ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Chuyển ngữ HOANG PHONG
CẨM NANG CHO CUỘC SỐNG
Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội 2011
Chương IV
ĐỨC TIN, KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
Frédéric Hatier biên soạn
Hoang Phong chuyển ngữ
Tôn giáo
Tôi có thể khẳng định với
quý vị tôn giáo là một thứ xa xỉ phẩm. Tu tập theo bất cứ tôn giáo nào đều là một
điều tốt. Thế nhưng, thật hết sức rõ ràng không cần đến tôn giáo chúng ta vẫn
có thể dàn xếp mọi chuyện với nhau. Trái lại, nếu thiếu các phẩm tính căn bản của
con người - như tình thương, lòng từ bi và lòng nhân ái - con người không thể tồn
tại được. Sự an bình và thể dạng thăng bằng tâm linh của chúng ta phát sinh từ
các phẩm tính ấy.
Cốt tủy của tất cả mọi tôn giáo
Tôn giáo dưới bất cứ
hình thức nào đều bắt nguồn từ lòng từ bi.
Sự ích lợi của tôn giáo
Tôn giáo nào cũng đều
quan tâm đến sự tiến bộ xã hội, tình thương, sự kính trọng người khác và chia sẻ khổ đau với người khác.
Nếu tình thương thật sự là trọng tâm của mỗi tôn giáo thì tất cả các tôn giáo
có thể gom lại thành một, đấy là tôn giáo của tình thương. Tuy nhiên kỹ thuật
và phương pháp sử dụng để phát động tình thương mang lại hạnh phúc vĩnh hằng
hay sự giải thoát toàn diện lại có nhiều khác biệt giữa các tôn giáo với nhau.
Tôi không nghĩ rằng chỉ có một thứ triết học duy nhất hay một tôn giáo duy nhất,
vì lý do con người quá đa dạng, bẩm tính và xu hướng quá khác biệt nhau, do đó
tôi nghĩ cần phải có nhiều thứ tín ngưỡng khác nhau. Thực tế cho thấy có thật
nhiều hình thức tu tập khác biệt nhau trên con đường tâm linh.
Luận bàn về lòng tin
Phật giáo luôn luôn giữ
vững chủ trương không có sự hiện hữu cùng khắp của một vị trời sáng tạo. Thế
nhưng không phải vì lý do đó mà chúng tôi "duy lý hoá" triệt để tín
ngưỡng của chúng tôi. Chúng tôi tin có những sinh linh thuộc các cấp bậc cao,
ít ra cũng cao hơn con người, chúng tôi tin vào sấm truyền, vào những điềm báo
trước, việc đoán mộng và sự tái sinh. Đối với chúng tôi những sự tin tưởng ấy
hoàn toàn mang tính cách xác thực, tuy thế chúng tôi không hề bắt buộc bất cứ
ai, dù dưới hình thức nào, phải tin như chúng tôi. Phật giáo phát sinh từ kinh
nghiệm..., một thứ kinh nghiệm mang tính cách cá nhân. "Hãy trông cậy vào
chính mình" là một trong những lời giáo huấn căn bản nhất của Đức Phật.
Sự kiện hiển nhiên vượt lên trên đức tin
Quan điểm của Phật giáo
nói chung phải luôn luôn chấp nhận các sự kiện. Người Phật giáo tin vào sự tái
sinh. Thế nhưng nếu khoa học một ngày nào đó dựa vào khảo cứu cho thấy một cách
chắc chắn không có hiện tượng tái sinh, và điều đó được chứng nghiệm minh bạch,
chúng tôi sẽ chấp nhận. Trên nguyên tắc, đối với bất cứ một chủ đề nào được nêu
lên, Phật giáo luôn luôn căn cứ vào sự kiện.
Con người làm chủ lấy chính mình
Phật giáo chủ trương mỗi
người là vị chủ nhân của chính mình, hoặc ít ra cũng có tiềm năng trở thành vị
chủ nhân ấy. Đấy là căn bản của triết học Phật giáo, những người Phật giáo
chúng tôi nhờ vào nhiều phương pháp thực nghiệm đã mang lại sự hiểu biết ấy.
Tâm thức là kẻ sáng tạo ra chính mình trong từng giây phút một. Vì thế tâm thức
mang một trách nhiệm lớn lao.
Phật giáo là một ngành khoa học
Phật giáo không chấp nhận
giả thuyết có một vị trời hay một vị sáng tạo. Trên một khía cạnh nào đó Phật
giáo là một tôn giáo, trên một khía cạnh khác là một ngành khoa học tâm thần.
Đức Phật là ai ?
Đức Phật là một chúng sinh đã tinh
khiết hoá được hoàn toàn tâm thức, ngôn từ và thân xác. Ngài hiện ra cách nay
hơn hai ngàn năm trăm năm dưới hình tướng của vị Thích-ca Mâu-ni (Shakyamauni) một hiền nhân trong dòng họ
Thích-ca (Shakya). Sau khi chọn con
đường tu hành Ngài luyện tập thật nghiêm túc theo các phép du-già và thiền định
dưới một gốc cây tại "Chính Giác Sơn" ("Bodh Gaya") nơi miền bắc Ấn và đạt được sự Giác ngộ hoàn hảo.
Sau khi Giác ngộ Ngài thuyết giảng không ngưng nghỉ, những lời giảng huấn của
Ngài thật phong phú, thích nghi với các khuynh hướng khác nhau và ước vọng vô
cùng đa dạng của chúng sinh trong mục đích giải thoát họ khỏi khổ đau, đấy là sự
thực thứ nhất trong Tứ Diệu Đế.
Đức Phật là một vị
hướng đạo, không phải là một vị trời
Đức Phật chỉ cho chúng ta một con đường,
trên con đường đó có nhiều thứ cần phải gìn giữ nhưng cũng có nhiều thứ phải bỏ
đi [chọn lấy đạo đức, gạt bỏ mọi ảo giác, sai lầm và dục
vọng]. Ngài thuyết giảng cho chúng ta con đường tạo ra nguyên nhân và hậu
quả. Số phận của chúng ta nằm trong tay chúng ta, không phải trong tay của Trời
cũng không phải trong tay của Đức Phật.
Đức tin và lý trí
Những gì Đức Phật thuyết giảng cho đại
chúng và người am hiểu đôi khi trái hẳn nhau. Dầu sao, sự hiểu biết cũng tùy
thuộc mật thiết với khả năng thấu triệt của từng người và từng xu hướng cá
nhân. Phải thật cởi mở để dò tìm, cố gắng khám phá ra sự thật hay một quy luật
nào đó, kiểm chứng sự thật ấy rồi sau đó hãy chấp nhận, không nên chấp nhận
giáo điều một cách dễ dãi hoặc đặt hết niềm tin vào Đức Phật. Trên khía cạnh đó
tôi nghĩ rằng cách tiếp cận của Phật giáo khá tương tợ với khoa học.
