Sau chung trà thứ hai, tôi bật máy tính xem tin buổi sáng. Dòng tít đầu tiên trên báo Phattuvietnam.net là “Thư ngỏ của chủ quán Buddha Spa gửi đến Phattuvietnam.net”. Vào đọc thư mới thật ngạc nhiên, ô hay, thì ra những người chủ sở hữu quán Buddha Bar & Grill ở Thành Phố Hồ Chí Minh và tiệm Buddha Spa ở Hà Nội là Phật tử. Vậy mà trước đến giờ cứ tưởng người ta phá mình, lạm dụng tôn hiệu Đức Phật để kinh doanh, chẳng ngờ họ đang thực hiện theo đường hướng của đạo Phật.
Nghĩ tới đây, bỗng dưng thấy xót lòng cho cái gọi là: “Ý nguyện của chúng con khi mở cửa hàng và chọn tên “Buddha” với mong muốn được Đức Phật che chở, chỉ cho chúng con đi con đường đúng đắn, để chúng con có thể tìm thấy sự thanh tịnh, chốn bình an” của chủ tiệm Buddha Spa; hay như lời tâm sự của bà Trần Thị Duy Thư - chủ quán Buddha Bar & Grill: “Bản thân tôi theo đạo Phật. Tôi là họa sĩ, vì sự yêu mến, sùng kính Đức Phật mà tôi quan tâm đến tranh ảnh, tượng… mang hình ảnh Đức Phật. Tôi đưa sự yêu mến đó vào nghệ thuật, vào tranh của tôi và vào cả công việc kinh doanh của mình, không hề thiếu sự tôn kính”
Là người Phật tử ai cũng mong muốn những điều như quý vị. Nhưng việc đem danh xưng và hình tượng của Bậc giác ngộ ra để kinh doanh rượu, thịt nướng và massage thân thể… rồi chưa kể hệ lụy là các tệ nạn xã hội luôn tiềm ẩn, có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến tính chất tôn nghiêm của tôn giáo mà quý vị tin theo, những điều đó đã được xem xét đến hay chưa.
Xin phép được dẫn lại lời miêu tả của phóng viên Minh Nguyên trong đợt thị sát quán Buddha Bar & Grill: “Xe vừa ngừng thì một cô gái thuộc loại chân dài, mặc áo dây bước ra. Tôi nghĩ là cô ta sẽ chào mời chúng tôi. Nhưng không. Cô gái son phấn nhìn chúng tôi khinh khỉnh, rồi ngoe nguẩy dẫn xe ra... đi luôn. Cả hai chúng tôi đều cụt hứng, trong cái cảm giác dường như đây không phải là chỗ của mình, mình không nên bén mảng tới. Mà đúng thế, trong quán toàn người tây, thấp thoáng trong những bóng tối sâu thẳm lờ đờ, chập choạng, là những gã đàn ông da trắng vóc dáng cao lớn, vạm vỡ, lông lá, râu ria, nghiêng ngả. Không gian trần trụi, sa đọa hơn những quán bar ở khu phố Tây, quận 1 nhiều. Không có tiếng nhạc, ít tiếng nói, chỉ có những tiếng động chớt nhã, xác thịt. Những cô tiếp viên người Việt bé nhỏ trở nên những chiếc bóng chợt ẩn chợt hiện…”.
Đọc xong những dòng chữ mà thấy nổi da gà. Tự nhận mình theo đạo Phật nhưng tại sao không biết giữ hình ảnh của Ngài ở nơi thanh tịnh mà lại mang đặt vào chỗ hỗn tạp, xô bồ như vậy? Xét ở khía cạnh giới luật thì quý vị đã phạm vào giới thứ năm của người Phật tử là “không uống rượu” mà hiểu rộng ra thì cấm mua bán và sử dụng chất kích thích.
Còn hoạt động chăm sóc da và thân thể ở tiệm spa, trong bối cảnh phức tạp của xã hội lúc này, nếu từ việc làm của quý vị dẫn tới những hành vi phạm vào giới thứ ba - “không tà dâm” thì sẽ ra sao? Trong Tăng Chi Bộ Kinh (AN 5.177) Đức Phật dạy: "Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc."
Hình tượng Đức Phật thể hiện lòng từ bi đồng thời là biểu trưng của trí tuệ. Duyên khởi, câu hỏi đặt ra là hình tượng Đức Phật như thế nào để ngày hôm nay chúng ta được chiêm ngưỡng?
Theo kinh Phật thuyết Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng (Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 16, trang 790a) thì tượng Phật đã xuất hiện ngay từ thời Phật còn tại thế. Nguyên khởi là do vua Ưu Đà Diên, trị vì nước Câu Diệm Di là người đầu tiên dùng gỗ thơm Chiên Đàn tạo ra hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau thời gian gần bốn mươi chín năm thuyết pháp, hoá độ chúng sanh, trong một mùa an cư cuối cùng, Đức Phật tạm rời nhân gian để lên cung Trời Đao Lợi thuyết kinh độ cho chư Thiên và thánh mẫu Ma - Da.
