18/03/2011 11:20 (GMT+7)
Số lượt xem: 2076
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giới truyền thông Nhật gọi 180 công nhân dũng cảm kiên cường làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là các samurai thời hiện đại. Để cứu người dân khỏi thảm họa phóng xạ, những người anh hùng ấy đã tình nguyện 'đi vào cõi chết'.


Đoạn băng phát trên đài NHK quay cảnh các kỹ sư chuẩn bị quay trở lại nhà máy Fukushima số 1 làm nhiệm vụ.

Không thể liên lạc với các công nhân qua điện thoại, mọi thông tin về những con người ấy chỉ được biết qua dòng tin nhắn ngắn gọn của một "samurai" đang thực thi nhiệm vụ trong đó. Người đàn ông trên nói rằng mình "không sợ chết" và đó là công việc. Gia đình của các tình nguyện viên này có thể sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại người thân của mình nữa nhưng họ tự hào về sự hy sinh đó.

Mới đây, các hãng thông tấn đồng loạt đưa tin dòng tâm sự của một cô gái có cha đang làm nhiệm vụ cảm tử. Cô gái cho biết: "Cha tôi đã trở lại nhà máy và tôi chưa bao giờ thấy mẹ khóc nhiều đến thế. Mọi người vẫn đang chiến đấu, hy sinh bản thân mình để bảo vệ chúng ta. Cầu mong cha trở về bình an".

Một phụ nữ 27 tuổi có nickname NamicoAoto trên mạng xã hội Twitter thì chia sẻ về người cha của mình đang nhận nhiệm vụ Fukushima. "Bố tôi đã xung phong trở lại nhà máy mặc dù chỉ còn nửa năm nữa thôi ông sẽ nghỉ hưu. Đôi mắt tôi như không còn nhìn thấy gì vì nước mắt đã dâng đầy. Ở nhà, bố có vẻ không giống với những người có thể giải quyết được việc lớn nhưng hôm nay tôi thực sự tự hào về ông. Cầu mong cho bố trở về an toàn".

Các 'cảm tử quân' phải làm việc trong bóng tối, lần mò qua các ma trận đường ống để điều chỉnh van. Ảnh: AP.

Chia sẻ trên email, người nhà của một công nhân tại Fukushima tâm sự: "Bố tôi vẫn đang làm việc tại nhà máy. Ông ấy nói sẽ chấp nhận số phận". Mặc dù không thể liên lạc qua điện thoại, các công nhân vẫn cố gắng gửi tin về cho người thân. Trong email gửi vợ, một người đàn ông viết: "Hãy sống tốt em nhé, anh không thể về nhà".

Trước đó, Thủ tướng Nhật Naota Kan đã đặt trọn niềm tin vào nhóm tình nguyện viên này: "Các anh là những người duy nhất có thể giải quyết được khủng hoảng. Không được phép bỏ cuộc".

Sau khi tình hình trở nên nghiêm trọng, chính phủ Nhật đã rút các công nhân ra khỏi nhà máy Fukushima và chỉ để lại 50 người "trực chiến" bơm nước làm mát các lò hạt nhân đã cạn kiệt. Tuy nhiên sau đó, số người tình nguyện trở lại để cùng đồng nghiệp làm nhiệm vụ tăng lên tới 180 người. Dù biết trở lại đồng nghĩa với cái chết nhưng những con người dũng cảm ấy vẫn ra đi bởi một điều, trên vai họ là sinh mạng của đồng bào.

Các quan chức địa phương tới thăm lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima hồi năm ngoái. Ảnh: AP.

Theo hãng ABC News, các công nhân làm việc theo ca trong bóng tối dày đặc chỉ với những chiếc đèn pin và mũ bảo hiểm. Mặc dù mặc đồ bảo hộ từ đầu đến chân và thở bằng bình oxy nhưng nguy cơ nhiễm phóng xạ với họ là rất lớn. Họ phải trườn, bò qua ma trận đường ống để điều chỉnh van và đọc máy đo.

Các chuyên gia hạt nhân cho hay, nhóm công nhân ở lại gồm các kỹ thuật viên thông thuộc hệ thống bên trong nhà máy. Những người này rất giàu kinh nghiệm, đã có vợ và con. Các tình nguyện viên được luân phiên nhau vào ra khỏi khu vực nguy hiểm. Mỗi ca chỉ kéo dài từ khoảng 10 đến 15 phút để hạn chế nhiễm phóng xạ.

Keiichi Nakagawa, giáo sư mời của khoa phóng xạ thuộc Đại học Tokyo, xúc động: "Tôi không biết phải nói thế nào nhưng họ giống như những người lính cảm tử trong một cuộc chiến".

Bình Minh


Âm lịch

Ảnh đẹp