10/12/2012 10:18 (GMT+7)
Số lượt xem: 75889
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thanh tịnh không nhiễm ô là diệu tánh của Phật, cư trần không nhiễm trần là tịnh tánh của Tăng, Phật trụ thế gian khiến cho hết thảy chúng sanh nương vào thể tánh thanh tịnh của Ngài mà đắc đại an lạc, Tăng trụ trên đời diễn tịnh ý, cư trần bất nhiễm trần, làm cho đại chúng tỏ hiện tánh tịch lặng đắc diệu thanh lương. Diệu tánh thanh lương, diễn ý cư trần bất nhiễm hai tính chất này được Phật giải bày trong đức tính của hoa sen.



Hoa sen tiếng Phạn gọi padma, Đông độ dịch là Liên hoa, Nhật ngữ là renge, Đạo Phật lấy hoa sen làm biểu tượng của sự thanh tịnh thuần khiết cư trần không bị nhiễm ô bởi thế gian. Mật giáo dùng hình tướng của hoa sen biểu ý cho thần lực chuyển hoá của lục tự đại minh chân ngôn "án ma ni bát di hồng", với ý niệm người phát tâm tu hành dùng đệ nhất phương tiện và trí tuệ chuyên tâm hành trì thì có thể chuyển hóa lục căn, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý và ba nghiệp bất tịnh của mình thành tam thân thanh tịnh của Phật, chứng được Đạo Vô Thượng, vậy hoa sen có những diệu tánh gì mà có thể khiến cho chúng sanh có thể đạt được quả vị viên mãn như vậy?

Theo quan niệm của Đạo Phật thì hoa sen có 8 diệu tánh: 1. Diệu tánh bất nhiễm, 2. Diệu tánh trừng thanh, 3. Diệu tánh kiên nhẫn, 4. Diệu tánh thanh lương, 5. Diệu tánh viên dung, 6. Diệu tánh hành trực 7. Diệu tánh ngẫu không, 8. Diệu tánh bồng thực. Nếu như chúng sanh nào có thể cụ túc thành tựu tất cả những diệu tánh trên đây thì quả vị bồ đề không còn xa nữa,và đầy đủ nguyện lực để "Cư trần bất nhiễm" thành tựu "Diệu tánh thanh lương".

1. Diệu tánh bất nhiễm của Liên hoa:

Bất là không, nhiễm là nhiễm ô. Hoa sen vốn nằm ở trong bùn bao không biết bao nhiêu năm tháng, nhưng nếu như thuận duyên thì lập tức sanh mầm nở nhuỵ khai hoa toả hương, sen nằm ở trong bùn nhưng không ô nhiễm mùi bùn, chư Phật và Bồ tát cũng như vậy ở trong thế gian nhưng không bị dục vọng của chúng sanh làm nhiễm ô, không như chúng sanh bị sắc đẹp, tiền tài, danh vọng.v.v... làm cho khổ đau, ở trong hết thảy và xa lìa hết thảy, không nhiễm ô, không bị ô nhiễm làm cho khổ đau, đức tánh này dụ ý cho diệu tánh của hoa sen "gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn".

Lục Tổ Huệ Năng dạy: "Tâm tạo chúng sanh, tâm tạo chư Phật, tâm tạo liên trì, tâm tạo địa ngục, tâm vọng động thì trăm ngàn sai biệt tranh khởi, tâm bình thì thế giới thản nhiên, tâm phàm thì ba món độc trói buộc, tâm thánh thì sáu món thần thông tự tại, tâm không thì nhất đạo thanh tịnh, tâm hữu thì vạn cảnh tung hoành, tự mình đạp mây mà uống nước cam lộ, chẳng ai cho mình. Nằm trên lửa hồng hay uống máu mủ cũng tự mình gây ra, không phải trời sinh hay do đất mà có...".

2. Diệu tánh trừng thanh của Liên hoa:

Trừng là lắng đọng gạn lọc, thanh là trong sạch không nhơ bẩn, lắng đọng hết thẩy cấu trần, gạn lọc hết thảy bùn nhơ, đem đến sự thanh tịnh không còn nhơ bẩn nữa, dẫu rằng vẫn đang ở trong thế giới của cấu trần và ô nhiễm, Diệu tánh trừng thanh của hoa sen là như vậy, nếu chúng ta để ý thì thấy những nơi có hoa sen mọc, nước nơi đó rất là trong, mặc dầu bùn nơi đó rất là dơ bẩn. Diệu ý trừng thanh của Chư Phật, Bồ tát, Tăng chúng cũng như vậy nơi nào có sự xuất hiện của Phật, Thánh chúng, thì nơi đó đều được nương theo diệu tánh thanh lương của Tam Bảo diệt trừ hết thảy khổ đau ô nhiễm của thế gian đều được an ổn, hạnh phúc, an lạc. Đây là diệu ý thanh lương trừng thanh của Tam Bảo.

