Bụt hay Phật ?


Nguyễn Cung Thông
23/09/2010 16:57 (GMT+7)
Số lượt xem: 14970
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Bụt hay Phật ?
Mục lục

Tác giả Đào Nguyên/ĐN đã viết một bài công phu là "Khía cạnh Phật học Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu/TC", độc giả có thể xem toàn bài1   trên mạng chuyenphapluan.com (2006). Tác giả ĐN liệt kê 146 chữ Hán Việt/HV trong tự điển TC liên hệ gần xa đến Phật giáo/PG, tuy nhiên chữ phọc/phược 縛 lại không thấy TC và ĐN nhắc đến như có tương quan trực tiếp đến PG; TC cũng ghi nhận  'trần phược 塵縛 bị sự đời bó buộc, danh phược 名縛 bị cái danh bó buộc...'. Từ khi PG du nhập vào Việt Nam, chữ buộc đơn giản và bình dân này lại giữ vai trò rất quan trọng trong Phật giáo VN, văn hoá và quá trình hình thành tư tưởng dân gian. Chữ này và các dạng biến âm khác là chứng nhân cho khả năng đạo Phật đã đến miền Bắc Việt trước khi truyền bá sang Trung Quốc và cùng đóng góp lớn lao vào quá trình phát triển ngôn ngữ văn hoá Hán. Các bài viết Bụt hay Phật trước đã đặt vấn đề về dạng Bụt có trước dạng Phật, các giả thuyết về âm và nghĩa của chữ Phật ở TQ và khả năng nguồn gốc phương Nam của dạng Bụt ... Thời đại vua Trần Nhân Tông cho ta thấy chữ Bụt được dùng hầu như là tuyệt đối so với chữ Phật HV khi bắt đầu gia tăng ảnh hưởng (ngược lại) từ phương Bắc ... ĐN cũng không nhắc đến chữ thần 神, đã đóng góp không nhỏ trong quá trình gia tăng vốn từ và khái niệm trong văn hoá Hán, theo TC '...Thần thông 神通  nhà Phật nói người ta vốn có tuệ tính thiên nhiên, thông suốt vô ngại, biến hoá bất thường, ai tu chứng được phần đó gọi là thần thông...' (sđd). Phần này bàn vào chi tiết các dạng biến âm của buộc và phạm trù nghĩa của chúng, phản ánh một nền văn hoá lâu đời và vết tích của đạo Phật qua tiếng nói (ngôn ngữ đại chúng) của dân tộc Việt Nam cũng như minh chứng thêm khả năng Phật giáo đã đến Giao Chỉ trước và để lại nhiều vết tích trong ngôn ngữ , tuy rằng ‘hơn hai mươi chùa chiền ở Luy Lâu’ nay đã không còn nữa hay chưa được tìm ra (các bằng chứng 'xuất thổ’).

Ngoài ra, 'Từ điển Phật Học Hán Việt' in lại năm 1998 (tái bản có sửa chữa và bổ sung, NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội) không có cụm từ Phật Tử rất thường gặp trong ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta; Không phải ngẫu nhiên mà Hậu Lý Nam Đế (571-602) có tên huý là Phật Tử 佛子, một cách dùng xa lạ với văn hoá truyền thống Trung Hoa - so với cách dùng Khổng Tử (Bách Gia Chư Tử), Lão Tử, Mặc Tử, Tôn Tử, Trang Tử, Hàn Phi Tử ... ngay đến thời Chu Tử 朱子 (Chu Hi 朱熹1130-1200) đều chỉ chính các học giả đầu tiên khai phá chứ không phải là những người đi theo2  (đệ tử 弟 子)! Trung Quốc thường dùng cụm từ Phật Giáo đồ 佛教徒 để chỉ Phật tử so với dạng Bukkyōto (Nhật) và pul-gyo-do (Hàn); Để ý Lương Vũ Đế 樑武帝 (trị vì 502-549, từng bị quân Lý Nam Đế đánh bại tại Hợp Phố) còn có danh hiệu là Phật Tâm Thiên Tử 佛心天子 rất khác biệt với danh xưng Lý Phật Tử ở phương Nam. Cũng vào khoảng thời đại này mà Tam Tạng Pháp Sư Nghị Tịnh 義淨 (635-713) từng ghi nhận rằng ' ... Phật giáo mở mang khắp các đảo ở Đông Nam Á. Các vua chúa và tù trưởng đều tin vào PG và luôn tâm niệm làm nhiều việc thiện ...' - xem thêm chi tiết trang http://glossary.buddhistdoor.com/word/34621/義淨 . Thời Hùng Vương, truyện Chử Đồng Tử chịu bao khổ cực trong đời sống để rồi về sau lấy được công chúa Tiên Dung của vua Hùng đời thứ ba. Trong lúc giàu sang, Chử Đồng Tử đã tìm tới đạo Phật, qua sư Phật Quang3 , và cùng vợ giác ngộ bỏ việc mua bán ... Đến thời anh em Sĩ Nhiếp (137-226) ra đường với bao nhiêu tăng sĩ Ấn Độ đi chung quanh (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) cho đến thời vua Lý Nam Đế (503-548) - từng được Pháp tổ thiền sư nuôi nấng - đến thời Hậu Lý Nam Đế mang tên Phật Tử, sau đó ta lại thấy vua Trần Nhân Tông (1278 – 1293, pháp hiệu Đầu Đà Hoàng Giáp Điếu Ngự) soạn ‘Cư Trần Lạc Đạo’ bằng chữ Nôm đều cho thấy tư tưởng PG đã để những dấu ấn quan trọng trong lịch sử và văn hoá Việt Nam, ngay cả địa danh như Bụt Sơn4  so với Phật Sơn ở Quảng Đông ...v.v.... Nếu PG đã thấm nhuần đến các cấp lãnh đạo của những nước phương Nam như thế, dĩ nhiên là tầng lớp dân chúng trong nước phải thuần thuộc đạo Phật đến chừng nào và ngôn ngữ đại chúng phải còn vết tích nào đó - đây cũng là một cách nhìn về lịch sử và truy nguyên danh từ Bụt hay Phật của loạt bài này.

