một ngọn tháp, ghi rõ chuyện tích khỉ đến lấy bình bát của Phật mà mang đi, một lát mang trở về chứa đầy mật ong.

Thành Tỳ-xá-ly này cũng có nhiều chuyện tích Phật lắm. Ngài Huyền Trang rất thích cảnh vật nơi đây. Sau khi Phật nhập Niết-bàn chừng một trăm năm thì Giáo hội đã nhóm họp bảy trăm vị A-la-hán nơi đây mà soạn lại kinh điển. Đó là hội kết tập kinh điển lần thứ nhì.

Rồi Ngài đến một thành quan trọng hơn hết. Ở đây chẳng những có nhiều chuyện tích Phật, mà lại còn có nhiều kinh sách rất hay. Ấy là thành Hoa-thị, kinh đô vua A-dục ngày xưa. Vua A-dục là người đã tổ chức đại hội tăng sĩ để khảo sát tình hình nhà Phật và kết tập kinh điển. Từ khi Phật nhập Niết-bàn, thì đại hội kết tập này là kỳ thứ ba. Hoàng đế A-dục, thống nhiếp cõi Ấn Độ, đã xây dựng cả thảy là 84.000 chùa tháp. Chỗ nào có dấu tích Phật là xây dựng ngay một vài cái. Chẳng những vua mộ đạo và ăn ở hiền từ, mà vua lại còn biết chọn danh sư để bảo tồn và truyền bá đạo đức nữa. Vua tuyển chọn nhiều cao tăng vào triều rồi phái đi với sứ giả của mình ra các nước ngoài để truyền bá giáo lý đạo Phật.

Bởi thế cho nên xứ Hoa-thị là trung tâm của đạo Phật. Phật còn để dấu chân tại đây khi sắp về cõi Niết-bàn. Phật đã từng chịu cay đắng khổ sở ở vùng này, và khi thành đạo cũng ở vùng này.

Ngài Huyền Trang theo đường từ Hoa-thị đến Phật-già-đa, càng bước tới thì càng gặp nhiều tích Phật. Miệt này hẳn là đất nước nhà Phật. Ngài có gặp sông Ni-liên-thiền chỗ Phật thường tắm và giặt vải ngày xưa. Ngài cũng có viếng cây bồ-đề chỗ Phật ngồi tham thiền cho đến khi thành đạo. Kinh có ghi rằng đức Thích ca chịu khổ hạnh sáu năm trời mà chưa thấy kết quả gì, thân hình chỉ còn da bọc xương. Vì tu khổ hạnh, Ngài không ăn uống gì, nên yếu cho đến đỗi gần như không còn hơi thở. Khi ấy, Ngài mới nghĩ rằng: Nếu ta chịu khổ mãi, mình gầy, sức yếu, làm thế nào tìm được chánh pháp? Vì vậy, Ngài quyết định bắt đầu ăn uống trở lại, để có sức khỏe mà tiếp tục con đường tìm đạo. Khi ấy có một cô gái đến dâng cúng sữa. Ngài nhờ dùng sữa ấy mà tỉnh táo lại, rồi tiếp tục thọ dụng các món vật thực, nên sức khỏe dần dần hồi phục. Sau Ngài gặp cây bồ đề có bóng mát liền ngồi tham thiền nhập định nơi đó, lòng phát nguyện rằng chưa thành chánh đạo thì chưa chịu rời khỏi cây này.

Tới đây, Ngài Huyền Trang viếng cảnh nhiều nơi không biết chán. Ngài lễ bái chỗ Phật tham thiền và có ghi chép lại rõ hình trạng cây bồ đề. Thân cây trắng pha màu vàng. Lá xanh mướt rậm rạp quanh năm, dầu hạ dầu đông cũng không rụng hết.

