05/10/2013 20:28 (GMT+7)
Số lượt xem: 2141
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bồ-tát Quán Thế Âm tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu. Quí vị tụng kinh Phổ Môn có câu “Nam-mô thanh tịnh bình thùy dương liễu Quan Âm Như Lai cam lồ sái tâm nguyện”.


 “Thanh tịnh bình” là bình thanh tịnh, “thùy dương liễu” là cành dương liễu rủ xuống, “Quan Âm Như Lai cam lồ sái tâm” là nước cam lồ của đức Quan Âm rưới lên tâm.

Ý nghĩa nguyên câu ấy là bình thanh tịnh đựng nước cam lồ, nhờ cành dương liễu rưới khắp làm cho tâm người được mát mẻ. Đó là câu nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm mà chúng ta hằng lạy trong mười hai câu nguyện. Đây là những hình ảnh biểu trưng cho hạnh nguyện của Bồ-tát.

Trong bình thanh tịnh chứa nước cam lồ, nước cam lồ biểu trưng cho lòng từ bi. Nước này rưới tới đâu là chan rải tình thương tới đó, làm mát mẻ êm dịu mọi khổ đau của chúng sanh. Đặc điểm của nước cam lồ là vừa ngọt vừa mát. Bình thanh tịnh là giới đức. Như Phật tử giữ năm giới, nhờ giữ giới mà trong sạch thanh tịnh. Người không giữ giới không bao giờ có tình thương chân thật hay lòng từ bi. Tôi nói ví dụ nhỏ thôi, như người phạm giới sát sanh có từ bi được không? Nếu phạm giới sát sanh không thể gọi là người từ bi. Hoặc người phạm giới trộm cắp, gọi từ bi được không? - Không. Cho tới phạm giới uống rượu, có từ bi được không? - Không. Vì từ bi phải đi đôi với trí tuệ sáng suốt, uống rượu vô say sưa rồi không thể nào sáng suốt được. Dân quê Việt Nam gọi mấy kẻ say là ba ngầu, lúc đó đã mất bình tĩnh, đâu còn tỉnh táo sáng suốt để làm điều tốt đẹp giúp người. Do đó phạm một trong năm giới thì không có lòng từ bi. Muốn lòng từ bi càng ngày càng tăng trưởng, đòi hỏi chúng ta phải giữ giới.

Vì vậy giới đức thanh tịnh tượng trưng cho bình thanh tịnh. Từ bình thanh tịnh mới chứa được nước cam lồ. Con người có giới đức thanh tịnh mới chứa đựng lòng từ bi. Còn cành dương liễu để làm gì? Cành dương liễu yếu mềm dẽo dai nên khó gãy, gió chiều nào nó lay theo chiều đó nhưng không gãy. Những cành cây cứng gặp gió mạnh nó dễ gãy. Như vậy cành dương liễu biểu trưng cho đức nhẫn nhục. Muốn đem lòng từ bi ban rải cho chúng sanh được an vui mà thiếu đức nhẫn nhục thì lòng từ bi khó thực hiện được. Tại sao? Gần nhất như chùa Quan Âm ở đây, quí Phật tử phát tâm xây dựng vì nghĩ mình cất ngôi chùa này để huynh đệ hướng tâm về Phật pháp có nơi chốn lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp. Rồi lập hội Quan Âm để bảo trợ chùa, có đủ phương tiện tồn tại dài lâu. Đó là lòng từ bi. Có hội thì có họp. Họp thì bàn cãi, mà bàn cãi thì nhiều ý kiến bất đồng. Nếu quí vị thiếu lòng nhẫn nhục thì lòng từ bi có thể đổ vỡ.

Khi chúng ta thương mọi người, muốn giúp họ đến với đạo để tu hành, tâm hồn được trong sạch an vui, đó là lòng từ bi. Nhưng nếu thiếu đức nhẫn nhục thì khó bảo vệ được Phật sự lâu dài, cho nên phải có đức nhẫn nhục. Khi có những bất đồng, có những người không hợp đạo lý, chúng ta cũng ráng ẩn nhẫn bỏ qua, để cùng hòa thuận với nhau giúp đỡ xây dựng nhau. Như thế khả dĩ Phật sự bền lâu được.
HT THÍCH THANH TỪ

http://phatgiaoaluoi.com/news/Tu-hoc/Y-nghia-canh-Duong-lieu-va-Tinh-binh-3641/#.UlIrkP4eBsc


Âm lịch

Ảnh đẹp