Vứt bỏ vàng ròng
trong tay là làm trò cười cho thiên hạ
Trên bình diện tổng quát, người Phật
giáo cho rằng sự hiện hữu hiện tại nhất thiết là kết quả mang lại từ sự giữ gìn
nghiêm túc đạo đức trong kiếp trước [tái sinh làm thân
con người là một sự quý báu đấy là nhờ kiếp trước biết giữ gìn đạo đức].
Vì thế, nếu ai đang nắm vàng ròng trong ta mà vứt bỏ đi để sau đó cầu khẩn xin
được nhiều hơn nữa, như thế chỉ là cách làm trò cười cho thiên hạ.
Tôi không tìm cách
cải đạo một ai cả
Đối với một số người, Phật giáo có
thể không hồi đáp được sự mong mỏi của họ. Các tôn giáo khác nhau mang lại các
giải đáp khác nhau tùy theo nhu cầu của từng người. Tôi không tìm cách khuyến dụ
người khác theo Phật giáo mà chỉ cố gắng tìm hiểu xem những người Phật giáo
chúng tôi có thể cống hiến được gì cho xã hội con người theo quan điểm của
chúng tôi.
Thông điệp của Đức
Phật trong thời đại nhiễu nhương
Một số hệ tư tưởng mất dần giá trị
trên dòng lịch sử. Đức Phật dạy rằng sự sống là gia tài quý báu nhất của ta, thế
nhưng phải xem sự sống của người khác còn quý báu và quan trọng hơn gấp bội so
với sự sống của chính mình. Thông điệp và giáo lý của Đức Phật lúc nào cũng giữ
được giá trị vượt thời gian. Vào thời đại tân tiến ngày nay thế giới đang phải
đương đầu với hiểm họa bị hủy diệt, vì thế thông điệp của Đức Phật lại càng
mang một tầm quan trọng lớn lao hơn nữa.
Đức Phật và Đức Chúa
Trời (Christ)
Tương tợ với Đức Phật, Đức Chúa Trời
biểu lộ tấm gương khoan dung, khiêm nhường và phục vụ người khác trong tinh thần
bất vụ lợi. Cuộc đời của phần lớn các vị truyền giáo thật thánh thiện, họ sống
cuộc sống đơn sơ của những người bình dị, không vương giả và cao sang. Sức mạnh
nội tâm của họ thật phong phú. Họ không quan tâm đến bề ngoài và an phận với những
gì họ có, cách sinh sống của họ thật đơn giản [trong
xã hội ngày nay lúc nào cũng có những ngoại lệ, thế nhưng không nên nhìn vào
các trường hợp ngoại lệ để đánh giá chung].
Phật giáo và khoa học
Ngày nay cộng đồng khoa học ngày
càng quan tâm nhiều hơn đến tư tưởng triết học Phật giáo. Tôi rất lạc quan cho
rằng trong các thập niên tới đây cách nhìn của chúng ta về thế giới này sẽ thay
đổi sâu xa trên cả hai phương diện vật chất và tâm linh.
Sức mạnh của Phật
giáo
Chỉ khi nào chúng ta có thể dẹp sang
một bên giả thuyết không thể kiểm chứng được về sự hiện hữu của một vị trời
sáng tạo giữ chức vụ thẩm phán tối cao, thì khi đó chúng ta mới có thể hình
dung ra một thứ khái niệm mang đặc tính của một "tôn giáo nhân bản"
phát sinh từ sự suy tư của con người, mang chủ đích phục vụ cho con người.
Đứng trên quan điểm đó, khái niệm về
một vị bồ-tát (boddhisattva) có lẽ gần với khoa học hơn so với tất cả những thứ tạo
dựng mang tính cách thần học. Tôi tin tưởng thật sâu xa khái niệm về người bồ-tát nhất định đúng đắn và phù hợp hơn
với thế giới ngày nay so với các khái niệm tôn giáo khác. Sức mạnh từ bi trong
lòng người bồ-tát là một thể hiện bền
vững phát sinh từ nơi bản chất bất định của chúng ta (người bồ-tát là hình ảnh nhân cách hóa của
chính chúng ta), thể hiện đó thu hút ngày càng nhiều sự hiếu kỳ của giới khoa học
nghiên cứu về Phật giáo. Thật vậy, tôi tin rằng Phật giáo sâu xa và tinh tế hơn
các tôn giáo khác và cả các học phái tư tưởng khác. Chúng tôi không kéo hết sự
thật về phía chúng tôi, mà chỉ cống hiến kết quả mang lại từ những kinh nghiệm
suy tư thật lâu dài của chúng tôi.
Phật giáo và người
phụ nữ
Với tư cách một người Phật giáo, tôi
tin có sự tái sinh. Vì thế nhất định trong các kiếp sống trước đây tôi đã từng
là người phụ nữ. Các kiếp sống tương lai của tôi cũng [sẽ
lập lại] như thế. Phật giáo không hề kỳ thị giới tính. Đối với người đàn
ông hay người đàn bà mục đích tối hậu của sự tu tập vẫn chỉ là một. Tiềm năng đạt
được niết-bàn (nirvana) không khác nhau giữa hai phái tính. Trên bình diện tổng
quát, xã hội Tây tạng không hề quy định thứ bậc phân chia nam nữ. Trước đây người
Tây tạng chúng tôi không hề có một ý niệm gì về sự kỳ thị giữa nam giới và nữ
giới, chỉ sau này khi tiếp xúc với các xã hội Ấn độ và Trung quốc chúng tôi mới
hiểu đấy là gì.
Sứ mạng của tất cả
chúng ta
Với tư cách những người Phật giáo
chúng ta có bổn phận giúp đỡ tất cả chúng sinh. Nếu không đủ sức mở rộng tâm thức
mình hướng vào chúng sinh trên các hành tinh khác, thì ít ra chúng ta cũng phải
nghĩ đến nhân loại trên hành tinh này, đó là một cách thực tế nhất giúp giải
quyết các vấn đề khó khăn chung.
Trong giai đoạn đầu, trước hết chúng
ta phải tự kiểm soát chính mình phải ngưng ngay các hành động có thể gây nguy hại
cho người khác, cố gắng tối đa với tất cả sức mạnh của mình. Đấy là giai đoạn
phòng vệ. Kế đến khi đạt được một trình độ nào đó ta mới tự đặt ra cho mình các
mục tiêu rõ rệt hơn hướng vào việc giúp đỡ người khác, sự giúp đỡ đó không phải
chỉ thực thi trong những lúc tụng niệm mà bất cứ lúc nào trong cuộc sống thường
nhật của mình. Chỉ có cách đó mới tạo được sư an bình lâu bền và mang lại sự
hài hòa cho toàn thế giới.