Từ đời vua A-dục về sau, người ta trông nom cây bồ đề rất kỹ. Có bao tường gạch ở ngoài, cho cửa chánh ngó về hướng Đông, ngay sông Ni-liên-thiền nơi Phật tắm khi xưa. Hướng Nam có một cái cửa ngay một cảnh hồ sen. Hướng Tây vách thành có núi che chở. Còn phía Bắc là một ngôi chùa, rất nhiều những món di vật cổ tích của Phật với các vị đệ tử. Chung quanh chùa có nhiều tháp rất đẹp của các vị vua chúa và quý tộc dựng để ghi nhớ những chuyện tích Phật với các vị Tổ sư. Giữa chùa có xây bệ ngọc chắc chắn lắm.

Ngài Huyền Trang đến viếng các nơi cổ tích ở vùng Phật-già-đa. Ngài có thăm một cái hồ mà tương truyền là của đức Đế thích dùng thần thông hóa ra để có nước cho Phật tắm. Người ta chỉ cho Ngài coi khúc sông Ni-liên-thiền chỗ Phật tắm trước khi đến ngồi dưới cội cây bồ đề.

Ngài Huyền Trang cũng có đến cảnh rừng chỗ Phật thâu nhận ba anh em Ca-diếp. Ba người này tu luyện đã lâu lắm. Người anh trưởng có trội hơn về đạo lý. Ở chung với nhau một chỗ mà tu đạo. Nhưng họ bị một con rắn đến phá, có nhờ Phật giải cứu cho. Anh trưởng Ca-diếp vừa mới chịu phép Phật là mầu, chớ chưa nhận lý Phật là cao. Phật bèn thuyết pháp cho cả nhóm nghe. Chừng đó mọi người mới nhận Phật là hoàn toàn. Từ trước, quanh vùng đó mọi người đều nhận Ca-diếp là bậc đáng tôn đáng kính hơn hết. Khi Ca-diếp lạy Phật, mọi người đều lấy làm sửng sốt. Họ bảo nhau rằng: Phật cao thượng hơn Ca-diếp nhiều thì không còn ai sánh kịp Phật nữa. Trong hàng đệ tử của Phật, về sau Ca-diếp vẫn là người trội hơn hết. Nên khi Phật nhập Niết-bàn, ngài nối tiếp mà làm vị Tổ sư thứ nhất của Phật giáo Ấn Độ.

Ngài Huyền Trang lại có đến non Kê-túc, gần chỗ ngài Ca-diếp thị tịch. Kinh chép rằng tuy A-nan-đà là đệ tử thân cận nhất của Phật, nhưng chưa đạt ngộ bằng ngài Ca-diếp, nên khi nhập Niết-bàn, Phật mới phó chúc cho Ca-diếp làm Tổ sư thứ nhất. Rồi đến khi ngài Ca-diếp sắp tịch, thì lại phó chúc cho A-nan-đà làm Tổ sư thứ hai. Rồi ngài Ca-diếp đi vào non Kê-túc để ngồi tham thiền chờ đức Di-lặc xuống trần. Non Kê-túc có nhiều hang sâu vực thẩm, cây đá chất chồng, với ba đỉnh núi cao đụng mây xanh. Ngài Ca-diếp vào núi đi lên miệt hướng Bắc, đường rất gay go. Khi Ngài đến dãy núi phía Tây, gặp một hòn đá lớn chận ngang. Ngài lấy gậy mà gõ, tức thì đá nứt làm hai. Ngài đi qua vào ngay chỗ trung tâm, có ba đỉnh núi bao ngoài. Ngài ngồi tham thiền, tịch khỏi hồng trần. Từ đó không còn ai gặp Ngài nữa.

Huyền Trang đứng trước cảnh núi, nhớ đến người xưa; tuy có duyên vào đến đất Phật mà tủi vì chẳng được làm đệ tử đương thời của Phật. Ngài ôn lại đoạn lịch sử huy hoàng lúc ngài Ca-diếp nhóm họp các vị A-la-hán cùng nhau kết tập lần đầu để soạn thành ba tạng kinh điển. Thật là một bậc thượng thủ rất xứng đáng nối nghiệp Phật.

