16/10/2018 09:26 (GMT+7)
Số lượt xem: 1685
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Trong  Kinh Kim Cang, có một đoạn vấn hỏi và đối đáp giữa Đức Phật và Ngài Huệ Mạng Tu Bồ Đề:
“Này Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Như Lai có mắt trần không? Bạch Đức Thế Tôn thật vậy, Như Lai có mắt trần.”


“Này Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Như Lai có mắt Trời không? ? Bạch Đức Thế Tôn, thật vậy, Như Lai có mắt Trời.”
“Này Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Như Lai có mắt huệ không? ? Bạch Đức Thế Tôn thật vậy, Như Lai có mắt huệ.”
“Này Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Như Lai có mắt pháp không? ? Bạch Đức Thế Tôn thật vậy, Như Lai có mắt pháp.”
“Này Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Như Lai có mắt Phật không? ? Bạch Đức Thế Tôn thật vậy, Như Lai có mắt Phật.”
Mắt ở đây phải hiểu là cách nhìn, cái mà mình cảm thấy, cái mà mình cho rằng, cái mà mình biết do nhìn thấy.
Để tìm hiểu xem năm loại mắt này khác nhau như thế nào, chúng ta có thể lấy một thí dụ như: Bộ quần áo của cô công chúa hay công nương đang mặc, mới mặc, hoặc sẽ mặc đang được ầm ĩ đưa lên báo chí, truyền hình, lên các diễn đàn toàn cầu.
-Đối với những người có con mắt trần, mắt thịt, mắt tục như chúng ta thì đua nhau khen ngợi, ca tụng vì nó đẹp quá, sang quá, quý phái quá. Rồi người nghèo, không đủ tiền mua thì thèm khát. Còn người giàu thì tìm cách mua, mặc vào, khoe khoang để cho mọi người thấy mình cũng sang cả, quý phái như công nương hoàng tử. Mắt trần là con mắt thường tình của thế gian.
Mắt trần là con mắt của chúng ta, nơi nào cũng có mắt trần. Mắt trần là con mắt thấy vàng bạc quý hơn ngô khoai. Công nương hoàng tử hơn trai gái quê hèn. Bằng cấp, học vị thông minh hơn không có học. Có tiền thì giàu sang, không tiền thì nghèo hèn. Quyền thế thì uy nghi, không quyền thế thì dân giả. Mắt trần là con mắt phân biệt. Từ mắt trần mà sinh ra tình cảm thương-ghét, ngưỡng mộ hay chê bai, khinh thường hay quý trọng. Mắt trần là con mắt chấp trước vào cái hiện tại, chớp mắt trong hiện tại. Mắt trần luôn luôn quay đảo và biến đổi khôn lường: Thương đó rồi ghét đó, quý đó rồi ruồng bỏ, tin đó rồi phỉ báng, ngưỡng mộ rồi chê bai, háo hức mua rồi quăng đi, dựng tượng lên rồi truất phế. Mắt trần là con mắt của chúng sinh bị cuốn hút bởi ảo ảnh cuộc đời. Mắt trần tạo hạnh phúc nhất thời nhưng chứa đầy phiền não. Mắt trần là do kinh nghiệm, do tiếp xúc, do nhiễm trần cấu mà có. Thế nhưng muốn làm ăn buôn bán, làm giàu, muốn danh vọng, nổi tiếng, muốn quyền thế thì phải có mắt trần.
-Mắt Trời là con mắt của người ở một nơi mà vàng bạc nhiều hơn đất cát, kim cương nhiều hơn sỏi đá, quần áo dệt bằng tơ trời, con người cao lớn thân thể đẹp đẽ, thọ mạng cả ngàn năm. Mắt Trời là con mắt của kẻ giàu sang tột đỉnh nhìn kẻ nghèo hèn. Mắt của nước văn minh nhìn kẻ nô lệ, mắt của nước tiến bộ nhìn người chậm tiến. Nó cũng là con mắt của trí tưởng tượng. Nhìn bằng con mắt này thì bộ quần áo đắt giả cả chục ngàn đô-la của cô công chúa kia cũng giống như chiếc áo vá. Và kim cương đang đeo trên người kia thì cũng giống như cục đá ở Thiên Đình.