Làm người Phật giáo
Trên phương diện thực tế, người Phật
giáo khác với người không Phật giáo ở điểm họ "quy y Tam Bảo". Trên phương diện giáo lý người Phật giáo cần
phải chấp nhận Bốn Dấu Ấn quy định nền
tảng giáo lý của Đức Phật. Tam Bảo gồm có Phật, Pháp (giáo lý của Đức
Phật) và Tăng đoàn (tập thể những người
tu tập).
Bốn Dấu Ấn xác nhận căn bản giáo lý
đúng theo những lời giảng huấn của Đức Phật gồm có : tất cả mọi vật thể cấu hợp đều vô thường ; sự
hiện hữu trói buộc trong điều kiện nhất thiết là khổ đau ; tất cả mọi hiện tượng
đều trống không về sự hiện hữu của cái ngã (cái tôi) ; niết-bàn (nirvana) là an
bình.
Giáo lý của Đức Phật
Giáo lý của Đức Phật có thể tóm tắt
bằng hai câu : "Hãy giúp đỡ người khác" và "Nếu không giúp đỡ được
người khác thì ít ra cũng đừng làm gì có thể gây ra nguy hại cho họ".
Nguyên tắc giáo lý đó phải bám rễ thật sâu vào mảnh đất của yêu thương và lòng
từ bi.
Cần phải có một nền
đạo đức
Đức Phật luôn nhấn mạnh đến tầm quan
trọng của việc giữ gìn đạo đức. Trước khi Đức Phật nhập vào Đại-bát niết-bàn,
các đệ tử hỏi Ngài ai sẽ là người thừa kế, Đức Phật trả lời rằng sự tu tập đạo đức
sẽ thay Ngài làm người hướng dẫn cho họ và đạo đức là vị thầy đại diện cho toàn
thể giáo lý. Đức Phật chỉ định người thừa kế Ngài chính là đạo đức.
Đạo đức, sự tập
trung tâm thức và trí tuệ
Trong bất cứ một cuộc chiến nào điều
đầu tiên là phải phòng thủ ; trong cuộc chiến tâm linh chống lại những xúc cảm
mang tính cách tàn phá, đạo đức là thành trì kiên cố của ta. Khi nào việc phòng
thủ được vững chắc và ta đã thấm nhuần đạo đức, khi đó ta mới chuyển sang thế tấn
công. Trong giai đoạn tấn công khí giới của ta sẽ là trí tuệ. Trí tuệ tương tợ
như viên đạn nằm trong nòng súng hay một tên lửa bộc phá, khí giới dùng để bắn
viên đạn hay phóng tên lửa là thể dạng thăng bằng trong tâm thức do thiền định
mang lại.
Giai đoạn kế tiếp sau khi đã thiết lập
nền móng đạo đức là giai đoạn phát huy sự bình lặng tâm thức và sau hết là triển
khai trí tuệ.
Con đường đạo đức
Đạo đức là một thể dạng tâm thức biết
giữ gìn không tạo ra tình huống có thể gây ra nguy hại cho người khác. Sự hoàn
thiện đạo đức sẽ đạt được khi nào ta phát huy được thể dạng tâm thức tuyệt đối
không gây thiệt hại cho người khác. Đạo đức gồm có mười yếu tố hay mười lãnh vực
khác nhau trong mục đích cảnh giác không cho chúng vi phạm vào các hành động
tiêu cực.
Mười hành động tiêu
cực và bốn liều thuốc hóa giải
Chúng ta hành động xuyên qua ba cửa
ngõ : thân xác, ngôn từ và tâm thức. Các hành động tiêu cực của ta phát sinh từ
ba cửa ngõ đó. Trong số các hành động tiêu cực có ba hành động thuộc thân xác :
sát sinh, trộm cắp, hành động tính dục thiếu hạnh kiểm ; bốn hành động thuộc
ngôn từ : nói dối, dèm pha, phỉ báng và ba hoa vô ích ; ba hành động thuộc tâm
thần : tham lam, nham hiểm, các quan điểm sai lầm và lệch lạc.
Giữ gìn đạo đức là tránh không vi phạm
vào các hành động tiêu cực. Quyết tâm không để bị lôi cuốn vào các hành động
nguy hại chính là cách thực thi những hành động tích cực.
Dù ta cố gắng cách mấy đi nữa để
tránh các hành động tiêu cực, nhưng ảo giác chi phối ta từ lâu vì thế đôi khi
ta cũng vô tình vi phạm vào những hành động tiêu cực . Các hành động tệ hại đó
tất nhiên sẽ mang lại hậu quả. Vì thế nên tu tập để tinh khiết hóa các hậu quả ấy
bằng các phương pháp mà Đức Phật đã giảng dạy cho chúng ta. Đức Phật khuyên
chúng ta nên áp dụng bốn liều thuốc hóa giải sau đây để tinh khiết hóa tính
cách "tiêu cực" của những hành động mà chúng ta vô tình vi phạm.
Bốn liều thuốc hóa giải là sức mạnh
của sự hối cải, tiềm năng mang lại sự tinh khiết hóa, sức mạnh của sự quyết tâm
và sức mạnh tối thượng do thiền định mang lại khi hướng vào Tam Bảo.
Tại sao phải thiền
định ?
Tạo được một tâm thức tích cực và
thăng bằng đủ khả năng đương đầu với những khó khăn của sự hiện hữu là một lợi
điểm không nhỏ. Chẳng hạn ta tập luyện thể dục để nhảy xa, thành tích lập được
tùy thuộc vào khả năng thân xác. Thân xác bị giới hạn bởi vật chất và khả năng
vật chất không thể vượt xa hơn một mức độ nào đó. Tâm thức thì khác, thuộc vào
lãnh vực của sự trong sáng và hiểu biết. Tâm thức không hề biết giới hạn như
trường hợp của vật chất, nếu tâm thức được luyện tập kiên trì các phẩm tính
mang lại sự thăng bằng sẽ ngày càng gia tăng thêm. Chỉ cần thực thi thiền định
vài phút mỗi ngày cũng đủ giúp cho tâm thức trở nên phong phú và ít xao lãng
hơn.
