03/03/2013 11:46 (GMT+7)
Số lượt xem: 53865
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vài ngày sau khi đào được "đá thần", ông Bờm đã mơ thấy thần Phật hiển linh nên lập bát hương để thờ cúng.

Mấy tháng nay tại xóm Mon (xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) người dân quanh vùng đổ xô vào suối Mon để chiêm ngưỡng khối đá mang hình thù tượng Phật. Vài ngày sau khi đào được khối đá đó, người chủ gia đình đã mơ thấy thần Phật hiển linh. Vì thế ông đã quây bạt, lập bát hương để thờ cúng.

Tượng Phật bằng thạch anh giá bạc tỷ?


Theo con đường quốc lộ 6, đến chợ Bãi Nai chúng tôi hỏi thăm về xóm Mon để được mục sở thị khối đá mà theo người dân đồn đại thần thánh nhập vào. Theo tiếng bản địa, Mon nghĩa là suối, tức là xóm có nhiều đồi và suối. 

Anh Bùi Văn Ban cho biết: "Hòn đá này thần kỳ lắm, nó mang dáng dấp của một vị thần Phật nữ. Thật lạ kỳ thay trên giữa đỉnh đồi lại có tảng đá như vậy. Từ khi biết trong núi xuất hiện hòn đá, không chỉ người dân trong xã mà nhiều người ở nơi khác ùn ùn kéo tới chiêm ngưỡng. Chúng tôi vào đó ngắm nghía không biết chán, ban đêm nó phát ra ánh hào quang rất đẹp".

Ông Bờm bên khối đá hình tượng Phật. 

Theo anh Ban thì khối đá đó cũng phải có ít nhất hàng trăm năm, do thiên nhiên tạo ra, là thứ đá thạch anh quý hiếm. Đã có một đại gia tận Hà Nội lên thăm bức tượng đó và ngã giá bạc tỷ, nhưng chủ nhân vẫn lắc đầu.

Để xác minh thông tin trên chúng tôi tìm về gia đình ông Nguyễn Bá Bờm, chủ nhân của khối đá được người dân nơi đây xem là quý hơn cả vàng. Anh Châu, con trai ông Bờm cho biết, khối đá đó hiện vẫn được bố anh bảo quản trong núi. Từ trung tâm xã vào trong núi khoảng 4km, nhưng trời mưa đường đất rất khó đi, anh khuyên tôi nên ngủ lại trong xóm một đêm chờ đường khô ráo hãy vào núi. 

Nhưng tôi háo hức muốn chiêm ngưỡng hòn đá đó, tôi nói với anh Châu rằng: Anh cố gắng dẫn đường giúp tôi, anh đi được tôi cũng đi được. Đoạn nào không đi được thì xuống đi bộ. Nghe tôi nói với sự quyết tâm cao độ, anh Châu nhiệt tình dẫn đường cho tôi vào núi.

Mất hơn 1h đồng hồ, đánh vật với con đường bùn đất lầy lội, vượt qua con suối Mon với những tảng đá  cheo leo hiểm trở, chúng tôi mới đến được nơi phát tích ra "hòn đá thần".

Ông Bờm bên khối đá và bàn thờ, thờ cúng. 

Giấc mộng chiêm bao

Ông Bờm năm nay 65 tuổi, tuy có nhà ở trong làng, nhưng khi gia đình có việc gì ông mới về, còn không quanh năm suốt tháng ông đều sinh sống trên núi. Ông Bờm làm hẳn ngôi nhà sàn, một mình sống nơi đây làm bạn với vật nuôi trên đồi.
Nghe tôi giới thiệu là phóng viên dưới Hà Nội lên, muốn tìm hiểu về quá trình ông tìm ra khối đá, ông vui mừng kể: "Tôi sinh sống trên này đã lâu, nhưng chưa bao giờ thấy có khối đá nào lạ kỳ như vậy. Trên này nhiều khu đồi có đá trắng, nhiều đơn vị vào khai thác vận chuyển về sản xuất. Mấy tháng trước tôi thuê một máy xúc đào đất dưới chân đồi làm ao thả cá. Máy vừa xúc được một lúc thì bất ngờ có một khối đá mồ côi nổi lên, nó nằm tách rời với các khối đá khác. Thấy tảng đá đẹp long lanh, tôi nhờ mấy người thợ khênh lên bờ với ý định lấy về làm cảnh".

