Những điều tai hại của truyện Tây Du
Trong quý vị độc giả, có lẽ phần đông đều biết bộ Tây Du diễn
nghĩa rồi. Tôi cũng đã có xem lúc nhỏ. Có xem, là vì chung quanh mình
người ta đều có sẵn, thì mình làm sao tránh đi cho được? Ảnh hưởng
truyện Tây du và các thứ truyện nhảm nhí khác, gần đây tuy đã bị các nhà
thức giả công kích, nhưng vẫn còn bám chặt trong đầu óc của nhiều
người. Những sự hại của truyện đã nhiều, mà lại còn có thêm những người
chuyên lợi dụng cái ý thích sai lầm của chúng ta mà cổ động thêm, hoặc
trên tuồng hát, hoặc trong bài họa. Lại nhiều nhà xuất bản mạnh ai nấy
in ra mà bán đủ các nơi để thu lợi.
Ai đã xem bộ truyện Tây du rồi, thật cũng chẳng hiểu đạo Phật là gì. Vì
trong đó chỉ toàn là những chuyện hoang đường, tà mị, làm cho người thêm
mê muội tối tăm. Dẫy đầy những hung thần, ác quỷ, làm cho người thêm
hèn nhát tánh tình.
Đối với người có học thức thì có thể dễ dàng nhận ra ngay, chẳng qua thì
là một mớ hỗn độn cả Lão giáo, Khổng giáo, Phật giáo... mà chẳng có
nghĩa lý gì được diễn cho rành rẽ, chỉ toàn là những mối dị đoan. Nhưng
đối với người bình dân hoặc đàn bà, con nít, thì lại dễ nhiễm vào mà
càng ngu muội thêm. Đọc xong bộ sách, cũng chẳng biết ngài Huyền Trang
sinh vào thế kỷ nào, chẳng biết Phật Thích-ca gốc ở xứ nào, mà chỉ thấy
toàn những lối phỏng định mơ hồ.
Ta thử đi hỏi những người quen biết, trong mười người ắt có bảy tám
người sẽ nói với ta rằng: Tây Du nào phải là chuyện bịa, mà là một pho
lịch sử, trong ấy Tề thiên Đại thánh với Bát Giới, Sa Tăng cùng đưa Tam
Tạng đi thỉnh kinh! Thậm chí có nhiều tăng sĩ cũng nghĩ như vậy. Và có
một tu sĩ kia, viết sách cũng có kể chuyện nằm chiêm bao thấy Phật Quan
Âm chỉ cho xem cây cầu lúc trước Đại Thánh khi thỉnh kinh có đi qua!
Người viết sách này lấy làm vui mà đưa ra đây nhiều chứng cứ để đánh đổ
những lối dị đoan kia. Cuốn Văn minh nhà Phật này muốn nêu cao gương học
Phật để phá hủy những sự tin tưởng hoang đường.
Độc giả xem sách này thì sẽ thấy ngài Huyền Trang, tức là Tam Tạng Pháp
Sư, quả thật có đi thỉnh kinh, trải qua lắm nổi gian nguy thật, nhưng
không có yêu tinh, quỷ quái gì toan ăn thịt. Độc giả cũng sẽ được biết
ngài Huyền Trang sống vào thế kỷ nào, và Ngài đến viếng các nơi có dấu
tích của Phật tổ như thế nào.
Đạo Phật suy đồi một phần là bởi con người thích tin vào các sự bày vẽ
bên ngoài mà không tưởng đến chân lý bên trong. Thật người học Phật thì
trước hết nên thông hiểu đạo lý và cách cư xử nhân từ. Bấy giờ sẽ nhờ
ánh sáng đạo Phật mà ngày càng được cao thượng thêm. Điều rất đơn giản
là hãy cứ chuyên tâm ăn ở hiền lành, cứu giúp và nâng đỡ người khác. Tâm
tánh mình không để cho nhơ bợn, tham ác, thì tự mình sẽ lướt nhanh lên
trên con đường đạo, chứ chẳng cần gì phải theo những thói dị đoan, cầu
khẩn mãi các vị thánh thần!
Giả sử không có ngài Huyền Trang cùng các vị cao tăng khác qua Ấn Độ mà
học đạo, thỉnh kinh, thì Phật giáo ở nước Trung Hoa hẳn ngày càng lộn
xộn thêm, chắc rằng trong cõi Á Đông sẽ không mấy chỗ được hiểu đạo Phật
cho rõ ràng. Thế nhưng có mấy người biết nghĩ đến kẻ đào giếng lấy nước
xưa kia đâu! Người ta chỉ thường xem truyện Tây Du mà hiểu sai lệch về
Ngài Huyền Trang, chẳng qua chỉ là một nhà sư muốn đi thỉnh kinh, nhưng
phải nhờ có Tề Thiên, Bát Giới và Sa Tăng dẫn đường và trừ yêu quái cho,
lại chẳng qua chỉ là một ông thầy tăng hay sợ sệt, lo lắng và trăm việc
đều ỷ lại vào kẻ dẫn đường.
