04/01/2013 21:12 (GMT+7)
Số lượt xem: 190068
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chữ viết và tiếng nói là phương tiện truyền đạt giữa con người và con người. Loài vật chắc cũng có tiếng nói qua những âm thanh như:hót, kêu, gầm, hú, sủa…để truyền đạt cho nhau nhưng loài vật không có chữ viết.


Con người do trí thông minh, do bản năng tiến hóa, lại có ý thức, sau khi sáng tạo ra chữ viết, lần hồi biết tổng hợp, gọt giũa để biến thành văn chương. Còn tiếng nói cũng cải tiến không ngừng. Ngôn ngữ đi như bóng với hình với văn chương, từ thô thiển trở thành thanh tao, từ thẳng thừng trở nên bóng bẩy, từ thô lỗ trở nên ý nhị. Có thể nói văn chương càng phát triển bao nhiêu thì ngôn ngữ càng đẹp bấy nhiêu. Tư tưởng càng phát triển bao nhiêu thì văn chương và ngôn ngữ càng phong phú bấy nhiêu.

Thế nhưng muốn nắm bắt được tinh hoa ngôn ngữ của dân tộc dứt khoát là phải có giáo dục. Một đứa trẻ không được đi học vẫn nói được, nói liến thoắng đủ điều nhưng không viết được và chắc chắn ngôn ngữ rất nghèo nàn và thường mang âm hưởng “chợđời” chứ không có những ngôn từ của một đứa trẻ được cắp sách đến trường mà ngày xưa gọi là “cửa Khổng sân Trình”. Không những phải học hết Lớp 12 phổ thông mà còn phải bước lên đại học nữa. Một người không thế có tiếng Việt phong phú nếu không học qua các bộ môn như lịch sử, triết học, tôn giáo, luật học, kinh tế học, tâm lý học, chính trị học, xã hội học, nhân chủng học, khảo cổ học, kiến thức về quân sự, ngoại giao... và ít nhất cũng phải biết qua các tác phẩm văn chương lớn của đất nước - cổ cũng như kim. Chỉ cần dành chút ít thời giờ đọc và nhớ ba tác phẩm như Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc và Chinh Phụ Ngâm thôi thỉ vốn Việt Ngữ của chúng ta cũng đã phong phú thêm biết là bao nhiêu.

Viết thì ai cũng có thể viết được. Nói thì ai cũng nói được nhưng xin nhớ cho trong bất kỳ quốc gia nào cũng có hai loại: Ngôn ngữ thượng lưu và ngôn ngữ bình dân; văn chương bác học và văn chương bình dân.

- Ngôn ngữ thượng lưu là lời nói văn vẻ, ý nhị, nhẹ nhàng, lễ  độ, dễ nghe, thâm thúy. Còn ngôn ngữ bình dân không phải là xấu, chân tình nhưng mộc mạc, thường thì cọc cằn, thô lỗ và không giữ gìn ý tứ.

- Văn chương bác học là văn chương cầu kỳ, gọt giũa, xử dụng nhiều ẩn dụ, điển tích. Còn văn chương bình dân không cầu kỳ, nghe là hiểu ngay không cần phải suy nghĩ nhiều. Có một điểm chung là dù loại văn chương hay ngôn ngữ nào đi nữa thì nó cũng phải trong sáng, thông dụng và dễ hiểu.

