23/02/2014 16:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 1278
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng




Dai loan 1

Đám cưới tập thể do Phật Quang Sơn tổ chức – Ảnh: Daniel Shih

Phật giáo tại Đài Loan hiện đang phát triển mạnh, với nhiều tổ chức Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Chính vì sự phát triển mạnh mẽ này mà Phật giáo tại Đài Loan đã đào tạo nên một thế hệ người Phật tử có cách suy nghĩ và hành động mới, mang đậm tính nhân văn nhưng vẫn đậm đà bản sắc Phật giáo. Nổi bất nhất trong cộng đồng Phật giáo Đài Loan là Hội từ thiện Phật giáo Từ Tế, Tổ chức Phật giáo Phật Quang Sơn và Tổ chức Phật giáo Pháp Cổ Sơn. Đặc biệt, các tổ chức này đã thu hút hầu hết người dân sinh sống tại Đài Loan tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, làm lợi ích cho người khác và cho cộng đồng xã hội, chính vì điều này mà người Đài Loan gọi Phật giáo tại Đài Loan trong hiện tại là “Đạo Phật nhân văn”.

Bà Hsiao là một người Phật tử 63 tuổi đã nghỉ hưu. Trước đây bà từng thực hành giáo pháp của Phật bằng cách đến chùa tụng kinh, lễ Phật và cầu nguyện, nhưng bây giờ bà  tham gia làm tình nguyện viên bảy ngày/tuần tại một trung tâm tái chế để gây quỹ cho Hội Từ Tế. Bà nói: “Bây giờ tôi không có thời gian để đi chùa. Cầu nguyện không phải là quan trọng. Tôi đến đây làm việc mỗi ngày cũng như thể là tôi đang cầu nguyện vậy”.

Cách suy nghĩ và hành động như thế phải là cách mà hầu hết những người theo đạo Phật ở cộng đồng người nói tiếng Hoa hoặc thậm chí là những cộng đồng người không nói tiếng Hoa thực hành theo. Đức tin của họ thường tập trung vào cá nhân, như là cầu nguyện để được bảo vệ trong cuộc sống hiện tại của họ và được tái sinh vào một cảnh giới tốt hơn sau khi qua đời.

Nhưng tại Đài Loan hiện đang diễn ra một phong trào thầm lặng nhưng rất mạnh mẽ, chuyển đổi nhiều Phật tử như bà Hsiao thành những người hành động, chứ không chỉ là những người chỉ có đức tin.

Đối với bà Hsiao, Phật giáo có nghĩa là hành động chứ không chỉ là cầu nguyện. Hiện tại, việc đốt vàng mã và thắp nhiều hương được khuyên hạn chế tại Đài Loan, vì chúng góp phần gây ô nhiễm môi trường. Việc đi chùa là ưu tiên thấp. Thậm chí cầu nguyện quá nhiều cũng không được tán thành.

Trọng tâm của người Phật tử tại Đài Loan trong hiện tại là nhắm vào các hoạt động nhân văn. Phong trào này đưa người Phật tử quay về với các nguyên tắc cốt lõi của Phật giáo: Nói những lời tốt, nghĩ những điều tốt và làm những việc tốt.

Viện trưởng Phật Quang Sơn, thầy Hsin Bao nói rằng: “Theo Phật giáo, chỉ làm lợi ích cho bản thân mình là chưa đủ, chúng ta cần phải đem đến lợi ích cho người khác. Chúng ta nên cố gắng giúp đỡ càng nhiều người càng tốt để giúp họ vơi bớt đau khổ”.

Cách nghĩ và hành động này đã giúp các tổ chức Phật giáo hàng đầu ở Đài Loan phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy trước đây.

Hội từ thiện Từ Tế là tổ chức dẫn đầu của phong trào này. Hiện tại, Hội Từ Tế có đến bảy triệu thành viên, trong đó có hai triệu thành viên ở nước ngoài.