Bấy giờ ngài Huyền Trang lại đi về phía Đông bắc, đến thành Na-lan-đà. Chỗ này đương thời là nơi có nhiều chùa lớn và các bậc cao tăng hơn hết so với các nơi ở Ấn Độ. Tại đây có khi mười ngôi chùa được xây dựng liên tiếp, cách nhau chỉ có một bức tường. Mỗi chùa đều rộng rãi, chia ra nhiều phòng: chỗ làm nơi tăng chúng ở, chỗ làm thư viện, chỗ làm giảng đường, chỗ làm nơi cúng Phật... ngài Huyền Trang ngụ tại ngôi chùa lớn hơn hết ở đó. Ngài lấy làm thích phong cảnh và sinh hoạt trong chùa. Mấy đỉnh tháp cất rất đều, hợp với nóc chùa cao dường như vươn khỏi mấy tầng mây. Ở ngoài liêu phòng có gió mát hoa tươi. Chung quanh có hồ sen, hoa nở đầy trên mặt nước. Phía ngoài, nhiều cụm xoài che mát cho chùa.

Trong cõi Ấn Độ có cả ngàn ngôi chùa. Nhưng không chỗ nào chùa được tráng lệ, nguy nga và đồ sộ, nghiêm trang như ở đây. Số tăng đồ bao giờ cũng trên mười ngàn, đều theo Đại thừa. Chùa cũng là một nhà đại học đường dạy đủ các khoa. Tăng sĩ vào học đạo có mười tám phái. Phái nào cũng có thầy giỏi giảng dạy. Trong chùa có đủ các loại kinh sách, từ những kinh sách dễ hiểu, thông thường cho đến các loại sách chuyên môn: hoặc y học, hoặc toán học, hoặc các sách về thần học. Mỗi ngày đều có cả trăm thầy dạy. Tăng chúng học tập rất chuyên cần, phần đông xuất thân từ đây đều được thành tài và đến đâu cũng được người kiêng nể. Tuy là cả muôn người mà ai nấy đều có cung cách nghiêm chỉnh, hiền hòa và giữ theo giới luật nghiêm nhặt của hàng tăng chúng. Cho nên vào lúc ngài Huyền Trang đến thì chùa này lập ra đã bảy trăm năm mà không có ai làm trái đạo. Vua kính trọng lắm và có lấy số thuế thu từ một trăm thành thị mà cấp phát cho. Lại mỗi ngày có đến vài trăm nhà từ thiện đem gạo, sữa và dầu tới cấp cho chùa. Nhờ vậy tăng chúng khỏi lo lắng về sự ăn uống, được mau tiến bộ trên đường tu học.

Ngài Huyền Trang tới thành Na-lan-đà được tiếp rước trọng hậu lắm. Có hai trăm nhà sư với một ngàn tín đồ cầm cờ, che lọng, rải hoa mà rước Ngài. Khi Ngài vào chùa, chư tăng đều tựu đến chào hỏi. Ngài đáp lễ xong bèn được mời ngồi trên một tòa cao và các nhà sư với tín đồ đều ngồi theo. Bấy giờ một vị tăng làm chức phó đốc học trong nhà trường, mà trường cũng là thuộc về ngôi chùa ấy, đứng lên làm lễ, đánh chuông và thỉnh ngài Huyền Trang ở lại, cùng ăn dùng các đồ trong chùa. Kế đó, người ta đưa Ngài đến ra mắt vị Thượng tọa lớn tuổi và tài đức hơn hết là ngài Giới Hiền luận sư.

Ngài Huyền Trang đi vào ra mắt, khi đến trước mặt vị thượng tọa này, Ngài quỳ xuống làm lễ rất cung kính theo như đạo thầy trò. Ngài quỳ mọp và lạy sát đất. Ngài Giới Hiền hỏi han mọi điều và hết lời khen ngợi. Thượng tọa bảo người đem ghế vào và mời Ngài với mấy vị tăng cùng ngồi. Sau đó, Thượng tọa hỏi qua chánh ý của Ngài. Huyền Trang đáp rằng: Con quê ở Trung Quốc, dốc lòng qua đây là mong học đạo đức cao thượng, nhờ Thượng tọa thương mà dìu dắt cho.