Du hành trong nội
tâm
Không bắt buộc là một Phật tử mới có
thể gặt hái được kết quả từ các bài học cũng như những lời giáo huấn đủ loại
trong Phật giáo. Chẳng hạn ta có thể học thế nào là sự khoan dung, thật vậy thiếu
khoan dung sự sống sẽ trở nên thật nặng nề. Ta cũng có thể học thế nào là con
đường mang lại an bình cho tâm thức, đó là những gì tối cần thiết giúp ta hành
động đúng đắn. Thật vậy an bình tâm thức là trọng tâm của mọi sự tu tập. Thể dạng
an bình trong tâm thức giúp ta lúc nào cũng chủ động được hành động của mình giữa
thế gian này, cũng nên hiểu là trong thế gian ta đang sống có những người láng
giềng của ta nhưng đồng thời cũng có cả kẻ thù của ta và cả ta nữa. Phương pháp
chính yếu giúp đạt được thể dạng an bình là thiền định, đó là trọng tâm của mọi
phép tu tập và cốt tủy của giáo pháp. Thiền định nhất thiết giúp ta dần dần lắng
sâu vào nội tâm của mình, và từ đó sự an bình sẽ hiển lộ. Tất cả chúng ta đều ước
mong thật sâu xa thực hiện được điều ấy, thế nhưng sự an bình lại thường bị
chôn vùi, che khuất và ngăn chận. Sự hung hãn là một thành phần liên kết với sự
hiện hữu của ta. Và đấy chính là gì mà ta phải chiến đấu để chống lại. Thế
nhưng bản chất đích thực của chúng ta là an bình, vì thế Đức Phật Thích-ca
Mâu-ni khuyên chúng ta hãy đi tìm sự an bình tại nơi sâu kín của lòng mình và
nhất định chúng ta sẽ tìm thấy nó.
Con đường trí tuệ
Khổ đau ngự trị trong bóng tối dầy đặc
mà chúng ta gọi là "vô minh căn bản". Ánh sáng nội tâm càng chiếu rọi,
bóng tối càng giảm đi. Ánh sáng ấy mở ra con đường duy nhất có thể mang lại cho
ta sự giải thoát tức niết-bàn (nirvana).
Loại bỏ ảo giác để
biến cải tâm thức
Loại bỏ ảo giác - tức vô minh căn bản
- đòi hỏi sức cố gắng của cả một đời người. Nếu ta tích cực tu tập, hết tháng
này đến năm nọ, đến một lúc nào đó ta sẽ nhận thấy tâm thức biến cải. Nếu ta
mong chờ hiệu quả phải xảy ra ngay tức khắc hoặc ước muốn sớm chủ động được tư
duy và xúc cảm, ta sẽ thất vọng và chán nản.
Một trong các vị thầy lớn nhất trong
lịch sử Phật giáo Tây tạng là Mật-lặc Nhật-ba (Milarépa), một vị du-già vào thế
kỷ thứ XI. Ngài sinh sống như một con thú hoang trong nhiều năm trường, gắng sức
tu tập bằng đủ mọi phương cách, và sau đó mới đạt được sự hoàn thiện tối thượng.
Đạo Pháp (Dharma)
là quy luật của vũ trụ
Sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật
"chuyển động bánh xe Đạo Pháp nhiều
lần" trước khi nhập vào Đại-bát
niết- bàn (Parinirvana). Bánh xe Đạo Pháp là biểu hiện của quy luật vũ trụ mà
Đức Phật đã khám phá ra, bánh xe ấy tượng trưng cho những lời giáo huấn của Đức
Phật với mục đích giúp chúng ta tránh khỏi khổ đau trong thế giới ta-bà (samsara).
Giữ vững kỹ cương cho tâm thức là
cách tu tập chính yếu nhất. Không nên chấp nhận những lời giáo huấn của Đức Phật
bằng đức tin mù quáng mà phải suy xét thật cẩn thận. Vì thế không nên đơn giản
thốt lên: "Tôi tin là đúng". Nhất thiết phải dựa vào sự hữu lý
(lôgic) và lý trí để phân tích. Nếu nhận thấy điều gì không phù hợp với lý trí
và thực tế thì nhất định không bao giờ chấp nhận.
Một người nào đó khi đã hiểu được Đạo
Pháp (Dharma) là gì sẽ nhìn của cải
trong thế gian này tương tợ như một giọt sương trên đầu cọng cỏ.
Giáo huấn của Đức
Phật hay kinh sách Kangyr của người Tây tạng
Chư Phật giảng dạy kinh sách su-tra
(kinh của Phật giáo nói chung) riêng Đức Phật [Thích-ca]
giảng dạy cả hai thứ kinh su-tra và tan-tra (kinh của Phật giáo bí truyền).
Các kinh sách quan trọng ghi chép
toàn bộ các lời giảng huấn của Đức Phật được dịch sang tiếng Tây tạng mang tên
là Kangyur. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết giảng cho các cử tọa đại chúng gồm
những người có kiến thức trung bình và cho cả những người có tâm thức uyên bác
hơn.
Vì thế các lời giảng huấn của Đức Phật
gồm nhiều cấp bậc khác nhau, từ các cấp bậc dễ hiểu cho mọi người đến các cấp bậc
thật cao siêu rất khó thấu triệt.
Mục đích tạm thời
và tối thượng
Khi luận bàn về mục đích, ta sẽ thấy
có hai lãnh vực khác nhau : tạm thời và tối thượng. Mục đích tạm thời hướng vào
việc tái sinh trong kiếp sống sau dưới thể dạng quý giá của con người. Mục đích
tối thượng nhắm vào sự giác ngộ hoàn hảo tức là niết-bàn, hoặc thể dạng hiểu biết toàn năng mang chủ đích giúp đỡ
người khác [tức là người bồ-tát].
Muốn thực hiện mục đích tối hậu dưới
thể dạng hiểu biết toàn năng [người bồ-tát] phải
thể hiện qua hình tướng con người xuyên qua nhiều kiếp. Tu tập đạo đức [còn gọi là tu giới] là yếu tố tiên quyết giúp tái
sinh theo chiều hướng đó.
Chúng ta có thể chọn
lựa
Nếu chúng ta biết lợi dụng thể dạng
con người để thực thi những hành động tích cực, trong lâu dài thể dạng đó sẽ được
cải thiện hơn, lúc ấy sự hiện hữu của ta sẽ trở nên thật sự quý báu [tái sinh để trở thành một con người hoàn hảo hơn].
Ngược lại, nếu ta sử dụng khả năng thân xác và tiềm năng tinh thần của mình để
thực hiện những hành động tiêu cực trong mục đích đày đọa, khai thác và triệt hạ
người khác, sự hiện hữu của ta sẽ trở thành một mối nguy hiểm cho chính mình và
cả người khác. Sử dụng sự hiện hữu trong mục đích tàn phá thì sự hiện hữu đó sẽ
hủy diệt tất cả những gì mà ta đã thu góp được [tái
sinh dưới một thể dạng thấp kém hơn].
