Bài kệ trên, dịch nghĩa :
"Sống giữa phàm
trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo
Đói thì ăn, mệt thì ngủ
Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác
Đối diện với cảnh mà vô tâm, thì không cần hỏi thiền nữa”.
(Thơ văn Lý Trần - tập 2 - NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội - 1989. Tr.510).
Tôi thích nhất là câu: "Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác". Chúng ta có của
báu trong nhà "Phật tính" vậy
mà không nhận ra, cứ luôn đi tìm kiếm cứ ngỡ rằng Phật ở đâu đó, đem Phật đi
tìm Phật. Chính chúng tôi (cùng với một
người thợ xây tên Trịnh Cảo) là người tạc tượng Phật vẫn không thấy hết vẻ
đẹp hoàn mỹ của tượng Phật mình làm, vẫn cứ mặc cảm nghĩ rằng mình không bằng cấp,
không đào tạo trường Mỹ thuật, không được học nghề theo kiểu cha truyền con nối.
Tạc tượng chỉ bằng tình kính yêu vô hạn đối với Đức Thế Tôn thôi, và nghiên cứu
cách làm tượng qua thư tịch sách vở, tượng Phật Bửu Minh sao có thể hơn được
các pho tượng Phật nổi tiếng xưa nay ở Việt Nam. Đợi đến khi Cư Sĩ Giác Đạo - Dương
Kinh Thành ở thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng khen ngợi, tôi mới giật mình thốt
lên: " Ủa vậy sao?" Có người cầm Thiền bảng nện vô vai tôi giật mình
tỉnh ra và viết đoản văn: " Kim thân Phật Tổ chùa Bửu Minh - Gia Lai".
Và ngày hôm nay (16/06/2013) tôi được một người Phật tử đem tặng một tấm ảnh Kim
thân Phật Tổ chùa Bửu Minh (có xóa bỏ
phông) lại giật mình lần thứ hai, pho tượng của mình làm đây sao? Thời bao
cấp ăn cơm khoai cơm độn, xi măng sắt thép quý như vàng, tại sao mình lại thực
hiện pho tượng thành công quá mong ước!
Câu trả lời pho tượng Phật thành công là chỉ do niềm
tin và thương Phật quá lớn, ngày nhớ Phật, đêm nhớ Phật không lúc nào xa rời Phật
dù trong chốc lát. Lúc vừa hoàn thành pho tượng Hòa thượng Giác Toàn (khi ấy là Thượng tọa) đi công tác phật
sự tỉnh Kon Tum có ghé lại chùa Bửu Minh thăm, vô cùng ngạc nhiên trước gương mặt
của Đức Phật, tán thán khen ngợi nhưng vẫn mạnh dạn phê phán:" Mặt Phật rất từ bi, rất hiền, rất thiền
nhưng so với toàn thân thì đầu Phật bị nhỏ không cân đối thầy Giác Tâm xem lại
và nếu được nên sửa đầu Phật cho lớn hơn mới cân đối với toàn thân" Một
lời góp ý của Hòa thượng thôi, mà tôi với anh thợ xây Trịnh Cảo toát mồ hôi hột.
Đầu Phật, mặt Phật đã hoàn chỉnh rồi bây giờ nếu nghe Hòa thượng góp ý mình phải
làm lại từ đầu. Tuy biết sửa lại đầu Phật sẽ vô cùng khó khăn, nếu sửa lại mặt
Phật không đẹp như hiện giờ thì sao? Pho tượng sẽ bị hủy bỏ không tôn thờ như lời
khấn nguyện ban đầu: " Phật không
gia hộ cho con làm tượng Phật đẹp con sẽ không phụng thờ và đem Phật bỏ chìm xuống
đáy Biển Hồ". Nhưng rồi vẫn lắng nghe lời Hòa thượng chỉ dạy góp ý, mạnh
dạn đục bỏ và sửa lại. Tay cầm búa tay cầm mũi ve đục mà run cầm cập. Trong tâm
Phật vẫn còn, lòng thương Phật vẫn nguyên vẹn, mỗi ngày mỗi bồi đắp xi măng gọt
đẽo chỉnh sửa với ảnh mẫu là tượng Kim thân Phật Tổ Nha Trang và tượng Phật
Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu. Sửa lại đầu Phật, mặt Phật lớn hơn theo lời góp ý của
Hòa thượng Giác Toàn đã thành công. Kim thân Phật Tổ chùa Bửu Minh có nét giống
hai pho tượng nói trên là nhân duyên như thế.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tỉnh Vĩnh Phúc,
cùng với các giới nhân dân, nhân sĩ trí thức, sĩ phu Bắc hà đã phát tâm xây dựng
công trình Quốc thái dân an Phật đài có chiều cao 49 mét bằng đá hoa cương, với
tổng kinh phí 199 tỷ đồng. Đây là công trình lớn, quy mô quốc gia. Nếu thành
công sẽ đóng góp rất nhiều mặt cho đất nước: Văn hóa, xã hội, du lịch, tâm
linh, và góp phần giữ yên Tổ quốc. Còn nếu không thành công hệ quả mất mát vô
cùng to lớn. Kính mong Thượng tọa Thích Kiến Nguyệt và tất cả các vị cộng sự,
các giới sĩ phu miền Bắc, vì quy mô tốn kém của công trình, và vì niềm ao ước
của trăm họ muốn cho đất nước Việt Nam có một tượng Đại Phật như Trung Quốc,
Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan..... để tự hào, để hộ quốc an dân. Kính mong liệt
quý vị cẩn trọng, bởi bước đầu mẫu đầu tượng Phật “Quốc thái
dân an Phật đài” đã có nhiều dư luận ý kiến không
đồng thuận, chê nhiều hơn khen.