Ngài vừa dứt lời thì Thượng tọa động lòng rơi lụy. Đoạn bảo người thuật lại điềm mộng Ngài đã thấy trước khi Huyền Trang qua tới Ấn Độ. Trước đây Thượng tọa gặp một cơn bệnh nặng, ngài đã muốn thị tịch. Nhưng đêm kia ngài nằm mộng thấy ba vị đại Bồ-tát tướng mạo oai nghiêm, mặc áo rực rỡ, tươi đẹp. Một vị áo sắc vàng, một vị áo sắc xanh như ngọc bích và vị thứ ba áo sắc trắng như bạc. Ấy là ba vị Bồ-tát Văn-thù, Quán Thế Âm và Di-lặc. Ba vị giáng xuống bảo ngài nên sống thêm để truyền đạo, chờ một vị tăng bên Trung Hoa sang để dạy đạo. Ngài bèn vâng lời ba vị đại Bồ-tát mà nán lại.

Ngài Huyền Trang nghe thuật bèn bạch rằng: Nếu chư Bồ-tát đã có lời mách bảo trước, nay con nguyện xin làm đệ tử, nhờ Thượng tọa dạy đạo cho. Con sẽ đem hết lòng thành mà thờ ngài.

Ngài Giới Hiền là đệ tử nối pháp của ngài Đạt-ma-ba-la. Vị này vẫn đứng đầu chùa này cho đến khi thị tịch vào năm 560. Đạt-ma-ba-la là đệ tử ngài Trần-na mà ngài Trần-na chính là học đạo với hai vị Bồ-tát Vô Trước và Thế Thân. Huyền Trang may gặp được ngài Giới Hiền đúng là dòng pháp nhũ đại thừa, được vị này truyền dạy cho pháp môn Duy thức. Về sau, nhờ đó mà Ngài soạn được bộ Thành duy thức luận được xem là bộ sách cốt yếu và khái quát nhất của Duy thức tông.



Dharmapala – Hộ Pháp luận sư



Trọn mùa mưa năm 637, Ngài ở học tại chùa, ban đầu ngụ trên tầng thứ tư của một tòa nhà trong ngự viên của vua Ấu-nhật để nhà vua tiện việc cúng dường trọng hậu. Sau bảy ngày, Ngài dời đến ở một nhà khách phía Bắc ngôi nhà của ngài Đạt-ma-ba-la ngày trước. Mỗi ngày, vua đều sai người mang thức ăn đến cho Ngài dùng. Vua lại truyền chuẩn bị xe hoặc ngựa, kiệu cho Ngài mỗi khi đi dạo.

Một thời gian sau Ngài tạm ngưng cuộc nghiên cứu kinh luận một thời gian, ra khỏi thành Na-lan -ñaø mà lên phía Bắc để viếng thành Vương-xá. Xứ này đã suy tàn lâu rồi, dù rằng ngày xưa rất phồn thịnh. Nhất là hồi đời vua Tần-bà-sa-la thì phong phú lắm. Vua Tần-bà-sa-la là người rất mộ đạo, đã kính trọng đức Thích-ca từ hồi chưa thành Phật.

Khi thái tử Tất-đạt-đa lìa khỏi hoàng thành, vào núi gặp ông A-ra-ta với đệ tử tu hành rất khắc nghiệt, thậm chí không nhận lãnh vật thực của ai cả, chỉ dùng hoa trái trên rừng. Ngài xét ra đạo A-ra-ta không phải đường chánh nên bỏ đi nơi khác. Khi qua thành Vương-xá, vua Tần-bà-sa-la đến làm lễ và mời Ngài về triều để phong tước trọng hậu hoặc chia hai thiên hạ cùng cai trị, nhưng Ngài từ chối mà đi. Sau khi thành Phật, Ngài trở lại thuyết pháp cứu độ cho vua với quan dân thành này. Vua có cúng Rừng Trúc để Ngài lập tinh xá mà dạy đồ chúng. Cảnh tinh xá có đường lui tới dễ dàng, suốt ngày đêm đều được yên tĩnh, không có sự ồn ào, rộn rịp. Tăng đồ ở đây được tránh khỏi sự náo nhiệt, nên rất dễ học đạo tham thiền.