-Mắt trí tuệ là mắt của người biết phân tích, biết tìm hiểu và tìm hiểu đến tận cùng của sự vật. Bằng con mắt này thì bộ quần áo của cô công chúa kia có khi còn xấu hơn cả bộ quần áo của một tài tử điện ảnh, một cô ca sĩ nhạc Pop, của cô người mẫu ở Paris, Roma, New York hay Tokyo. Nó cũng có thể chỉ là thủ thuật để bán hàng bằng cách biếu tặng bộ quần áo cho cô công chúa rồi tung tiền quảng cáo ầm ĩ hầu hốt bạc. Mắt trí tuệ là mắt tìm hiểu đến ngọn nghành, đến mọi ngõ ngách, nhìn thấu suốt sự thật sâu thẳm ở bên trong. Con mắt trí tuệ sẽ đưa tới Chánh Kiến tức cái nhìn chân chính, đúng đắn, không thiên lệch.
-Mắt pháp là con mắt nhìn bằng giáo pháp của Đức Phật. Qua con mắt này thì muôn vật không có tự tánh, giả tạm và nương tựa vào nhau mà có. Nếu vậy thì bộ quần áo kia không mang một giá trị cỗ hữu nào. Kẻ ưa chuộng thì cho nó là sang cả. Còn kẻ không ưa chuộng thì cho nó là tầm thường. Bộ quần áo đó không có giá trị vĩnh cửu, vài ngày sau, nó có thể trở thành đồ rởm quăng đi. Bộ quần áo đó tự nó không có giá trị gì. Giả sử cũng bộ quần áo đó nếu do một “cô bé lọ lem” mặc vào thì nó có sang cả hay không? Hay giá trị quý phái của nó nương nhờ vào địa vị của cô công chúa? Nói khác đi, giá trị của nó là vay mượn, không thực.
-Mắt Phật là con mắt sáng như gương. Nhìn thấy rõ muôn vật nhưng không khởi một niệm. Bằng con mắt Phật thì bộ quần áo của cô công chúa kia nó chẳng sang mà cũng chẳng hèn. Nó chẳng đẹp mà cũng chẳng xấu. Cho nên bằng con mắt Phật chúng ta sẽ không động tâm. Bằng con mắt Phật chúng ta sẽ không khởi tham dục. Từ không tham dục mà không phiền não. Từ không phiền não mà tâm an tịnh mà ở nơi chư Phật gọi là đại định.  Mà đại định là Niết Bàn. Con mắt Phật cũng là con mắt của trí tuệ Bát Nhã và nó cũng là Phật tánh.
Này bạn ơi,
Chư Phật, chư Bồ Tát có cả năm con mắt.
Nhưng chúng sinh chỉ có mắt trần.
Mắt trần khởi ham muốn, khen chê rồi ghét bỏ.
Từ khen chê, ghét bỏ mà gây bao phiền não.
Từ phiền não nếu không kiềm chế liền tạo nghiệp,
Khiến khổ đau cho mình và cho người khác.
Cho nên chúng ta cần có con mắt trí tuệ trong đời.
Bằng con mắt trí tuệ chúng ta thấy rõ bản thể của muôn loài.
Những gì che dấu ở bên trong.
Đó là cái nhìn tròn sáng.
Lúc đó,
Chúng ta sẽ cư xử một cách chừng mực.
Không căm thù như người khác căm thù.
Không la ó như người khác đang la ó.
Không khen như người khác đang khen.
Không lên án, đòi giết như người khác đang đòi giết.
Con mắt trí tuệ cũng là con mắt Pháp.
Nó là nền tảng để đi lên con mắt Phật.
Bạn ơi,
Hãy trang bị cho mình bằng con mắt Tuệ.
Bạn sẽ thấy đời mình hết sức nhẹ nhàng.
Ít khi vướng mắc,
Không bị trói buộc vào đâu.
Không bị đám đông cuốn hút.
Không bị lùa đi như đàn cừu,
Hay như con trâu sỏ mũi.
Từ đó mà tự do, thảnh thơi, an tĩnh.
Nếu bạn nhìn đời,
Mà còn đối sánh và bình phẩm lung tung,
Rồi đòi “trú dạ lục thời an  lành”.
Thì chỉ là hý luận.
Bạn ơi,
Tất cả năm con mắt trên đều có trong con người mình.
Trong thời đại mà cả triệu thông  tin,
Có thể đến với bạn trong chớp mắt.
Nếu bạn không bình tĩnh,
Không có con mắt Trí Tuệ. (*)
Thì bạn sẽ điên lên.
Sẽ như xác không hồn.
Như một bóng ma.
Hành động bằng cảm tính.
Vật vờ trong cuộc sống.
Bạn ơi,
Hãy trì tụng Kim Cang.
Dù chỉ một câu kệ thôi,
Tâm bạn sẽ an trụ.
Bạn sẽ được bình an.
Thảnh thơi và hạnh phúc.
Giữa cảnh đời hỗn loạn.
Mà bạn lại sống trong tỉnh thức, an vui.
Đào Văn Bình
(California ngày 4/10/2018)
 
(*) Trong sách “Teaching from Ancient Vietnamese Zen Master” của Nguyên Giác, Thiền Sư Bảo Giám (Thế Kỷ 12) dạy rằng “Muốn tiến đến tông thừa của Phật thì phải siêng năng. Song muốn thành Phật Chánh Giác thì phải nhờ trí tuệ.”
Quán chiếu bằng trí tuệ, tức nhìn bằng con mắt tuệ là sinh mệnh của Phật Giáo. Không trí tuệ thì Phật


Âm lịch

Ảnh đẹp