Theo dòng lịch sử, dân tộc ta đã tiếp nhận nhiều nền văn hóa bên ngoài du nhập vào. Trải qua 1000 năm Bắc Thuộc, tổ tiên chúng ta đã không để mất gốc - mà Việt hóa tinh hoa của học thuật, ngôn ngữ Trung Hoa, biến nó thành tiếng Hán-Việt khiến tiếng Việt trở nên phong phú. Rồi thì 100 thuộc Pháp, cha ông chúng ta cũng không để tiếng Việt bị lai căng. Dựa vào tinh hoa của nền văn chương Pháp, từ đó giản dị hóa, trong sáng hóa tiếng Việt. Còn ngày hôm nay, văn hóa Mỹkhông vào Việt Nam bằng các tác phẩm văn chương, học thuật mà bằng đồng đô-la, Cola Cola, trò chơi (Games), phim ảnh gợi tình, bạo lực và bắn giết. Sách vở du nhập vào không phải là các tác phẩm văn học, học thuật tư tưởng lớn mà là các tạp chí về sắc đẹp, thời trang, son phấn, nước hoa, quần áo lót v.v.. tràn vào như thác lũ. Qua thương mại, qua các trang điện tử, quảng cáo và giải trí cùng với sự bùng nổ của kỹ nghệ truyền thông, tiếng Việt có nguy cơ trở nên một thứ lai căng hổ lốntrong chớp nhoáng. Xin nhớ cho văn hóa Mỹ là một nền văn hóa áp đảo bởi vì nó là một nền văn hóa tiêu thụ đánh ngay vào thị hiếu cấp thời của con người cho nên các quốc gia chậm tiến nghèo khổ không sao cưỡng lại được. Trước nguy cơ đó đã nảy ra tiếng kêu cứu về tiếng Việt trong sáng.

Nói về tiếng Việt trong sáng thì dễ nhưng nội dung của “tiếng Việt trong sáng” là gì? Theo thiển ý, sự trong sáng của tiếng Việt bao gồm nhiều yếu tố như:

- Không lai căng tức không chen tiếng Tây, tiếng Mỹ vào.

- Không tối nghĩa.

- Không gây hiểu lầm.

- Giản dị. (không cầu kỳ, rắc rối)

- Lịch sự, thanh tao.

Trong khi chúng ta chưa có viện hàn lâm, tạm thời dựa vào các tiêu chuẩn này, chúng ta thử “chẩn bệnh” một loại tiếng Việt mới đang được xử dụng tràn lan ở trong nước và hải ngoại.Loại tiếng Việt mới này chentiếng Mỹ,  sáng chế những danh từ kỳ quặc, khó hiểu mang tính khoe khoang, làm dáng.

1) Nội y: Tại sao lại phải dùng chữ khó vậy? Đây chỉ là thứ quần áo lót/đồ lótcủa đàn ông hay đàn bà.

2) Triều cường: “Triều cường làm ngập đường phố Hà Nội.”  Tại sao không dùng chữ nhẹ nhàng và dễ hiều hơn “ Nước dâng cao làm ngập đường phố Hà Nội.”

3) Các thiết bị siêu trường siêu trọng: Các thiết bị nặng và dài. Các thiết bị quá nặng và quá dài.

4) Xe container: Xe vận tải hạng nặng, xe tải hạng nặng.

5) Các container: Các kiện hàng, thùng hàng

6) Bunker/Boong-ke: Hầm trú ẩn.

7) Blog: Trang tin chuyên đề/ trang chuyên đề. Blogger: Người viết trang chuyên đề.

8) Audio-visual: Âm thanh & hình ảnh/ phần âm thanh & hình ảnh.

9) Bình ắc-quy: Bình điện. Sạc (Charge): Tiếp điện, nạp điện.

10) Trái cherry to, đỏ mọng…Xin nhắc khéo báo phapluattp.vn rằngcherry là trái anh đào.

11) Mát-xa (Massage): Đấm bóp, nghề đấm bóp.

12) Ảnh nude: Ảnh khỏa thân, lõa thể.

13) Hot girls :  Gái ăn mặc hở hang, khiêu dâm.

14) Ăn mặc hot: Ăn mặc hở hang, khiêu dâm.

15) Ảnh hot: Ảnh có cảnh khiêu dâm hoặc gái ăn mặc hở hang, khiêu dâm.

16) Bản nhạc ấy hot lắm: Bản nhạc đang được ưa chuộng.

17) Thị trường đang hot: Thị trường bán rất chạy (trái với ế ẩm)

18) Top ten: Mười…đứng đầu. Mười hạng đầu.