Tại thành Vương-xá người ta còn nhớ tích Đề-bà-đạt-đa âm mưu hại Phật. Đề-bà là người em họ của Phật, xuất gia theo Phật làm đệ tử, nhưng cao ngạo lắm, vẫn nghĩ là mình không kém Phật. Ông xin với Phật giao quyền đứng đầu Giáo hội cho mình. Phật không thuận cho nên ông hổ thẹn lắm, bèn tách riêng một nhóm những người theo mình ra khỏi Giáo hội và quyết làm hại Phật. Ông đã nhiều lần tìm cách ám hại Phật, nhưng chẳng những luống công vô ích, lại còn bị sa xuống địa ngục A-tỳ.

Thành Vương-xá có nhiều chùa của vua A-dục xây cất thờ Phật, và cũng có một đỉnh tháp cao thuở trước vua Tần-bà-sa-la thờ di tích Phật. Có một ngọn tháp ghi tích một con ngỗng rừng. Một hôm trong chùa hết đồ ăn, thầy giữ kho lấy làm lo lắng. Đang lúc bối rối vì chưa kiếm đủ thức ăn, xảy đâu có một bầy ngỗng rừng bay ngang, Thầy ấy ngó lên, nói rằng: Bữa nay các thầy hết thức ăn rồi. Thầy nói vừa dứt lời thì ngỗng chúa từ trên mây rớt xuống chết ngay chân thầy. Ngỗng muốn dâng thịt cho các sư, nên đã quyên sinh vậy. Tăng chúng đều tựu đến, lấy làm cảm động và thương tiếc, bèn chôn cất tử tế và dựng tháp ghi công đức của ngỗng.

Ngài Huyền Trang thích cảnh thành Vương-xá hơn hết. Đây là nơi 500 vị A-la-hán đệ tử của Phật nhóm họp kỳ đầu tiên để kết tập kinh điển sau khi Phật đã nhập diệt. Bấy giờ, tất cả các vị trong pháp hội này đều đã đắc quả A-la-hán. Duy có A-nan-đà là chưa. Tuy A-nan-đà là đệ tử thân cận nhất của Phật, từng được Phật nhận cho là nghe nhiều biết rộng, nhưng chỗ chứng đắc đạo quả của ngài chưa thực sự đạt đến giải thoát mọi trói buộc. Vì vậy mà trước khi nhóm họp đại hội này, ngài đã bị cả giáo hội Tăng-già chỉ trích rất nặng nề.

A-nan-đà tự lấy làm hổ thẹn về việc mình chưa chứng đắc thánh quả trước khi kết tập kinh điển của Phật thuyết. Trong đêm trước ngày bắt đầu đại hội, người không ngủ, lấy hết định lực mà tham thiền. Đến sáng thì ngài chứng quả A-la-hán, dứt mọi triền phược. Và trong kỳ kết tập kinh điển đầu tiên này, giáo hội đã nhờ vào trí nhớ của ngài để ghi lại những lời Phật dạy. Thật đúng là một bậc thánh Đa văn đệ nhất. Sau ngài nối tiếp Tổ Ca-diếp mà làm Tổ sư thứ hai của thiền tông Ấn Độ.

Ngài Huyền Trang làm lễ các nơi Phật tích ở thành Vương-xá, rồi trở lại tu viện Na-lan-đà mà học đạo với ngài Giới Hiền. Ngài ở đó chừng mười lăm tháng, học thêm kinh phái Du-già mà lúc trước Ngài đã có dịp học qua ở Kashmir. Ngài cũng khảo cứu thêm triết lý Bà-la-môn và học thêm cho tinh thông chữ Phạn.