 

1. Bụt, buộc và Phật

1.1 Phụ âm đầu b- và ph- : như đã ghi nhận từ các bài viết Bụt hay Phật (phần 1, 2), âm cổ của Phật là *but/bôt mà tiếng Việt vẫn còn duy trì: liên hệ lịch đại (diachronic) giữa phụ âm môi tắc hữu thanh b- và xát vô thanh ph- rất rõ nét khi so sánh tiếng Việt và Hán Việt/HV

Buông             phóng 放  (phủ vọng thiết, phân phòng thiết - Đường Vận/ĐV)

Buồng             phòng 房  (phù phương thiết/ĐV)

Bàng                phong 楓  (phương nhung thiết/ĐV)

Bùa                  phù

Bù                   phù

Búa                  phủ                                         

Bụa (goá)        phụ

Bộ                   pho

Bể                    phá

Bể (biển)         pha 陂

Bán, buôn        phán

Buồn               phiền

Buồm              phàm

Bún                 Phấn

Bỏ                   phế

Bá                    phách

Bả                    phả

Bát                   phát

Bố/ba               phụ

Bưng, bồng    phụng

Bổng               phụng

Báng                phảng 彷

Bóng                           phảng/phỏng  仿 (như phảng phất 仿 弗)

Bức                 phúc 幅

Bay                  phi

Bùng               Phùng (Trạng Bùng là Phùng Khắc Khoan công thần nhà Lê, người làng Bùng)

Bè                    phái (phe)

Bèo                  phiêu

Bật 弼              phật/phất 弗

Bụt                  Phật

Buộc                           phọc

…v.v…

 

Liên hệ đồng đại (synchronic) b-ph cũng hiện diện nhưng ít gặp hơn như

 

Bịa                   phịa

Bỏng               phỏng

Bứt                  phứt (phứt lông chim - Việt Nam/VN Tự Điển)

Bổ (cắt)           pha (VN Tự Điển)

Bình bịch         phình phịch (từ láy, tượng thanh)

...v.v...

Thật ra, liên hệ b-ph còn thấy trong cách đọc Hán Việt như phí 費  hay phương vị thiết/Quảng Vận (QV) 費 còn đọc là Bỉ (binh mị thiết/QV) tên một ấp của nước Lỗ về đời Xuân Thu; Phao (phi giao thiết/ĐV) 泡 còn đọc là bao hay ban giao thiết (Tập Vận/TV); Phúc (phương lục thiết/ ĐV) 幅 còn đọc là bức (bút lục thiết/TV); Phát (phổ hoạt thiết/TV) 醱 còn đọc là bát (bắc mạt thiết/VH) ... Học giả TC nhận xét về âm cổ bức, bao so với phúc, phao là 'ta quen đọc' - phản ánh cách đọc xưa hơn.

Liên hệ nguyên âm giữa phược (phọc) và buộc có thể nhận ra qua cách đọc chữ hiếm quắc 钁 (Unicode 9481, tần số dùng là 31 trên 430747376), theo Thuyết Văn Giải Tự/TVGT

Quắc 钁 : [ 居縛切  ] 大鉏也。 從金矍聲 [cư phược thiết] đại sừ dã, tùng kim quắc thanh

Giọng BK bây giờ là jué, luán (bính âm/pinyin) rất khác với âm cổ hơn là quắc HV, so với giọng Quảng Đông gwok3 và Hẹ kiut7  gần với một dạng rất thường gặp trong tiếng Việt là cuốc; Quảng Vận 廣韻 còn ghi cách đọc của phược/phọc là 符钁切 phù quắc thiết hay theo Chính Vận/CV 正韻 là 符約切 phù ước thiết; Chữ hiếm dược viết bằng bộ trúc trên chữ quắc hài thanh 籰 (Unicode 7C70) đọc là 王縛切 (vương phược thiết, QV, TV) hay  越縛切 (việt phược thiết, VH) mà tiếng Việt còn dùng âm guộc chỉ cái guồng quay tơ; Dược5  藥 còn để lại âm thuốc trong tiếng Việt ... Các tương quan này cho ta cơ sở để thành lập liên hệ -ươc và -uôc  hay phược 縛 và buộc. Vết tích của dạng buộc trong Bụt còn thấy trong một cách ký âm Buddha tiếng Phạn trong vốn từ Hán cổ: Phục Đậu6  復豆. Phục nghĩa là trở lại, đậu là cái thố có chân - cụm từ này không có nghĩa và rõ ràng là ký âm của tiếng Phạn Buddha - tuy nhiên, một dạng âm cổ phục nguyên của phục 復là *buk rất gần với dạng *buok tiếng Việt.

 

1.2 Nguyên âm -u- và -uô- của Bụt và buộc/buột

Tương quan giữa nguyên âm -u- và -uô- còn vết tích trong chữ Nôm; Như cuốc viết bằng bộ kim 金 hợp với chữ cúc 匊 - Nguyễn Trãi 'Một ngày một cuốc thú nhà quê' hay thục束dùng để chỉ thuốc hay dược藥 - tuy chữ Nôm còn ‘khá trẻ’ so với thời gian âm Bụt nhập vào tiếng Việt; So sánh các cặp từ sau

Chúc 燭           đuốc  (Thuyết Văn Giải Tự/TVGT: tùng hoả thục 蜀 thanh, 之慾切

chi dục thiết)

Chúc 屬           thuộc (TVGT tùng vĩ thục thanh, chi dục thiết) : thân thuộc, thuộc về ...

                        chuốc (mang theo, chịu lấy): chuốc lấy hư danh, chuốc vạ ...

Thục 贖           chuộc - thục tội 贖罪 > ‘chuộc tội’ (神蜀切 thần thục thiết/QV)

Chung 鐘        chuông  (職容切 chức dung thiết/ĐV - âm chung 鍾 cái chén)

Cục 局             cuộc - thời cục 時局 > ‘thời cuộc’ (cục: 衢六切 cù lục thiết/TV)

Nhục 辱          nhuốc;  ô nhục 汙 辱 > nhơ nhuốc (nhục: 而蜀切 nhi thục thiết/QV)

Lũng 壟           luống , gò, mả ...    (lũng: 力踵切 lực chủng thiết/QV)

 

2. Các cách dùng chữ phật/buộc và văn hoá truyền thống

2.1 ‘Phật lòng - buộc lòng’ - một cách nhìn khác

Cụm từ phật lòng hay phất ý 拂 意 (thường nghe là phật ý),  phất tâm 拂 心, mất lòng hàm ý ‘trái với ý muốn’ còn có thể là buộc lòng so với ‘buột’ miệng, đây là bằng chứng cho thấy buộc và phật/ phất có liên hệ với nhau, không những thế phật lòng là cụm từ nhập vào sau này qua giao lưu ngôn ngữ Hán Việt. Dân Việt suy nghĩ rất cụ thể (truyền thống nông nghiệp), không từ đầu óc (ý) hay tim (tâm) nhưng từ lòng ở vị trí thấp nhất so với tim và não bộ. Tiếng Mường (Bi) cũng dùng cụm từ này: chăng cỏ tiền, puôc lòng phái lễ mở cả nhỏ nì đã (không có tiền nên buộc lòng phải lấy mơ cá nhỏ này). Cách dùng mở rộng (trừu tượng) của buộc lòng cho thấy phạm trù nghĩa rất rộng của buộc, từ buộc trói/trói buộc (cụ thể) đến bó buộc, ép buộc, ràng buộc, bắt buộc ... Một số tục ngữ cũng dùng buộc như trâu buộc ghét trâu ăn, xe dây buộc mình ...v.v... Một dạng chữ Nôm (buộc) dùng chữ bộc 僕 hay bột 勃 cho thấy phụ âm cuối có thể là -c hay -t, điều này dẫn đến khả năng buột và buộc có thể cùng một gốc. Cách dùng 'nhảy phóc (phót) lên cao ...' hay phức và phứt (như bán nhà phức/phứt đi) cũng cho thấy khả năng dùng lẫn lộn của âm cuối -c và -t. Vết tích này còn để lại trong nhánh ngôn ngữ Việt-Mường như

