16/04/2012 04:34 (GMT+7)
Số lượt xem: 63898
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tiến trình tự do hóa và bình thường hóa quan hệ với thế giới bên ngoài của Myanmar hiện nay đang được giới phân tích trên toàn thế giới chú ý và cho rằng điều này có thể tác động sâu sắc đến tình hình địa chính trị tại châu Á.


>> Đầu tư nước ngoài: Trước viễn cảnh cạnh tranh với Myanmar

Về mặt địa lý, Myanmar thống trị vịnh Bengal, đó là nơi phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ chồng chéo lên nhau. Myanmar cũng có rất nhiều dầu mỏ, khí đốt, than, kẽm, đồng, đá quý, gỗ, thủy điện cũng như uranium. Là quốc gia nổi bật của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Myanmar đã bị hạn chế bởi chế độ chuyên quyền trong nhiều thập niên, trong khi Trung Quốc đã khai thác dần các nguồn tài nguyên của nước này.

Từ thời bị nhà Nguyên ở phương Bắc xâm lược vào thế kỷ XIII, Myanmar đã núp dưới cái bóng của triều đại phong kiến Trung Hoa mà không có rào cản địa lý hay những kiến trúc như Vạn Lý Trường Thành để có thể chia tách hai quốc gia này. Đồng thời, Myanmar có lịch sử là nơi cư trú của cộng đồng kinh doanh Ấn Độ, một cộng đồng trung gian thiểu số về mặt xã hội, nhưng giúp Anh nắm Myanmar như là một phần của Ấn Độ thuộc Anh.

Tuy nhiên, nếu hôm nay Myanmar đi trên con đường cải cách bằng việc mở những kết nối với Mỹ và các nước láng giềng, thay vì vẫn là một vùng đất đầy nguồn tài nguyên bị láng giềng khai thác, thì nước này sẽ phát triển thành một trung tâm năng lượng và tài nguyên, quy tụ được tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á vào một quần thể cơ bản, linh động. Và mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar sẽ giảm đi một cách tương đối, nhưng Trung Quốc sẽ vẫn vô cùng có lợi.

Bản đồ Myanmar và các nước láng giềng

Thực vậy, Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam ở phía Nam Trung Quốc có thể trở thành thủ phủ kinh tế của Đông Nam Á, nơi các tuyến đường sông và đường sắt từ Myanmar, Lào và Việt Nam hội tụ. Đa số các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng này đang được thực hiện. Tại đảo Ramree, ngoài khơi bờ biển Arakan phía tây bắc Myanmar, Trung Quốc đang xây dựng đường ống để vận chuyển dầu mỏ và khí đốt từ châu Phi, vịnh Persic và vịnh Bengal qua trung tâm Myanmar đến Côn Minh. Mục đích là giảm sự phụ thuộc vào eo biển Malacca, nơi hiện tại 4/5 lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Cũng sẽ có một tuyến đường sắt cao tốc chạy dọc theo tuyến đường này vào năm 2015.

Ấn Độ cũng đang xây dựng một cảng năng lượng trên bờ biển của Myanmar tại Sittwe, phía bắc Ramree, để có thể vận chuyển khí đốt ngoài khơi lên phía tây bắc, thông qua Bangladesh đến khu vực rộng lớn đông dân là bang Tây Bengal của Ấn Độ. Các hàng hóa thương mại cũng sẽ đi theo tuyến đường cao tốc mới được xây dựng đến Ấn Độ. Kolkata, Chittagong và Yangon sẽ không còn là thành phố riêng rẽ tại ba quốc gia mà cuối cùng sẽ là một phần của thế giới Ấn Độ Dương.

Đường ống dẫn dầu do Trung Quốc xây dựng tại đảo Ramree

Thực tế nổi bật ở đây là bằng việc giải phóng Myanmar, vùng đất ở phía đông bắc Ấn Độ, kẹt trong lục địa và phía bên kia Bangladesh, sẽ được mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Vùng Đông Bắc Ấn Độ có điều kiện địa lý xấu và kém phát triển và do đó đã chứng kiến nhiều cuộc nổi dậy trong những thập niên gần đây. Khu vực rừng núi đông bắc Ấn Độ bị chia cắt với khu vực chính của Ấn Độ bởi nước Bangladesh nghèo đói ở phía tây và Myanmar, một quốc gia cho đến nay vẫn khép kín và kém phát triển, ở phía đông. Tuy nhiên, sự mở cửa về chính trị và phát triển về kinh tế của Myanmar tới đây như người ta hy vọng sẽ làm thay đổi thực tế địa lý này vì cả vùng đông bắc Ấn Độ và Bangladesh sẽ hưởng lợi từ sự đổi mới chính trị và kinh tế của Myanmar.