Ba ngày sau khi ông Bờm đào được khối đá đó, đêm ông nằm ngủ mơ, trong giấc chiêm bao có một cụ già đầu tóc bạc phơ hiện lên bảo rằng: "Sao mày lại cho máy xúc múc bà dưới đất lên, bà là chúa thượng ngàn, do bị trời phạt nên mới biến thành khối đá”. Ông Bờm giật mình tỉnh giấc nhớ lại lúc máy xúc múc vào bức tượng, người thợ đang điều khiển máy bình thường, bỗng máy gầm rú liên hồi rồi chết máy. Khi ông xuống xem, bức tượng nằm trong tư thế ấp mặt xuống đất.

Sáng hôm sau ông ra nhìn ngắm khối đá, quả thực khối đá đó mang hình thù của một tượng Phật bà, ngồi trong tư thế thiền. Ông Bờm cho biết: "Không biết khối đá này có giá trị về vật chất thế nào, xưa nay tôi cũng chưa tin vào thần thánh, không mê tín điều gì nhưng khi đào được bức tượng, đêm về gặp giấc chiêm bao như thế không tin cũng không được. Chính vì thế, tôi đã mang mấy cây gỗ, mấy tấm bạt ra che mưa che nắng cho bức tượng. Lập bàn thờ để thờ cúng khối đá".
Ông Bờm chỉ vị trí đã đào được khối đá. 

Tiền tỷ ông cũng không bán

Nghe tin ông Bờm đào được khối đá có hình tượng Phật, những người hiếu kỳ quanh vùng đến ngắm nghía. Họ không ngại đường sá đi lại khó khăn, từng đoàn người kéo vào núi, ai cũng muốn được tận mắt nhìn thấy bức tượng một lần. Có người nói rằng, ai sở hữu bức tượng đó gia đình sẽ có quý nhân phù trợ, làm gì thắng đó, muốn gì được nấy.

Những kẻ chuyên tìm kiếm đồ cổ, nghe tin ông Bờm đào được bức tượng đã thuê người cùng máy móc hiện đại vào núi thăm dò. Vì bọn chúng nghe tin ngoài bức tượng Phật bằng đá, ông Bờm còn tìm được chiếc đĩa bằng đồng đen. "Không biết bọn chúng nghe tin ai nói như vậy mà cả tháng trời, mang máy dò đồ cổ đến gần vị trí tôi đào được bức tượng để truy tìm. Bọn chúng tin rằng xung quanh con suối Mon này còn nhiều cổ vật khác. Nhưng tìm một thời gian không được gì, chán nản bọn chúng tự bỏ đi", ông Bờm cho biết.

Ông Bờm dẫn chúng tôi ra tận nơi bức tượng ông đang bảo quản, cũng vì nhiều người đến soi mói, nên ông phải bảo vệ. Theo quan sát của chúng tôi, khối đá đó cao khoảng hơn 1m, nặng chừng hơn 1 tạ. Khối đá giống hình một người phụ nữ đang ngồi tư thế thiền. Nó vừa là đá vôi, xen lẫn đá thạch anh.

Đường vào suối Mon rất hiểm trở. 

Ông Bờm cho hay, bức tượng ông tìm được cũng có người đến hỏi mua. Nhưng ông bảo với giá nào cũng không bán. Một vật mà ông đã lập bàn thờ, thờ cúng thì tiền tỷ ông cũng giữ lại. Dù rằng cuộc sống của gia đình ông vẫn còn nghèo và thiếu thốn.

Nói về những thay đổi của gia đình ông sau khi đào được bức tượng này, ông Bờm bảo: "Từ hôm tôi đào được khối đá nhiều điều may mắn đến với mình. Tôi sống trong đồi để chăn nuôi trâu, gà và nhiều vật nuôi khác. Từ ngày tôi thờ cúng bức tượng, tôi thấy các con vật tôi nuôi lớn nhanh và không bị bệnh tật gì. Nuôi đến đâu, người ta tìm đến mua đến đó, không phải mang đi đâu bán cả".

"Gia đình ông Nguyễn Bá Bờm đã tìm được bức tượng bằng đá, hiện nay vẫn để trong suối Mon để thờ cúng. Có thực là như vậy, nhưng việc người dân nói bức tượng phát ra ánh hào quang hay có người đến trả giá tiền tỷ để mua bức tượng đá đó là không có. Khi bức tượng đào lên, nhiều người dân hiếu kỳ kéo vào xem, đại diện chính quyền và lực lượng công an cũng đã vào trực tiếp khảo sát hòn đá đó. Và thực tế nó cũng chỉ là hòn đá vôi bình thường. Người dân không nên đồn thổi, bàn tán nhiều về hòn đá này".
Ông Nguyễn Hữu Thiết (Trưởng xóm Mon, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình)

Đức lợi

http://kienthuc.net.vn/giai-ma/201303/Thuc-hu-da-than-phat-hao-quang-o-Hoa-Binh-897393/


Âm lịch

Ảnh đẹp