Cả chục người chen chúc trong căn nhà ọp ẹp rộng 15 m2
nằm ven sông ở quận 8 (TP HCM). Việc làm không ổn định, cuộc sống cơ cực
tồn tại nhiều năm nay khiến người dân không biết đến bao giờ mới có thể
thay đổi.
|
Những khu "ổ chuột" nằm cạnh hai bên bờ sông dưới chân
cầu Chánh Hưng (quận 8). Ven theo các con sông nước đen, còn rất nhiều
các căn nhà nằm chênh vênh trên những chiếc cọc gỗ. |
|
Những ngôi nhà tạm bợ tồn tại hàng chục năm nay. Phần
lớn cư dân ở đây là lao động nghèo, người không có hộ khẩu hoặc từ các
vùng khác đến. |
|
Mùa nước dâng cao (tháng 8-10), các gia đình ở khu này
sợ nhất lúc tàu ghe chạy qua, bởi nước sẽ tạt ướt hết sàn nhà, rất
nhiều gián và côn trùng sẽ bò lên. |
|
Bà Thái Thị Vui (phường 4) cho biết, từng tham gia
thanh niên xung phong và đã sống ở đây hơn 10 năm. Hàng ngày, bà Vui
nhận vàng mã về dán và cứ làm xong 1.000 xấp (trong 3-4 ngày) thì được
trả công 80.000 đồng. |
|
Không gian chính trong nhà là chiếc giường với ánh
sáng hắt từ "khung cửa" trên mái tôn phía ngoài sông. Năm 2001, khi mới
dọn đến đây, gia đình bà chỉ có 5 người nhưng giờ đã tăng lên 10, chen
chúc trong căn nhà khoảng 15 m2. Ban ngày, mọi người đi làm thuê thời
vụ, chi tiêu phải rất dè sẻn mới đủ sống. "May mắn là người chủ nhà cho ở
nhờ không lấy tiền thuê", bà Vui nói. |
|
Cậu con út Nguyễn Văn Hưởng (18 tuổi) bị liệt từ nhỏ.
Nói không rành câu, Hưởng cho biết, ước mơ lớn nhất là "được mặc quần
Jeans giống người lớn". |
|
Chưa đến tuổi đi học nên bé Hoàng Phúc (3 tuổi, cháu ngoại bà Vui) chỉ loanh quanh trong nhà với bà và mẹ. |
|
Vài tháng trước, gia đình bà đón chào thành viên thứ
10 - bé Nhật Minh - cái tên gửi gắm nhiều mong muốn đổi thay của ông bà,
cha mẹ. |
|
Bà Vui cho biết, những căn nhà bên kia sông đến năm
2015 sẽ giải tỏa, trong khi bên này (đường Phạm Thế Hiển) chưa biết bao
giờ. "Nhưng như thế lại may bởi nếu giải tỏa gia đình tôi cũng không
biết đi về đâu", bà thở dài nói. |
Hoài Sơn
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/12/cuoc-song-trong-khu-o-chuot-o-sai-gon/