18/09/2010 10:02 (GMT+7)
Số lượt xem: 51757
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Nghi Thức Tịnh Độ .

Thích Giác Tâm Biên Soạn .

Chùa Bửu Minh – Gia Lai năm 2000




phat a di da 1.jpg


Nghi thức Tịnh Độ - chương 05


CHÁNH HẠNH NIỆM PHẬT

 

ĐẠI SƯ HÁM SƠN (Mộng du tập)

 

Đức Phật nói, phương pháp tu hành thoát sanh tử có nhiều cửa phương tiện, duy có niệm Phật cầu sanh Tịnh độ là thẳng tắt hơn hết. Kinh nói :"Nếu muốn tịnh cõi Phật, phải tịnh tự tâm". Nay tu hành tịnh nghiệp, ắt phải lấy tịnh tâm làm gốc. Muốn tịnh tự tâm, trước tiên cần phải trì giới thanh tịnh, vì 10 nghiệp ác của thân (3 nghiệp), miệng (4 nghiệp), ý (3 nghiệp) là nhân khổ của 3 đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Trì giới, trước tiên cần phải 3 nghiệp thanh tịnh, thì tâm tự tịnh, Nếu thân không sát sanh, trộm cướp, tà dâm thì thân nghiệp thanh tịnh. Miệng không nói dối, nói lời thêu dệt, nói lời ly gián, nói lời thô ác thì khẩu nghiệp thanh tịnh. Ý không tham lam, giận hờn, ngu si thì ý nghiệp thanh tịnh. Nếu mười nghiệp ác này dứt hẳn, 3 nghiệp thanh tịnh, đây là điều thiết yếu của sự tịnh tâm. Trong tâm thanh tịnh này, chán khổ Ta Bà, phát nguyện vãng sanh An Dưỡng, lập chánh hạnh niệm Phật. Niệm Phật cốt vì tâm tha thiết muốn giải quyết việc lớn sanh tử, trước tiên phải dứt ngoại duyên, chỉ đề khởi một niệm, lấy một câu A Di Đà Phật làm sinh mệnh, niệm niệm không quên, tâm tâm không gián đoạn, suốt cả ngày đêm, đi đứng ngồi nằm, trong mọi hoạt động, tĩnh lặng, náo động, bận rộn, rảnh rang, bất cứ lúc nào cũng không ngu không muội, không bị một duyên nào khác chi phối. Dụng tâm như thế, lâu ngày thuần thục, đến nỗi trong mộng cũng không quên mất, thức ngủ như nhau, thì công phu miên mật, nhồi thành một khối, đây là lúc đắc lực. Nếu niệm đến nhất tâm bất loạn thì phút lâm chung, cảnh giới tịnh độ hiện tiền, tự nhiên chẳng bị sanh tử kéo lôi mà cảm Phật A Di Đà phóng hào quang tiếp dẫn, đây chính là hiệu nghiệm của việc vãng sanh vậy.

      Tu huệ phải nhờ quán tâm, tu phước phải dựa vào muôn hạnh. Quán tâm lấy niệm Phật làm bậc nhất, muôn hạnh lấy cúng dường làm đầu. Hai thứ này bao gồm hết tất cả. Trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, khởi tâm động niệm đều là vọng tưởng, là cội gốc sanh tử, cho nên phải chịu quả khổ. Nay đem tâm vọng tưởng chuyển làm tâm niệm Phật thì niệm niệm thành nhân Tịnh độ, đây là quả vui. Nếu niệm Phật tâm không gián đoạn, vọng tưởng tiêu diệt, mở sáng tự tâm, trí tuệ hiện tiền thì thành Pháp thân Phật. Chúng sanh sở dĩ nghèo nàn không có phước huệ, do vì đời đời kiếp kiếp chưa từng có một niệm cúng dường Tam Bảo để cầu phước đức, mà vì cái thân khổ sanh tử này, niệm niệm tham cầu cái vui ngũ dục để làm lớn thêm gốc khổ. Nay đem cái tâm tham cầu cho một thân mình chuyển thành tâm cúng dường Tam bảo, đem thân mạng hữu hạn này, tùy theo sức của tâm mình cúng dường mười phương Tam bảo cho đến một nén nhang, một cành hoa, một hột gạo, cọng rau… phước ấy vô cùng, cho nên cảm Phật quả Hoa Tạng trang nghiêm làm chỗ thọ dụng sau này của mình, bỏ qua điều này thì không thể có diệu hạnh thành Phật.

Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ là muốn giải quyết vấn đề sanh tử, cho nên nói niệm Phật liễu thoát sanh tử. Nếu chẳng biết cội gốc sanh tử thì đâu biết phải nhằm vào chỗ nào mà niệm? Cổ nhân nói :"Nghiệp chẳng nặng chẳng sanh Ta Bà, ái chẳng dứt chẳng sanh Tịnh độ". Thế nên biết ái là cội gốc sanh tử. Từ khi có sanh tử đến nay, đời đời kiếp kiếp, bỏ thân thọ thân đều là do ái dục lưu chuyển. Ngày nay niệm Phật, niệm niệm cần phải chặt đứt gốc ái. Trong cuộc sống hàng ngày, người tại gia niệm Phật, mắt thấy con cháu, gia duyên tài sản, không có một thứ gì không phải là ái, không có một việc nào, một niệm nào không phải là cội gốc sanh tử. Ngay lúc niệm Phật trong tâm chưa từng có một niệm buông bỏ gốc ái, như thế thì một mặt niệm Phật, một mặt sanh trưởng gốc ái. Nếu như lúc tình thương con mến cháu hiện tiền, quay trở lại xem một tiếng Phật có đủ năng lực đối địch với gốc ái này chăng ? Có đủ năng lực chặt đứt gốc ái này chăng? Nếu chặt đứt chẳng được gốc ái này thì làm sao giải quyết xong vấn đề sinh tử ? Vì duyên ái nhiều đời quen thuộc, niệm Phật mới phát tâm, rất sơ sài, lại không thiết tha chân thực, do đó không đắc lực. Nếu trước mắt, làm chủ cảnh ái không được thì lúc lâm chung chỉ thấy gốc ái sanh tử hiện tiền, rốt cuộc làm chủ chẳng được. Vì thế, người niệm Phật, điều quan trọng bậc nhất là phải có tâm tha thiết muốn dứt sanh tử. Nếu tâm tha thiết muốn dứt sanh tử , nếu niệm niệm chặt đứt gốc sanh tử thì niệm niệm là lúc liễu thoát sanh tử. Đó chính là : "Trước mắt là việc sanh tử, trước mắt thấu được sanh tử không". Niệm niệm chân thiết như thế, nếu không thoát sanh tử thì chư Phật là kẻ nói dối vậy!

      Học đạo không có gì khác hơn là chỗ chưa quen (niệm Phật) làm cho quen, cái đã quen (vọng tưởng) đừng quen nữa, lâu ngày thuần thục, nhồi thành một khối, tự nhiên niệm niệm Di Đà, tâm tâm Cực Lạc. Người học đạo ngày nay chỉ biết tham cầu huyền diệu, chẳng biết nhằm vào chỗ cội gốc hạ thủ tử công phu, đến lúc gặp sự vinh nhục, họa hoạn, tử sanh thì tay chân rối loạn, đây chẳng phải người khác làm mình sai lầm mà chính mình tự sai lầm.