Việt   Mường (Bi)

đốt       tốch

một      mộch

tốt        thốch

bớt       pớch

bật       pach

đứt       tếch

thọc     tút

sắt        khách

chặt      chach

cắt        cach

...v.v...

Ngoài ra, nếu chú trọng vào các quá trình dẫn đến tình trạng 'trái với ý muốn' (ý muốn gồm có tham sân si) thì 'buộc lòng' là một trong những khái niệm cốt lõi của Phật Giáo/PG (Khổ đề) - cụm từ buộc lòng gợi ý cho ta đến từ PG nguyên thuỷ (Tiểu Thừa, dẫn đến sự giải thoát cho chính mình) so với cụm từ phật ý, phật lòng hướng ra ngoài (Đại Thừa, dẫn đến sự giải thoát cho mọi người). Thành ra, 'buộc lòng' có khả năng hiện diện trước 'phật lòng' từ lăng kính lịch sử PG và Phật học. Nguồn gốc ngoại lai của chữ Phật (nhập ngược vào tiếng Việt từ chữ Bụt) còn có thể hàm chứa trong cách dùng buộc lòng (của mình) so với phật lòng (của người).

Tóm lại ta có cơ sở đề nghị tương quan Bụt-*buot-*buok-buộc-puôc - có thể từ giai đoạn Việt-Mường Cổ (tiền Việt-Mường, proto Viet-Muong).

 

2.2 ‘Buột miệng’ - ngôn ngữ và truyền thống dân tộc

Buột hàm ý thoát ra, sổ ra từ trạng thái buộc, thí dụ như buột tay, buột thừng, buột xích, buột chỉ, buột mồm, buột miệng ... Tiếng Mường (Bi) cũng dùng từ này: ho puôch mênh pỗ tha rồi, chăng lễ lãi ản nưa (tôi buột miệng nói ra rồi, không lấy lại được nữa).

Phạm trù nghĩa của buộc và buột tương thích với nguồn gốc chữ Phật như đã ghi nhận từ các bài "Bụt hay Phật? Phần 1 và 2" - nhìn chữ phất弗ta thấy ngay là một sợi dây buộc hai thanh que lại, so sánh với các cách buộc (gói) bánh chưng, buộc (búi) tóc ... và ngay cả các minh văn trên trống đồng Ngọc Lũ (mũ hay đầu buộc lông chim, xem hình dưới):

LST Seal Characters (chữ triện)                                                       
    Cách viết/khắc cổ của chữ Phật cho thấy hình dây ‘buộc’ rất cụ thể chứ chẳng thấy (tánh) không đâu cả? Nghĩa cổ hơn (trước khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc) của phật là phụ (đỡ7  trước khi dùng để ký âm tiếng Phạn Buddha बुद्ध (Phật Đà). Cấu trúc mở (chữ Phất) cho thấy có thể tuột (buột) ra vì cách buộc ‘tạm bợ’ này!

Xem thêm chi tiết trên mạng của tác giả Richard Sears (cập nhật 2008)  http://www.chineseetymology.org/CharacterASP/CharacterEtymology.aspx?characterInput=%E5%BC%97&submitButton1=Etymology

Điều quan trọng khi quan sát nguồn gốc chữ Phật 佛và cách BUỘC hai thanh gỗ trên là khả năng có thể lấy ra rất dễ dàng, hay chính là nghĩa của chữ BUỘT. Cổ nhân đã dùng một dạng gốc BUỘC (Bụt) để cho thấy khi làm con người (bộ nhân) thì ta luôn phải bị ràng BUỘC, tuy nhiên cũng có thể giải thoát được khi nhận thức được cơ cấu ràng buộc một cách tạm bợ trên (BUỘT); Đây là cách nhìn rất tích cực và phương pháp giải quyết (cởi - gỡ - giải ~ BUỘT) vấn đề (ràng BUỘC) cũng hàm chứa trong Tứ Diệu Đế. So sánh cách buộc trong chữ Phật và kiểu gói bánh chưng (không dễ sút ra):

Các kỹ thuật buộc lúa, buộc bánh (chưng) ... phản ánh những hoạt động rất căn bản của một xã hội có truyền thống nông nghiệp; Người Mường cũng sử dụng lạt mây, giang hoặc tre bánh tẻ để buộc các ngoàm đẽo hoặc cột kèo lại với nhau trong quá trình xây dựng nhà ở so sánh với các cách buộc (gói) bánh chưng, buộc (búi) tóc ... và ngay cả các minh văn trên trống đồng Ngọc Lũ (các hình người đầu buộc hayđội mũ lông chim, xem hình dưới), phải chắc lắm cho các hoạt động dùng sức nhiều (chèo thuyền, đánh trống) nhưng cũng phải dễ cởi ra sao khi hoàn thành công việc. Do đó, ta không ngạc nhiên gì khi thấy hình ảnh của dây ‘buộc’ luôn hiện diện trong văn hoá ngôn ngữ người Việt Cổ. Hình dưới (trên trống đồng Ngọc Lũ) trích từ mạng http://doremon360.multiply.com/photos/album/9/9

Một điểm nên nhắc ở đây là TS Khảo Cổ Học Nguyễn Việt (2008) đã phát hiện một đoạn dây thừng chập đôi có 4 nút buộc từ ngôi mộ Câu Can 2000-M1, có thể hàm chứa một thông tin (nội dung) nào chăng? Xem thêm chi tiết trong bài viết "Làm sáng tỏ những khoảng trống của lịch sử?" trên mạng http://htx.dongtak.net/spip.php?article1862 .
                                                                                                                       

Hình bên phải là tượng phụ nữ trên cán dao găm đồng Làng Vạc: để ý cách búi tóc (kết tóc) rất tinh vi - xem thêm chi tiết trong bài viết "Thời Hùng Vương: từ tâm thức đến lịch sử" của TS Trịnh Sinh, trên mạng http://mag.ashui.com/index.php/tuongtac/phanbien/55-phanbien/884-thoi-hung-vuong-tu-tam-thuc-den-lich-su.html