Chùa Na-lan-đà là nơi rất thích hợp cho Ngài tham thiền và học đạo. Nhưng Ngài muốn dành một thời gian để viếng các nơi Phật tích khác ở khắp xứ Ấn Độ. Trước hết Ngài muốn sang thành Ca-bô-ta viếng một ngôi chùa xưa. Cách chùa chừng vài dặm, có một cảnh núi đẹp với hoa cỏ tươi tốt và nước suối trong veo. Bởi phong cảnh xinh đẹp lạ thường nên người ta có lập nhiều đền thờ ở đó, thảy đều linh thiêng lắm. Trên núi có một tòa điện thờ đức Quán Thế Âm Bồ-tát, tượng được tạc bằng gỗ cây đàn hương. Tượng rất thiêng nên mọi người đều kính trọng. Người trong xứ cũng vẫn thường đến lễ bái đông đảo. Tượng Bồ-tát được đặt giữa một khu đất, chung quanh có tường rào. Thiện nam tín nữ đến chiêm bái thì đứng ngoài mà khấn vái rồi làm lễ dâng hoa. Khi thảy hoa vào, nếu hoa rơi vướng lại trên tay Bồ-tát thì người ấy được như sở nguyện. Ngài Huyền Trang quỳ trước tượng Bồ-tát, lấy hết lòng thành tín mà nguyện ba điều: Điều thứ nhất, đệ tử sang Ấn Độ, muốn học đạo rồi sẽ trở về quê. Nếu được như ý, xin Bồ-tát cho mấy cánh hoa này rơi vào hai bàn tay Ngài. Điều thứ hai, đệ tử muốn được vãng sanh về cảnh Phật nơi cung Đâu-suất và theo học với đức Di-lặc. Nếu được như ý thì xin Bồ-tát cho hoa này nằm trên hai cánh tay Ngài. Điều thứ ba, nếu đệ tử về sau được thành Phật thì xin cho hoa này rơi vướng nơi cổ Ngài. Khấn nguyện xong ngài Huyền Trang thảy hoa vào, mấy cánh hoa đều rơi vướng lại đúng những nơi như Ngài đã nguyện.

Tiếp đến, vào mùa hè năm 638 Ngài qua xứ Mạnh-gia-lạp, thăm miền Tây. Ở đây có chuyện tích một vị thần Dạ-xoa ăn thịt người, nhưng về sau quy y Phật rồi tu hành được đắc quả. Trong xứ hiện lúc ấy có mười ngôi chùa với bốn ngàn tăng sĩ tu theo Tiểu thừa phái Tát-bà-đa bộ. Giáo lý phái này khác với pháp môn mà Ngài đang theo học, nhưng ở đây có nhiều vị học giả đại tài, nên Ngài ở nán lại mà khảo cứu, học hỏi thêm.

Rồi Ngài vào miền Trung xứ Mạnh-gia-lạp, ngày xưa là xứ Chiêm-bà. Xứ này có nhiều rừng rậm, thú dữ to lớn, hung bạo hơn các nơi. Nhà vua có nhiều voi chiến để đánh giặc. Hàng năm vua cho người vào rừng bắt voi về để thuần hóa.

Huyền Trang qua viếng miền Đông xứ Mạnh-gia-lạp, rồi lần xuống hướng dưới vịnh biển. Nơi đây người dân có màu da đen sậm và thân hình nhỏ thó. Khí hậu ở đây nóng nảy, đất đai lại ẩm thấp. Hoa cỏ và cây cối rất tốt tươi và nhiều chủng loại. Ngài viếng cảnh một thời gian rồi định qua biển mà thăm đảo Tích-lan là nơi Phật giáo cũng đang rất hưng thịnh.





Cõi Ấn Độ miền dưới

Ngài Huyền Trang muốn sang đảo Tích-lan và viếng các chùa theo Tiểu thừa, vì nơi ấy Phật giáo Tiểu thừa phát triển mạnh và là trung tâm của tông phái này. Tại đảo lại còn có dấu tích xưa kia của Phật. Trong một ngôi chùa, người ta có thờ một cái răng Phật, hào quang thường chiếu ra xa. Trên nóc chùa có gắn một hạt kim cương rất to. Những đêm trời trong không mây mù, kim cương chói sáng, ở xa trông như một ngôi sao đẹp. Ngài vừa chuẩn bị đi thì gặp mấy vị tăng ở đảo vừa sang. Họ nói rằng: Trong xứ đang có nội biến, tăng chúng đều lánh mình nơi khác, đại đức còn đến đó mà làm gì?

