06/09/2013 21:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 1671
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NSGN - Đồi Long Thọ tọa lạc tại Macherla Mandal, thuộc quận Nalgonda (cũng gọi là Guntur), bang Andhra Pradesh, cách thủ phủ của tiểu bang là Hyderabad khoảng 150km.



Tuong ngai Long Tho tai Nagajurnakonda.JPG
Tượng ngài Long Thọ tại Nagarjunakonda

Hyderabad là địa danh mà tôi nhiều lần dự định viếng thăm, nhưng mãi cho đến khi sắp rời Ấn Độ (5-2012) tôi mới đặt chân đến được mảnh đất này. Hyderabad nói riêng và bang Andhra Pradesh nói chung là vùng đất mà xưa kia, ngài Long Thọ (Nagarjuna), được cho là có công lớn trong việc phát triển Phật giáo Đại thừa tại đây. Và cũng có quan điểm cho rằng Hyderabad là một trong những “căn cứ địa” của Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ. Hẳn nhiên đó cũng chỉ là giả thuyết. Thật khó biết chính xác Phật giáo Đại thừa khởi xuất ở đâu trên tiểu lục địa rộng mênh mông này. Nhưng chắc chắn rằng Phật giáo đã từng rất hưng thịnh tại Andhra Pradesh. Những dấu tích của Phật giáo được phát hiện ở đây và một số ghi chép lịch sử đã phần nào chứng minh điều đó.

Có đến 14 bình xá-lợi Phật được tìm thầy ở Andhra Pradesh, và có đến 140 địa điểm được xác định gắn liền với Phật giáo ở tiểu bang này, mà chúng có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ III đến thế kỷ XIV Tây lịch, tuy nhiên chỉ một vài trong số này được khai quật, và Đồi Long Thọ (Nagarjunakonda/ Nagarjuna Hill) là một trong số ấy. Địa danh này được tiến hành khai quật vào giữa những năm 1926 và 1934 do những nhà khảo cổ học người Anh thực hiện, và tiếp theo sau đó là Hội Khảo cổ học Ấn Độ.

Đồi Long Thọ tọa lạc tại Macherla Mandal, thuộc quận Nalgonda (cũng gọi là Guntur), bang Andhra Pradesh, cách thủ phủ của tiểu bang là Hyderabad khoảng 150km. Tên gọi Đồi Long Thọ là được đặt theo tên của ngài Long Thọ, một triết gia và cũng là một nhà tư tưởng kiệt xuất của Phật giáo. Ngọn đồi này hiện nay như một hòn đảo nhỏ ở trên một đập nước lớn có tên gọi là Nagarjunasagar (Nagarjunasagar Dam).

Nagarjunakonda từng là kinh đô của triều đại Ikshvaku (225TL - 325TL), được trì vì bởi những hậu duệ của Satavahana ở Đông Deccan. Địa danh này đã có thời Phật giáo rất hưng thịnh, với nhiều chùa tháp và trường đại học Phật giáo được xây dựng, và cũng từng có nhiều Tăng sĩ từ những nước khác đến tu học. Vào những thế kỷ đầu Tây lịch (khoảng từ thế kỷ II-III Tây lịch), đã có 30 ngôi chùa Phật giáo được xây dựng tại địa danh này, và cũng có một số vị vua thời bấy giờ là Phật tử và nhiệt tâm ủng hộ Phật giáo. Bấy giờ, vùng đất này cũng được xem là trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Nam Ấn, và cũng là cứ điểm để Phật giáo truyền đến Sri Lanka và Miến Điện. Văn hóa Andhra được cho là ảnh hưởng sâu sắc vào Phật giáo Sri Lanka, đặc biệt là nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc. Không thể xác định được một cách chính xác Phật giáo được truyền bá đến vùng đất này vào thời điểm nào. Kinh tạng Pāli có đề cập rằng, Phật giáo được truyền vào nước Assaka, mà ngày nay được xác định là quận Nizamabad của bang Andhra, vào thời Đức Phật; và cũng được nói rằng Đức Phật đã từng đến giáo hóa ở vùng đất này.

Di tich Phat giao tai Nagarjunako.jpg

Di tích Phật giáo tại Nagarjunakonda

Tuy những bộ phái Phật giáo khác nhau cũng đã từng hiện diện ở đây, Nagarjunakonda thường được xem là nơi Phật giáo Đại thừa phát triển rực rỡ nhất, thậm chí được coi như là một “Thánh địa” hay “cái nôi” của Phật giáo Đại thừa ở Ấn, khi địa danh này gắn liền với sự hành hoạt của ngài Long Thọ với việc xiển dương giáo nghĩa Đại thừa; và những nhà Đại thừa vĩ đại khác như Āryadeva (Đề-bà/ Thánh Thiên), Buddhapālita, Bhavyaviveka (Thanh Biện), Dinnaga (Trần Na), và Dharmakīrti (Pháp Xứng) đều được cho là xuất thân từ vùng Nam Ấn này. Phật giáo Đại thừa cũng được cho là khởi đầu truyền bá vào các nước Á châu bắt đầu từ Andhra. Bên cạnh, vị luận sư nổi tiếng của Phật giáo Theravāda là Budddhagosha (Phật Âm) cũng xuất thân từ vùng đất này.