Sự chiến đấu của
người tu tập
Dưới một góc cạnh nào đó có thể so
sánh một người tu tập dù là đàn bà hay đàn ông với một chiến sĩ đang xông vào
cuộc chiến. Vậy người tu tập chiến đấu chống lại ai ? Họ chống lại những kẻ thù
đang ẩn nấp trong nội tâm của họ, đó là vô minh, nóng giận, bám víu, kiêu ngạo...,
tất cả những thứ ấy là địch thủ tối hậu của chính họ. Chúng không tấn công từ
bên ngoài vì chúng hiện hữu tự tại ngay từ bên trong người chiến sĩ. Các món
khí giới giúp họ chống cự với kẻ thù là trí tuệ và sự tập trung tâm thức. Đạn
dược và đại pháo là trí tuệ, súng ống để bắn đi là các kỹ thuật tập trung tâm
thức : tức là sự nhập định sâu xa.
Lý thuyết và thực
hành
Người Tây tạng thường kể một câu
chuyện như sau : Có một người hành hương tìm đến một ngôi chùa và trông thấy một
người đang ngồi trong tư thế thiền định [ám chỉ một
người tu hành] bèn hỏi người này đang làm gì thế. Người hành thiền đáp
như sau : "Tôi đang luyện tập sự kiên nhẫn". Người hành hương bèn thốt
ra một lời nguyền rủa thật thô tục, người hành thiền đùng đùng nổi giận. Phản ứng
ấy cho thấy sự tu tập của người hành thiền này chỉ mang tính cách lý thuyết
suông.
Sự hiểu biết mang
tính cách lý thuyết đơn thuần rất nguy hiểm
Nếu phải lựa chọn giữa thực hành và
lý thuyết thì nên chọn thực hành vì sự thực hành sẽ giúp rút tỉa được ngay những
gì hữu ích từ sự hiểu biết của mình. Lý thuyết đơn thuần đối với một người mang
tâm thức chưa được thuần hóa có thể làm phát sinh hoặc làm gia tăng thêm những
thể dạng tâm thức đáng tiếc, mang lại những điều phiền lụy cho mình và cho người
khác, thay vì mang lại sự an bình trong tâm thức mà mình mong ước. Có thể xảy
ra trường hợp ta ganh tị với những người có địa vị cao hơn, tranh giành với những
người ngang hàng, hoặc tự kiêu và khinh miệt những kẻ thấp kém hơn, v.v. Trường
hợp như thế cũng tương tợ như một phương thuốc trị bệnh hóa thành một liều thuốc
độc. Lý thuyết đơn thuần vô cùng nguy hiểm, vì thế phải luôn luôn ứng dụng nó
vào thực tế và lòng nhân từ.
Nghiên cứu kinh
sách và tấm da gấu
Có
một câu chuyện mang tính cách khuyên bảo như sau : Có một người du-già thông
thái đang ngồi nghiên cứu Luật tạng
và đọc thấy một câu trong giới luật cấm không được ngồi lên một tấm da thú để
thiền định. Vị này lật đật gấp tấm da gấu phủ trên chiếc ghế mình đang ngồi và đẩy
ra nơi khác. Sau đó vị này ngồi đọc tiếp, câu sau lại nói rằng nếu gặp trường hợp
trời giá rét hay bị bệnh tê thấp thì không cấm. Thế là vị này liền rón rén đưa
tay kéo tấm da đến gần, mở ra phủ trở lên ghế thật ngay ngắn. Đấy là cách ứng dụng
vào thực tế : đem ra áp dụng tức khắc những gì mình vừa học hỏi được.
Đạo Pháp quan trọng
hơn người thầy
Có phải chính Đức Phật với tư cách một người
Thầy đã từng nói như thế này : "Này các tỳ kheo, các tỳ kheo ni, không nên
tin vào những lời giảng huấn của Như Lai chỉ vì kính trọng Như Lai, phải mang
những lời giảng huấn ấy phân tích như một người thợ nữ trang chà sát, cắt, nấu
vàng" [....] "Không nên tin vào một cá thể con người. Chỉ nên tin vào
Đạo Pháp". Câu trên đây có nghĩa là không nên nhìn vào uy tín của người thầy
mà đánh giá Đạo Pháp. Dù cho người thầy được nhiều người kính nể, nhưng nhất
thiết phải nhìn vào những lời giảng huấn của người ấy để đánh giá xem có chính
thực và đúng đắn hay không.
Sức mạnh của sự
truyền thụ
Nghiên cứu đơn thuần bằng kinh sách
về phép luyện tập phát lộ lòng từ bi cũng có thể mang lại một sức mạnh vững bền.
Thế nhưng nếu gặp được một người thầy từng luyện tập từ bi và nếu vị này sẵn
sàng truyền lại cho mình những kinh nghiệm mà chính vị ấy đã đạt được trong sự
hiện hữu của mình nhất định sẽ mang lại cho ta những hiệu quả mãnh liệt hơn nhiều.
Một cấp bậc thực hiện cao độ chỉ có thể đạt được bằng sự hướng dẫn của một vị
thầy đã đạt được những kinh nghiệm đích thực.
Người đệ tử phải đảm
đang vai trò một người thầy
Đối với tín ngưỡng Phật giáo, trở
thành người thầy là nhờ vào người đệ tử. Không có thứ giấy má chứng thực nào,
văn bằng hay chứng chỉ nào chứng nhận tư cách làm thầy cho bất cứ ai. Chỉ có thể
gọi là một vị lạt-ma khi nào người này có đệ tử, đơn giản chỉ có thế. Khi một vị
đạo sư (guru) tức người thầy tinh thần
lạm dụng quyền lực của mình, thực thi những hành động sai trái và bất chính,
người đệ tử phải phản đối ngay tức khắc. Lỗi lầm thuộc cả hai bên. Lỗi lầm trước
nhất do người đệ tử quá nhiệt tình, quá dễ dãi , hết lòng tận tụy, chấp nhận mù
quáng tất cả những gì nơi người thầy, thái độ đó làm hủ hóa người thầy. Lỗi lầm
sau đó là do người thầy không giữ được sự liêm chính trước những cám dỗ trong bối
cảnh do người đệ tử tạo ra.
Sức mạnh buộc chặt
giữa thầy và trò
Khi phải kết nối sự tương giao với một
người thầy tâm linh, chớ nên vội vã xem người này là vị thầy của mình. Sức mạnh
tương kết giữa thầy và trò rất quan trọng, vì thế tốt nhất trước hết chỉ nên
đơn giản xem người ấy là "một người đồng hành với ta trên đường tìm kiếm
những giá trị tâm linh", tiếp tục giữ tình trạng ấy trong một khoảng thời
gian do ta quyết định - hai năm, năm năm, mười năm hay hơn nữa. Trong khoảng thời
gian này ta xét đoán từ cách ăn ở cho đến những lời giảng huấn của vị ấy cho đến
khi nào ta tìm được đầy đủ bằng chứng xác nhận sự liêm khiết đích thực của vị ấy.