Theo Đại Việt Sử Lược8, vào thời vua Châu Trang Vương (696-682 TCN) thì '... 'ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút...'. Câu truyện trên cũng nói lên đóng góp quan trọng của kỹ thuật buộc dây hay thắt gút ngay trong thời bình mình của lịch sử dân tộc Việt. Sử sách TQ cũng thường ghi nhận ngay đến thời Tống, phương Nam vẫn còn ‘kết thằng ký sự’ để ghi chép lại sự việc7

'... 中國一直到宋朝以後, 南方仍有用結繩記事的 …’

Trung Quốc nhất trực đáo Tống Triều dĩ hậu,Nam phương nhưng hữu dụng kết thằng kí sự đích

(từ các trang Bách Độ Tri Đạo 百度知道 hay Quốc Học Luận Đàm 國學論罈 về lai lịch chữ Hán)

 

 

Hình dưới là dao găm Đồng Sơn, Hải Phòng - trích từ bài viết "Thành NêLê - Đồ Sơn thời Asoka" tác giả Đồng Hồng Hoàn, Trịnh Minh Hiên (2008). Điều đáng chú ý là cách buộc tóc đối xứng và rất tỉ mỉ vào thời đại Đông Sơn

Tiếng Hán dùng kết 结 trong nhiều cụm từ thông dụng như kết hợp, kết quả, kết hôn, kết thúc, đoàn kết ... Ngay cả chữ thằng 繩 (shéng BK - dây buộc, dây ‘thừng’) cũng đọc giống thần 神 (shén BK) và có thời kỳ các ‘dây thừng’ đã được thần thánh hoá và thờ phụng9  trong lịch sử cổ đại. GS Từ Chi đã viết về các cách kết cạp váy rất công phu của người Mường, có thể đây là tồn tích của 'phép buộc' mà người Việt Cổ từng thông thạo - xem chi tiết trong cuốn "Người Mường với văn hoá cổ truyền Mường Bi" hay "Người Mường ở Việt Nam - Les Muong au Vietnam" chủ biên Bùi Tuyết Mai, Vũ Đức Tân (1999); Các hoa văn trên cạp váy còn giống như trên trống đồng Đông Sơn loại 1 (theo phân loại F. Heger). Một điểm đáng được nêu ra ở đây là tên cuốn sách ‘Việt Tuyệt Thư’ 越絕書, viết về các nước Ngô và Việt thời Xuân Thu, có tên cổ hơn là ‘Việt Nữu Lục’ 越紐錄: nữu 紐 nghĩa là thắt nút (buộc) phản ánh phần nào sự gần gũi của các tộc Việt với hoạt động căn bản này.

Tương quan sâu xa giữa buộc (trói vào) và buột (sổ ra) còn để lại vết tích trong dạng tuột (buột > tuột) qua biến âm b > t: đây là hiện tượng Trùng-Nữu10  重紐thường gặp trong tiếng HV hay (Hán) Hàn (Sino-Korean); Dạng phất 沸 HV còn có một biến âm là tất: chỉ thấy một tác giả ghi nhận dạng này - Gustave Hue trong "Dictionnaire vietnamien-chinois-francais" (Imprimerie Trung Hoà 1937). Đây là vấn đề đáng được tra cứu tường tận thêm vì có thể tìm ra nhiều liên hệ rất đặc biệt hơn nữa.

 

3. Bàn lại nguồn gốc chữ Phật trong Hán ngữ

Sau bốn thập niên, cố học giả Quý Tiễn (Tiện) Lâm/QTL 季羨林 đã viết bài 'Tái đàm Phật Đồ dữ Phật' 再谈浮屠與佛 (1989), hay bàn lại bài viết đầu tiên11  'Phật Đồ dữ Phật' 浮屠與佛 (1949) có lẽ vì ông thấy các lấn cấn trong kết luận trước đây của mình cũng như cập nhật từ các tài liệu (ngoại quốc) mới hơn. Trong bài ‘viết lại’, các kết luận tóm tắt là

a)Tiếng Phạn buddha từ Ấn Độ truyền qua Đại Hạ (Bactria) với dạng bodo,boddo,boudo và nhập vào TQ với dạng Phù Đồ 浮屠

b)Tiếng Phạn buddha từ Ấn Độ nhập vào Trung Á Tân Cương với dạng but (trọc âm 濁音hay hữu thanh/sonorant: có phụ âm kêu/vang b- so với f/ph- vô thanh ) và truyền vào TQ với dạng Phật 佛

Nghĩa là không có quá trình Phật Giáo truyền thẳng (trực tiếp) vào TQ mà phải qua một nước trung gian nào đó, một khẳng định quan trọng so với bài viết đầu tiên của QTL. Học giả QTL chỉ chú trọng đến từ đơn tiết Phật hay Phất佛, nhưng còn Phật viết là Yêu 仸 thì sao? Ảnh hưởng địa phương và thời gian rất quan trọng trong các bản dịch kinh Phật từ tiếng Phạn hay Phạn Nam (Pali): điều này được GS She-Fen Chen12  ghi nhận trong luận án Tiến Sĩ (Đại Học Illinois ở Urbana-Champaign, 2000)  khi so sánh kỹ thuật phiên dịch (chuyển ngữ) từ ba bản kinh tiếng Phạn ra tiếng Hán.

GS Max Deeg (Đại Học Cardiff) cũng đặt vấn đề13  về khả năng 'Bụt hay Phật' so với các dạng nhập vào sau là Phù Đồ ... Mà GS QTL đã ghi nhận trong các bài viết đã nói trên. Max Deeg còn phát triển khái niệm 'từ mượn đồng hoá' (assimilated loanword), thí dụ như chữ tăng 僧 gồm bộ nhân (người) hợp với thành phần hài thanh tằng 曾 (đọc gần như tiếng Phạn Nam/Pali sangha, đơn âm hoá); Tằng còn có nghĩa là tập hợp lại (chồng/gấp lên) hàm nghĩa nguyên thuỷ của sangha. Các chữ Phật, Pháp và Tăng đã nhập vào tiếng Hán và dùng một cách tự nhiên (bị đồng hoá) như các từ 'bản địa' khác! GS Etienne de la Vaissière (L'École Pratique des Hautes Études, EPHE - Paris) cũng ghi nhận trường hợp dân nước Sogdiana (粟特 Túc Đặc) và đặt vấn đề14  là các nhà buôn Sogdiana có thật sự đóng vai trò chính yếu trong quá trình truyền bá đạo Phật vào Đông Á hay không? Dân Sogdiana liên hệ đến tộc Đại Hạ (大夏 Bactria) theo đạo Zoroastrianism, Phật, Manicheism ... Đa số các kinh Phật của Sogdiana có thể dịch từ tiếng Hán (chứ không phải là ngược lại) và một hình Phật rất lạ mới được khai quật có thể đóng góp vào sự hiểu biết về giai đoạn khởi thuỷ và truyền bá đạo Phật ở Đông Á. Học giả Kogi Kudara cũng đưa ra nhiều dữ kiện so sánh các kinh Phật của dân tộc cổ Uyghur dịch từ tiếng Hán và một số từ tiếng Phạn cho thấy một quá trình rất phức tạp15 ; Cũng theo Kogi Kudara thì một số kinh đã được dịch từ tiếng Hán ra tiếng Uyghur nhưng bản nguyên thuỷ (tiếng Hán) đã không còn nữa ... Có thể một hiện tượng tương tự đã xẩy ra thời đầu Công Nguyên ở Giao Chỉ, đây là một vấn đề cần nên tra cứu thêm để soi sáng một mảng khá mù mờ này trong lịch sử VN cũng như là Phật giáo VN