Tuyến đường cao tốc mới xây dựng nối liền Kolkota, Ấn Độ và Yangon

Với việc đói nghèo giảm đi phần nào tại tất cả các khu vực cũng sẽ giảm đi áp lực đối với Kolkata và tây Bengal trong việc phải tiếp nhận những người tị nạn kinh tế. Điều này sẽ ngay lập tức tăng cường sức mạnh cho Ấn Độ. Việc có biên giới trên bộ với những quốc gia bán bất ổn trong tiểu lục địa (Pakistan, Nepal và Bangladesh) đã hạn chế khả năng phát huy sức mạnh chính trị và quân sự ra châu Á và Trung Đông của Ấn Độ. Nói rộng lớn hơn, một Myanmar tự do sẽ kéo Ấn Độ vào châu Á sâu hơn, do đó Ấn Độ có thể cân bằng hơn trong việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.

Tuy nhiên, trong khi tương lai vẫy gọi nhiều cơ hội, thì hiện tại vẫn chưa được bảo đảm. Sự chuyển đổi chính trị ở Myanmar mới chỉ bắt đầu. Vấn đề khó khăn cũng giống như tại Nam Tư và Iraq, đó là sự chia rẽ khu vực và sắc tộc.

Cầu Sagaing bắc ngang qua dòng sông Irrawaddy

Myanmar vốn là một vương quốc lớn được tổ chức xung quanh thung lũng trung tâm sông Irrawaddy. Tên của thung lũng này trong tiếng của bộ tộc Miến Điện (bộ tộc môn) là Myanmar, do đó cũng là tên chính thức của quốc gia này. Tuy nhiên, khoảng 1/3 dân số Myanmar không phải là người dân tộc Miến Điện. Khu vực biên giới của người thiểu số chiếm tới bảy trên tổng số 14 bang của Myanmar. Các khu vực đồi núi xung quanh thung lũng Irrawaddy là nơi cư trú của người Chin, Kachin, Shan, Karen và Karenni - những dân tộc có lực lượng quân đội và quân không chính quy riêng của mình. Những lực lượng vũ trang này đã đánh nhau với lực lượng quân đội quốc gia do người Miến Điện kiểm soát từ giai đoạn đầu của chiến tranh lạnh.

Đường phố yangon

Tệ hơn, các khu vực đồi núi của người dân tộc thiểu số này cũng bị chia rẽ về mặt sắc tộc ngay từ bên trong. Ví dụ như khu vực của người Shan cũng là nơi trú ngụ của người Wa, Lahu, Pao, Kayan và các bộ tộc khác. Tất cả các nhóm này đều là sản phẩm của lịch sử di dân từ Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Campuchia, cho nên người Chin ở miền Tây Myanmar gần như chẳng có gì chung với người Karen ở miền đông Myanmar. Cũng không có điểm gì chung về ngôn ngữ và văn hóa giữa người Shan và người Miến Điện, ngoài việc tôn giáo của họ là đạo Phật. Về phần người Arakan, bộ tộc kế thừa nền văn minh ven biển quốc tế bị chi phối bởi người Bengal theo đạo Hindu, họ cảm thấy đặc biệt bị chia tách với phần còn lại của Myanmar và so sánh tình cảnh khó khăn của họ với những bộ tộc bị tước quyền công dân ở Trung Đông và châu Phi.

Nhưng với nguồn tài nguyên thiên nhiên bao la và dân số khá lớn lên đến 48 triệu người, nếu Myanmar có thể xây dựng các tổ chức bao gồm tất cả các sắc tộc trong những thập niên tới, nước này có thể tự mình tiến gần đến việc là một cường quốc trung bình - một điều không nhất thiết gây tổn hại đến các lợi ích của Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng lại có thể giải phóng thương mại cho toàn châu Á và thế giới Ấn Độ Dương.

  • Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

 



Âm lịch

Ảnh đẹp