      Cội gốc sanh tử tức là các thứ vọng tưởng hàng ngày của chúng ta, các thứ nghiện ngập não thương ghét, tham lam, giận hờn của chúng ta, nếu còn có một mảy may không dứt thì tức là còn gốc rể sinh tử. Nay muốn tham thiền đốn ngộ liễu thoát sanh tử, hãy tự suy nghĩ xem có thể một niệm dứt ngay phiền não của nhiều kiếp như chặt đứt một cuộn chỉ được chăng ? Nếu chẳng thể dứt được phiền não, thì dẫu cho đốn ngộ, cũng thành nghiệp ma, đâu nên xem thường? Các vị tổ xưa kia đốn ngộ, cũng từ nhiều đời tích lũy công phu tu tập dần dần (tiệm tu) mà được, cho nên hai chữ "đốn ngộ" này nói thì dễ mà thật ra làm rất khó. Nếu không có hai, ba mươi năm hạ thủ tử công phu, thì làm sao có thể ở trong chốn phiền não lẫy lừng mà được một niệm đốn ngộ. Điều thiết yếu là phải tự biết căn khí của mình như thế nào? Đến như một môn niệm Phật, người đời không biết sự mầu nhiệm của nó, xem là thiển cận, kỳ thật mỗi bước thực hành cho đúng thì như thế nào? Chúng ta từ khi có sanh tử đến nay, niệm niệm vọng tưởng phan duyên tạo nghiệp sanh tử, đâu từng có một niệm quay trở về soi lại tự tâm, đâu từng có một niệm chịu đoạn dứt phiền não. Nay nếu có thể đem tâm vọng tưởng chuyển làm niệm Phật, thì niệm niệm dứt phiền não thì niệm niệm ra khỏi sanh tử.

      Nếu một niệm niệm vững chắc không đổi dời nhất tâm bất loạn, so với tham thiền còn có kết quả hơn. Tóm lại chỉ do một niệm thiết tha chân thực mà thôi. Nhưng tham thiền nhất định cần phải chết đi hết tâm thế tục, không còn một niệm vọng tưởng, còn niệm Phật là lấy tưởng tịnh chuyển tưởng nhiễm, dùng tưởng trừ tưởng, là pháp hoán chuyển, cho nên đối với căn khí của chúng ta ngày nay dễ thực hành hơn.

      Tu Tịnh độ không cần phải kiến tánh, chỉ chuyên lấy niệm Phật làm chánh hạnh và lấy bố thí, trai tăng, tu các công đức phước điền làm trợ nhân trang nghiêm cõi nước Phật, tuy phát nguyện vãng sanh, nhưng cần phải biết trước tiên chặt đứt cội gốc sanh tử, mới có hiệu quả. Cội gốc sanh tử tức là sự tham lam hưởng thụ vật chất thế gian, tất cả đều là gốc khổ, và mọi thứ tâm si ái chấp trước giận hờn, cùng các thứ giáo pháp do tà sư tà ma ngoại đạo thuyết đều phải tận tình mửa ra cho hết, chỉ tin một pháp môn niệm Phật, tâm không lúc nào quên danh hiệu Phật. Phật là giác, nếu niệm niệm không quên Phật, tức là niệm niệm minh giác. Tâm nếu quên Phật, liền là bất giác. Nếu niệm đến trong mộng cũng niệm được, tức là thường giác không mê muội thì lúc lâm chung tâm này không mê muội, ngay chỗ tâm này không mê muội tức là kết quả. Nay công việc bận rộn không thể tham thiền, duy có niệm Phật là tốt nhất, bất kể rảnh rỗi, bận rộn, chỗ nào cũng niệm được, chỉ cần một lòng không quên, không còn có pháp nào hay hơn!

      Tham thiền cần phải lìa tưởng, niệm Phật chú trọng vào chuyên tưởng, vì chúng sanh từ lâu nay chìm trong vọng tưởng, lìa vọng tưởng thật là khó. Nếu ngay nơi nhiễm tượng mà biến thành tịnh tưởng, đây là lấy độc trị độc, là pháp hoán chuyển mà thôi. Cho nên tham cứu khó ngộ, niệm Phật dễ thành. Nếu tâm thiết tha muốn giải quyết xong việc lớn sanh tử, đem tâm tham cứu đổi thành tâm niệm Phật thì lo gì một đời này không liễu thoát sanh tử ?

      Niệm Phật tức là tham thiền, không phải hai pháp, ngay lúc niệm Phật, trước tiên phải buông bỏ hết thảy các thứ vọng niệm tạp loạn phiền não tham sân si, buông bỏ đến chỗ không còn gì để buông bỏ, chỉ đề khởi một câu A Di Đà Phật, rõ ràng phân minh, trong tâm không gián đoạn như sợi chỉ xỏ xâu chuỗi. Dụng tâm như thế, bất cứ cảnh duyên nào cũng không bị lôi kéo, đánh mất. Hàng ngày như vậy trong cảnh náo động không tạp không loạn, thức ngủ như một, dụng tâm như thế niệm đến lúc mạng chung, nhất tâm bất loạn, đó là thời tiết siêu sanh Tịnh độ.

      Nếu tâm thiết tha vì  việc sanh tử, niệm niệm như cứu lửa cháy đầu, chỉ e một phen mất thân người muôn kiếp khó được lại, cần phải cắn chặt lấy một câu danh hiệu Phật này, nhất định phải chiến thắng vọng tưởng, bất cứ chỗ nào cũng niệm niệm hiện tiền, chẳng bị vọng tưởng ngăn che. Hạ thủ công phu thiết tha như thế lâu ngày thuần thục tự nhiên tương ứng, chẳng cầu thành khối mà tự thành khối.

      Phương pháp tu niệm Phật cũng có thứ lớp, người tại gia không cần câu chấp theo thời khóa của chư Tăng trong tự viện, chỉ cần lấy niệm Phật làm chính, một ngày buổi sáng sớm lễ Phật, tụng một quyển kinh Di Đà, lần chuỗi niệm danh hiệu Phật A Di Đà hoặc 3 nghìn, 5 nghìn, 10 nghìn rồi hồi hướng phát nguyện vãng sanh về cõi nước Cực Lạc. Khóa buổi tối cũng như vậy, lấy đây làm định khóa hàng ngày, nhất định không cho thiếu sót. Pháp này có thể áp dụng phổ thông cho mọi người. Nếu vì việc lớn sanh tử thì công phu cần phải khẩn thiết hơn, mỗi ngày trừ 2 thời khóa kể trên, suốt ngày đêm chỉ đem một câu A Di Đà Phật đặt ở trong lòng, niệm niệm không quên, tâm không mê muội, tất cả việc đời đều không nghỉ tưởng, chỉ lấy một câu Phật làm mạng sống của mình, cắn chặt không buông, cho đến trong các sinh hoạt hàng ngày, mỗi câu Phật này đều luôn luôn hiện tiền. Nếu gặp lúc tâm bất an do các cảnh giới nghịch thuận phiền não buồn vui quấy nhiễu, chỉ cần đề khởi một câu Phật này, lập tức thấy phiền não tiêu diệt. Vì niệm niệm phiền não là gốc khổ sanh tử, nay dùng niệm Phật tiêu diệt phiền não, ấy là Phật độ chỗ khổ sanh tử. Nếu niệm Phật tan được phiền não thì có thể thoát sanh tử. Nếu niệm Phật  đến trình độ làm được chủ trên phiền não thì ở trong mộng làm được chủ. Nếu ở trong mộng làm được chủ thì ở trong lúc bệnh khổ làm được chủ. Nếu ở trong lúc bệnh khổ làm được chỗ thì lúc lâm chung rõ ràng biết chỗ đi. Việc này không khó làm, chỉ cần một niệm tâm tha thiết vì sanh tử, nắm chắc một câu Phật không còn nghĩ ngợi gì khác, lâu ngày thuần thục, tự nhiên được đại an lạc, cái vui ngũ dục thế gian không thể sánh được. Ngoài pháp môn Tịnh độ này, không còn có pháp môn nào thẳng tắt, giản dị hơn.

 

 

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG QUẢNG KHÂM

 

      Hòa thượng Quảng  Khâm sinh năm 1892, năm Quang Tự thứ 18 – đời nhà Thanh. Ngài họ Hoàng, tên tục là Văn Lai, quê ở Phúc Kiến, Trung Hoa.