Một cách vắn tắt, không cần phải nhìn vào các thứ giấy tờ chứng minh. Tóm lại
điểm tối quan trọng là ngay từ lúc đầu phải thận trọng và kiên quyết.
Cách chọn lựa một đạo
sư (guru)
Một trí giả uyên bác Tây tạng là
Sakya Pandita (1182-1251) thường khuyên bảo mọi người phải thật thận trọng
trong từng quyết định dù nhỏ nhặt cách mấy, chẳng hạn như chọn mua một con ngựa.
Vì thế, đối với việc tu tập Đạo Pháp (Dharma)
nhất định ta còn phải cẩn thận hơn nhiều để chọn cho mình một cách tu tập thích
hợp và một người thầy đích thực, bởi vì mục đích khác hơn với một phương tiện
chuyên chở [tu tập Đạo Pháp quan trọng hơn là đi mua một
con ngựa].
Phật giáo là một
kho tàng quý giá
Phật giáo là kho tàng quý giá của
toàn thể mọi người. Nghe giảng về Đạo Pháp hay đứng ra thuyết giảng Đạo Pháp đều
là cách góp phần kiến tạo sự an lành cho nhân loại.
Khổ đau theo quan
điểm Phật giáo
Trong giáo lý nhà Phật có một khái
niệm quan trọng mà chúng ta cần phải nắm vững trước nhất ấy là thân xác và tâm
thức chúng ta mang sẵn những mầm mống của khổ đau. Những khổ đau đó thể hiện dưới
ba dạng khác nhau : trước hết là khổ đau thông thường tức là những cảm nhận đau
đớn phát hiện trên thân xác hay trong tâm thức ; thứ hai là khổ đau phát sinh từ
sự đổi thay lệch lạc [không theo ý muốn của mình],
sự bất toại nguyện đó liên hệ với bản chất phù du của hạnh phúc ; sau cùng là một
thứ khổ đau thật tinh tế nội tại trong sự hiện hữu, tức là tính cách khổ đau của
chính sự hiện hữu lệ thuộc (vào điều kiện) [khổ đau
sinh ra từ sự bất toại nguyện về hình tướng của thân xác và sự vận hành không
đúng với sự mong muốn trong tâm thức của mình].
Giải thích về ba thứ
khổ đau
Thí dụ như khi bị bỏng, ta thoa kem
vào chỗ bỏng và có cảm giác được chăm sóc làm giảm bớt đau rát, đó là khổ đau của
sự đổi thay, vì dù đau đớn có giảm bớt trong nhất thời thì sự giảm bớt ấy cũng
không thể kéo dài. Nếu có ai vô tình chạm vào vết bỏng hay đổ nước sôi vào đấy,
ta sẽ cảm thấy đau rát dữ dội, đấy là sự khổ đau mang tính cách hiển nhiên. Hai
thứ khổ đau trên đây [khổ đau của sự đổi thay và đau đớn
hiển nhiên] có thể xảy ra là vì trước đó có sẵn một vết bỏng. Nếu không
có vết bỏng sẽ không có hậu quả nào xảy ra. Vết bỏng tạo ra điều kiện cần thiết
cho những khổ đau xảy ra sau đó, tương tợ như sự chiếm hữu một thân xác và một
tâm thức sẽ tạo cơ sở cần thiết cho những khổ đau phát sinh. Bản chất của thân
xác tự tạo ra cho nó các điều kiện cần thiết để bị bỏng. Thân xác hàm chứa sẵn
điều kiện tất yếu để gánh chịu khổ đau. Đấy là khổ đau phát sinh từ điều kiện
tiên quyết nhất [tức là thân xác].
Khổ đau vì sự hiện
hữu trói buộc
Ta đánh giá quá cao tất cả những gì
ta cho là thuộc "sở hữu của ta". Nhất là trong các trường hợp liên
quan trực tiếp đến "thân xác của ta" và "tâm thức của ta"
ta lại còn xem trọng hơn nữa. Dù ra sức tìm kiếm lạc thú và lẫn tránh khổ đau,
khổ đau vẫn cứ bám sát ta và lạc thú thì mỗi lúc mỗi xa dần. Sở dĩ điều đó xảy
ra là vì tâm thức và thân xác ta, gồm những cấu
hợp tâm thần và vật chất, luôn phản ứng tùy thuộc vào các điều kiện trói buộc
tạo ra từ các hành động và xúc cảm bấn loạn của ta trong quá khứ. Tâm thức và
thân xác ta lệ thuộc vào những nguyên nhân kém tinh khiết [ô nhiễm] từ trước, do đó chúng cũng thừa hưởng những
khổ đau từ trước, thế nhưng chúng lại tiếp tục tạo ra những khổ đau khác cho
tương lai.
Sự hiện hữu của ta
phát sinh từ những thứ cặn bã
Sự hiện hữu dưới thể dạng con người
mà chúng ta xem là quý báu phát sinh từ những thứ cặn bã. Thân xác ta được tạo
tác từ sự kết hợp giữa các chất lỏng do cha mẹ tiết ra, trong đó có tinh trùng
và noãn cầu. Cha mẹ ta cũng sinh ra từ những chất liệu như thế, cha mẹ của cha
mẹ ta hay ông bà của cha mẹ ta cũng thế. Nếu tiếp tục nhìn theo cách đó ta sẽ
nhận thấy thân xác là sản phẩm cuối cùng tạo ra từ các vật liệu bài tiết trên
đây. Nếu lý luận xa hơn ta sẽ phải chấp nhận thân xác chỉ là một bộ máy sản xuất
phân và nước tiểu. Thân xác tương tợ như những thứ bài tiết chẳng có gì để cho ta
trau chuốt.
Các mối tương quan
và trói buộc của sự hiện hữu
Ta hiện hữu bằng cách vừa liên đới với
sự vận hành của tâm thức [bên trong] vừa lệ thuộc
vào tất cả các sự hiện hữu khác [bên ngoài, gồm tất cả
các hiện tượng thuộc toàn thể vũ trụ].
Dầu sau thì sự hiện hữu của ta không
độc lập dưới bất cứ hình thức nào. Thế nhưng tự nó lại là một sự hiện hữu. Vì
thế mà Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã nói rằng : " Thân xác này phải gánh chịu cái chết, nó đo được chưa đầy hai thước chiều
cao, thế nhưng bên trong nó, nó có thể chất chứa cả thế giới, nguồn gốc của thế
giới, sự chấm dứt của thế giới và luôn cả con đường đưa đến niết-bàn".