Trong thời gian này, vua Ưu Đà Diên, một Phật tử thuần thành, sùng kính Tam Bảo vì không tìm thấy bóng dáng của Phật nên đã sanh lòng khát ngưỡng nhớ mong đến cực độ. Sự nhớ mong gặp được hình bóng oai nghiêm của đức Bổn sư đã làm cho vị vua này trăn trở nhiều đêm để cuối cùng nảy sinh ra một ý nghĩ: tạo hình tượng Phật. Việc làm đó nhằm để thể hiện lòng kính ngưỡng của mình cũng như lưu lại hình bóng của đức Thế Tôn trong những lúc Ngài không hiện diện ở nhân gian.
Lúc ấy, Vua cho triệu tập các người thợ điêu khắc nổi tiếng trong nước để tạo tượng Phật nhưng ai cũng từ chối, không dám nhận lời. Vì những người thợ này nghĩ rằng: sắc tướng của đức Thế Tôn vạn lần cao quí, dung nghi của Ngài siêu tuyệt trần gian, nếu như không chuyển tải được những đức tướng đó trong khi tạc tượng thì e rằng đắc tội với đấng Thế Tôn. Với những suy nghĩ đó, những người thợ điêu khắc không một ai dám đứng ra nhận trách nhiệm tạc tượng của đức Phật.
Khi ấy, có một vị Trời tên là Tỳ - Thủ - Yết - Ma, nhìn thấy việc này nên đã hoá hiện làm người thợ mộc. Người thợ mộc ấy đến trước nhà vua nói rằng: “Tôi nay vì nhà Vua mà tạo tượng, nghề khéo của tôi không ai sánh bằng, cúi xin Hoàng thượng chớ sai ai khác”. Chỉ trong một ngày, tượng Phật đã được tạo xong bởi bàn tay khéo léo của vị Trời Tỳ -Thủ - Yết - Ma tương truyền là vị Trời chuyên coi sóc về phần kiến trúc - đầy đủ phước tướng trí tuệ, “cao bảy thước mộc, mặt và tay chân đều màu vàng tía”; khiến cho bất cứ một ai mỗi khi nhìn vào đều biết đó là tượng Phật.
Vua Ưu Đà Diên vừa thấy tượng được tạo thành, tướng tốt đoan nghiêm, tâm liền phát sanh đức tin thanh tịnh nên chứng Nhu Thuận Nhẫn (Nhu thuận nhẫn là Tâm nhu, Trí thuận; theo Vô Lượng Thọ Kinh thì Nhu Thuận là một trong ba pháp nhẫn: Âm hưởng nhẫn, Nhu thuận nhẫn và Vô sanh pháp nhẫn). Ngay sau khi chứng được Nhu Thuận Nhẫn, vua vô cùng mừng rỡ, bao nhiêu nghiệp chướng và lo buồn đều tiêu tan hết.
Ôi chao! Ngày xưa vua Ưu Đà Diên tạo tượng với lòng khát ngưỡng nhớ mong Thế Tôn, muốn được chiêm ngưỡng dung nhan của Ngài. Nhờ vậy mà hôm nay chúng ta thấy được hình tượng của ngài để thờ phụng. Thế nhưng, trong chúng ta lại có người vì muốn được Ngài che chở mà vô tình đặt hình tượng của Ngài vào nơi không được thanh tịnh, không được trang nghiêm.
Làn sóng dư luận mấy ngày qua ở trong và ngoài nước, biết bao nhiêu chư Tôn đức và Phật tử bất bình, bàn tán xôn xao, phản đối việc làm này. Nên chăng, quý vị thấy mình đã mắc lỗi và cần sám hối trước Bậc Đạo sư. Quý vị nên nhìn vào quốc gia Phật giáo láng giềng như Thái Lan, trong thời gian an cư của chư Tăng (diễn ra từ 15 tháng 06 đến 15 tháng 09), toàn thể người dân Thái Lan bị cấm mua bán rượu trước 5 giờ chiều. Nếu người mua hoặc người bán bị bắt thì sẽ phải chịu biện pháp xử phạt của chính quyền.
Chung trà thứ ba rót ra rồi để nguyên ở đó. Trà đã nguội và lòng người cũng nguội lạnh theo, buồn vì một lẽ người con Phật đã không thấy được nghiệp mà mình gây ra. Là Phật tử, nên chọn cho mình một nghề nghiệp đúng đắn, không làm hại người khác, được xã hội đa số đồng tình chấp nhận, đó gọi là Chánh Nghiệp.
Hai người chủ quán đã đồng ý đổi lại tên hiệu của mình để tiếp tục kinh doanh, điều này rất đáng hoan nghênh, song người viết cũng mong quý vị lưu ý đổi lại toàn bộ thiết kế nội thất bên trong để những tượng Phật và những biểu tượng Phật giáo được đặt trong không gian phù hợp.
Qua chuyện lần này, hàng Phật tử chúng ta cũng nên lấy đó làm bài học kinh nghiệm, cần suy xét kỹ trước khi làm bắt đầu làm một việc gì đó, tránh để tổn hại đến lợi ích chung, cũng là tổn phước của chính mình, như có câu rằng, “Phàm làm việc gì cũng xét kỹ hậu quả của nó”.