35 tuổi xuất gia với hòa thượng  Thụy Phương, pháp danh là Chiếu Kính, tự Quảng Khâm. Sau khi xuất gia, ngài chuyên chú tu khổ hạnh, ăn những thức không ai thèm ăn, làm những việc không ai chịu làm, thường luôn ngồi thiền, một lòng niệm Phật.

Năm 42 tuổi, ngài thọ Tỳ kheo  với hòa thượng Diệu Nghĩa chùa Từ Thọ. Thọ Đại giới rồi ngài liền xin phép phương trượng Chuyển Trần đi ẩn tu ở một hang núi đá. Ở nơi thạch động, ngài đã cảm hóa hổ, khỉ, vượn… Bọn ấy lạ thay, thường hay đến động, đem hoa quả đến cúng dường Ngài.

Năm 1945 ngài được 54 tuổi rời núi về chùa Thừa Thiên.

1947 rời Đại lục đến Đài Loan.

1948 xây một ngôi chùa nhỏ ở Đài Bắc tên là Quảng Minh Tự.

1951 xây Quảng Chiếu Tự.

1952 ẩn tu ở núi Thành Phước.

1955 xây Thừa Thiên Tự ở  Đài Bắc.

1963 Hưng Kiến Tường Đức Tự – Xây Quảng Long Tự.

1964 ngài ở Đài Loan được 17 năm. Trong suốt thời gian ấy ngài chỉ ăn một bữa và chỉ ăn trái cây.

Năm 84 tuổi ngài cấm túc luôn ở chùa Thừa  Thiên trên núi Thanh Lương, không còn xuống núi nữa.

Năm 94 tuổi chủ trì Tam Đàn đại giới độ cho 2500 vị tăng, ni…

Năm 95 tuổi, vào ngày mồng 5 tết, ngài ngồi xếp bằng an định, bảo đệ tử đồng thanh niệm Phật. Ngài mỉm cười nhìn đại chúng rồi viên tịch trong tư thế ngồi.

 

PHÁP NGỮ CỦA HT.QUẢNG KHÂM

 

( Khi bạn có ý nghĩ không tốt, hoặc khi có phiền não, thì hãy hướng về Đức Phật A Di Đà mà nói. Hễ những thứ ý niệm xấu ấy đến, thì đập nát chúng ngay. Do đó bạn cần niệm Đức A Di Đà, tự nói rằng : "Phiền não ! Hãy mau đi khuất, chẳng có việc gì cho bây cả!" Đó là dùng tâm trị tâm vậy.

( Làm những việc mà kẻ khác không làm, đó là cách tu phước huệ. Tu hành không phải là làm việc tính toán, so đo; không cần phải toan tính, sắp đặt.

( Nếu bạn thật có lòng muốn tu, thì đó chính là phước của bạn; Do vậy cần tu cả phước lẫn huệ. Mỗi người cần trừ sạch hết những nghiệp chướng đã tạo xưa kia, rồi đừng tạo thêm nghiệp mới nữa; như vậy thì phước, huệ sẽ tăng gia.

(Phương pháp : niệm Phật, lạy Phật, phát tâm làm việc lao tác ở chùa, không tính toán. Hễ tính toán thì sanh phiền não, tức là tạo thêm nghiệp mới.)

( Trong đạo Phật, sợ nhất là nói thị phi. Kẻ nói chuyện thị phi là kẻ thị phi (không đáng tin cậy), chỉ tạo khẩu nghiệp. Tu hành chính là ở chỗ này mà tu thành; nếu không thì là kẻ chỉ biết ăn ngày ba bữa!

( Mỗi ngày phải tự huấn luyện để lòng đừng tham, đừng nói lăng nhăng.

( Khi mở miệng hãy nói về Phật pháp, cầu sanh Tây Phương. Chủng tử "thói quen thế tục" bạn đã trồng trong tâm quá đủ rồi; do đó, đừng nên tiếp tục nói những lời thế tục, thị phi nữa!

( Tu hành phải chú ý đến khẩu nghiệp. Miệng tốt thì tâm mới tốt. Đừng cho rằng " Tôi miệng tuy không tốt, song lòng tốt".

( Hễ có thì giờ rãnh rỗi, bạn hãy lạy Phật, niệm Phật.

( Hỏi: Có nghiệp mang theo thì làm sao khai trí huệ?

Đáp: Niệm “Nam mô A-Di-Đà Phật” cho nhiều.

( Thân thể giả dối của chúng ta khó tránh bệnh tật; song, thân bệnh là bệnh nhỏ.

Có vọng tưởng, tham sân,  si mới là bệnh lớn. Còn vọng tưởng là còn tiếp nối chuỗi luân hồi, không dứt được vòng sanh tử.

( Để bảo đảm có được chánh niệm ở giây phút lâm chung, bình thường mình phải uống thuốc “A-Di-Đà Phật”; nếu không, chết  rồi mà chẳng biết về đâu !

( Lúc đi, đứng, nằm, ngồi,  phải luôn thể hội Phật pháp, giác ngộ đạo lý: Vậy mới không uổng phí thời gian. Thời gian qua rất chóng, phải tận dụng nó để thể nghiệm. Nếu tu như vậy, ý nghĩ xấu mới không có cơ hội nảy sanh; không làm vậy, sẽ không có được chánh niệm.

( Tu hành không phải là việc dễ “ăn”  như đậu hũ, bỏ vô miệng là có thể ăn ngay! Các bạn cần để 10 năm, 20 năm trì một câu "A Di Đà Phật" không buông lơi cộng thêm công phu Tín, Nguyện, Hạnh mới được.

( Nếu có thể mỗi ngày yên ổn, bình tĩnh để niệm Phật - lạy Phật, tu trì, không có chuyện gì xảy ra là tốt rồi. Chớ nên vọng tưởng chuyện này chuyện nọ. Khi không tạo tội lỗi, thì đó là công đức rồi !

( Việc gì cũng phải buông bỏ. Buông bỏ chính là công phu.

Bình thường, đối với việc gì cũng buông xả hết ; không có vướng mắc, quái ngại vào việc gì. Đó là để tránh trường hợp lúc lâm chung;  giây phút tối hậu, vọng tưởng nổi lên lôi kéo mình vào vòng luân hồi bất tận.

( Mục đích việc tu là để lúc chết, bạn không còn vướng bận, không còn quái ngại chuyện gì cả; chỉ thảnh thơi đem theo linh quang (công đức trí tuệ sáng suốt) của chính mình mà thôi !

( Cần  tu đến chỗ chánh niệm lúc nào cũng hiện tiền. Có chánh niệm thì mới có khả năng phân biệt thế nào là đúng,  thế nào là sai; rồi từ đó mà hành động.

( "Một ngày đã qua,

Mạng cũng giảm dần,

Như cá cạn nước,

Thử hỏi gì vui?"

( Mạng người  vô thường - một hơi thở ra mà không vào lại, đời người tức hết ! Bởi vậy, mau mau dũng mãnh, tinh tấn; Chớ buông lung, lơi lỏng! Hãy coi việc niệm Phật là gấp rút, khẩn trương nhất !

( Gia tài, của cải - mọi thứ ta chẳng mang theo khi sanh ra và cũng sẽ không mang theo lúc chết đi:

      " Mọi thứ chẳng đem đặng,

      Chỉ có nghiệp tùy thân."

( Chúng ta, ai cũng do mang nghiệp mà sinh ra do đó đầy rẫy bệnh khổ. Bớt sát sanh, niệm Phật  nhiều, thì mới có thể tiêu nghiệp đặng.

( Khi thân thể có bệnh mà uống thuốc gì cũng chẳng lành, hãy niệm Phật thì bệnh sẽ lành bởi Đức Phật A Di Đà là vị "Vô thượng y vương" (Vị vua thầy thuốc cao tuyệt nhất).