Học giả QTL trong diễn văn nhận giải về dịch thuật ở TQ (2006) đã nhận xét rằng '... Lý do văn hoá TQ vẫn còn giàu mạnh sau 5000 năm gắn liền với dịch thuật (translation). Quá trình dịch thuật từ các nền văn hoá khác đã tiếp máu (mới) vào văn hoá TQ ...' - xem chi tiết trong bài viết "Fragments of the Tocharian" tác giả Andrew Leonnard (29/1/2008). Tuy nhận ra khả năng ngoại lai trong văn hoá TQ, QTL lại thiên về Con Đường Tơ Lụa và ảnh hưởng của các ngôn ngữ Trung Á (như Tocharian trong quá trình nghiên cứu cá nhân) để không nhận ra các yếu tố từ phương Nam, nhất là các ngôn ngữ đơn tiết đã dùng từ Bụt/Phật. Tiếng Tocharian, tuy không còn nữa/extinct, chủ yếu là đa tiết và thuộc hệ Ấn-Âu (nhánh Satem) và sau này nhập vào tiếng Uyghur (回紇 Hồi Hột ...). Buddha thường được dịch ra tiếng Uyghur hay Sogdian là burxan (Бурхан / бурхан) trong các kinh Phật. Chữ viết của ngôn ngữ này dựa vào chữ Phạn cũng như một phần các kinh Phật cũng dịch từ tiếng Phạn; Do đó hiện tượng rút gọn âm Buddha thành Bud- khó xẩy ra trong ngôn ngữ hàng ngày trừ các trường hợp đặc biệt như câu chú (niệm) NAMO BUT 南無佛 (Nam Mô Phật)16  - tiếng Việt còn rút gọn thêm thành Mô Phật trong ngôn ngữ đại chúng. Từ đơn tiết Bụt/Bột (sau thành Phật) phải đến từ một ngôn ngữ đơn tiết thì mới có lý hơn, hay rất có thể là tiếng Việt (Cổ). Như đã ghi nhận trong bài Bụt hay Phật (phần 2A), không phải ngẫu nhiên mà phất hay phật  弗  còn có nghĩa (rất cổ) là cây viết17  mà tiếng Việt còn dùng âm BÚT (Nam Bộ gọi là viết): rõ ràng cho thấy tương quan ngữ âm giữa Phật 佛  BỤT và  BÚT dùng để ký âm tiếng Phạn Budh-; Điều này chỉ hiện diện trong tiếng Việt so với các tiếng Quảng Đông, Hẹ, BK ....v.v... Thật ra cũng không phải hoàn toàn nghịch lý mà cổ nhân ta có câu

Trăn năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

 

 4. Phụ chú và phê bình thêm

Tam Bảo 三寶Triratna (Phạn) , một trong những khái niệm căn bản trong PG, gồm Phật Pháp và Tăng Bảo: đi tu hay xuất gia chính là quy y Tam Bảo; Không tin, không tôn kính Tam Bảo thì không thể nào có được nếp sống PG … Tiếng Phạn Triratna gồm có tiền tố tri- (ba) và ratna रत्न  nghĩa là tặng phẩm, điều tốt, của quý (bảo vật), trân châu ... Dịch Triratna là Tam Bảo cũng là dịch theo nghĩa gần đúng mà thôi. Tăng và Phật là ký âm (lược xưng) của các tiếng Phạn Sangha và Buddha , và Pháp cũng có một nguồn gốc phi-Hán, hay có gốc Nam Thái/Austro-Thai, theo học giả Paul K. Benedict trong cuốn "Austro-Thai Language and Culture" (NXB New Have, 1975). Benedict nhận xét là thành phần hài thanh của chữ Pháp 法 là khứ, khu  去 hay 丘據切 khâu cứ thiết (ĐV, TV), rất khác với âm pháp hay phép; So với giọng BK là fă so với faat2, faat3 QĐ - pháp HV đọc gần giọng Hẹ fap7. Điều này cũng khả thi khi xem các chữ Hán như khiếp 怯 hay 㹤 㾀 ... Ta thấy ngay một dạng âm cổ của去là *k'iap (hay nhược hoá thành *hiep/*hop như 盍hạp/hợp) chứ không phải là có dạng pháp/phép. Chữ pháp 砝 còn đọc là kiếp:  居怯切 cư khiếp thiết (ĐV), 訖業切 cật nghiệp thiết (TV). Điều lý thú là khứ 去 cũng là thành phần hài thanh cho chữ kiếp 劫 hay 刦,刧,刼 ... Đều là các cách ký âm của kiếp ba 劫波 (kalpa tiếng Phạn) và không thấy ai dùng kiếp trong tiếng Việt với nghĩa nguyên thuỷ là cướp. Khi PG nhập vào VN hay TQ thì rất có thể các thuật ngữ cơ bản như Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo) ... đều nhập vào cùng lúc, do đó khả năng phiên âm hay nghĩa đều dựa trên cùng một nguyên tắc hay mang đậm dấu ấn của người dịch kinh Phật - như các giải thích ở trên - rõ ràng là không phải từ gốc Hán! Các dạng kalpa (Phạn) hay kappa (Phạn Nam/Pali) gần với dạng cắp (ăn cắp) hay cướp (ăn cướp) của tiếng Việt hơn là kiếp (âm Hán Cổ). Cũng như từ buộc, tiếng Việt thường dùng từ kiếp với phạm trù nghĩa rất rộng: chỉ đời sống (số kiếp) đến thời gian vô tận (đời đời kiếp kiếp), hay kết quả của một việc làm (đáng kiếp) ...v.v... Khác hẳn với cách dùng trong tiếng Hán thường chỉ sự cướp đoạt. Một khái niệm chính trị thời thượng và văn hoá không kém phần quan trọng là quốc (gia) hay nước (nhà). Tuy danh từ nước có khả năng là một dạng ngạc cứng hoá của vực 域 (vực > nhược > nước tiếng Việt) so với dạng quốc (vực > kwuc > quốc tiếng Hán Việt), nhưng ảnh hưởng của đạo Phật đã đưa nước (quốc gia có biên giới rõ ràng, xem lịch sử hình thành chữ quốc國 tiếng Hán bên dưới) đến với nước (chất lỏng, không ranh giới rõ ràng) trong vốn từ của toàn dân; Đây là sự thể hiện qua ngôn ngữ của giáo lý PG vô thường và mầu nhiệm. Các dữ kiện này cho thấy tư tưởng PG và văn hoá dân gian VN đã hoà lẫn với nhau từ thuở xa xưa để hình thành những nét văn hoá ngôn ngữ đặc thù của dân tộc, một đề tài lớn rộng đáng được nghiên cứu rất chi tiết để hiểu rõ hơn lịch sử và bản sắc văn hoá tộc Việt cho đến ngày nay.

