THÁI LAN: Đền thờ Phật giáo Chalong trên đảo Phuket
Đảo du lịch nổi tiếng Phuket là hòn đảo lớn nhất của Thái Lan. Với
một nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Phật giáo, đảo Phuket là nơi có nhiều
đền thờ Phật giáo.
Trong số đó, Đền Chalong là ngôi đền quan trọng nhất trên đảo, tọa
lạc cách thành phố Phuket khoảng 8 km về phía nam. Ngôi đền tuyệt vời
này được xây để tưởng niệm 2 tu sĩ Phật giáo Luang Pho Chaem và Luang
Pho Chuang, là 2 tăng sĩ đã chăm sóc cho những người bị thương tích
trong cuộc nổi dậy của những thợ mỏ thiếc vào năm 1876.
Đền Chalong ở đảo Phuket, Thái Lan - Photo: Google
Ngôi chùa chính của đền có tôn trí một mảnh xương của Đức Phật. Chùa
cũng được trang trí bằng những bức bích họa tuyệt đẹp kể về cuộc đời của
Đức Phật.
Du khách viếng đền Chalong có thể thấy các tín đồ đến đây để đốt pháo kính tạ ơn trên.
(Articles Base - June 1, 2011)
TRUNG QUỐC: Bộ sưu tập y học Phật giáo đầu tiên của Trung quốc được công bố
Ngày 28-5-2011, Thiếu Lâm tự ở tỉnh Hà Nam đã công bố một bộ sưu tập 100-tập các tác phẩm về y học Phật giáo mới được xuất bản.
Bộ y học Phật giáo này được biên soạn thành 101 tập và 70 triệu ký
tự, bao gồm hơn 3.000 tài liệu về lý thuyết và thực hành của y học Phật
giáo. Tác phẩm xưa nhất có niên đại từ thời nhà Hán (202 BC - 220 AD),
trong khi cuốn gần đây nhất được viết vào thời Trung Hoa Dân quốc (1912 -
1949).
Để hoàn thành bộ sưu tập, Thiếu Lâm tự cũng cung cấp các bản thảo về y
học của chùa, trong đó có một số bản chưa từng được công bố với công
chúng.
Thường được xem là cái nôi của Kung Fu, Thiếu Lâm tự cũng nổi tiếng
về các thành tựu trong khoa chỉnh hình và chấn thương chỉnh hình.
(Buddhist Channel - June 2, 2011)
ẤN ĐỘ: Viện bảo tàng Phật giáo đầu tiên của Ấn Độ sắp được xây dựng
Uttar Pradesh, Ấn Độ: Cuộc đời và lời dạy của Đức Phật sẽ sớm được
bất tử hóa trong một viện bảo tàng kiêm trung tâm nghiên cứu Phật giáo
tại khu Greater Noida (ở quận Gautam Budh Nagar, bang Uattar Pradesh).
Đây là Viện bảo tàng Phật giáo đầu tiên của Ấn Độ, được phê duyệt xây
dựng vào đầu tháng 5-2011. Công trình sẽ khởi công trong vài tháng tới
và sẽ hoàn thành trong vòng 18 tháng.
Viện bảo tàng và Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo rộng 25 mẫu, nằm trong khuôn viên trường Đại học Gautam Budh.
Viện sẽ có các phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm nghiên cứu và
phát triển, trung tâm triển lãm, các phòng học, các khu điêu khắc và một
số phòng sinh hoạt văn hóa.
Mục đích của dự án là giới thiệu về nguồn gốc và lịch sử Phật giáo,
cũng như về các tài sản văn hóa khác nhau liên quan đến tôn giáo nổi
tiếng thế giới này.
(TNN - June 2, 2011)
MÃ LAI: Liên hoan phim Quốc tế Wesak (Phật đản) lần thứ 3
Liên hoan Phim Quốc tế Vesak (Wiff) lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại
Trung tâm Du lịch Mã Lai ở Jalan Ampang, Kuala Lupur vào các ngày 11,
12, 18 và 19-6-2011.
Liên hoan nhằm mục đích truyền bá các giá trị cốt lõi của Phật giáo
thông qua các phương tiện trực quan và tạo sự nhận thức cao hơn của công
chúng về giáo lý Phật giáo.
Các nhà đồng tổ chức của liên hoan bao gồm Hội Phật giáo Bandar
Utama, Phường hội Phật tử nghề Đá quý, Hội Phật giáo Nalanda và Hội
Thanh niên Phật tử của Mã Lai. Ngoài ra còn có sự ủng hộ của 15 hội Phật
giáo khác tại Klang Valley.
Năm nay Wiff sẽ trình chiếu miễn phí 18 phim dài, phim tài liệu, hoạt hình và phim thiếu nhi có chủ đề Phật giáo.