( Thân thể này giống như cái nhà: Chắc chắn sẽ hư sụp. Lúc ấy dù có sữa chữa đến cách nào nó cũng sụp. Do đó chúng ta phải buông bỏ sự chấp trước vào thân thể giả dối này; đừng nên quá chăm sóc, lo lắng cho nó. Xét cho cùng, thân này là thứ huyễn hóa; song le, chúng ta phải khéo léo lợi dụng nó để tu hành.

( Không nên quá quý tiếc thân này. Khi sanh bệnh, chớ quá quan tâm; vì đó là một thứ thử thách. Quá quan tâm thân này nên mới bị thử thách.

Khi bệnh, bạn phải càng thể hội sự vô thường của đời người. Có ai tránh nỗi sanh, già, bệnh, chết, và khổ; do đó; càng phải nổ lực, tăng sức tu hành!

( Khi nổi phiền não, khi lòng tức giận, bạn chớ chấp chặt, truy cứu, đeo đuổi chúng, hoặc tìm xem chúng từ đâu lại. Một khi chấp chặt vào chúng thì lòng bạn sẽ không thể khai mở; rồi vì thế chẳng thể yên lòng tiến tu được.

( Bất cứ việc gì tới, bạn phải nhìn xuyên thủng chúng, đừng chấp trước vào chúng. Quan trọng nhất vẫn là cột bốn chữ "A-Di-Đà Phật" nơi miệng mình.

( Hỏi: Con có đọc sách nói rằng: "Kẻ đã giác ngộ thì đã đoạn dứt  những thứ ác tự mình tạo ra: song y không đoạn từ tánh ác" làm sao để thể hội câu này cho đúng đắn?

Đáp: Phải tu phúc đức. Thí dụ kẻ không có cơm ăn, thì mình cho người ấy chút cơm ăn. Phải luôn tìm cách gíup đỡ người hoạn nạn khốn khổ; như vậy mới là phước huệ đều tu (tức là đoạn dứt mọi thứ ác bằng cách tăng trưởng việc thiện). Và do đó, mình sẽ không còn làm việc ác nữa (Nhờ vậy, tánh ác tự  nó tiêu tan, tâm không khởi ác niệm nữa).

( Cái nghiệp của Phật, Bồ tát chính là lòng lo lắng cho chúng sanh của các Ngài.

( Mau mau tu để về Tây phương, không thì ở đây khổ lắm ! Ở đây bạn thấy nóng nảy, chứ ở Tây phương thì thanh tịnh, mát mẻ.

( Trần gian đầy dẫy đấu tranh - mình phải tìm một nơi an lạc như Tây phương của Đức Phật A Di Đà .

( Mình đã hồ đồ, mê muội lúc đầu thai. Giờ đây, mình cần phải sáng suốt tìm đường đi lúc chết - con đường ấy chính là niệm Phật A Di Đà.

( Ngày nay, bạn mà có thời gian để tu hành là quý báu. Khó được lắm đấy! Để xem bạn có  tìm đặng con đường thoát sanh tử hay chăng. Nếu bạn quá chú trọng, chăm lo cái thân xác này thì bạn chẳng phải tu hành niệm Phật đâu. Quá chăm sóc cái thân xác này, thì không có cách gì giải thoát nổi!.

( Tuy rằng thân ta hiện sinh  ở cõi Ta bà, song nếu mình niệm Phật mà niệm tới lúc tâm tịnh, thì cõi Phật sẽ tịnh. Nghĩa là khi tâm thanh tịnh, không phiền não, không vọng tưởng; thì đó là tịnh độ - cõi tịnh độ ở ngay giữa Ta Bà - mà tâm tức là Tây phương.

( Tây phương Cực-lạc ở tâm ta. Mình cần phải niệm Phật cho tới chỗ tâm thanh tịnh: niệm một cách đầy chú ý, tập trung. Khi niệm Phật, bạn  cần phải phát nguyện vãng sanh Tây phương, rời bỏ trần gian khổ lụy. Chớ nên quá yêu quý, nâng niu cái thân xác thịt này.

( Hễ mình niệm Phật thì hoa sen (ở Tây phương sẽ nở ra). Do đó nói: "Tâm khai (niệm Phật) thì hoa nở".

( Niệm Phật thì mới khiến ta thật sự thanh tịnh. Niệm Phật là con đường dẫn tới Tây phương. Hễ niệm Phật thì mình sẽ tới  đặng Tây phương mà chẳng cần phải mua vé tàu, ngồi phi cơ; bởi thuyền pháp thì không có sắc tướng.

( Niệm Phật, tụng kinh, xem kinh và nói chuyện là bốn việc mà bạn chắc chắn làm hằng ngày. Tốt nhất là ít nói chuyện. Thời gian tụng kinh và xem kinh sách không nên nhiều hơn thời gian niệm Phật là tốt nhất. Niệm Phật vẫn là chủ chốt.

( Xem kinh sách không cần phải quá nhiều. Phàm gặp việc gì, cứ một câu "A Di Đà Phật" là được. Để tránh chuyện thị phi, cũng cứ một câu "A Di Đà Phật". Bạn hãy yên  lặng, lắng lòng mà niệm Phật; niệm tới lúc ngủ thiếp đi luôn càng tốt. Khi tâm tới chỗ chuyên nhất (chỉ một niệm) thì bạn có thể siêu xuất Tam giới thẳng tới Tây phương, khi tu hành, bạn cần phải tập: mắt nhìn mà giả lờ như không thấy, tai nghe mà giả đò như không biết; chỉ thành thật niệm Phật.

( Không cần phải xem nhiều sách vở, chỉ cần niệm Phật cho nhiều. Khi trí tuệ khai mở, tất cả Kinh tạng sẽ tự nhiên ở tại tâm bạn.

( Hiện tại các bạn không đủ chánh niệm, mười  phần không được một; do đó thật là nguy hiểm. Khi bạn niệm Phật nhiều thì đó là Thiền sống.

Có kẻ nói là bế quan, song họ đầy dẫy vọng tưởng, đầu não  không chút  thanh tịnh khi bạn ngồi tịnh tọa lâu, thấy mệt thì nên dậy đi rảo.

Khi bạn niệm Phật mà rời được cảnh giới thì đó tức là Thiền. Bạn phải duy trì chánh niệm. Bởi vì trong tâm bạn còn rất nhiều chủng tử xấu xa.

Khi niệm Phật mà không có chánh niệm thì lòng bạn luôn nghĩ này nghĩ  nọ. Miệng niệm mà tâm hướng ngoại. Nếu bạn thật sự muốn,  thì bạn mới làm cho tâm bạn chuyên  nhất đặng. Nếu bạn không có lòng muốn tu, thì làm sao niệm Phật (chothành công)?

( Niệm Phật mà xa rời được ngoại cảnh, cùng Phật tương ưng, thì mới biết tâm này và Phật giống nhau.

( Việc quan trọng nhất khi niệm Phật là phải nghe tiếng niệm cho rõ ràng.

( Hỏi: Niệm làm sao mới chuyên nhất?

Đáp: Đây cũng là chấp trước. Chỉ cần đừng để ý tới vọng tưởnglà được (thì tâm sẽ chuyên nhất). Bởi vì mình tự  nhủ lòng rằng: "Đừng khởi vọng tưởng"; Song vọng tưởng vẫn cứ tự dấy khởi. Do đó, hễ để ý tới vọng tưởng thì mình lại sanh thêm một vọng niệm; càng để ý tới nó thì nó càng tăng!

( Khi vọng niệm nổi lên, bạn đừng sợ. Hãy mặc kệ, đừng chú ý tới nó là xong. Cứ một lòng niệm "A Di Đà Phật" vọng niệm vốn không có thực thể, từ từ nó sẽ tan biến mất.