Ngài nghe lời họ không xuống đảo, bèn đi viếng thăm khắp cõi Ấn Độ miền dưới. Ở vùng Ca-len-ga, thấy đất đai phì nhiêu, cây cối xanh tốt, khí hậu nóng và con người thì đen đúa, dữ dằn. Người bình dân ăn ở theo tập quán còn man dại, chưa được thuần thục như các dân tộc miền trung tâm. Hàng vua chúa thì ưa thích việc săn bắn, thường mộ tập những con voi to lớn và mạnh mẽ. Bởi cuộc sống của họ còn hoang sơ nên chưa nhận biết được giáo lý nhà Phật. Họ chỉ chuộng theo những lối mê tín, dị đoan mà thôi. Thỉnh thoảng cũng có chùa, nhưng kém hơn miền trên nhiều. Người tu theo đạo Phật đều là những hàng trí thức, có học rộng, đọc được thông thạo kinh chữ Phạn. Tuy ở miền dưới này con người ta còn hoang sơ và tin việc tà mỵ, thế mà thỉnh thoảng cũng thấy xuất hiện một số bậc cao tăng lừng danh, như ngài Long Thụ, Tổ sư thứ 14 và ngài Đề-bà Tổ sư thứ 15 là hai vị có công khai mở Trung quán tông của Đại thừa.

Ngài có đến xứ Án-ra cũng là nơi có sự chuyên khảo về Phật giáo kỹ lưỡng lắm, và còn có nhiều ngôi chùa xưa. Trong chùa có nhiều bức họa rất khéo và người ta có khắc trên cẩm thạch nhiều bản vẽ những tích của Phật, ra vẻ sắc sảo lắm.

Ở A-ma-rả-hoa-ty có chùa theo Đại thừa, Ngài đến viếng xứ này vì là nơi có nhiều tượng Phật , lại là quê hương của lão tổ Đi-nha-ga hồi giữa thế kỷ thứ năm, mà Ngài đã từng nghe danh lúc còn ở chùa Na-lan-đà. Trong xứ có lắm nhà cao tăng giỏi nghĩa lý Đại thừa. Ngài ở đó trọn mùa mưa năm 639.

Kế đó, Ngài lần xuống xứ Cát-nát. Tại đây Ngài viếng thăm nhiều thành thị và chùa chiền. Người bản xứ cũng hâm mộ đạo Phật và lại khéo léo về mỹ thuật, nên họ làm những chùa tháp đẹp đẽ lạ lùng. Nhất là ở kinh đô có rất nhiều báu vật. Có một cảnh chùa được tạo bằng chỉ một hòn đá trên bãi biển. Lại có những hòn đá chạm khắc thành người và thú vật to lớn, khéo léo vô cùng. Huyền Trang có viếng hai cái động, và Ngài lấy làm hoan hỷ khi xem những hình khắc trong động. Trọn năm 640, Ngài ở tại xứ Cát-nát, lễ bái các chùa tháp, viếng thăm nhà vua và giao thiệp với các vị danh sư. Trong xứ còn có dấu tích của ngài Đạt-ma-ba-la tịch năm 560. Vị này là thầy của Giới Hiền luận sư ở chùa Na-lan-đà, người dạy môn Duy thức cho ngài Huyền Trang. Huyền Trang đến viếng quê quán của bậc tổ sư ấy lấy làm cảm phục lắm. Người xứ này có thuật lại cho Ngài việc ngày trước vua muốn gả công chúa cho Đạt-ma-ba-la, nhưng ngài không nhận, quyết theo đuổi việc tu học. Ngài có soạn nhiều sách luận Đại thừa rất giá trị.