19) Email: Điện thư.

20) Logo: Huy hiệu.

21) Mít-tinh: Cuộc biểu tình, buổi tập họp.

22) Tiêm vaccine: Trích ngừa, chủng ngừa.

23) Logic: Thuận lý, hợp lý,lý đương nhiên(không cần tranh biện).

24) Clip: đoạn băng, đoạn thu hình ngắn. Mỹ định nghĩa clip: “A short part of a movie or television program...”

25) Một số danh từ quân sự: Nên sử dụng danh từ có sẵn trong ngôn ngữ Việt vừa mạnh vừa sắc gọn: Ví dụ: Tàu pháo = Pháo hạm; Tàu tuần dương= Tuần dương hạm; Tàu hộ tống= Hộ tống Hạm; Tàu khu trục = Khu trục hạm & Trục lôi hạm; Tàu khinh tốc= Khinh tốc hạm; Tàu vận tải= Quân vận hạm; Cảng quân sự= Quân cảng. Ví dụ:  Quân Cảng Cam Ranh để phân biệt với Thương Cảng Cam Ranh;  Đội tàu= Hạm Đội. Ví dụ: Hạm Đội Phú Quốc, Hạm Đội 7 v.v..

26) Bắt khẩn cấp: “Cảnh sát bắt khẩn cấp…” nghe nó kỳ làm sao ấy. Tại sao không dùng “Cảnh sát đã bắt ngay, bắt gấp nghi phạm…” hoặc “Tòa ra lệnh tức tốc bắt ngay can phạm

27) Đóng mới: Đóng tàu là đóng tàu mới rồi, chẳng ai đóng tàu cũ cả cho nên thêm chữ ”mới” là thừa.

28) Cà- phê đểu: Đây là loại “cà-phê giả” nhưng cách dùng chữ của tác giả khiến người đọchơi khó chịu. Xin nhớ cho có nhiều cách để diễn tả cùng một sự kiện, cách thì thanh tao, cách thì thô tục. Khi một đất nước tiến lên thì mọi thứ cũng phải tiến lên kể cả ngôn ngữ. Ngày nay hình như trên thế giới người ta dần dần loại bỏ những ngôn từ nghe có vẻ kỳ thị, xúc phạm, khinh rẻ hoặc gây ấn tượng bạo động. Chẳng hạn chữ nigger(mọi đen) ở Mỹ không ai dám nói nữa vì nó dùng để hạ thấp người Da Đen. Con ngườikhông thể ăn mặc thời trang, đi xe lộng lẫy, ở biệt thự, son phấn đầy người mà lại nói năng thô bỉ. Ngôn ngữ của một dân tộc có “văn hiến” thì mỗi ngày phải mỗi đẹp hơn và thanh tao hơn. Cho nên theo tôi một số ngôn từ sau đây như: đồ đểu, đồ con đĩ, đồ thất học, đồ hèn, đồ ngu, thằng mọi, đồ mất dạy, tiên sư cha mày v.v.. cũng cần phải loại bỏ trong ngôn ngữ Việt Nam.

29) Hoành tráng: Ngày nay ở Việt Nam cái gì cũng “hoành tráng” làm cho một số tính từ diễn tả vẻ đẹp lần hồi trở nên bị “tuyệt chủng”chẳng hạn như: Một ngôi nhà bề thế, một phòng hội khang trang, một khu chợ ngăn nắp, một kiến trúc trang nhã, một lâu đài tráng lệ, một cuộc diễn binh hùng tráng, một cung điệnnguy nga, một ngọn núi hùng vĩ, một ngôi chùa cổ kính v.v…Nếu tất cả những tính từ trên được thay bằng hai chữ “hoành tráng” thì tiếng Việt sẽ ra sao?