( Niệm Phật thì phải tùy duyên. Phàm làm chuyện gì, ở đâu, lúc nào cũng nên tùy hoàn cảnh mà niệm Phật. Không phải nói rằng: "Tôi cần niệm bao nhiêu bao nhiêu hồng danh" hoặc "Tôi đang niệm Phật không thể làm việc được" hoặc "Tôi đang bận rộn, chưa đi niệm Phật được..."

      Mỗi tâm niệm, mỗi ý nghĩ, bạn chớ xa rời cảnh giới Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi - nhất cử nhất động, làm gì bạn cũng cứ niệm Phật. Khóc cũng niệm Phật; cất chân một bước cũng niệm Phật. Sức mạnh của việc niệm Phật vĩ đại vô song, có thể khiến bạn đắc niệm Phật Tam muội (một thứ Định không phải tầm thường).

Khi sinh ra, mình đã mang theo trong người đầy dẫy nghiệp chướng. Do đó, chớ tạo thêm  nghiệp mới để chết rồi lại mang đi; Chẳng lợi ích chút nào cả!

( Nếu tâm bạn còn tham muốn, ham thích, vương vấn chuyện gì, thì khi lâm  chung, việc đó sẽ hiện ra. Bấy giờ, nếu bạn thấy cảnh đó rồi nảy lòng yêu thích, sanh tâm truy đuổi nó, thì kết quả là bạn sẽ lọt thẳng vào vòng luân hồi.

Nếu bạn biết dọn lòng trong sạch niệm Phật, thì khi lâm chung sẽ có hoa sen, Phật Bồ tát và các cảnh giới thù thắng hiện ra. Do đó lúc còn sống bạn cần tu để trừ cho sạch  hết những ham muốn trần tục.

( Khai thị lúc Phật thất: mục đích đả Phật Thất, là để độ chúng sanh vãng sinh thế giới Cực Lạc.

Cõi Ta-Bà thì có sinh có diệt, cõi Tây phương thì bất sinh bất  diệt. Mình đi xuất ngoại thì cần tiền mua vé máy bay, chớ tới Tây phương thì chỉ cần niệm Phật đến độ chuyên nhất, không còn sắc tướng (chấp trước). Đó chính là "bất sinh bất diệt" vậy. Phải niệm Phật mới có chỗ để mình ký thác thân mạng này.

Niệm Phật thì phải niệm niệm không xa rời Phật. Niệm cho rõ ràng, nghe cho phân minh, mỗi chữ mỗi chữ đều phải rõ. Tâm nhớ tưởng, tai lắng nghe, miệng thầm niệm cứ thế mà  nhiếp tâm chuyên chú, nơi Phật hiệu. Hãy buông bỏ mọi chuyện bên ngòai: cứ nương theo tiếng niệm thì tâm sẽ tập trung, chuyên nhất. Bất kể  là "người niệm" hay "Tiếng niệm", bất kể "tôi niệm" hay "bạn niệm"; đại chúng  ai cũng nương theo tiếng niệm Phật thì tâm sẽ chuyên nhất. Tây phương Cực Lạc lại cũng dựa theo tiếng niệm Phật này.

Khi đã Phật thất, bạn chớ để cho ý niệm trần tục lôi kéo tâm mình. Nếu không chuyên tâm, thật uổng cơ hội quý báu này. Do vậy, hãy một lòng một dạ niệm Phật chuyên chú vào tiếng niệm.

( Việc gì cũng phải nhẫn nại; niệm Phật cũng thế. Cứ từ từ tu thì tâm sẽ hết phiền não; sau này sẽ không khác gì Đức Phật A Di Đà; vô cùng tự tại!

( Mỗi ngày làm việc gì; hãy làm cho rõ ràng, với tâm lúc nào cũng hướng về Phật, cũng trên đường Đạo. Như vậy thì  quét rác bạn cũng có thể ngộ Đạo, vì tâm bạn lúc ấy chính là đang quét bụi bặm vô minh!

( Việc niệm Phật phải được phối hợp với việc làm. Niệm Phật cho đến lúc tâm yên tĩnh, thì lúc ấy chính là tự tánh  mình niệm, tức là nhất tâm rồi đó. Khi làm việc cũng cứ niệm Phật; mà kẻ khác thì không biết là mình đang niệm. Cứ chuyên tâm làm việc, đừng khởi vọng tưởng hay nghĩ ngợi gì khác, thì đó mới là nhất tâm, cũng như là tâm Phật hợp với Phật đạo vậy ...

Chỉ khi có chánh niệm thì điều gì mình biểu hiện hay làm ra mới mang tánh cách từ bi; quan điểm mình có cũng tự nhiên là chín chắn, đúng đắn. Đây cũng là tâm Phật vậy.

 

 

TIỂU SỬ HT. TUYÊN HÓA

 

Hòa thượng Tuyên Hóa pháp danh An Từ, tự Độ Luân, là vị truyền thừa thứ chín của phái Quy Ngưỡng Thiền Tông, do đắc pháp từ lão hòa thượng Hư Vân. Ngài sanh vào cuối đời nhà Thanh, tại huyện Song Thành, tỉnh Kiết Lâm, Mãn Châu. Năm 19 tuổi, sau khi mẹ Ngài tạ thế, Ngài liền xuất  gia, kết am tranh bên cạnh mộ mẹ để thủ hiếu ba năm. Trong suốt thời gian ấy Ngài tu thiền định, tập giáo quán, nghiêm  thủ công hạnh, ăn ngày một bữa, đêm ngủ ngồi.

      Năm 1948, Ngài đến Hương Cảng lập Phật Giáo Giảng Đường và những đạo tràng khác. Năm 1962 Ngài mang Chánh pháp đến Tây phương. Tại Mỹ quốc, Ngài khai triển hơn mười bộ kinh Đại Thừa, sáng lập Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới, Vạn Phật Thánh Thành, Học Viện Dịch Kinh Quốc Tế, cùng Đại Học Pháp Giới, trường tiểu học Dục Lương, trường Trung học Bồi Đức và nhiều đạo tràng cũng như những trung tâm giáo dục khác. Với tinh thần quên mình vì người, cả đời Ngài đã tận tụy hy sinh cho chúng sanh. Với lòng từ bi và trí huệ, Ngài đã cảm hóa biết bao người đổi ác làm lành, hướng đến con đường thanh tịnh giác ngộ.

      Ngày 7 tháng 6 năm 1995, Ngài  thị hiện viên tịch tại Los Angeles, Mỹ quốc. Sự ra đi của Ngài giống như mặt trời khuất bóng, khiến ai cũng thương cảm thống thiết. Song dù Ngài thị tịch, nhưng những điều Ngài dạy, gia phong và quy củ thì tiếp tục lưu truyền.

 

 

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Muốn Phật giáo rạng rỡ, mình phải cần nhìn xa, nhìn rộng. Phải làm sao truyền bá Phật giáo tới mỗi quốc gia, tới mỗi thôn xóm, thậm chí tới cả mỗi hạt bụi. Ở nơi ấy mình chuyển đại pháp luân, giáo hóa chúng sinh, khiến cho mỗi chúng sinh ai nấy đều được rời khổ,  vui sướng, thoát vòng sinh tử.

Nếu như bạn chẳng tu hành thì dù đức Thích Ca Mâu Ni Phật có làm  sư phụ của bạn thì cũng chẳng có ích lợi gì.

Vì sao người ta sinh làm người ? Bởi vì có ái (lòng yêu đương) nên mới đầu thai vào thế giới năm trược này. Nếu lòng yêu đương ấy mà giảm thiểu thì mình mới sinh tới nơi khác được, ví như cõi Cực  Lạc, cõi Lưu Ly hay thế giới khác. Người xưa nói rằng: ái không nặng, không sinh Ta Bà; nghiệp chẳng hết, chẳng sinh Tịnh độ.