Tham khảo thêm chi tiết trang http://www.chineseetymology.org/CharacterASP/CharacterEtymology.aspx?characterInput=%E5%9C%8B&submitButton1=Etymology   và  http://dict.variants.moe.edu.tw/yitia/fra/fra00734.htm ...v.v..

Để cho liên tục, người đọc nên tham khảo các bài viết "Bụt hay Phật?" phần 1, 2, 2A đã đăng trên các mạng http://www.khoahoc.net/baivo/nguyencungthong/221009-buthayphat-2a.htm hay http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&id=81 …v.v… Mục đích chính của loạt bài "Bụt hay Phật?" là đưa ra nhiều lý do và cách nhìn khác nhau cho thấy PG đã thấm nhuần trong văn hoá và ngôn ngữ dân Việt từ thời khai sinh, đã để lại vết tích trong văn hoá ngôn ngữ phương Bắc cũng như gợi ý để các bạn đọc nếu thấy thích thú thì cứ tiếp tục nghiên cứu sâu xa hơn nữa.

1)Người đọc có thể tham khảo bài viết của tác giả Đào Nguyên trên mạng http://www.chuyenphapluan.com/chude.php?id=643&tn=view . Cũng nên nhắc ở đây là cuốn tự điển HV của TC từng là sách gối đầu giường cho người viết, nhân loạt bài này xin được ghi nhận công ơn của một bậc thầy đã bỏ bao nhiêu tâm huyết (nhân) để có nhiều quả lành cho tương lai văn hoá VN. Xem thêm bài viết về TC của Thích Đồng Bổn trên trang http://www.mocgiatrang.com/forum/topic.asp?TOPIC_ID=2810

2) Các kinh sách cũng dùng cụm từ Thích Tử 釋子 hay Thích Già Tử 釋迦子 so với tiếng Phạn Buddhaputra (con Phật Đà, tăng ni - tiếng Việt thường nghe là con Phật) đều chỉ tín đồ PG; Hay có khi dùng Buddhaputra làm pháp danh. Thích giáo 釋教 là Phật Giáo so với Khổng Giáo, Lão Giáo (Tam giáo). Lý Phật Tử 李佛子 (?-602) là cháu họ của Lý Nam Đế - cách dùng tên hiệu Phật Tử rất đáng chú ý so với thời cụm từ này bắt đầu nhập vào tiếng Hán qua bản kinh (dịch bởi ngài Cưu Ma La Thập 鸠摩罗什 344-413) tên là “Thập Trụ Bì Bà Sa Luận” với nghĩa là Bồ Tát - lại có nhà giải thích là A La Hán của Tiểu Thừa - nhưng đều chỉ các bậc giác ngộ. Cụm từ Phật Tử trong “Pháp Hoa Văn Cú” (soạn vào Trinh Minh Nguyên Niên 587) có nghĩa là (tất cả) chúng sinh vì mọi loài đều có Phật tánh

《法华文句》卷九下:“一切众生,皆有三种性德佛性,即是佛子。”

《 Pháp Hoa Văn Cú 》 quyển cửu hạ :“ nhất thiết chúng sanh , giai hữu tam chủng tính đức phật tính , tức thị phật tử 。”

Cụm từ Phật Tử sau này trở nên thịnh hành vào thời Đường, Tống ... chỉ những người quy y theo đạo Phật hay với nghĩa mở rộng chỉ những  người làm điều thiện - như đời Tống có Hồng Hạo  洪皓(1088-1155) ưa giúp người nên được gọi là Hồng Phật Tử  洪佛子 ...v.v... Một nhận xét thêm về cụm từ Phật tử (con Phật) và phật tử 拂子 (phất trần 拂尘) là cách đọc bây giờ (giọng BK là fó zĭ) cũng giống như âm trung cổ nên có khả năng lầm lẫn nếu không nhìn chữ viết. Cách dùng cụm từ Phật tử ở VN rất sớm và dùng bởi các lãnh đạo nhà nước Vạn Xuân là một chủ đề cần được nghiên cứu chi tiết hơn.

3) Phật Quang là hào quang hay ánh sáng giác ngộ của Phật (the light of Buddha, spiritual enlightenment; halo, glory) trích từ cuốn "A Dictionary of Chinese Buddhist Terms" tác giả William Edward Soothill và Lewis Hodous (bản điện tử). Danh xưng Phật Quang 佛光 dùng cho vị sư thời vua Hùng Vương đáng chú ý: hiện tượng cho ra những vòng sáng (hào quang) từ tượng Phật (‘Phật quang’) xẩy ra vì ánh sáng có khả năng nhiễu xạ (diffraction) và phản chiếu (phản xạ/reflection) cũng như hiện tượng cầu vồng (mống/rainbow). Thư tịch TQ ghi nhận hiện tượng ‘Phật quang’ từ những năm 63 SCN hay thế kỷ IV (Đôn Hoàng, Cam Túc) SCN cho đến nay - xem thêm chi tiết trang http://baike.baidu.com/view/35386.htm   (xem hình dưới). Điều này cho thấy khả năng từ Phật đã xuất hiện ở Văn Lang rất sớm. Xem truyện Chử Đồng Tử, bản dịch của GS Lê Hữu Mục, từ “Lĩnh Nam Trích Quái” trang http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=61&ict=748

4) Bụt Sơn 侼 山 là tên núi ở Tuyên Quang (xã Hướng Minh, huyện Vị Xuyên, phường Tương Yên) theo Đồng Khánh Địa Dư Chí; Phật Sơn 佛 山 là một địa danh nổi tiếng ở Quảng Đông (được ghi nhận từ thời Đông Tấn).