30) Rất đẳng cấp: Cầu thủ đó rất đẳng cấp, bộ quần áo rất đẳng cấp, chiếc xe thuộc loại đẳng cấpBộ kho tàng ngôn ngữ Việt không còn chữ nào để thay cho hai chữ “đẳng cấp” nữa sao? Tại sao không nói: Cầu thủ nhà nghề, cầu thủ quốc tế, cầu thủ đắt giá; bộ quần áo đắt tiền; xe thuộc loại sang v.v.. Ngoài ra tự thân hai chữ “đẳng cấp” chỉ có nghĩa là “thứ bậc” như “đẳng cấp thấp”, “đẳng cấp cao” chứ  nó không có nghĩa là cao, giỏi, sang. Từ Điển Việt Nam do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành năm 2000 nơi trang 291 định nghĩa: đẳng cấp là thứ, bậc, hạng trong xã hội như đẳng cấp xã hội.

31) Phỏng vấn trực tuyến: Chữ tuyến nghe có vẻ hình học. Nào là trung tuyến, tiếp tuyến v.v…Tại sao không dùng “phỏng vấn trực tiếp” hoặc “giải đáp trực tiếp” tức không qua trung gian nào, mà trực tiếp trên truyền hình hoặc họp báo chứ không chờ tới ngày mai hoặc trả lời bằng thư.

32) Văn hóa ẩm thực: Văn hóa bao gồm nhiều lãnh vực như: cách ăn uống, y phục, nói năng, lễ nghi, chữ viết, giao tiếp, cư xử v.v…Nếu nói văn hóa ẩm thực thì chẳng lẽ lại có thêm văn hóa lễ hội, văn hoá y phục nữa sao? Vậy nói “văn hóa ẩm thực” là không đúng. Đó chỉ là các món ăn và cách ăn uống mà thôi. Khi chúng ta du lịch Hòa Bình chẳng hạn, ngoài việc ngắm phong cảnh, dĩ  nhiên chúng ta còn muốn thưởng thức các món ngon, lạ, độc đáo của đồng bào Mường và chỉ có thế. Nếu nói, “Chúng ta khám phá văn hóa ẩm thực của đồng bào Mường” nghe có vẻ “ghê gớm” quá.

33) Giải phóng mặt bằng: Nên thay bằng “giải tỏa mặt bằng” cho nó nhẹ nhàng. Chính phủ có thể giải tỏa một khu ổ chuột để chỉnh trang đô thị.Nhưng nếu nói “ Giải phóng một khu ổ chuột” có thể gây hiểu lầm là cứu dân ở đây ra khỏi cuộc đời lầm than như “giải phóng nô lệ” chẳng hạn.

34) Cảng biển: Nghe rất lạ tai. Tại sao không dùng “hải cảng”? Còn “cảng bay” tại sao không dùng “ phi cảng” ? Trong nước hiện có “Cảng Hàng Không Quốc Tế Đà Nẵng”. Rút gọn hơn chúng ta có thể dùng “Phi Cảng Quốc Tế Đà Nẵng”.

35) Báo vietnamnet.vn: “Những ‘bí mật’ trong hầm đường bộ Hải Vân” Sao dùng chữ “khó” quá vậy? Xin đơn giản thành “Những ‘bí mật’ trong đường hầmĐèo Hải Vân.” giống như “đường hầm Thủ Thiêm”. Nếu chúng ta viết “hầm đường bộ Thủ Thiêm” thì độc giả sẽ nghĩ sao?

36) Cũng báo vietnamnet.vn:Hội chứng hot girl nude giữa thiên nhiên”. Thực ra tác giả muốn đưa tin: Có một “bệnh dịch” hoặc “thói bắt chước” tạp chí dâm ô Mỹ chụp hình cởi truồng ngoài trời (để nổi tiếng) nhưng lại dùng một đoạn văn thật kỳ lạ.

37) Báo phunutaday.vn:  “Thành phố….vừa điều chuyển hai công chức không ’vừa lòng’ dân”. Chữ “điều chuyển” nghe chưa quen, nên nói là “thuyên chuyển”. Nếu trong quân đội thì nói là “thuyên chuyển tới một đơn vị khác”. Còn hai chữ “điều động” thì có nghĩa là điều động binh lực, nhân lực, điều động một lực lượng an ninh v.v..