Tinh tấn là thân tinh tấn và tâm tinh tấn.  Thân tinh tấn thì phải  tụng kinh, lễ lạy, tọa thiền, trì chú, nghĩa là cần phải dùng thân thể để tu hành. Tâm tinh tấn thì trong mọi nơi mọi lúc, bạn phải siêng tu giới định huệ, ngừng bặt tham, sân, si. Ngày cũng tinh tấn mà đêm cũng tinh tấn, lúc nào cũng nhắm về phía trước mà tiến bước chẳng hề lười biếng. Đối với  người tu, tinh tấn là yếu tố vô cùng quan trọng. Mình chẳng thể nào không tinh tấn, vì không tinh tấn thì chẳng thể thành Phật. Muốn thành Phật thì phải tinh tấn.

Mỗi người tín đồ Phật giáo đều phải gánh trách nhiệm làm Phật giáo hưng thịnh.

Nghiệp lực mạnh nhất trong thế giới là nghiệp sát sinh. Quả báo của nghiệp sát sinh thì nặng hơn các nghiệp khác. Chúng sanh cứ hỗ tương tàn sát lẫn nhau, hỗ tương báo thù nhau, thật là việc tối bi thảm trong thế giới này vậy.

Thế giới Cực lạc là do tâm hiện ra. Từ tánh của ta là Tịnh độ, tự tánh của ta là đức A-Di-Đà. Khi không có vọng tưởng, thì  tâm đó chính là Tịnh độ. Khi không có phiền não, thì tâm ấy chính là A-Di-Đà.

Bạn không tin nhân quả báo ứng?  Chờ tới khi nó đổ xuống đầu bạn, lúc ấy muốn trốn cũng trốn không kịp.

Chú Đại bi tức là đại chú của tâm đại bi. Nó có thể thông thiên triệt địa. Nếu bạn có thể mỗi ngày trì tụng 108 biến, liên tục trong suốt 3 năm, thì sau đó bạn có thể dùng chú Đại bi để trị bệnh. Lúc ấy, tay tới là bệnh trừ. Tôi nhắc về công hiệu của chú Đại bi. Hy vọng các bạn mỗi người dùng sức mạnh của chú Đại bi để vãn cứu hạn kiếp (tai ương, đại nạn) của thế giới, khiến cho người ta vĩnh viễn không còn tai nạn, và chánh pháp vĩnh viễn ở mãi trong thế gian.

Tu hành không là chuyện một ngày, một đêm mà thành. Nó đòi hỏi, ngày cũng như vậy mà đêm cũng như vậy: tâm lúc nào cũng tu trì, kiên định không biến đổi. Sau một thời gian lâu dài thì sẽ phát triển thành trí huệ bát nhã. Nếu bạn một ngày tu, mười ngày nghỉ thì vĩnh viễn không thể thành tựu.

Các bạn nên biết, mình sống trên đời, chẳng khác gì cá nằm trong vũng nước cạn. Chẳng bao lâu thì ô hô ai tai, nước sẽ cạn khô. Từ vô lượng kiếp tới ngày nay mình không biết tu hành: Sinh ra rồi chết, chết rồi lại sinh. Thật đau lòng thay. Tại sao cho đến ngày nay mình còn trù trừ chờ đợi, chưa chịu tu hành?

Ai dục chính là sinh tử. Sinh tử chính là lòng ái dục. Ai dục là gốc của sinh tử. Nếu không trừ bỏ lòng  ái dục vô minh thì rốt ráo không thể nào thoát khỏi biển ái sinh tử.

Bạn hãy xem ngày bạn quy y như là ngày sinh nhật của mình. Xem quảng đời tu hành của mình bắt đầu từ ngày này.

Hậu quả của nghiệp sát nặng nề là sẽ hình thành thiên tai nhân họa. Hoặc là động đất, hoặc là sóng thần, hoặc là thời tiết thất thường, quá nóng, quá lạnh, cho tới mưa gió bất định, đủ hiện tượng mà đất nước, nhân dân không chút thanh bình an lạc.

Do sát sinh nên oán khí kết tụ, tràn đầy vũ trụ, rồi dẫn tới đủ thứ tai nạn. Nếu người ta không sát sinh mà phóng sinh, không ăn thịt bất kỳ chúng sinh nào thì những tư tưởng bạo lực ác ôn sẽ tiêu trừ. Vì sao có những người hung tợn, bạo động, dữ dằn? Là bởi do họ ăn thịt. Ăn thịt làm  tăng  thêm  dục vọng, tăng thêm tánh nóng nảy, không còn chút từ bi.

Lúc bình thường thì mình phải biết niệm Phật, tu pháp môn Tịnh độ. Tới khi lâm chung thì mình mới không sinh hoảng hốt, luống cuống, mà sẽ an lạc vãng sinh về cõi Cực Lạc.

Khi người ta thọ ngũ giới, thì mỗi giới họ giữ có năm vị thần hộ pháp  bảo vệ họ. Nếu bạn không giữ giới thì năm vị thần ấy sẽ chạy mất. Thay vào đó sẽ có năm vị ác thần tới.

Có những người tiền kiếp đã tạo ra rất nhiều sát nghiệp; ví dụ như săn bắn, lưới cá, giết gà, mổ trâu, thọc tiết heo, làm thịt chó… Vì những người ấy tạo sát nghiệp quá nhiều nên kiếp này họ mắc phải đủ thứ bệnh kỳ quái, nan y, khó trị.

Niệm Phật một tiếng, sen nở lớn chút. Niệm niệm đều là Nam mô A-Di-Đà Phật thì sen nở lớn như bánh xe. Chờ tới  khi bạn vãng sinh thế giới Cực Lạc thì linh tánh của bạn sẽ an trú nơi hoa sen ấy.

Thế giới Ta Bà thì vạn khổ trùm bủa, vạn ác đầy dẫy. Ai cũng tranh chấp lẫn nhau, chẳng có lúc bình an yên ổn. Ở Cực Lạc thì chẳng có phiền  não, chẳng rắc rối gì cả. Vì vậy mình phải cầu sinh Tịnh độ, hóa sinh từ hoa sen, diện kiến đức Di-Đà, đạt tới quả vị không còn thụt lùi đọa lạc nữa.

Chân thật niệm Phật tức là đi đứng nằm ngồi gì bạn cũng chỉ biết Nam mô A-Di-Đà Phật, sáu chữ hồng danh. Nếu bạn nhìn nước chảy, biết rằng nước chảy; nhìn gió thổi biết rằng gió thổi. Hết nhìn Đông lại ngó Tây, xem xét động tịnh khắp nơi, thì bạn  chẳng chân thật niệm Phật.

Không nên sát sinh ! Tất cả chúng sinh từ kiếp vô thủy đến nay đều là cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của ta cả. Đời trước có thể là cha mẹ tạo tội nghiệp nên kiếp này họ đọa làm heo, bò, dê, ngựa … Nếu bạn mặc tình sát hại súc vật, thì gián tiếp giết hại cha mẹ mình rồi đó.

Công đức trì tụng chú Đại bi không những đẩy lùi nạn trộm cướp, còn làm tiêu trừ trăm bệnh, dẹp tan ma nạn. Do đó mình nên thành tâm tụng trì.

Pháp môn Tịnh độ thích hợp với căn cơ của mọi người. Dùng ít sức mà thành công lớn. Đúng là pháp môn khế hợp với chân  lý, hợp mọi căn cơ.

Pháp môn niệm Phật: người già vì năm tháng chẳng là bao, nên tốt nhất là niệm Phật. Người trẻ vì đời còn dài nên cũng thích hợp để tu niệm Phật. Người trung niên, sau khi đã kinh nghiệm rõ ràng mọi chuyện trên đời rồi cũng nên niệm Phật. Kẻ bịnh không biết bao giờ sẽ chết, cần gấp niệm Phật. Lúc không bịnh, lợi dụng khi thân thể còn khỏe, tốt nhất là niệm Phật.