Các phim sẽ được trình bày bằng tiếng Anh, Đức, Nhật, Quan thoại, Tích Lan và Tây Tạng.
(Thestar.com.my - June 3)
HÀN QUỐC: Chương trình Ở Tại Chùa kỷ niệm 10 năm thành lập
Năm nay đánh dấu kỷ niệm năm thứ 10 của các chương trình ở-tại-chùa tại Hàn quốc.
Kể từ năm 2002, ở-tại-chùa đã trở thành một chương trình du lịch
trọng điểm, giúp du khách tìm hiểu trực tiếp về văn hóa và Phật giáo
truyền thống Hàn quốc trong khi họ chiêm nghiệm vẻ đẹp của các đền chùa
địa phương.
Số lượng chùa chiền tham gia chương trình đã tăng từ 33 vào năm 2002 lên 122 vào năm nay.
Và số lượng du khách nội địa lẫn ngoại quốc tham gia cũng tăng lên
đáng kể: Vào năm 2002 có khoảng 2.500 người tham gia chương trình. Đến
năm 2010 số du khách ở tại chùa là trên 170.000 người, và dự đoán năm
nay sẽ có hơn 710.000 người tham gia chương trình này.
Để nâng cao chất lượng của chương trình, Trung tâm thông tin Ở Tại
Chùa do Tông phái Tào Khê điều hành có kế hoạch phát triển thêm nhiều
hoạt động mới và đa dạng hơn.
(urbandharma - June 6, 2011)
Du khách tham gia chương trình Ở Tại Chùa của phái Tào Khê (Hàn quốc) - Photo: The Temple Stay Information Center
Phật giáo Việt Nam Hải Ngoại tổ chức Trai Đàn Siêu Độ & Cứu Trợ tại Nhật Bản
Trước thiên tai thế kỷ vào tháng Ba vừa qua, nhiều
chục ngàn người Nhật đã bị Tsunami và động đất cướp đi sinh mạng của họ.
Bốn phái đoàn đại diện bốn Giáo Hội Phật Phật giáo Việt nam Thống nhất
các châu: Úc đại lợi – Tân tây lan, Âu châu, Hoa Kỳ và Canada đã gặp
nhau tại Tokyo vào ngày 31 tháng 5, 2011 để ngày hôm sau lên đường đi
đến bờ biển Sendai và tỉnh Fukushima thiết lễ Trai Đàn Cầu Siêu cho các
nạn nhân bất hạnh này.
Có 15 chư tôn đức Tăng Ni các châu cùng với chư tôn
đức Việt nam tại Nhật hiệp lực chú nguyện trong các trai đàn cầu siêu
bạt độ. Hoa Kỳ, hai vị Hòa Thượng Nhật Quang và Thông Hải, hai Thượng
Tọa Nhật Huệ và Minh Dung cùng Ni Sư Diệu Tánh. Chư Tôn đức đến từ Úc
Đại lợi và Tân Tây Lan gồm chư Thượng Tọa Thích: Quảng Ba, Tâm Minh,
Minh Hiếu, Tâm Phương, và Sư Cô Liên Hạnh. Phật giáo Âu Châu, Hòa Thượng
Thích Như Điển. Phật giáo Canada, hai vị Thượng Tọa Thích Bổn Đạt và
Trường Phước. Hòa Thượng Như Điển được đề cử làm trưởng phái đoàn. Nhưng
vì Phật sự khẩn ở Âu châu nên Hòa thượng chỉ đi được ngày đầu và hai
ngày còn lại Hòa Thượng Thông Hải và Thượng tọa Bổn Đạt thay thế. Thượng
tọa Quảng Ba là phát ngôn viên của phái đoàn. Có một số Phật tử các
Châu tháp tùng với chư tôn đức. Chư Tăng Việt nam định cư tại Nhật có
Hòa Thượng Minh Tuyền và Hòa Thượng Triệt Học.
Trong hai ngày qua, Phái đoàn đã phân phối 130 ngàn
Mỹ kim đến các trung tâm Phật giáo Nhật để nhờ họ phân phối đều đến các
vùng bị nạn. Trong ba ngày liên tục cầu siêu và uỷ lạo, Hòa thượng Triệt
Học và học giả Đỗ Thông Minh vô cùng tận tình giúp đỡ phái đoàn. Hai vị
đã phối hợp với các thiền viện và trung tâm tạm cư cũng như phiên dịch
trong suốt lộ trình. Phái đoàn cảm ơn các Phật tử đang sinh sống ở Nhật
tháp tùng phái đoàn, đặc biệt Phật tử Quảng Diệu Nguyện và Lê thị Hoa.
Phái đoàn cũng xin tán thán công đức của Phật tử Quảng Nguyện đã cúng
dường nửa chí phí vé máy bay từ các nước đến Nhật của phái đoàn ...
Diệu Âm lược dịch (Hải Triều Âm)