Phật giáo Kim cương thừa (Vajrayana) về sau cũng phát triển rực rỡ ở vùng đất này, tuy nhiên nó lại bị quy kết là một trong những nguyên nhân khiến Phật giáo suy tàn ở Andhra nói riêng và Phật giáo ở Ấn Độ nói chung. Việc quá chú trọng vào những năng lực huyền bí và những nghi lễ rườm rà với việc cầu nguyện thần linh, bị cho là thu hẹp lại sự khác biệt giữa Phật giáo và Ấn giáo, đưa đến một sự sáp nhập tín đồ Phật giáo vào trong Ấn giáo. Tuy nhiên, nếu giả thuyết này là đúng, vậy thì vị trí của các bộ phái Phật giáo khác ở đâu ở vùng đất này, và trách nhiệm của họ ở đâu khi nhìn thấy Kim cương thừa xiển dương tín ngưỡng đưa tín đồ Phật giáo đến gần với Ấn giáo lại không có hành động gì? Nói cách khác, các bộ phái Phật giáo khác, có thể không bị đồng hóa bởi Ấn giáo, nhưng đã không thích ứng được (hay giữ được tín đồ của mình) trong một ngữ cảnh tôn giáo và xã hội khác với thời Đức Phật, cũng đã bị Ấn giáo và một số bộ phái tôn giáo khác đẩy lùi khỏi Andhra nói riêng và Ấn Độ nói chung!

Ngày nay, dấu ấn Phật giáo ở Nagarjunakonda là những gì được khai quật và trưng bày ở viện bảo tàng tọa lạc trên Đồi Long Thọ, và một số di tích Phật giáo khác ở trên hòn đảo nhỏ này. Viện bảo tàng Nagarjunakonda xây theo kiểu kiến trúc Gandhara là điểm nhấn chính yếu của Nagarjunakonda, trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến Phật giáo, như hình tượng Phật và Bồ-tát, chữ viết trên đá, phù điêu, những tấm bảng khắc họa những hình ảnh có nguồn gốc từ những câu chuyện Tiền thân (Jataka)… Bên cạnh, viện bảo tàng cũng trưng bày những hiện vật liên quan đến Ấn giáo và Ky-na giáo.

Ở trước bến phà, gần nơi bán vé vào tham quan Nagarjunakonda, là tượng đài Bồ-tát Long Thọ, được tạc khá đẹp và ấn tượng. Đối với Phật giáo Đại thừa, vai trò và sự ảnh hưởng của ngài Long Thọ rõ ràng là rất lớn, không chỉ ở trong quá khứ mà cho đến hiện nay. Cũng chính vì sự ảnh hưởng của ngài, nên nơi chốn xuất thân và hành hoạt của ngài cũng được xem là nơi Phật giáo Đại thừa phát khởi. Tuy nhiên, Phật giáo Đại thừa dù là một bộ phái lớn và có những tư tưởng dường như “phát triển” ra khỏi Phật giáo thời kỳ đầu, nó vẫn không hề xem mình đi chệch khỏi những ngôn thuyết của Đức Phật lịch sử, và hẳn nhiên rằng Đại thừa vẫn xem nền tảng triết học và phương pháp tu tập của mình cũng do chính Đức Phật lịch sử tuyên thuyết, dù điều này có được chấp nhận hay không. Và như vậy, có lẽ ta cũng không phải nhọc công để xác định “cái nôi” của Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ, khi nó được tin xuất phát từ chính Đức Phật lịch sử. Và việc tìm kiếm một Thánh tích riêng nào đó cho Phật giáo Đại thừa có lẽ cũng không cần thiết.

Ngày nay, ở Andhra cũng như nhiều nơi ở Ấn, Phật giáo chỉ là thiểu số. Hiện nay, Phật giáo ở bang này chủ yếu theo truyền thống Nam truyền, và đây đó vẫn còn nhìn thấy bóng dáng Phật giáo ở nơi này, chẳng hạn như chùa chiền, các trung tâm tu thiền, và những tượng Phật được tạc dựng ở những nơi công cộng. Và điều quan trọng hơn là hình ảnh người xuất gia vẫn còn hiện diện, và vẫn còn những tín đồ tại gia đến chùa sinh hoạt tôn giáo. Lúc đến Hyderabad, chúng tôi có viếng thăm một ngôi chùa người Ấn. Chùa có sư trụ trì và có khá nhiều chú tiểu, cũng có các Phật tử tại gia đến chùa và nếp sinh hoạt của họ rất thuần thành.

Cách đến Nagarjunakonda

Như đã nói, Nagarjunakonda cách Hyderabad khoảng 150km, và như vậy nếu đi bằng đường không, ta phải đi máy bay đến sân bay ở Hyderabad (Rajiv Gandhi International Airport) và sau đó đi tàu hoặc xe đến địa danh này. Ga tàu lửa gần nhất là ở Macherla, cách địa danh này khoảng 24km. Nhưng đối với những người đến từ các bang khác, nếu đi bằng tàu, cách tiện lợi nhất là nên đến ga ở Hyderabad (Hyderabad Deccan Railway Station) và sau đó thuê xe đến Nagarjunakonda. Khi chúng tôi chiêm bái địa danh này, cũng đã đi theo cách này. Hiện Nagarjunakonda là một hòn đảo nhỏ nằm trên một hồ nước lớn, do đó để tham quan địa danh này ta phải đi phà ra. Thêm một điểm lưu ý, là viện bảo tàng ở Nagajurnakonda đóng cửa vào ngày thứ Sáu hàng tuần, và thời gian mở cửa của những ngày còn lại là từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Và thời điểm chiêm bái, tốt nhất là nên đi vào mùa thu và mùa đông (khoảng từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 2), thời điểm khí trời mát mẻ và khô ráo.  n

Nguyễn Đăng

http://giacngo.vn/nguyetsan/phatgiaovaxahoi/2013/09/03/1B4609/


Âm lịch

Ảnh đẹp