 

 

Việc lớn trong đời mình là Quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo thì dựa vào hai chữ chân thành. Nếu Quy y cho có lệ, bắt chước, ham vui, cẩu thả vô trách nhiệm, chẳng có cảm ứng gì.

Đến ở trong chùa (hoặc khi đi lễ chùa) bạn nên nói chuyện liên hệ đến Phật lý, đến tu hành. Đừng nên nói người này thế này, người nọ thế kia, toàn chuyện thị phi. Càng nói thị phi, bạn càng đọa lạc. Càng đọa lạc thì càng khó tu học Phật pháp. Vì sao bạn trì chú mà quên hoài? Vì bạn quá tán loạn. Vì sao tụng kinh mà không nhớ? Vì bạn quá tán loạn.

Chúng ta niệm Phật, Phật cũng niệm chúng ta – giống như đánh điện tín đến Phật A-Di-Đà vậy. Đó  gọi là cảm ứng đạo giao. Nếu chúng ta không niệm Phật thì Phật không có cách gì để nhiếp thọ được; thế nên chúng ta phải trì niệm danh hiệu Phật.

Chúng ta lễ Phật, Phật nhận lễ thì phước huệ của chúng ta tăng trưởng. Thế nên, lễ Phật là “cảm”, nhận lễ là “ứng”. Đó là đạo giao.

Nếu bạn chân thành đọc tụng kinh điển thì thường có chư thiên tán hoa, mùi hương thơm lạ tỏa khắp,  quỷ thần cung kính cúng dường.

 

 

 

Nơi đâu là Tịnh Thổ

(Tịnh Thổ còn gọi là Tịnh Độ)

(Lâm Thanh Huyền)

 

      Một hôm, đệ tử của đức Phật Thích Ca là Xá Lợi Phất đã hỏi Ngài rằng:

      - Lạy đấng thế tôn,  tất cả thập phương chư Phật đều có tịnh thổ 1. Phật A-Di-Đà có Tây Phương Cực Lạc, Dược Sư Phật có Đông Phương Lưu Ly Tịnh Thổ.  Thế thì tịnh thổ của Ngài ở đâu?

      Phật Thích Ca mỉm cười, Ngài đưa bàn tay chạm vào mặt đất. Bỗng nhiên tất cả bầu trời, mặt đất, chân mây, cọng cỏ đều biến  thành một màu vàng rực rỡ. Ngài nói với chúng đệ tử rằng:

      - Đây chính là tịnh thổ của ta. Nếu như lòng ta thanh tịnh thì cỏ, cây, mây, nước sẽ đều thanh tịnh. Chỉ vì trong lòng các đệ tử chưa được thanh tịnh, cho nên không nhận rõ được nơi này là tịnh thổ đó thôi.

      Câu chuyện này đã được ghi lại trong quyển Kinh Duy Ma Cật 2.  Lần đầu tiên khi đọc đến đoạn này, tôi phải công nhận là triết lý nhà Phật đã khiến cho tôi tâm phục. Tất cả mọi người trên thế giới đều muốn sau cuộc hành trình dài của cuộc đời, họ sẽ được trở thành một “hội viên” hay “member” của Tây Phương Cực Lạc, Đông Phương Lưu Ly, hoặc Di Lặc Tịnh Thổ. Hầu như tất cả mọi  người đều không muốn lưu lại vùng tịnh thổ của Phật Thích Ca – Ta Bà thế giới. Thật ra thì Ta Bà thế giới hay thế giới chúng ta đang ở còn được gọi là Phàm Thánh Đồng Cư Thổ. Có nghiã là ở vùng đất này, có thánh nhân, có người phàm cùng ở lẫn lộn. Chỉ cần một ý niệm giác ngộ, thì con người có thể siêu phàm nhập thánh. Vì vậy nếu như tất cả chúng sinh trong thế giới mà ta đang ở đều đồng thời giác ngộ, mọi người chẳng thành bậc thánh nhân hết hay sao? Nếu như trong một thế giới mà toàn thể mọi người đều là thánh nhân thì nơi đó chẳng đáng được gọi là Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn, Tịnh Thổ hay sao?

      Theo định nghĩa trong kinh Phật thì tịnh thổ là một  vùng đất hoàn mỹ, lý tưởng, an hòa và viên mãn. Nếu như chúng ta lúc nào cũng hy vọng, cố gắng và phấn đấu để tiến về phía vùng đất lý tưởng này thì quả tim của ta sẽ tự động tìm ra phương hướng để đi về nơi chốn đó. Nếu như một người có tâm hướng về tịnh thổ, thì họ sẽ không bị ô nhiễm vì hoàn cảnh chung quanh mà trái tim của họ sẽ luôn hướng về vùng đất của Phật.

      Trong kinh Phật cũng có một đoạn ghi lại như thế này, một hôm đệ tử Thích Ma Nam hỏi Đức Phật Thích Ca rằng:

      - Thưa đức Thế Tôn, lúc nào lòng con cũng một lòng hướng về vãng sinh3 tịnh thổ. Nhưng con e ngại rằng nếu như cái chết đến với con một cách đột ngột ngoài ý muốn, lúc đó con sẽ không có đủ thì giờ để niệm Phật, nghĩ đến Phật, hoặc hướng ý chí của mình về tịnh thổ, thì sau khi chết con sẽ đi về đâu?

      Phật mỉm cười khoan hòa:

      - Con không nên lo ngại, ta hỏi các con điều này: Có một cây to từ lúc sinh ra cho đến lúc lớn lên đã có khuynh hướng mọc nghiêng về hướng Đông. Nếu trong một ngày mưa gió nào đó, cây to kia bị sét đánh ngã, vậy thì cây to sẽ đổ về hướng nào?

      Các đệ tử của Phật đồng thanh trả lời:

      - Đương nhiên cây đó sẽ ngã về hướng Đông.

      Đức Phật Thích Ca gật đầu nói:

      - Con người cũng như cây to kia thôi, nếu như chúng sinh lúc sinh tiền một lòng hướng về Phật, về tịnh thổ, về tây phương Cực Lạc, thì đến lúc chết họ sẽ tự động đi đến phương hướng mà họ hằng mơ  ước.

Tôi nhớ lại những ngày đầu bắt đầu sùng kính đạo Phật, tôi thường đọc kinh A-Di-Đà. Trong kinh sách này, tôi nhận thấy những triết lý tuyệt vời và lòng đại từ đại bi của đức Phật. Tôi cũng ngưỡng mộ vùng đất Cực Lạc của đức Phật đang ngự, đôi khi tôi còn có tư tưởng là muốn bỏ thế giới Ta Bà tôi đang ở để dọn (move) về vùng vãng sinh Cực Lạc. Trong kinh điển nhà Phật đã diễn tả cảnh Cực Lạc thế giới như thế này:

“Ở  vùng Cực Lạc, mặt đất được lát bằng vàng, nhà cửa đền đài đều xây cao bảy tầng, hoa sen to bằng bánh xe. Trên không luôn luôn được dương tiếng nhạc. Hàng ngày chim chóc bay đến thuyết pháp cùng với con người”.

Cảnh sắc của Tây phương Cực Lạc lý tưởng như vậy. Thế nhưng sự thật thì con người chúng ta thường ham chuộng cái hư ảo xa vời mà quên đi xã hội bằng xương, bằng thịt, có cỏ có hoa, có mây xanh nước biết mà ta đang ở. Vùng đất trước mặt của ta thật dễ dàng trở thành một  vùng tịnh thổ. Tịnh thổ không phải là một trạng thái hiện thực, mà là một sự tượng trưng lý tưởng. Nếu như một con người luôn nghĩ rằng kiếp lai sinh của họ được sinh ra ở một vùng tịnh thổ luôn có “cỏ non xanh ngắt một màu” thì họ sẽ được  tái sinh ở một nơi có đầy cỏ non y như trong mộng ước của họ vậy.