38) “Bố nghiện ma túy giết con 10 tháng tuổi”: Chữ tuổi ở đây là thừa mà chỉ cần viết “Bố nghiện ma túy giết con mới 10 tháng” thì ai cũng hiểu.

39) “Người cao tuổi được mua vé xe buýt trợ giá”. Nên viết “Người cao tuổi được giảm vé xe buýt”. Viết  báo cốt ở nhẹ nhàng, giản dị, dễ hiểu.

40) Báo giaoduc.net.vn có tựa đề: “Bé sơ sinh hai đầu ở Sóc Trăng đã tử vong”. Chữ “tử vong” có nghĩa là chết. Còn “thương vong” có nghĩa là vừa chết vừa bị thương. Vậy tại sao không dùng hai chữ “đã chết” cho nó nhẹ nhàng hơn?

41) Cận cảnh (close-up) là ảnh chụp gần, kề sát mặt. Nếu không phải là ảnh chụp gần mà chỉ là khoảng cách bình thường thì không được dùng hai chữ “cận cảnh”.

42) Chùm ảnh: Chữ “chùm” làm chúng ta liên tưởng tới chùm nho, chùm nhãn, dính chùm v.v…Vậy thì nên dùng chữ “một loạt hình ảnh”, “một số hình ảnh”. Ví dụ: Một số hình ảnh về đại hội…

43) Tiền boa: Nói đầy đủ là “pour boire” theo cách lịch sự của người Pháp  coi đó chỉ là chút “tiền trà nước”. Vậy thì nên dùng tiền trà nước thay vì “tiền boa” vì ông Tây đã rời Việt Nam lâu lắm rồi.

44) Minh họa (Illustrated): Là hình vẽ của họa sĩ để diễn tả, trình bày một cuốn sách, một câu truyện. Nếu ngoài bìa cuốn sách ghi “Illustrated by” có nghĩa là “Vẽ bởi họa sĩ”. Nếu ghi “ photography by”có nghĩa “Hình ảnh của”. Ví dụ, trong một bài viết nói về Khu Trục Hạm Lý Thái Tổ mà chúng ta không có tấm hình của chiếc này và thay thếbằng tấm hình của chiếc khu trục hạm khác thì chúng ta không được ghi “Hình minh họa” mà chỉ cần ghi chú ở dưới tấm hình “Đây là hình ảnh khu trục hạm ABC một loại tương tự” thì độc giả hiểu ngay. Ngày nay câu “ hình minh họa” được dùng tràn lan ở trong nước để phụ chú dưới tấm hình…như thế là hoàn toàn sai. Xin nhớ cho minh họa có nghĩa là vẽ ra, diễn tả bằng tranh chứ không phải bức hình thật hoặc bức hình thay thế. Nếu không biết thì cứ mở  sach vở, báo chí Nhật, Mỹ, Nga… ra mà học thì biết ngay.

45) Trồng cây xanh: Trồng cây là đủ rồi bởi vì cây nào lá chẳng xanh? Nói thêm “xanh” là thừa. Nói “trồng cây xanh” chẳng khác nào nói “Trồng gấc đỏ”. Xin thưa gấc nào mà chẳng đỏ? Chúng ta thường nói “Đỏ như gấc”. Tuy nhiên cũng phải để ý là có khá nhiều loại cây lá không xanh mà nâu hoặc nâu đậm. Nếu “trồng cây xanh” thì chẳng lẽ không trồng các loại này sao? Ngày xưa các cụ đã chế giễu cách dùng văn thừa thãi và trùng lập qua hai câu thơ:

Nửa đêm giờ tý canh ba.

Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi.

