Tu chỉnh Hiến chương GHPGVN

Vấn đề tài sản Giáo hội (Giáo sản)

24/05/2012 12:40 (GMT+7)
Số lượt xem: 44321
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ảnh chỉ mang tính minh hoạ
Những quy định về Giáo sản trong Hiến chương của Giáo hội xem ra quá đơn giản so với thực tế phức tạp và tế nhị. Tài sản Giáo hội bao gồm các hoạt động về tài chính từ sự đóng góp của các thành viên, tài chính do cúng dường và tài chính do Giáo hội tạo ra qua các hình thức in ấn phát hành kinh sách, các hoạt động văn hóa, du lịch, hành hương do GHPGVN tổ chức…

 Bên cạnh đó, còn có tài sản gồm động sản, bất động sản như cơ sở vật chất về chùa chiền, đất đai. Ðiều 49 Chương XI về tài chính - tài sản trong Hiến chương GHPGVN có ghi rõ: Tài sản của GHPGVN gồm có động sản, bất động sản hợp pháp: a. Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp; b. Do các thành viên Tăng Ni, Phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp hiện hành.

Cũng còn chuyện để cần bàn, đó là trách nhiệm giữ gìn và quản lý tài sản Giáo hội là ai; Giáo hội bảo hộ và quản lý chung là về mặt thượng tầng, song còn hạ tầng thì như thế nào; rồi vấn đề chiếm dụng, tranh chấp, chuyển nhượng tài sản Giáo hội thì được giải quyết ra sao? Bối cảnh của đất nước ta từ lịch sử cho đến ngày nay đã để lại một số hệ quả là nhiều bất động sản của Phật giáo được tạo mãi hợp pháp (công sức khai phá, xây dựng từ thời kỳ xa xưa), qua một thời gian thì được Nhà nước tạm mượn để xây dựng công trình công ích như trường học, hợp tác xã,… Có nơi địa phương hoàn trả lại cho Phật giáo, có nơi thì địa phương coi như quên luôn, khiến tạo ra sự khiếu kiện kéo dài và việc hoàn trả xem ra rất mong manh. Còn một điểm nữa, đó là vai trò trụ trì trong việc quản lý đất đai, tài sản Giáo hội. Trụ trì có hộ khẩu ở chùa không có nghĩa là chủ sở hữu đất và chùa. Tuy vậy, có hiện tượng vị trụ trì sử dụng, khai thác bất động sản để phục vụ lợi ích cá nhân, thậm chí dưới nhiều hình thức câu kết để hợp thức hóa đứng tên chủ quyền đất đai nhà chùa, vốn được xem là Giáo sản.

Ðề cập đến tài sản Giáo hội là vấn đề tế nhị và phức tạp. Song, những điều quy định về tài sản Giáo hội trong Hiến chương xem ra vẫn còn đơn giản. Nên bổ sung thêm một số quy định về quản lý, sử dụng Giáo sản; về nghiêm cấm các hành vi khai thác, chuyển nhượng Giáo sản với mục đích tư lợi, cá nhân và đối với vị trụ trì, họ cũng nên được quy định thêm chức năng, nhiệm vụ của một người đang quản lý bất động sản nhà chùa theo đúng luật về đất đai tôn giáo.

Ngoài ra, cũng cần nói rõ hơn về việc hiến cúng tài sản cho Giáo hội của người đã xuất gia. Ðó là “cải gia vi tự”. Về mặt tâm lý, cần phải xác lập là khi hiến cúng cho Giáo hội thì cần phải được xem là tài sản Giáo hội, người hiến cúng dù tu ở ngôi chùa, đất đai mình đã hiến cúng sẽ không còn có quyền quyết định về bất động sản này, bởi vì ngôi chùa và vị Tăng Ni này đã thuộc tổ chức Giáo hội điều hành (nếu đã gia nhập Giáo hội). Ðã có những rắc rối xảy ra về tranh chấp trong nội bộ gia tộc về đất và chùa, khi tài sản này còn liên quan quyền sở hữu của những thành viên trong họ tộc. Ðiều này (đất và chùa) trước khi hiến cúng, gia nhập Giáo hội cần phải đảm bảo nguyên tắc công chứng với sự ký tên và đồng ý của các thành viên đồng sở hữu về tài sản này, để sau khi gia nhập Giáo hội không còn việc tranh chấp quyền lợi giữa các thành viên đi đến vấn đề khiếu kiện và tố tụng

Trần Ðức


Âm lịch

Ảnh đẹp