3. Diệu tánh kiên nhẫn của Liên hoa:

Không có một hạt mầm nào trên khô đem gieo xuống nước mà có thể sống được, và cũng chẳng có hạt mầm dưới nước đem lên khô trồng mà có thể sanh sôi, vậy mà hạt mầm của hoa sen lại có thể làm được việc này. Dù có để mấy năm trên cạn nhưng khi đủ duyên gieo xuống nước thì hoa sen nảy mầm sanh bông. Phật tánh của mỗi chúng sanh cũng là đều như vậy, dù cho trôi lăn trong sanh tử phiền não, dù có đắm chìm trong khổ hải vô minh, không biết bao nhiêu a tăng kỳ kiếp, nhưng hạt giống Phật trong mỗi chúng sinh không bao giờ có thể mất, nếu có một ngày nào đó họ giác ngộ nhận ra, phát tâm tu hành thì đều có thể thành tựu Phật quả, đây là diệu tánh nhẫn nại của hoa sen tương đồng với Phật quả.

5. Diệu tánh viên dung của Liên hoa:

Viên là tròn đủ, dung là hoà hợp, hóa giải, diệu tánh của tuỳ duyên, thuận theo vô thường, không sanh chướng ngại, Hoa sen đủ duyên thì nở, hết duyên thì tàn rụi, đem hương sắc làm đẹp cho đời, tự mình an lạc, đem an lạc đến cho người khác, người khác được thanh tịnh bởi sự có mặt của mình và khi mình hết duyên ra đi không đem lại khổ đau cho người khác, Phật và Thánh tăng cũng đều như vậy "Tuỳ duyên ứng hiện, tuỳ cơ hoá độ, không ngại phận mình chỉ thương chúng sanh". Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát phát đại thệ nguyện: "Độ hết chúng sanh mới nguyện thành Phật" cũng là diệu ý này thật là Sen Phật chúng sanh cả ba đều không khác.

6. Diệu tánh hành trực của Liên Hoa:

Hành là thể của sen, trực là tướng ngay thẳng của thân hoa sen. Từ dưới bùn mọc thẳng lên trên hư không nở thành một đài hoa sen, không chi, không lá, chỉ một hoa đài. Phật và Thánh chúng cũng như vậy chuyên tâm nhất xứ, nhất tâm tu hành, không mộng tưởng điên đảo, không tiểu không đại, không tăng không giảm, không cấu không tịnh, vì vậy nên đạt đến cứu cánh Niết Bàn, nếu người học Phật có thể như vậy mà tu hành thì như vậy đã thể nhập vào diệu tánh hành trực của Như Lai.

7. Diệu tánh ngẫu không của Liên hoa:

Ngẫu là ruột, không là trống rỗng. Hoa sen thân ngay thẳng, ruột lại trống không, rỗng không suốt từ dưới bùn lên tới đài sen, không chướng không ngại, không ngăn không cách. Phật và Thánh chúng cũng như vậy đối với chúng sanh đối với cuộc đời, không tham không chấp, không khởi tâm phân biệt, không có kẻ thân người sơ, không còn mảy may ẩn dấu, thông suốt mọi đường, không còn chướng ngại, người học Phật nếu muốn đạt được diệu tánh ngẫu không của chư Phật thì phải tu tập xa lìa tham sân si, chấp ngã, chấp tướng, hoà mình vào Bát Nhã chân tâm và nơi ấy thể tánh của ngẫu không luôn tồn tại

8. Diệu tánh bồng thực của Liên hoa:

Khác với tất cả các loài hoa khác là khi hoa nở rồi rụng tàn thì mới có quả, Hoa sen thì hoa và quả đồng thời tương sanh, khi hoa sen nở bông thì trong gương sen đã có ngay hột. Trong hoa có quả, hoa nở thì quả đã hiện rồi, nhân quả đồng thời. Cho nên người học Phật phải tin sâu vào luật nhân quả, ai tu nhân nào thì được quả nấy, làm lành thì được quả lành, làm ác thì bị quả báo ác, không sai và cũng chẳng có gì là khác lạ, luật nhân quả là thế.

Diệu tánh bồng thực của chư Phật và Thánh tăng là "Bồ tát sợ nhân còn chúng sanh sợ quả", chúng ta phải hết sức tỉnh giác với tất cả hành động tạo nghiệp của ba nghiệp thân khẩu ý, nếu có thể kiểm thúc được hết thảy các nghiệp không tạo các ác nghiệp thì chúng ta đã có thể nhập diệu tánh bồng thực chân như của Chư Phật.

Diệu tánh của Liên hoa là như vậy, cho nên hoa sen được Phật ví như là Đại Pháp trong Kinh Đại Thừa Diêu Pháp Liên Hoa, là vua trong các kinh, là mẹ sanh ra chư Phật, là Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, là tối thắng duy nhất Phật Thừa, là Phật tánh được khai ngộ, là Diệu Tánh Thanh Lương cư trần bất nhiễm.

Ban Biên Tập kính giới thiệu hình ảnh Hoa Sen Diệu Tánh Thanh Lương Cư Trần Bất Nhiễm:

Âm lịch

Ảnh đẹp