04/06/2011 20:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 1154
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hàng ngàn Tăng, Ni, người Mỹ và người Mỹ thuộc các sắc dân thiểu số Á Châu đã tham dự buổi thuyết giảng về giáo lý Tứ Diệu Đế của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Hội Trường Long Beach Convention & Entertainment Center vào sáng Thứ Sáu, ngày 25 tháng 9 năm 2009.

Sau phần thuyết giảng Phật Pháp, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dành gần nửa tiếng đồng hồ để đón tiếp các ký giả tại buổi họp báo lúc gần 1 giờ chiều cùng ngày.
Trong số những quan khách chính quyền địa phương tham dự buổi thuyết giảng có ông Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Lou Correa, Thị Trưởng Thành Phố Long Beach Bob Foster, Thị Trưởng Thành Phố Anaheim Curt Pringle.

Trong hội trường dù có trên chục ngàn người có mặt, nhưng không khí im lặng một cách lạ lùng. Đặt biệt khi Đức Đạt Lai Lạt Ma bước vào hội trường thì không khí lại càng thanh tịnh hơn.

Mở đầu buổi thuyết pháp là lời chào mừng Đức Đạt Lai Lạt Ma của Thị Trưởng Thành Phố Long Beach Bob Foster. Ông bày tỏ niềm kính trọng và vui vẻ để được đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma thêm lần nữa đến thành phố này. Nhân đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tặng và choàng khăn truyền thống Phật Giáo Tây Tạng cho ông Thị Trưởng.

Trước hết, Đức Đạt Lai Lạt nói sơ qua về vai trò của Phật Giáo trong bối cảnh thế giới hiện nay. Ngài nói rằng, “Dĩ nhiên, Phật Giáo hiện là một trong những tôn giáo quan trọng nhất trên thế giới.”

Ngài giải thích về vai trò quan trọng của các tôn giáo trong đó có Phật Giáo cho nhân loại. Vai trò đó là đem lại lòng thương yêu, sự bao dung và hài hòa để con người với nhiều truyền thống văn hóa, với nhiều tôn giáo khác nhau từ Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, v.v…có thể sống chung hòa bình và góp phần cải thiện xã hội.

Ngài cũng mong muốn các Phật Tử thuộc các sắc dân như Việt Nam, Trung Hoa, Đại Hàn nên giữ gìn truyền thống Phật Giáo của mình để đóng góp cho sự phong phú của văn hóa nhân loại. Ngài cũng không quên khuyến khích tinh thần nỗ lực nghiên cứu, học tập và thực hành giáo lý của Đức Phật.

Sau đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mời chư Tăng, Ni thuộc các truyền thống Phật Giáo khác nhau tụng bài Tâm Kinh Bát Nhã. Trước hết là một vị Tăng gốc Ấn Độ tụng Tâm Kinh Bát Nhã bằng tiếng Sankrit (Phạn Ngữ). Tiếp theo là một vị Ni Sư tụng Tâm Kinh bằng tiếng Trung Hoa. Rồi đến chư Ni Việt Nam tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng âm Hán Việt. Và cuối cùng Ngài cùng chư Tăng Tây Tạng tụng Tâm Kinh Bát Nhã bằng tiếng Tây Tạng.

Đến phần giảng giáo lý Tứ Diệu Đế, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sử dụng tiếng Tây Tạng qua sự phiên dịch sang tiếng Anh của một vị giáo sư người Tây Tạng. Qua phần thông dịch của vị giáo sư Tây Tạng này thính chúng có thể hiểu được một cách thâm thúy nội dung giáo lý Tứ Đế mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giảng.

Dẫn nhập vào bài giảng giáo lý Tứ Đế, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giới thiệu tổng quát về bối cảnh tôn giáo của Ấn Độ trước và trong thời kỳ Phật thị hiện ra đời. Khi đề cập đến bản thân của Phật Giáo, Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng Phật Giáo có nhiều hệ phái, trường phái, nhưng tất cả đều đưa ra cùng một thông điệp giống nhau. Thông điệp đó có chung một mục đích là giải trừ khổ đau, mang đến an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Ngài nhấn mạnh đây là triết lý tổng thể mà người Phật tử cần hiểu biết và phổ biến cho mọi người được biết.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra một thực tế phũ phàng qua đó những gì được diễn giảng trong các Chùa, nhà thờ Thiên Chúa Giáo, và Hồi Giáo và những gì xảy ra trong đời thường ngoài xã hội thì khác biệt nhau. Bên ngoài xã hội đầy rẫy những thù hận, đố kỵ, bạo động, v.v… Ngài nói rằng đó là điều mà nhân loại cần quan tâm và cố gắng đóng góp để mang lại cuộc sống hòa bình và an lạc.

Giảng về giáo lý Tứ Diệu Đế, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng tuỳ theo hậu cảnh tâm thức và hoàn cảnh bên ngoài mà con người cảm nhận về Khổ khác nhau. Trong đó luôn luôn có hai mặt tiêu cực và tích cực. Tiêu cực là nhìn cuộc đời khổ để đưa đến thái độ chối bỏ. Tích cực là nhận thức khổ được hình thành bởi duyên khởi và do đó vừa mang tính không thật, vừa có thể chuyển hóa tận gốc. Nguyên nhân sâu xa và căn cội nhất của khổ là vô minh, tức không nhận thức đúng như thực tại đang là.