46) Báo Tuổi Trẻ đi một tiêu đề như sau “Cầu thủ bóng đá VN luôn luôn thua thiệt cầu thủ ngoại khi tranh chấp bóng tay đôi do hạn chế về thể lực và thể hình.” Câu văn này nặng nề giống như dịch lại từ một đoạn văn từ báo Hồng Kông, Đài Loan. Người ta nói “tranh bóng” chứ  không nói “tranh chấp bóng”. Chữ “ tranh chấp” nên dành cho tranh chấp quyền lực, tranh chấp lãnh thổ. Ngoài ra các chữ “thể  lực và thể hình” nghe “đao to búa lớn quá” không thích hợp trong lãnh vực thể thao. Chúng ta có hai chữ “sức vóc” vừa giản dị vừa dễ hiểu tại sao không dùng? Xin thưa “sức” là sức khỏe,  “vóc” là sự cao lớn, tầm vóc. Nếu thay bằng hai chữ này, bỏ bớt những chữ thừa thì câu văn sẽ gọn nhẹ, từ 27 chỉ còn 19 chữ “Cầu thủ Việt Nam khi tranh bóng luôn luôn lép vế/thua cầu thủ nước ngoài do sức vóc kém.

47) Báo giaoduc.net.vn: “Cô gái xinh đẹp hát ca trù làm xiêu lòng người nghe.” Ông phóng viên nào đó dùng chữ “xiêu lòng” không đúng. Xiêu lòng có nghĩa là mới đầu không bằng lòng, sau thuyết phục, nói mãi thì “xiêu lòng” tức thuận theo. Tôi cũng đã xem đoạn băng này. Thực ra trong cuộc thi hát, cô thí sinh này còn trẻ, xinh xắn, mới 18 tuổi, màhát được ca trù (cũng tàm tạm) cho nên chinh phục được hoặc tạo thiện cảm nơi khán giả chứ không phải làm “xiêu lòng” khán giả.

48) Đắng lòng trước cảnh…: Từ trước đến giờ chưa có sách vở nào viết “đắng lòng” cả mà chỉ thấy viết “Đau lòng trước cảnh…” Xin quý ông/bà làm ơn coi lại hai từ này. Bà Huyện Thanh Quan viết “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,chứ bà không viết “Nhớ nước đắng lòng con cuốc cuốc”.

49) Báo giaoduc.net.vn: “Chi phí dao động từ 30.000 USD đến 60.000 một năm”. Chữ ‘dao động” ở đây  thừa. Chỉ cần viết “Chi phí khoảng từ 30,000 USD đến 50,000 USD một năm” là người ta hiểu rồi.

50) Cũng lại giaoduc.net.vn: “NoithatVP đang thanh lý các sản phẩm tủ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.” Trời ơi! Các sản phẩm tủ là gì? Tại sao không viết, “các loại tủ” cho ngắn gọn và dễ hiểu?Ngoài ra chữ “thanh lý” làm người đọc liên tưởng tới sự “thanh lý môn hộ” tức truy lùng, giết những kẻ phản nghịch trong các môn phái (cũng giống như “thanh trừng”vậy).Do đó chúng ta nên thay thế bằng các chữ giản dị hơn như “giải quyết” hoặc”bán hết” hoặc “tống hết”. Nếu thế thì câu văn sẽ tạm gọn nhẹ như sau: “NoithatVP đang muốn bán/giải quyết hết tất cả các loại tủ xuất cảng sang Nhật Bản.”

51) Báo phunutoday.vn: Trong tiết trời lạnh giá, boots cao cổ có lẽ là lựa chọn hàng đầu.” Chẳng lẽ tiếng Việt không có chữ nào để dịch chữ bootssao? Xin thưa đó là “giầy cao cổ” hoặc “giầy ống”. Thật lạ lùng! Bao kẻ sống xa quê hương mấy chục năm trờimà vẫn tha thiết với tiếng Việt tinh ròng, trong khi kẻ ở trong nước tiếng Anh tiếng Pháp chẳng bao nhiêu, lại tập viết lối văn hổ lốn chen tiếng Tây tiếng Mỹ vào.