Tính chất khổ đau
trong vẻ đẹp của sự hiện hữu
Nếu ta nghĩ đến hậu quả không tránh
khỏi, phát sinh từ những sai lầm trong quá khứ và bản chất khổ đau trong những
vẻ đẹp của sự hiện hữu trói buộc trong chu kỳ luân hồi, ta sẽ bớt bám víu vào
kiếp sống hiện tại và các kiếp sống khác trong tương lai và ta càng mong ước
nhiều hơn được giải thoát ra khỏi những kiếp sống đó.
Người bồ-tát
Người bồ-tát (bodhisattva) đối với chúng ta là một sinh linh lý tưởng, một sinh
linh mang khả năng đạt được niết-bàn (nirvana)
và sự yên nghỉ tuyệt đối trong thể dạng trong sáng, thế nhưng người bồ-tát
không hội nhập vào thể dạng ấy mà lại bước vào thế giới của khổ đau để trợ giúp
chúng sinh. Nói cách khác người bồ-tát không thể tìm thấy sự nghỉ ngơi thật sự
khi nào trong thế gian này vẫn còn một chút bóng dáng của khổ đau. Chúng ta cần
phải tạo ra hình ảnh người bồ-tát trong tâm thức của chính mình. Nếu tôi nhất quyết
sẽ phục vụ chúng sinh trong một khoảng thời gian thật dài không biết bao giờ sẽ
chấm dứt, có thể sẽ kéo dài mãi mãi cho đến vô tận, đương nhiên tôi phải chối bỏ
mọi thể dạng yên nghỉ của phúc hạnh, điều đó đòi hỏi tôi phải có một ý chí thật
vẹn toàn và hoàn hảo. Thiếu một cái ngã
cực mạnh ta sẽ không bao giờ thực hiện được quyết tâm ấy [nếu còn giữ một cái ngã để phục vụ chúng sinh ta sẽ chưa đạt
được giác ngộ hoàn hảo để hội nhập với niết bàn] .
Phép tu tập của người
bồ-tát
Quá trình tu tập của người bồ-tát được
phân chia thành sáu cấp bậc hoàn thiện gồm có sự hào phóng, đạo đức, kiên nhẫn,
cố gắng, tập trung tâm thức và trí tuệ.
Muốn giúp người khác thực hiện được
ước vọng của họ, trước hết chính mình phải tu tập để đạt được sự rộng lượng, sau
đó muốn cho sự rộng lượng được vững bền phải cần giữ gìn đạo đức, tức không gây
ra nguy hại cho người khác. Muốn giữ gìn đạo đức cần có sự trợ giúp của kiên nhẫn
vì kiên nhẫn rất cần thiết để tự vệ trước các hành vi độc ác của người khác.
Sau hết muốn hoàn tất tốt đẹp các cấp bậc tu tập trên đây ta phải có một sức cố
gắng thật mạnh. Sức cố gắng sẽ không lâu bền và hiệu quả nếu ta chưa đủ sức
phát động sự tập trung tâm thức. Sau hết khi nào ta chưa phát huy được trí tuệ
để nắm bắt bản thể của mọi hiện tượng thì khi đó ta vẫn chưa hội đủ khả năng hướng
dẫn người khác một cách đúng đắn trên đường đưa đến giác ngộ.
Tu tập đại từ bi
Chỉ cần một phép tu tập duy nhất
cũng đủ đạt được Phật tính. Phép tu tập ấy gọi là đại từ bi. Khi ta phát huy được
bồ đề tâm (bodhicitta) - tức ước vọng
xuất phát từ lòng từ bi mong muốn đạt được giác ngộ để phục vụ người khác -
ngay cả trong trường hợp ta đang sống trong một cõi hiện hữu thật thấp ta vẫn
được xem là một người bồ-tát, một người con Phật.
Hương vị ngọt ngào
của người bồ-tát
Một thi hào Ấn độ thế kỷ thứ VI là
Chandragomin nói rằng thật hết sức ngu xuẩn khi ta mong muốn biến đổi vị đắng của
một thứ hoa quả bằng cách cho thêm một vài giọt mật. Cũng thế ta không thể chờ
mong sau một hay hai lần thiền định, hương vị quá ô nhiễm vì ảo giác của tâm thức
vụt biến thành hương vị ngọt ngào tỏa ra từ bồ tát hạnh và lòng từ bi. Sự cố gắng
kiên trì và đều đặn thật vô cùng cần thiết. Đức Phật cho biết là người bồ-tát
loại bỏ ảo giác bằng sức mạnh của trí tuệ, thế nhưng sức mạnh của từ bi không
cho phép người bồ-tát làm ngơ trước khổ đau của chúng sinh.
Các thần linh thịnh
nộ
Người ta thường hỏi tôi : " Người
Tây tạng lúc nào cũng nói đến từ bi tại sao một số thần linh Tây tạng lại có vẻ
hung tợn đến thế ?".
Phép tu tập du-già về thần linh nhất
thiết nhắm vào một mục đích duy nhất : thực hiện lý tưởng bồ-tát hạnh, đó là
phương tiện duy nhất có thể giúp phục vụ tối đa và tuyệt đối tất cả chúng sinh.
Trong phép du-già đó, người tu tập cố gắng đạt đến cấp bậc cao nhất : tức là thể
dạng tột đỉnh của giác ngộ. Trong quá trình thiền định đó, chẳng những người tu
tập khẩn cầu sự giúp đỡ của các thần linh hiền hòa mà còn kêu gọi đến các thần
linh hung tợn để biến họ thành đồng minh trong mục đích lợi dụng năng lực phát
sinh từ dục vọng của họ để gia tăng thêm sức mạnh của mình trong việc trợ giúp
người khác, năng lực mãnh liệt đó phát sinh từ tâm thức khi nó bị sự giận dữ
xâm chiếm. Các vị thần linh thịnh nộ hiển hiện tạo ra cơ hội cho ta lèo lái sự
giận dữ trên đường giác ngộ.
Một vài quyền năng
của Đức Phật
Đức Phật có sức mạnh quán thấy được
các tiềm năng tinh tế, trung bình hay yếu kém của từng chúng sinh trong việc tu
tập.
Đức
Phật có khả năng quán thấy được các kiếp trước của mỗi chúng sinh và lúc nào
cái chết sẽ đến với họ và cả sự tái sinh của họ, phù hợp với căn nghiệp của họ.
Trí tuệ của Phật
Trí tuệ của Đức Phật lúc nào cũng tập
trung vào Tánh không, vì thế không lúc nào Ngài rời khỏi bản thể của hiện thực.
Thực ra tâm thức của chúng sinh cũng
trống không và không mang bản chất tự tại [Phật tính].