Vùng này có một dân tộc cường thạnh là Ca-lu-ky-a, xứ Bu-la-kê-xin vốn có oai thế lắm. Người dân xứ này cao lớn vạm vỡ, tuy tập tục đơn sơ mà rất trọng nhân phẩm. Tánh tình họ nóng nảy, không sợ chết, biết giữ gìn nhân cách và làm trọn phận sự của mình. Bản chất của dân tộc này là ân oán phân minh. Khi thọ ơn luôn phải tìm cách trả, còn bị người làm hại thì quyết phải trả thù. Bản tánh cương trực nên họ đối nghịch nhau đều công khai cho nhau biết. Những kẻ có oán cừu cũng dùng sức mạnh đối mặt mà phân giải chứ không chấp nhận việc ám hại lén lút. Khi có chiến tranh, họ không bao giờ làm hại những kẻ đã chịu thua. Những người làm tướng mà bại trận trở về thì bị buộc phải mặc y phục phụ nữ, và họ như vậy là nhục nhã lắm. Vì thế những kẻ cầm quân đều liều chết nơi trận mạc chứ không chịu thất bại trở về.

Vua xứ này cũng là người can đảm, từng chống cự với vua Hát-sa. Các nước láng giềng đều chịu thua mà nộp lễ cống cho vua Hát-sa. Chỉ có một mình vua này là cự lại mà không nộp. Huyền Trang đến đây vào lúc mà vua đang hùng mạnh. Ngài có để lại mấy dòng bình phẩm vua này như sau: Vua là người thấy xa hiểu rộng, hằng bố đức cho dân. Còn triều thần là những quan võ rất nhiệt thành, trung hậu, hết lòng thờ vua giúp nước. Vua thích việc binh đao, lấy chiến trường làm sự vinh hạnh, cho nên binh pháp sắp đặt có lớp thứ, nghiêm trang lắm. Vua có cả trăm tướng tài. Mỗi khi ra trận, các vị đều uống rượu say. Càng say thì lại càng hăng, một tay giết cả muôn người. Trong những lúc ấy, có lỡ giết nhầm ai, vua cũng vui lòng tha tội. Họ đi đầu, phía sau chiêng trống vang lừng. Gặp giặc thì xông tới, chém giết không biết mệt mỏi, sợ sệt gì. Vua cũng có nuôi voi để đánh giặc. Mỗi khi ra binh người ta cũng cho voi uống rượu đến say. Bấy giờ voi không còn sợ sệt chi nữa, cứ lướt vào trận, đạp chết binh giặc vô số kể.

Nhờ binh pháp cứng rắn nên vua Bu-la-kê-xin làm cho các nước láng giềng đều nể mặt. Cho đến vị vua đại anh hùng là Hát-sa cũng phải kiêng oai. Vua Hát-sa là người chinh phục các nước trên toàn cõi Ấn Độ, đánh đâu thắng đó, đến đâu người ta cũng đều run sợ mà đầu hàng. Nhưng dân Bu-la-kê-xin chống cự mãi không chịu thua và không dâng lễ cống. Vua Hát-sa nhiều phen đánh mãi chẳng được, đành chịu hòa. Ngài Huyền Trang ngụ tại kinh đô xứ ấy là thành Nsik trong mùa mưa năm 641. Tại đây, Ngài có đi chiêm bái đến hai trăm nhà chùa.

Sau khi đó Ngài lên xứ Man-hoa là một nước có kỷ cương và rất giỏi văn chương chữ Phạn. Đây cũng là quê quán của một nhà đại văn hào, ông Cát-ly-đát-sa, tác giả nhiều quyển sách rất có danh. Xứ này ở gần về cửa biển. Việc giao thương đường biển dễ dàng, cho nên buôn bán được thịnh vượng và số người giàu có rất nhiều. Nhà vua là người giao thiệp thân mật với vua Hát-sa và cũng là người mộ đạo Phật. Mỗi năm vua có lập kỳ bố thí trọn bảy ngày. Đến kỳ ấy, tăng chúng, các người nghèo khổ, côi cút đều tựu lại đây nhận thức ăn, áo quần, thuốc men, tiền bạc của vua ban. Mỗi khi có các vị du tăng nơi khác đến thì vua đều tiếp rước trọng thể, kính trọng và cúng dường trọng thể. Vua cũng quan tâm đến việc bảo vệ các chùa chiền và hộ trợ cho chúng tăng.


Âm lịch

Ảnh đẹp