52) Báo vnEpress.net: Có một tựa đề “Gu đàn ông của phụ nữ qua từng độ tuổi.” Xin thưa “gu” (gout) có nghĩa là “sở thích”. Ý của tác giả muốn nói,Sở thích của phụ nữ về đàn ông tùy tuổi tác.” nhưng lại diễn tả bằng một câu văn thật trúc trắc. Rồi Thời Báo Kinh Tế Saigon OnlineChương trình truyền hình càng lắm scandal thì rating tăng vọt.” Thật lai căng hết chỗ nói! Giống hệt như trẻ con nói tiếng Việt ở Mỹ.

53) Báo Vietnamnet.vn: “Việt Nam trong cuộc chơi quyền lực Mỹ- Trung.”Cuộc chơi quyền lực chính là cuộc đọ sức. Tại sao không dùng hai chữ ấy cho giản dị và sáng sủa hơn?

54) Trang BBC tiếng Việt ngày 1/1/2013:Ít nhất 60 người đã bị dẫm đạp chết...” Ý tác giả muốn nói “ Ít nhất 60 người dẫm đạp lên nhau mà chết..” nhưng lại dùng một câu văn khiến độc giả có thể hiểu 60 người này bị voi hoặc trâu bò dẫm đạp lên mà chết! Xin nhớ cho khi dùng chữ “bị” tức thể thụ độngthì phải nói bị cái gìnhư : bị voi giày, bị xe cán, bị trâu bò húc chết v.v.. Chính mình làm thì không dùng chữ “bị”.

55) Trang VOA tiếng Việt: “Hàng ngàn fan ở Đài Loan đã đến xem buổi ca nhạc..”; “trang web xã hội”; “vi rút trong bao tử”; “không chịu gia hạn visa”; “một chương trình doping chuyên nghiệp”…và còn rất nhiều nữa. Xin thưa fan người hâm mộ, vi rút siêu vi trùng, visa nhập cảnh, dopingdùng thuốc kích thích. Trang báo mang tên “tiếng Việt” mà thực tế lại là “tiếng Việt lai Mỹ”.

Tạm kết luận:

Viết một bài báo, một bản tin, đặt một tựa đề không phải dễ. Mình viết ra rồi cần có chủ bút/chủ biên duyệt lại. Ở Mỹ mà viết bậy, viết kém thì tiêu tan sự nghiệp, chỉ có nước tìm nghề khác kiếm ăn. Viết bậy, viết nhảm, viết thiếu đứng đắn làm giảm giá trị người viết và xúc phạm độc giả. Nói về chuyện viết văn thiếu đứng đắn tôi có một kỷ niệm thời thơ ấu lúc còn học Lớp Đệ Thất (Lớp 6) năm 1955 ở trong Nam như sau: Trong một bài luận văn mô tả một buổi đi câu tôi đã dùng hai chữ “khoái tỉ” tiếng mà bọn trẻ Miền Bắc hay dùng lúc bấy giờ có nghĩa là “sung sướng”. Chấm bài xong thầy Nguyễn Tri Tài - người Huế- gọi tôi lên nói, “Chữ khoái tỉ không được đứng đắn, con không nên dùng.” Nghe thầy nói vậy tôi “ngộ” ra ngay và cho tới ngày hôm nay, dù đã hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn  nhớ lời thầy là phải dùng chữ cẩn thận khi viết văn. Đừng tưởng lời nói hay bài viết sẽ qua đi như một cơn gió thoảng - mà nó còn “tạo nghiệp”- nghiệp lành hay nghiệp dữ - tức gây tác hại cho người khác và cho chính mình theo giáo lý nhân-quả của nhà Phật. Trong cuốn hồi ký của một nhà vănxuất bản ở hải ngọai -một ông chuyên viết truyện dài đăng trên báo hằng ngày màMiền Nam lúc bấy giờ gọi là viết“feuilleton”. Ông thường chen vào truyện một vài chi tiếtkhiêu dâm, gợi dục để “câu” độc giả trẻ. Một ngày kia cô con gái về khoe với ông, “ Ba ơi! Con bạn học của con đọc tới cái đoạn…mà ba viết, nó thích quá rùng cả mình !!!” Nghe con gái nói thế ông toát mồ hôi, không ngờ những gì mình viết ra đã ảnh hưởng đến chính cô con gái cưng. Từ đó ông không bao giờ dám viết văn theo cái kiểu chen vào những chi tiết khiêu dâm nữa.  Hiện nay chữ “nhí” đang được dùng tràn lan trong nước. Xin nhớ cho chữ “nhí” là tiếng lóng dùng để chỉ “nhỏ, bé” có ý diễu cợt, không đứng đắn. Nếu dùng không đúng chỗ sẽ làm tổn thương người ta.Dù là trẻ em cũng có nhân cách của trẻ em. Chẳng hạn nếu chúng ta nói “ca sĩ tí hon”, “nhạc sĩ thần đồng”, “chú tiểu nhỏ”,  “con chim bé bỏng” nghe có vẻ thanh tao hơn là “ca sĩ nhí”, “nhạc sĩ nhí”, “chú tiểu nhí”, “con chim nhí”. Làm phóng sự, viết bản tin phải viết một cách trung thực, nghiêm túc, không bông đùa, châm chọc hoặc khôi hài vô ý thức. Bài viết sẽ bộc lộ tư cách và trình độ của người viết. Người xưa nói, “Văn tức là người”.