5) Tương quan dược 藥 - thuốc có thể giải thích khi so sánh các dạng dược/thược 龠 (sáo  ba lỗ ...), dược/thược 礿 (ngày tế xuân); Thước 鑠 (quắc thước) có cùng thành phần HT như dược 藥 : phụ âm đầu j-/d- (ngạc cứng hoá *l-) HV có liên hệ đến th- cũng như nguyên âm -ươ- và -uô- . Các dạng chữ Nôm thường dùng chữ thúc 束 HT cho thuốc (các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa ...) phản ánh hai âm dược và thuốc đã tách rời nhau quá xa và khó nhận ra tương quan ngữ âm nữa: dạng chữ Nôm thúc hợp với dược  束藥 (Nguyễn Trãi, Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập ...) cũng minh chứng cho nhận xét trên.

6) Trong các cách dùng cổ đại, ‘Phục Đậu Kinh’ 覆 荳 經  hay ‘Phục Lạp Kinh’ 覆 立 經 (chữ Lạp hình giống chữ Đậu) đều chỉ ‘Phù Đồ Kinh’ 浮  屠  經  hay kinh Phật - điều quan trọng là những chữ phục 復 hay覆 (mà một dạng âm cổ phục nguyên là *buk) đã được dùng để ký âm tiếng Phạn so với dạng buộc tiếng Việt bây giờ.

7) Nhưng theo GS Wing Tsit Chan  (Trần Vinh Tiệp 陳榮捷) thì Phật 佛có nghĩa cổ hơn là lớn/vĩ đại (Sử Ký) hay dùng làm tên riêng (Luận Ngữ) - xem thêm chi tiết trong bài viết 'Transformation of Buddhism in China' (Các quá trình thay đổi của Phật Giáo ở Trung Quốc - University of Hawai'i Press, 1958) hay trên mạng http://www.wuys.com/news/Article_Show.asp?ArticleID=8881 . Người viết có tra lại thì thấy Mao Truyện 毛傳 (hay Mao Thi, tức Kinh Thi soạn lại thời Hán bởi Mao Thi và Mao Trường) từng ghi là 佛, 大也 Phật, đại dã. Các nghĩa cổ của Phật trong văn hoá TQ như phụ (đỡ), lớn (đại) đều phản ánh khả năng ký âm (cũng như các dạng Một, Bột, Bất, Bộ, Mẫu ...) nhưng chỉ có dạng đơn tiết *Bụt 佛 là tồn tại vì ý nghĩa sâu sắc của chữ này: đã làm người (bộ nhân) thì phải chịu nhiều ràng buộc hay *Bụt, *Bụt là ký âm nhưng cũng là dấu ấn của văn hoá phương Nam (Việt Cổ) rất cụ thể; Không những thế, buộc (như cách viết chữ Phật rất gần với cách khắc/viết nguyên thuỷ) còn có thể được cởi ra (giải thoát) một cách dễ dàng (xem các hình trên kim văn, giáp văn, triện văn phần trên) chứ không phải như thúc 束 hay hệ 系có cấu trúc đóng/kín

Để ý cách dùng hệ mã 系 馬 (BUỘC ngựa lại), thúc thỉ 束失 (BUỘC tên lại), thúc bạch 束帛 (BUỘC lụa lại) ... Trong thư tịch thời Hán cũng có khi dùng thúc phược 束縛 ...

8) “Đại Việt Sử Lược” (Khuyết Danh 1377-1388) bản dịch của Nguyễn Gia Tường - NXB Thành Phố HCM, Bộ Môn Châu Á Học Đại Học Tổng Hợp TP HCM (1993). Xem các chi tiết trên mạng http://www.viettouch.com/hist/  hay  http://e-cadao.com/coinguon/Truyenthuyethungvuong11.htm  …v.v…

9) Thật ra, ta không nên ngạc nhiên về đóng góp của các 'nút dây' rất đơn sơ trong văn hoá con người; Có khả năng chữ Hán đã hình thành từ những hoạt động thắt nút này, cũng như nền văn minh Inca (Nam Mĩ, cách nay khoảng ngàn năm) đã để lại nhiều di chỉ Quipu (hay kipu, tiếng Quechua) mà nhiều học giả vẫn còn đang cố gắng giải mã một cách thoả đáng

 Hình một dây kết Quipu - trích từ http://en.wikipedia.org/wiki/Quipu

10) Hiện tượng Trùng-Nữu (Chóngniǔ BK 重紐)

 

Tương quan sâu xa giữa buộc (trói vào) và buột (sổ ra) còn để lại vết tích trong dạng tuột (buột > tuột) qua biến âm b > t: đây là hiện tượng Trùng-Nữu重紐thường gặp trong tiếng HV hay (Hán) Hàn (Sino-Korean):

Tiếng Phạn                  Tiếng Hán (BK)          Hán Việt

 

Bhiksu                         比丘                            Tỳ Kheo  Bật Sô, Bức Sô ...

Bhiksuni                      比丘尼                        Tỳ Kheo Ni (nữ tu PG)

Veda                            鞞陀                            Tỳ Đà   Vệ Đà, Bề Đà, Bì Đà ...

Bhida                           毘茶                            Tỳ Trà   (tên vương quốc cổ ở vùng Punjab)

Vaipulya                      毘佛略                        Tỳ Phật Lược   (phương quảng, rộng rãi)

Lumbini                       藍毗尼                        Lâm Tì Ni

Pippala                        畢鉢羅                        Tất Bát La (tên cây Bồ Đề)

Bimba                          頻婆                            Tần Bà (tên cây giống như thạch lựu)

Vihara                         毘訶羅                        Tì Ha La (tăng phường, chùa ...)

...

