24/03/2011 06:49 (GMT+7)
Số lượt xem: 1934
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(TT&VH) - Những ngày gần đây, báo chí liên tục lên tiếng về “dự án” xây dựng đập Đồng Xô, khoanh vùng dưới chân dãy Ba Vì để “đào vàng” gây ô nhiễm nghiêm trọng.


Từ lâu, các nhà địa chất đã biết dưới chân Ba Vì có mỏ vàng sa khoáng, nhưng “đè ngửa” vườn quốc gia để khuấy lọc ra những bụi vàng cám thì giờ đây mới có kẻ dám làm, mà lại làm rầm rộ với máy ủi, máy súc, rơ-moóc, ô tô...

Việc cấp phép để một số người lập “dự án” trong phạm vườn quốc gia, đúng sai như thế nào xin chưa được bàn đến. Chỉ xin nói đôi điều về cách người ta hành xử với nơi được coi là “địa linh” của thủ đô.

Xưa nay, đất thiêng của Hà Nội bị nhăm nhe “xẻ thịt” không phải là chuyện hiếm. Người ta từng kinh hãi với một tòa nhà “hàm cá mập” ngoạm riêng một góc hồ Hoàn Kiếm, rồi hàng loạt “dự án” như khách sạn Hà Nội vàng, Trung tâm Thương mại điện lực cũng muốn chia chác bờ hồ này.

Lại “dự án” khách sạn Novotel On the Park suýt ngự trên công viên Thống Nhất, nơi được coi là kỷ niệm lưu dấu một thời khát vọng thống nhất đất nước.

Toàn cảnh khu Vườn quốc gia Ba Vì. (Nguồn: Dân Trí)

Và giờ đây là núi Ba Vì. Mảnh đất vốn đã bị đưa vào tầm ngắm bởi những dự án sân golf hàng trăm ha, bởi chi chít những khu du lịch “sinh thái” với biệt thự, nhà hàng, bê tông đồ sộ... Nay lại bị lọc ra để phục vụ mộng kim tiền của một số người.

Trong Chiếu dời đô, Thái tổ Lý Công Uẩn viết, thành Đại La: “ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc-Đông-Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi.

Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Thế núi sông sau trước của nơi “kinh đô bậc nhất” ấy, ai cũng biết là sông Hồng trước mặt và Ba Vì sau lưng.

Người xứ Đoài lưu truyền câu: “Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Ba Vì là nơi ngự của Sơn Tinh (thần Tản Viên, một trong tứ bất tử của tâm thức người Việt) nên được nhân dân tôn vinh ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất. Sự thực Ba Vì chỉ cao 1.296 mét, núi Tam Đảo lại cao đến 1.581 mét, cao ở đây là cao trong tâm thức, trong suy nghĩ con người. Núi ấy quan trọng như đỉnh Olympus nơi ngự trị của thần Dớt với người Hi Lạp cổ, hay Phú Sĩ đối với người Nhật Bản. Trong sách “Dư địa chí” Nguyễn Trãi đã viết : “Núi ấy là núi tổ của nước ta”.

Xin nhớ, đất thiêng ngoài thế “thiên định” còn bởi nền văn hóa và con người hun đúc mà thành. Nhật Bản, đất nước của núi Phú Sĩ linh thiêng nghèo tài nguyên bậc nhất thế giới, có thành siêu cường được không nếu không có một trí tuệ và tinh thần Samurai?

Singapore, một mảnh đất không tài nguyên, khan hiếm ngay cả nước ngọt, có trở thành một trung tâm kinh tế của thế giới được không, nếu ở đó không có cái tên Lý Quang Diệu, nhà kiến tạo với triết lý nổi tiếng: công nghệ phương Tây, văn hóa Phương Đông, giá trị Singapore.

Las Vegas mọc trên sa mạc Nevada cằn cỗi liệu có trở thành thủ đô giải trí của thế giới, nếu người ta cứ mãi coi Nevada là sa mạc để tiến hành thí nghiệm các loại bom, trong đó có cả bom nguyên tử.

Đất thiêng ấy là không gian sống. Không gian ấy chỉ trường tồn khi thuận theo tự nhiên và làm mọi điều trở nên hòa hợp, cả con người và thiên nhiên.

Và xin hãy nhớ: Đất thiêng còn một chút này/Chớ tham cho cạn, chớ dày cho tan.

Mạnh Cường


Âm lịch

Ảnh đẹp