26/06/2013 10:32 (GMT+7)
Số lượt xem: 53069
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(PGVN) Báo VietNamNet sáng nay (25-6-2013) đưa tin chính quyền Quảng Ninh đã tiên phong ra "văn bản dự thảo quy định về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn thu tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo".



Trong đó quy định việc thành lập ban quản lý tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, với "trưởng ban là đại diện chính quyền địa phương, phó ban là người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các ủy viên.

Nếu theo như văn bản Dự thảo thì chủ thể quản lý tiền công đức (tài sản) của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là các quan chức chính quyền, còn chức sắc, nhà tu hành đứng đầu các cơ sở tôn giáo là người giúp việc?
 Ảnh minh họa

Tuy nhiên, văn bản Dự thảo này, theo VietNamNet, đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của tăng, ni, phật tử Quảng Ninh và đại diện chính quyền đã "thừa nhận sai sót và xin lỗi về những từ ngữ thiếu phù hợp trong bản Dự thảo", cũng như "thừa nhận việc chưa nghiên cứu kĩ về Phật giáo cho phù hợp trước khi đề ra bản dự thảo."

Sự kiện này cho thấy cái gọi là dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tiền công đức được núp dưới chiếc vỏ bọc "Thông tư liên tịch Hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo" do Bộ VH-TT-DL phối hợp với Bộ Nội vụ soạn thảo" sắp sửa ra đời. Không ngoài mục đích tạo khung hành lang pháp lý để quản nguồn công đức của tôn giáo, cụ thể là của đạo Phật?

Vấn đề đặt ra là thông tư này hầu như nhấn mạnh đến việc quản lý/ nắm giữ/ôm tiền công đức (tài sản) các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng dân cư và của các cơ sở Phật giáo, vậy còn của các tôn giáo khác như: Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo v.v thì sao? Các quan chức chính quyền có đến các giáo xứ, giáo họ, Tòa Giám mục, đền Hồi giáo, nhà thờ Cao Đài v.v lập ban quản lý/ nắm giữ tiền công đức (tài sản) của họ không?  Các tôn giáo này chẳng nhẽ không sống và hoạt động bằng tiền công đức do các tín đồ hiến tặng/ tiến cúng? Tại sao chỉ có cơ sở tín ngưỡng dân gian và cơ sở Phật giáo là các quan chức chính quyền muốn đến "ôm" tiền công đức? Hay 'tiền chùa' thì dễ "quản" hơn?

Một nghịch lý là chùa chiền do các công ty tư nhân lập nên và làm chủ đầu tư đang có xu hướng phổ biến hiện nay nhằm kinh doanh thì chủ thể quản lý tiền công đức của các ngôi chùa này là ai? 

Nếu tiền công đức của các ngôi chùa này là do công ty tư nhân quản lý thì tại sao các chùa thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam do sư trụ trì lao tâm nhọc trí cộng với uy tín cá nhân vận động tín đồ đóng góp xây dựng nên thì tại sao Nhà nước lại muốn quản lý/ nắm giữ/ ôm tài sản của các cơ sở tôn giáo này?

Chủ thể đích thực quản lý tiền công đức tại chùa di tích Côn Sơn ở tỉnh Hải Dương là chính quyền, không phải là sư trụ trì do Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm như người ta lầm tưởng. Ảnh: Quần Anh

Từ một hiện tượng sai trái của trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) - một cơ sở tín ngưỡng dân gian do chính quyền lập nên. Người ta đã và đang cố ý tạo công luận đánh đồng khái niệm giữa cơ sở tín ngưỡng - vốn do cộng đồng dân cư địa phương quản lý, và cơ sở tôn giáo - vốn do Giáo hội và chức sắc, nhà tu hành quản lý, được pháp luật bảo hộ. 

Trước đây, với quan niệm "tôn giáo là liều thuốc phiện", trong quản lý đã có những sai lầm tai hại làm phương hại đến đời sống tâm linh của người dân. Ngày nay, với cơ chế thị trường, đồng tiền phải chăng đã bị nhìn đầy ma lực, nên một số ít người đã có cách nhìn méo mó về việc quản lý tiền công đức, muốn thế tục hóa và quản "nốt", ôm "nốt" tài sản tôn giáo vốn trang nghiêm thanh tịnh, có nguồn gốc từ các tín đồ làm ăn lương thiện hiến cúng. 

Thật là vô lý ngoài sự tưởng tượng.

Nguon: http://phatgiao.org.vn/y-kien/201306/Co-phai-tien-chua-thi-de-quan-hon-11253/


Âm lịch

Ảnh đẹp