 

…                                pí pá 琵琶                   tỳ bà (đàn)

…                                pǐ  匹                           thất

…v.v…

 

11) Người đọc có thể tham khảo các bài viết của cố học giả Quý Tiễn Lâm trên mạng http://vip.book.sina.com.cn/book/chapter_60473_42208.html ,     http://ccbs.ntu.edu.tw/FULLTEXT/JR-BJ001/05_02.htm  hay http://books.google.com.au/books?id=M9B4yqfZ8JwC&pg=PA21&lpg=PA21&dq=origin+of+fo%60+%E4%BD%9B&source=bl&ots=kUKYro6VBB&sig=97x9MdxVWbNPC4eC0_4QdiVAB9U&hl=en&ei=tYmHS7DANoGOkQXh9K2ODw&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=2&ved=0CAoQ6AEwATgU#v=onepage&q&f=true …v.v…

12) Luận án của GS Shu-Fen Chen陳淑芬 (Trần Thục Phân)  về sau in thành sách (2004), dựa vào các so sánh cách dịch ra tiếng Hán từ ba bản kinh tiếng Phạn: kinh Kim Cương Vajracchedikaprajnaparamitasutra (Diamond Sutra), Tâm kinh Prajnaparamitahrdayasutra (Heart Sutra), và kinh Vô-Lượng-Thọ  Sukhavativyuyha (Sukhavati Sutra). Như từng viết từ các bài "Bụt hay Phật?" phần 1, 2 ... Xem thêm chi tiết trang  http://lfksociety.org/s_work_awards_book.htm ... Đã có nhiều học giả nêu lên những lấn cấn từ quá trình phiên dịch tiếng Phạn ra tiếng Hán, cũng như có nhà nghiên cứu (ngược lại) tiếng Phạn Trung Cổ qua các cách ký âm trong tài liệu chữ Hán (kinh Phật). Các cách dịch hay phiên âm bằng chữ Hán trong kinh điển để lại từ xưa đều là nguồn tài liệu quý giá để tìm hiểu giao lưu ngôn ngữ văn hoá từ góc độ ảnh hưởng địa phương (không gian) và thời gian.

13) Xem chi tiết của bài viết 'Creating religious terminology - A comparative approach to early Chinese Buddhist translation' của GS Max Deeg trong Tạp Chí Hội Quốc Tế Phật Học (Journal of the International Association of Buddhist Studies) - Volume 31, Number 1-2 2008 (2010); Hay xem trên mạng http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:LPiAV53SkM4J:archiv.ub.uni-heidelberg.de/ojs/index.php/testjiabs/article/view/4009/614+Origin+of+fo+%E4%BD%9B+buddha+in+Chinese+language&cd=67&hl=en&ct=clnk&gl=au …v.v…

Bàn thêm về chữ tăng, trích Thuyết Văn Giải Tự (biên hiệu 5184)

僧,[ 穌曾切  ], 浮屠道人也。 從人曾聲

Tăng,[tô tằng thiết ],Phù đồ Đạo Nhân dã。Tùng nhân tằng thanh

Do đó thời Đông Hán (khoảng thế kỷ I và II), tác giả Hứa Thận đã dùng từ song tiết Phù Đồ nhưng chữ Phật thì lại không có mang nghĩa Phật Đà hay Phù Đồ, phản ánh phần nào PG không phổ thông ở Lạc Dương so với Luy Lâu (Giao Chỉ)

佛,[敷勿切 ],見不審也。从人弗聲  (biên hiệu 4995)

Phật,[phu vật thiết ],kiến bất thẩm dã。Tùng nhân phất thanh

(phật hay phất là không thấy rõ, như trong cách dùng phảng phất)

So sánh với các tài liệu khác

浮屠者, 佛也《后汉纪·明帝纪上》

Phù Đồ giả, Phật dã  

西方有神,名曰佛 (后汉书)

Tây Phương hữu thần, danh viết Phật (Hậu Hán Thư - khoảng thế kỷ V)

Phật giáo là cụm từ phổ thông từ đời Đường Tống về sau, trước đó thư tịch cổ TQ thường dùng Phù Đồ giáo (hay Phù Đồ), cũng có khi Phù Đồ là hoà thượng, tháp phật ...

14) Xem thêm chi tiết trên mạng http://buddhiststudies.berkeley.edu/events/past_events.html (bài nói chuyện của GS Etienne de la Vaissière ở Đại Học Berkeley ngày 29/11/2007)

15) Tham khảo thêm các bài viết của học giả Kogi Kudara như "The Buddhist Culture of the Old Uigur Peoples" đăng trong Pacific World, bộ 3 (Third Series), 4 (2002); Hay bài  “Silk Road and Its Culture: The View of a Japanese Scholar"  đăng trong Berlin-Brandenburgische Akademie der Wissenschaften, Berichte und Abhandlungen, Band 6 (Berlin: Akademie Verlag, 1999), trang 331–347...v.v...

16) Câu niệm Nam Mô Phật Nam Mô Pháp Nam Mô Tăng theo tiếng Uyghur là namo but namo dram namo sang  南無佛 、 南無法 、 南無僧 còn hiện diện trong kinh của Ma Ni giáo (Manichaeism  摩尼教 từng là tôn giáo chính ở Trung Á). Thánh Mani (nhà tiên tri Mani, 216–276 SCN) còn được gọi là Ma Ni Phật 摩尼佛 hay Mani Burxan, tương ứng với cách gọi Bụt trong văn hoá dân gian ở VN; Tuy nhiên burxan còn được dùng để chỉ đức chúa Giê Su (Jesus) trong kinh sách! Xem thêm chi tiết trong bài viết 'Luận hồi cốt Phật Giáo dữ Ma Ni Giáo đích kích đãng'  論回鶻佛教與摩尼教的激盪 - tác giả Dương Phú Học 楊富學 hay trên mạng http://www.fjdh.com/wumin/HTML/113180.html cập nhật 19/2/2010.

17) Theo từ điển Bách Khoa 百科trên mạng TQ, phần 瀏覽詞條 Lưu Lãm Từ Điều (tìm hiểu các từ)

笔, 楚謂之聿, 吳謂之不律, 燕謂之弗。 ――清 · 杭世駿 《 續方言》

Bút,Sở vị chi duật,Ngô vị chi bất luật, Yên vị chi phất。――Thanh·Hàng Thế Tuấn 《Tục Phương Ngôn》; Học giả nhà Thanh Hàng Thế Tuấn (1696-1773) ghi nhận rằng chữ bút笔dùng như chữ phất/phật 弗 thời Chiến Quốc, như tiếng nước Yên chẳng hạn (năm 222 TCN, Yên bị nước Tần tiêu diệt), thật ra là trích lại từ Thuyết Văn Giải Tự thời Đông Hán (chữ 聿biên hiệu 1930). Một nhận xét nữa là các giọng đọc và cách dùng địa phương thời cổ đại của văn hoá Hán đã được ghi nhận một cách khá rõ nét (Dương Tử 揚雄 đã soạn 'Phương Ngôn' vào đầu CN chẳng hạn ...), và cũng dựa vào các giọng địa phương (như bất luật)  mà một dạng âm cổ phục nguyên của  笔  bĭ  (giọng BK, bút HV) là *prut so với âm Nhật Cổ là pude, âm Hàn Trung Cổ là pwut - theo Axel Schuessler trong "ABC Etymological Dictionary of Old Chinese" - NXB University of Hawai'i Press (Honolulu, 2007).


Âm lịch

Ảnh đẹp