Một ngày kia, Phật Đà cùng các đệ tử đi tản bộ trong một cánh đồng, họ thấy dân làng đang làm lễ tống táng một người vừa hạ thế. Thân thuộc của người quá cố đã tổ chức lễ tống táng rất là trọng thể, chung quanh tang lễ có nhiều vị tu sĩ đang đọc kinh Vãng sinh. Những người tổ chức tang lễ hy  vọng làm như vậy sẽ khiến cho vong linh của người chết được siêu thoát dễ dàng và sớm về đến Tây Phương Cực Lạc. Một đệ tử nhân dịp này đã hỏi đức Phật:

- Thưa đấng Thế Tôn, chẳng hay đọc kinh siêu độ như vậy có tác dụng đưa phần hồn của  người quá cố lên đến cõi Niết Bàn hay không?

Đức Phật mỉm cười, người cúi xuống lượm một hòn sỏi nhỏ ném vào một giếng nước gần đó. Hòn sỏi chạm mặt nước vang lên một tiếng “tủm” rồi chìm xuống đáy giếng. Phật gọi các đệ tử đứng xúm xít gần miệng giếng rồi Ngài truyền rằng:

- Ta đã thảy hòn sỏi nhỏ chìm vào đáy nước. Vậy bây giờ đến phiên các đệ tử hãy đứng chung quanh đọc kinh vãng sinh. Thử xem bao lâu thì hòn sỏi kia có thể nổi lên mặt nước.

Các đệ tử của đức Phật kinh ngạc lên tiếng:

- Thưa Ngài, chúng con nghĩ rằng không có một thứ kinh kệ nào trên đời có thể tụng niệm  cho hòn sỏi kia nổi trở lên mặt nước được cả.

Phật nghiêm trang nói với mọi người:

- Các con biết được điều này là hay. Hòn sỏi chìm xuống đáy nước thì không có một kinh kệ nào có thể tụng để cho nó nổi trở lên. Cũng như một người lúc còn sống mà trái tim họ không hướng về tịnh thổ thì đến lúc chết, bao nhiêu kinh kệ cũng không thể nào đưa họ đến tịnh thổ được. Điều này nhắc nhở các con nên  ghi nhớ là lúc còn sống chúng ta đừng bao giờ nhận chìm chính mình vào đáy nước cả.

Đây là những lời giáo huấn thật sâu sắc và có ý nghĩa. Nếu như một người nào muốn rằng sau khi chết được trở về với tịnh thổ thì lúc còn sống họ phải giữ một thái độ minh mẫn, thanh tịnh, đừng làm ô nhiễm xã hội mà họ đang sống thì mới có được hy vọng đi đến vùng tịnh thổ. Một vị cao tăng ngày xưa là Thiện Đạo đại sư của tông phái Tịnh độ4  đã nói rằng: “Cái tâm an bình là một điều kiện tất yếu để đưa con người đến vãng sinh tịnh thổ”.

Thử hỏi một con người sống ở trong xã hội này mà lúc nào trái tim họ cũng phập phồng lo sợ không an tâm thì làm sao họ có thể đến được vùng đất tự do ? Điều này cũng đồng thời nói lên là khi ta sống trong một xã hội nào thì hãy cố gắng quan tâm đến sự an ninh trật tự trong xã hội đó, ta cũng nên cố gắng giữ cho xã hội được thanh tịnh sạch sẽ. Được như vậy, thì không riêng gì ta, mà tất cả mọi sự vật, mọi người thân, hay nói chung là xã hội mà ta đang cư ngụ sẽ dần dần đi đúng con đường trở thành vùng đất Thiên Đàng, vãng sinh Tịnh Thổ vậy.

 

Chú thích

Tịnh thổ : Tịnh là sạch, vùng đất sạch, tinh khiết, nơi mà chư Phật thuyết pháp, dành riêng cho chúng sinh đắc đạo.

Kinh Duy Ma Cật: Duy Ma Cật sinh cùng thời với đức Phật Thích Ca. Ông đã chấp nhận lý thuyết Phật giáo nên trở thành một tín đồ trung tín. Ông không đi tu mà chỉ là một cư sĩ tại gia, thế nhưng tài biện luận của ông đã nổi tiếng đến đỗi những đại đệ tử của đức  Phật đều phải thán phục. Những trứ  tác và biện chứng của ông đã được lưu truyền và ghi chép lại, về sau đã trở thành một bộ kinh điển quan trọng trong Phật giáo Đại Thừa. Ông cũng duy nhất là một người không đi tu mà được Phật giáo đồ xưng tụng lên hàng thập đại Bồ Tát.

Vãng sinh: ý chỉ khi chúng sinh mệnh chung sẽ đi đến một tha phương thế giới. Trong Phật môn dùng chữ vãng sinh để thay thế cho chữ “chết”.

Tịnh Độ Tông hay Tịnh Thổ Tông là một tông phái Phật giáo tại Trung Hoa. Phật giáo khai sinh từ An Độ, truyền vào Trung Hoa khoảng thế kỷ thứ nhất. Vào khoảng năm 300 A.D. là thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh. Nhiều vị tôn sư trong lúc chú giảng và phiên dịch những kinh sách đã nghĩ theo một đường lối riêng nên chia thành nhiều tư tưởng. Sự phận chia tông phái trong Phật giáo không những không làm Phật giáo chia rẽ, mà còn làm phát triển  tôn giáo này mạnh mẽ thêm. Tông phái Tịnh độ được khai sáng bởi Huệ Viễn Thiền Sư vào năm 334 và sau này lớn mạnh trở thành một trong Bát Đại Tông Phái Phật giáo tại Trung Hoa. Tông phái này tin  tưởng vào Phật pháp nhiệm mầu, những vị tăng ni chủ trương niệm Phật Tam Muội. Có nghĩa là nếu như thành tâm và kiên trì thì tiếng niệm Phật sẽ  lồng lộng vang dội trong trời đất. Vì vậy trong thế giới của Tịnh Độ Tông, có nhiều vị cao tăng  đã niệm Phật hiệu suốt 30, 40 năm không ngừng nghĩ là chuyện thường thấy. Thậm chí có một số tăng nhân không đặt lưng xuống giường đến 50, 60 năm.  Chúng tôi sẽ đưa ra một số cụ thể trong những bài sắp tới.

 

 

Tiểu sử Tổ sư Liên Trì

 

Tổ Sư Pháp Danh là Châu Hoằng, Pháp Tự là Phật Huệ, Pháp Hiệu là Liên Trì; Nguyên con nhà họ Thẩm ở Hàng Châu Phủ. Năm lên 17 tuổi thi đậu cử nhơn, lúc lên 23 tuổi, cha mẹ đều qua đời, nhơn giác ngộ cái tướng đời là vô thường. Liền bỏ tục xuất gia, đến thụ giáo nơi Ngài Vô Môn Đổng Tánh - Thiên Lý Hòa Thượng; Thụ giới nơi Ngài Vô Trần Ngọc Luật tại chùa Chiêu Khánh, trước giới đàn Địa Dũng.

 

      Ngài sanh ngày 22 tháng giêng năm At Vị, hoàng hiệu Gia Tỉnh năm thứ 14 (1535). Tịch ngày 4 tháng 7 năm At Mão, hoàng hiệu Vạn Lịch 43 (1615). Mãn duyên, ngài ngồi niệm Phật mà hóa, tuổi đời được 81 tuổi, tuổi tăng lạp được 50 (hạ).  Ngài là Tổ thứ 8 của tông Tịnh độ.

 

 

 

 


Âm lịch

Ảnh đẹp