Người ta chỉ định Tánh không tự nhiên đó của tâm thức bằng thuật ngữ : "hạt giống của các vị Như Lai (Tathagata), hay
dòng truyền thụ của chư Phật". Hạt giống đó hiện hữu trong mỗi chúng
sinh, do đó tất cả chúng sinh đều hàm chứa khả năng đạt được thể dạng của Phật".
Thái độ của Phật
Không có một tư duy nào hiển hiện
trong trí tuệ của một vị Phật. Không có bất cứ gì khích lệ một vị Phật thực hiện
sự an lành cho chúng sinh, bởi vì vị Phật bằng sức mạnh của đại từ bi đã khiến cho
sự an lành phải bắt rễ từ trong tim của mỗi con người, giúp họ rút tỉa được lợi
ích cho cuộc sống tạm bợ này và cho sự an lành trong tâm linh họ.
Tiềm năng vô tận của
lòng từ bi
Thân xác, ngôn từ và tâm thức của
chư Phật không bao giờ biết mệt khi phục vụ cho lợi ích của chúng sinh. Chư Phật
thực hiện ước vọng của chúng sinh và hướng dẫn họ từng giai đoạn một với tất cả
sự khéo léo cần thiết, phù hợp với nhu cầu, khả năng và ước vọng đa dạng của họ.
Mỗi khi một vị Phật trông thấy chúng sinh khổ đau, tâm thức của vị ấy liền bị
khơi động bởi lòng từ bi vô tận hàm chứa một tiềm năng vô biên.
Đại từ bi
Trong tinh thần đại từ bi Đức Phật
đưa ra con đường và các phương tiện giúp mỗi người trong chúng ta tự giải thoát
khỏi mọi dục vọng, chính vì thế đã hiển hiện ra muôn ngàn hành động [của chư Phật] sinh khởi không ngưng nghỉ từ thể dạng
đại từ bi.
Đức Phật Thích-ca
Mâu-ni
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn gọi là
Đức Phật Cồ-đàm sinh ra cách nay đã hơn hai nghìn năm trăm năm tại Ấn độ trong
một gia đình hoàng tộc, thuộc dòng họ Thích-ca. Ngài sống cuộc đời vương giả của
một vị hoàng tử, thế nhưng lại sớm nhìn thấy khổ đau cùng khắp và bản chất mong
manh của thể dạng con người, vì thế Ngài rời bỏ vương quốc của vua cha và quyết
tâm hy sinh đời mình để tu luyện khổ hạnh.
Trên quan điểm con người có tất cả
mười hai biến cố xảy trong kiếp nhân sinh của Ngài : giáng trần từ cõi trời Đâu
Suất (Tushita), thụ thai, đản sinh, học
hỏi khi lớn lên, kết hôn, từ bỏ thế tục, khổ hạnh, thiền định dưới cội Bồ-đề (cội
cây giác ngộ), chiến thắng Ma vương (Mara
- tức các sức mạnh của vô minh), đạt được Phật tính, giảng huấn và giải thoát
khỏi cõi ta-bà.
Trên đường học hỏi Đức Phật chấp nhận
mọi thử thách : đày đọa thân xác, xa lìa người thân, từ bỏ sản nghiệp để xả thân
học hỏi và tu tập.
Trí tuệ của Đức Phật
Thích-ca Mâu-ni
Chúng ta xem Đức Phật Thích-ca
Mâu-ni như một sinh linh thượng thặng đạt được một cấp bậc tâm linh và hiện hữu
cao nhất. Tuy thế trong thời gian đầu, trước khi đạt được giác ngộ và tiếp theo
đó suốt trong bốn mươi lăm năm giảng huấn, Ngài chỉ là một chúng sinh như các
chúng sinh khác. Nhờ vào sự cố gắng của chính mình và sự chuyên cần nghiệt ngã,
Ngài trở thành một vị Phật. Trong suốt bốn
mươi lăm năm Ngài không ngừng học hỏi thêm, cảnh giác các đồ đệ, trình bày giáo
lý, hiển lộ như một thánh nhân (những người Ấn giáo tin rằng Đức Thích-ca
Mâu-ni là vị Hóa thân thứ chín của Thần Vishnu).
Những gì trên đây chứng minh cho thấy
tâm thức kỳ diệu của Đức Phật. Cho đến giây phút cuối cùng trước khi nhập vào
niết-bàn tâm thức Đức Phật không ngừng hoạt động, quán xét , thăng tiến đến một
mức độ cực kỳ tinh vi và cao siêu. Vậy thì chúng ta đây, chúng ta phải làm gì đối
với tâm thức của chính mình ?
Sự hiểu biết siêu
nhiên của Đức Phật
Trí tuệ của Đức Phật thấu triệt được
toàn bộ các hiện tượng quy ước và tuyệt đối, dễ dàng như nhìn một vật thể trong
lòng bàn tay. Tâm thức của Đức Phật cũng đạt được sự quán thấy siêu nhiên. Ngài
cảm nhận được toàn thể thế giới hiện tượng không một mảy may sơ sót vì Ngài đã
đạt được thể dạng toàn vẹn không còn vướng mắc một chút vết tích nhỏ nhoi nào của
sự bế tắc có thể ngăn chận sự hiểu biết của Ngài.
Các tướng tốt trên
thân của Đức Phật
Trong số ba mươi hai tướng tốt chính
yếu trên thân của Đức Phật có thể kể ra hai bánh xe bằng vàng in đậm ở lòng hai
bàn chân. Trong số tám mươi tướng tốt thứ yếu có thể kể ra các móng tay màu đỏ
như đồng. Khi nào nhìn thấy một thân thể mang các dấu hiệu như thế, chúng ta có
thể tin chắc cội rễ của giác ngộ đã ăn sâu vào tấm thân ấy.
Đức độ của ngôn từ
Ngôn từ của một vị Phật thật khả ái
và mang lại lợi ích. Người ta bảo rằng ngôn từ của Phật thật dịu dàng vì mỗi
khi nghe được ngôn từ ấy tâm thức ta sẽ tràn ngập hân hoan.
Khi một vị Phật thuyết giảng, tất cả
sinh linh trên cõi thiên, cõi long xà (naga),
ngạ quỷ, các nhạc công trên cõi trời, loài người và mọi chúng sinh trong các
cõi khác đều hiểu được, tùy theo ngôn ngữ của họ : đó đã đặc tính lớn nhất của
một vị Phật.
Hạt giống của một vị
Phật
Chúng ta không nên quên là trong mỗi
con người dù sa đọa hay hung bạo cách mấy đi nữa nhưng đã là một con người thì
họ đều hàm chứa hạt giống của yêu thương và lòng từ bi giúp cho họ trở thành một
vị Phật một ngày nào đó.