Thực tế thì Ngài Huyền Trang là một vị đại cao tăng. Cả Trung Quốc không
có mấy người tinh thông đạo lý bằng Ngài. Thật là một bậc chân tài muốn
chấn chỉnh Phật pháp và trừ đi những lối dị đoan, mơ hồ. Ngài là một
người ham học, vì thấy đạo đức trong nước còn nhiều khiếm khuyết, nên
dốc lòng qua Tây Trúc mà khảo cứu thêm, và sưu tầm những kinh quý về để
lưu truyền. Chứ thật không phải muốn qua xứ Phật để thành Phật.
Ngài cũng là một người dày công chịu cực khổ không hề nản chí, ngã lòng.
Cho đến thấy cái chết trước mắt mà chân vẫn bước tới luôn. Như lúc qua
đồng cát mênh mông không còn một chút nước, nhưng Ngài vẫn cứ vững lòng
đi!
Còn nói về tài trí thì tưởng cũng không còn chỗ nào chê trách được. Đi
đến đâu Ngài cũng thuyết pháp, giảng kinh. Hàng vua chúa với các bậc cao
tăng nơi nơi đều lấy làm tâm phục. Ngài nói chuyện người ta nghe không
chán và khiến cho người phải đem lòng mến thương. Cho nên Ngài ra khỏi
nước Trung Hoa một thân đơn độc, không có phép vua, không người bảo bọc,
thế mà đến xứ lạ ai cũng yêu mến và trợ giúp cho một cách nhiệt thành.
Ngài là một người có tài về ngôn ngữ, biện luận chính đáng, rành mạch.
Ngài lại có tài ngoại giao, giá như làm sứ đi lo việc hòa ước bang giao
thì thật là hoàn toàn. Lại là một người trọng lẽ phải, cho nên đến những
nước tuy theo đạo Phật mà tông phái có khác thì Ngài cũng chỉ thẳng ra.
Những chỗ họ không chính đáng Ngài cũng sửa ngay cho, chứ không chịu
lặng thinh vì sợ mích lòng. Bởi vậy, cho dù là bậc cao tăng mà hành đạo
có sai lệch, tư tưởng chưa chính đính, thì Ngài cũng dám chỉ rõ ra. Có
vài lần Ngài cùng với nhiều người khác luận đạo với nhau, họ bị Ngài
đánh đổ, nhưng đó là những người có học, biết trọng chân lý, nên họ nhận
Ngài là giỏi mà phục tài, chứ họ không có sự hờn oán.
Độc giả xem quyển sách này, sẽ thấy rõ tâm tánh, đức độ của ngài Huyền
Trang, thì những sách làm cho ta hiểu lầm kia, phải kịp đính chánh ngay
đi vậy.
Ngài Huyền Trang thật có qua Tây Thiên mà học đạo và thỉnh ba tạng kinh,
nhưng không có những tích hoang đường yêu mỵ, rất hại đến tinh thần tôn
giáo.
Tuy là một vị tăng đi cầu đạo, nhưng Ngài Huyền Trang chẳng kém những
nhà thông thái du lịch đời nay. Mỗi khi đến một xứ sở nào, vào chầu một
nhà vua, viếng thăm một bộ lạc, vào một đền chùa, dự một cuộc thuyết
pháp hay tranh biện, cùng trải qua núi cao, vực thẳm, ao hồ, sa mạc,
Ngài đều có ghi chép vào tập nhật ký của mình một cách tỉ mỉ. Những khi
gặp rủi ro hay được may mắn, Ngài cũng ghi vào.
Khi về lại Trung Quốc, Ngài duyệt các bài nhật ký trong 17 năm du hành,
in thành sách nhan đề Tây du ký. Thật là pho sách rất quý báu về nhiều
phương diện: đạo đức, phong tục, địa dư, sử ký. Cuốn Tây du ký trước khi
xuất bản lại được cái vinh hạnh này: chính tay Hoàng Đế Đường Thái Tông
Đề-bài ngự chế. Đó là sách Tây du ký chân thật vậy.
Sáu, bảy trăm năm sau, vào đời nhà Nguyên (12771370) có một đạo sĩ tên
là Khâu Xử Cơ nương theo bộ Tây du ký của Ngài mà đặt ra một bộ tiểu
thuyết, trong ấy vai chánh lại là ngài Huyền Trang, đi thỉnh kinh trải
qua 81 tai nạn, may nhờ ba người đệ tử có phép thuật là Tôn Ngộ Không,
Sa Tăng và Bát Giới hộ vệ và trừ yêu quái cho. Nhưng tiếc thay, Khâu Xử
Cơ cũng đề tựa sách mình là Tây du ký. Người Trung Hoa đọc bộ sách ấy
phần đông đều lầm tưởng là chuyện thật. Lúc sau này, người ta lại còn
trích lấy những việc lạ lùng ghê gớm trong sách ấy mà đưa lên phim ảnh,
làm cho công chúng càng thêm mê hoặc.
Chính quyển Tây du ký của Khâu Xử Cơ được phiên dịch ra tiếng Việt, nhan
đề Tây du diễn nghĩa hay Truyện Tây du, đã in ra hằng muôn bộ, mà dịch
giả và nhà xuất bản chẳng hề cho biết đó là tiểu thuyết. Thành ra dân
chúng Việt Nam ta hiểu sai, tin lầm, rất có hại cho tinh thần đạo dức
nước nhà.