Ngôn ngữ và văn chương là tài sản vô giá do tiền nhân để lại,chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy cho mỗi ngày thêm sáng đẹp.Do giao tiếp với nhiều nguồn văn hóa ngoại lai, những chữ nào có thể dịch sang Việt Ngữ thì phải cố mà dịch cho được để giữ gìn ngôn ngữ và văn chương Việt cho thuần khiết. Chen tiếng ngoại quốc vào tiếng Việt một cách bừa bãi khiến tiếng Việt trở nên lai căng, hổ lốn. Muốn thế thì phải học hỏi và nhất là phải cẩn thận và viết với tinh thần trách nhiệm.Trách nhiệm có nghĩa là hiểu được hậu quả của những gì mình viết ra. Nếu không giỏi thì cứ học theo người xưa mà viết ra, cố “sáng chế” tức viết bậy, viết nhảm. Chúng ta không nên đùa rỡn, nói mạnh hơn là phá hoại ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc. Học tiếng nước ngoài là để giao dịch, làm ăn buôn bán và nghiên cứu những kiến thức mà sách Việt không có. Học tiếng nước ngoài không có nghĩa là để về hủy hoại tiếng mẹ đẻ hoặc thỉnh thoảng “xổ” ra vài tiếng để chứng tỏ mình văn minh hơn đời hoặc có vẻ “Mỹ”đây. Người Mỹ có bắt chước ai đâu? Họ đứng trên đôi chân của họ. Tại sao ta phải tự ti mặc cảm về ngôn ngữ của dân tộc mình? Chuyện “nói tiếng Tây ba rọi” đã xưa lắm rồi và bị mỉa mai suốt thời kỳ Thực Dân Pháp còn đô hộ nước ta. Sau hết, cũng xin nhớ cho muốn giữ gìn tiếng Việt trong sáng thì tâm hồn mình cũng phải trong sáng trước đã.Tâm hồn trong sáng là tâm hồn của một người yêu nước Việt và tiếng Việt. Khi mình nói mình yêu cha mẹ tức là phải làm sao cho cha mẹ sung sướng. Còn khi mình nói mình yêu tiếng Việt có nghĩa là mình phải làm sao cho tiếng Việt mỗi ngày mỗi trở nên sáng đẹp, thanh tao.

Đào Văn Bình (California ngày 02/01/2013)


Âm lịch

Ảnh đẹp