Đức Đạt Lai Lạt Ma tóm tắt tinh yếu của giáo lý Tứ Diệu Đế qua ba cấp độ. Thứ nhất, nhận thức thực trạng của cuộc đời mà khổ là một trong những thuộc tính bất khả phân. Thứ hai, nhận thức nguyên nhân tạo ra khổ, mà vô minh là đầu mối căn bản nhất. Thứ ba, thực hiện phương pháp diệt khổ bằng sự tu tập theo giáo lý đức Phật để đạt đến đích điểm tận cùng tối thượng là Niết Bàn.

Sau phần giảng thuyết về Tứ Diệu Đế, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dành cho báo giới một buổi họp báo để Ngài trình bày một vài việc và để cho báo chí có cơ hội đặt một số câu hỏi lên Ngài và nhờ Ngài trả lời.

Buổi họp báo được tổ chức trong một căn phòng nhỏ nằm cạnh hội trường chính của  Long Beach Convention & Entertainment Center. Trước khi vào phòng họp báo, lực lượng an ninh của chính phủ Hoa Kỳ đã kiểm soát từng thẻ căn cước, dò tìm từng túi xách và máy thu hình của báo giới.

Mở đầu cuộc họp báo, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi ngay vào vấn đề chính, Ngài nói rằng đến đây với 2 mục đích:

- Kêu gọi những người dù có tôn giáo hay không tôn giáo, dù là giới khoa học hay các nhà tôn giáo thể hiện nhiều hơn nữa lòng từ bi, thương yêu, và bao dung để góp phần vào việc mang lại đời sống an lạc, hạnh phúc và hòa bình cho con người, cho nhân loại.

- Là một tu sĩ thực hành theo giáo lý Phật Giáo Ngài đến đây để diễn giảng về Phật Pháp cho mọi người đều được hiểu rõ và nỗ lực thực hành để làm cho mọi người đều được hạnh phúc. Đối với xã hội, Ngài muốn vận động cho một xã hội công lý, hòa bình và giảm trừ thù hận, bạo động.

Được hỏi Ngài có ý định sang thăm Việt Nam, nơi mà có khoảng 60 chục triệu người dân là Phật tử, Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa cười vừa nói rằng đâu có ai mời Ngài đến Việt Nam, điều đó tuỳ thuộc vào chính quyền Việt Nam có mời Ngài hay không. Và nếu được mời thì Ngài sẵn sàng đến đó. Ngài cũng cho biết rằng có người nói với Ngài là hình Ngài cũng được treo trong một số Chùa và tư gia tại Việt Nam. Nhân đó Ngài nói xin cầu nguyện cho nhân dân Việt Nam.

Được hỏi về đáp ứng của Ngài đối với chính quyền Trung Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài không gây ra bạo loạn ở Tây Tạng, Ngài chỉ muốn bảo vệ truyền thống văn hóa và Phật Giáo Tây Tạng đang bị Trung Quốc huỷ diệt.

Trả lời cho câu hỏi về ngôi vị của một Đạt Lai Lạt Ma trong xã hội Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng kể từ năm 2001 tới nay Ngài muốn người dân Tây Tạng bỏ phiếu để quyết định về việc này, tức là ngôi vị Đạt Lai Lạt Ma sẽ do người dân Tây Tạng bầu chọn chứ không theo truyền thống 400 năm truyền thừa từ vị Đạt Lai Lạt Ma này đến vị khác.

Khi trả lời câu hỏi Ngài nghĩ thế nào trước thách thức của thời đại tin học, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Phật Giáo của 2,500 năm trước và hiện nay không có gì thay đổi, tinh hoa Phật Giáo vẫn y như cũ. Nhưng hoàn cảnh xã hội của 2,500 năm qua trải qua nhiều biến thiên thay đổi. Ngài nói Phật Giáo Tây Tạng tại Ấn Độ từ bấy lâu nay đã có nhiều chương trình dạy cho Tăng Ni về kỹ thuật truyền thông để vận dụng trong công cuộc hoằng pháp.

Kết thúc buổi họp báo, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hoan hỷ chụp hình chung với các ký giả. Ngài còn vui vẻ ký tên vào các bức hình, các  cuốn sách mà các ký giả này nhờ Ngài làm. Buổi họp báo diễn ra và kết thúc trong tinh thần hài hòa và cảm thông giữa nhà lãnh đạo tối cao của Phật Giáo và chính phủ lưu vong Tây Tạng với báo giới điạ phương.

Nhiều ký giả ra về vẫn còn thấy luyến tiếc giây phút ngắn ngủi được có mặt bên Ngài. Nhiều ký giả vui vẻ khoe với bạn bè rằng đã được hân hạnh đứng chụp hình chung với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Quả thật nhân cách đặc biệt của một Bồ Tát hóa thân của Ngài đã làm cho nhiều người lúc gần gũi cảm nhận được đạo lực từ bi và trí tuệ bao trùm. Hiếm có nhà lãnh đạo tôn giáo nào có được ân đức đó.

Theo: Việt Báo


Âm lịch

Ảnh đẹp