Dai Loan 2

Đại lễ Phật đản do Hội Từ Tế tổ chức – Ảnh: David Chang

Hơn 100.000 tình nguyện viên của Hội Từ Tế tại Đài Loan được thấy ở khắp nơi trong áo sơ mi màu xanh có gắn lô-gô của hội và quần trắng. Họ tái chế nhựa phế thải để gây quỹ từ thiện, chăm sóc người già neo đơn, hỗ trợ người nghèo và những gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, làm gia sư cho trẻ em và cứu trợ thiên tai…

Pháp Cổ Sơn cũng là một tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn tại Đài Loan. Pháp Cổ Sơn thường xuyên tổ chức lớp học “Phật giáo 101″ để dạy mọi người cách áp dụng giáo lý đạo Phật vào trong cuộc sống.

Trong một lớp học gần đây cho khoảng 200 người, một nhà tâm lý học đã sử dụng giáo lý Phật giáo để tư vấn cho học sinh về cách nhận biết và ứng xử với những cảm xúc tiêu cực của mình, và cách đối phó với những khó khăn trong các mối quan hệ gia đình.

Trong khi đó, Phật Quang Sơn thì thường tổ chức các hội trại cho trẻ em.

Giáo sư Kuo Cheng- tian, một giáo sư tại Đại học Quốc gia Chengchi nói: “Các tổ chức này rất khác với Phật giáo truyền thống.  Họ khuyến khích các cư sĩ Phật tử điều hành các chùa và các tổ chức Phật giáo chứ không chỉ các vị tu sĩ. Và họ giao cho những người cư sĩ Phật tử điều hành các chương trình từ thiện”.

Điều làm cho Phật giáo Đài Loan trở nên đặc trưng là việc họ nhắm trọng tâm vào các hoạt động phúc lợi xã hội. Chẳng hạn như Hội Từ Tế, hội đã cứu trợ thiên tai tại hơn 84 quốc gia, bao gồm cả ở Philippines, nơi hội đã hỗ trợ kinh phí cho 50.000 hộ gia đình xây dựng lại nhà cửa sau khi bị cơn bão Haiyan tàn phá.

Các hiệp hội Phật giáo lớn của Đài Loan có các kênh truyền hình riêng, có các nhà xuất bản và các cơ quan báo chí, cũng như các bệnh viện và các trường đại học của mình. Họ gửi tình nguyện viên đến các trường học để dạy trẻ em về hành vi tốt, thông qua cách kể chuyện. Nhưng họ khẳng định rằng, họ không cố gắng để cải đạo đối với những người chưa có đức tin. Bà Chien Tung-yuan, phát ngôn viên của Hội Từ Tế phát biểu rằng: “Chúng tôi nhận thấy không cần phải cải đạo các bạn; chúng tôi không nhằm mục đích truyền giáo. Ngay từ buổi sơ khai, Đức Thích Ca Mâu Ni  đã dạy mọi người giúp đỡ những người đang đau khổ một cách vô điều kiện, và không muốn đáp trả bất cứ điều gì”.

Việc thay đổi phương thức tu tập theo đạo Phật ở Đài Loan không chỉ làm cho Phật giáo hồi sinh tại Đài Loan mà còn mở rộng ra các nước khác.

Điển hình như Phật Quang Sơn, hiện có 200 ngôi tự viện trên khắp thế giới, trong đó có 20 ngôi tự viện ở châu Âu và 24 ngôi tự viện ở Mỹ. Những ngôi tự viện ấy không chỉ là nơi để cho kiều bào Đài Loan đến tu học, mà còn là nơi để nhưng người dân bản xứ đến tu học.

Và Pháp Cổ Sơn thì hiện có 125 chi nhánh trên toàn thế giới. Hội Từ Tế thì tự hào vì có nhiều chi nhánh ở 48 quốc gia. Tại Malaysia, các thành viên của hội đã tăng từ 100.000 đến một triệu trong năm ngoái.

Các hội, các tổ chức Phật giáo tại Đài Loan tổ chức cho tín đồ, thành viên của mình tham gia vào rất nhiều chương trình phúc lợi xã hội cũng như truyền bá chánh pháp ở trong nước và ở hải ngoại. Khi kinh tế càng phát triển, người dân Đài Loan càng giàu lên, điều này có nghĩa là họ càng có thời gian để chia sẻ và có cơ hội giúp đỡ người khác.

Minh Nguyên lược ghi (Theo BBC


Âm lịch

Ảnh đẹp