Có người nói làm báo Phật giáo là bước chân hai hàng giữa sự bon chen trong xã hội và đời sống an tịnh. Thật ra cũng giống như người cư sĩ Phật giáo chân chính nào khác, người làm báo Phật giáo là những người cố gắng bước đi bằng đôi chân bông sen, múa may giữa đời người bằng đôi tay bông sen. Người làm báo Phật giáo là những người có mức độ học hiểu về đạo Phật và cố gắng áp dụng sự học hiểu đó vào đời sống thời cũng là người hòa mình vào xã hội, vào đời sống.
Đạo Phật không áp đặt, không độc thoại, nên người làm báo Phật giáo không vướng ngại trong việc trải lòng với đời sống, lắng nghe tiếng nói của đời sống.
Đạo Phật không cố chấp vào quan điểm; lập trường, không tôn thờ thần tượng nên người làm báo Phật giáo nói riêng trước tiên là người biết lắng nghe – lắng nghe xã hội, lắng nghe đời sống, và lắng nghe chính mình. Càng biết lắng nghe, người làm báo càng thành công. Biết lắng nghe là không để chủ quan che lấp điều thấy nghe, không để bản ngã bóp méo sự thấy nghe, không ồn ào huyên náo để có thể tiếp cận trực tiếp với sự thật.
Do đó, cái khó của người làm báo Phật giáo không phải là sự mâu thuẫn giữa chợ đời và điện Phật, giữa đời sống xã hội và đời sống tâm linh, nhưng là sự cố gắng để luôn lắng nghe, giữ tinh thần độc lập, khách quan của người phật tử, cũng như nhìn thấy và tránh được sự ồn ào mê hoặc thường thấy nơi báo chí, truyền thông.
Chúng ta có thể nói báo chí Phật giáo Việt Nam bắt đầu từ những thập niên 1930-1940. Ngay từ những ngày đầu đó, tinh thần dân chủ và tranh luận khách quan của báo chí Phật giáo đã được nhìn thấy. Cũng trong giai đoạn đầu đó, với truyền thống không đứng ngoài xã hội của Phật giáo Việt nam, tinh thần dấn thân, bảo tồn văn hóa, cải tạo xã hội của những tờ báo Phật giáo cũng đã được thể hiện. Tinh thần đó, như một đóa hoa mới nở còn tinh khôi, có thể được coi như tinh thần và những bước định hướng cho báo chí Phật giáo Việt nam.
Như phần lớn chúng ta có thể biết, nghề làm báo là nghề lúc nào cũng chạy đua với thời gian và luôn đối diện với những thị phi ân oán, những phê phán khen chê, những áp lực, đe dọa… “Đạo đức nghề nghiệp” của người làm báo cũng được quần chúng đặc biệt quan tâm so với những nghề nghiệp khác.
Do đó, người làm báo là người hầu như lúc nào cũng sống trong sự căng thẳng với sức ép từ nhiều mặt.
Tuy nhiên bên cạnh đó, nghề làm báo cũng là một nghề có “danh” và lắm lúc còn có “quyền.” Sở hữu một ngòi bút sắc sảo, nắm trong tay một phương tiện truyền thông mạnh, người làm báo có thể dễ dàng đưa lên hoặc hạ xuống một nhân vật, có thể xiển dương cái chân thiện mỹ mà cũng có thể truyền bá cái xấu ác, truyền thông dối trá, đánh lừa dư luận, làm suy thoái một thời đại, phá hủy một thế hệ…
Do đó, người làm báo Phật giáo chân chính, người làm báo tuân giữ chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, cũng là người thực hành hạnh khiêm cung cúng dường. Người đó trút hết tâm trí, xông xáo dấn thân nhưng hầu như nhận lại chẳng được bao nhiêu.
Để có thể có được tâm bình an, vững vàng, không thối chí trên con đường làm báo Phật giáo đó, tôi nghĩ người làm báo Phật giáo cần có tâm “thường bất khinh” hay thực hành hạnh “thường bất khinh”. Và đó là điều có thể thấy được trong thực tế.
Thường bất khinh để có thể đồng hành với xã hội và thời đại mà không để bị đời sống cuốn đi, để có thể khế cơ mà không bỏ rơi khế lý
“Thường bất khinh” là hạnh không coi thường người khác nhưng đồng thời cũng là chịu đựng sự coi thường.
Coi thường là một tính chất phổ biến trong đời sống, do đó, dù mình không coi thường người khác, nhưng lại không nhẫn chịu được bị người khác coi thường thì không thực hành được lý tưởng của người phật tử trong thế gian.
Không coi thường người khác đồng thời chấp nhận sự coi thường, một người sẽ bước đi dễ dàng hơn trong đời sống, biết lắng nghe và khiêm cung hơn trong đời sống. Khi biết khiêm cung để lắng nghe đời sống, người đó cũng đồng thời biết rằng đời sống là một cõi đa đoan, và những người khác đều là những kẻ đồng hội đồng thuyền với mình. Người đó sẽ trân trọng hơn với đời sống, với những việc làm có tác động lên đời sống.
Một vị viết bài thường xuyên cho Văn Hóa Phật Giáo có lần nói với tôi rằng có những bài vị ấy viết đã được thai nghén từ nhiều năm, qua bao trải nghiệm, chứng thực… rồi mới được viết ra khi đã chín muồi.
Chỉ với tâm “thường bất khinh”, trân trọng trước mọi người, mọi vật cũng như mọi sự việc, không khinh suất trong mỗi hành vi của chính mình, không khinh suất trước những sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày, chịu trách nhiệm đối với việc làm của mình, người làm báo mới có thể thai nghén, cưu mang, trải nghiệm một vấn đề có khi kéo dài trong nhiều tháng hay nhiều năm mà có khi còn chưa dám đưa lên mặt báo.
Có nuôi dưỡng tâm “thường bất khinh”, người làm báo mới có thể bình tĩnh chạy đua với công việc, chịu đựng nhiều sức ép, cưu mang sự việc của thiên hạ để giữ vững tinh thần của tờ báo mà không sợ bị xã hội, thời đại bỏ rơi phía sau.
Và hãy tưởng tượng một tờ báo giống như một con thuyền vượt sóng – những đợt sóng lớn nhỏ của đời sống, của xã hội. Báo Phật giáo lại là báo thường vượt sóng với một số vốn tài chánh eo hẹp. Do đó sự sống còn của một tờ báo Phật giáo thường dựa vào những tấm lòng. Và chính đời sống và tấm lòng của những người làm báo Phật giáo là một chất liệu quan trọng để làm nên sức sống, giá trị và tuổi thọ của một tờ báo.
Do đó nghề làm báo Phật giáo cũng là nghề sống theo hạnh “thường bất khinh”.
Nói như thế không có nghĩa là chỉ những người làm nghề báo Phật giáo mới cần hạnh “thường bất khinh”.
Nếu một nhà xây dựng thực hành theo hạnh thường bất khinh thì công trình của họ sẽ được tính toán và thực hiện sao cho không có tác hại đến môi trường, đến văn hóa, đến đời sống của của những người liên quan.
Một nhà chính trị sống theo hạnh thường bất khinh sẽ không xem nhẹ những quyết định của mình, những quyết định có thể ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đến vận mạng của đất nước...
Thị Giới - Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 140