Năm nay Liên Hiệp Quốc tổ chức
kỷ niệm Ngày Quốc tế Vesak vào 7-5-2012 tại Trụ sở Đại hội đồng LHQ (ảnh).
“Visakha” trong tiếng Pali và
“Vaisakha” trong tiếng Phạn có nghĩa là tháng thứ sáu. Người Thái Lan gọi là
“Visakha”. “Visakha Puja” có nghĩa là dịp tụng kinh và cúng dường bắt đầu vào
tháng sáu âm lịch. Người Sri Lanka gọi sự kiện này là ngày “Vesak” và Liên Hiệp
Quốc cũng đã chọn “Vesak” là thuật ngữ chính thức cũng như công nhận là Ngày
Quốc tế của tổ chức này như đã nêu trong Nghị quyết số 54/115 năm 2000 của Hội
đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Kể từ đó, Ngày Quốc tế Vesak đã
được kỷ niệm hàng năm tại trụ sở Liên Hiệp Quốc cũng như các văn phòng trên
toàn thế giới. Điểm độc đáo của lễ kỷ niệm là mỗi năm một Phái đoàn đại diện
thường trực khác nhau sẽ đến Liên Hiệp Quốc để tổ chức sự kiện. Lễ Phật đản năm
nay bao gồm các hoạt động văn hóa, được hỗ trợ bởi một số quốc gia Phật giáo và
phi Phật giáo.
Phật đản năm nay cũng được kỷ
niệm với một loạt các sự kiện được tổ chức bởi Phái đoàn đại diện thường trực
của Sri Lanka đến Liên Hiệp Quốc với sự hỗ trợ rộng rãi của các cơ quan khác.
Lãnh đạo các bộ phận của Liên Hiệp Quốc cùng với các quan chức cao cấp khác của
hệ thống LHQ đã tham gia vào sự kiện này.
Đại diện thường trực của các nước
thành viên cũng tham gia. Rất đông các tu sĩ Phật giáo từ khắp nơi trên thế
giới cũng về tham dự cùng với các chức sắc tôn giáo thuộc các tôn giáo lớn
khác.
Lễ Vesak được tổ chức theo truyền
thống của Phật tử ở các nước Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka và các nước
Đông Nam Á như Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, Miến
Điện và Indonesia. Quyết định đồng ý chọn lễ Vesakha là sinh nhật của Đức Phật
được chính thức thông qua tại Hội nghị đầu tiên của Hội Thân hữu Phật giáo Thế
giới được tổ chức tại Sri Lanka vào năm 1950, mặc dù lễ hội vào thời điểm này
trong thế giới Phật giáo là một truyền thống từ nhiều thế kỷ nay.
Sau nghi thức kỷ niệm đặc biệt
tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc là màn biểu diễn văn hóa được tổ chức tại Đại sảnh
của Liên Hợp Quốc, khắc họa những di sản Phật giáo phong phú của các nước thành
viên trong tổ chức.
Ngày bế mạc là một lễ hội ẩm thực các nước thành viên giới thiệu các món ngon từ hơn 19 quốc gia.