05/10/2012 20:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 55959
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong lúc khai thác đất để làm gạch ở khu đồng phía sau chùa Xuân Quan (thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), ông Nguyễn Văn Đức bất ngờ tìm thấy hai cổ vật bằng đá vô cùng độc đáo. Từ đó đến nay, tròn 8 năm, những cổ vật này mới xác định được danh tính…


Cổ vật “lưu lạc” dân gian

Ông Nguyễn Văn Đức kể, năm 2004, trong lúc đào đất để làm gạch, ở độ sâu chừng 2m, bất ngờ máy xúc chạm phải vật lạ. Lúc đưa lên thì đó là hai tấm bia úp khít vào nhau và kết dính bởi một chất liệu đặc biệt. Ông và một vài công nhân đã phải rất vất vả, dùng mai mới tách đôi ra được. Bởi vậy nên mặt ngoài tấm bia vị nứt, vỡ một vài vị trí. Mặt bên trong hai tấm bia sạch bong, không hề có gì bám vào, kể cả nước. Cùng với 2 tấm bia là một đỉnh đá (hay còn gọi là liễn) hình vuông, có nắp đậy, bên trong chỉ còn chút đất đen. Sau khi đào được các di vật đá trên, ông Đức đem bộ bia đá và nắp đá đậy trên đỉnh đá về nhà, còn lại ông mang ra gửi chùa làng (Huệ Trạch tự). Ngay sau đó, ông Đức có nhờ vài người biết chữ Hán đến đọc xem tấm bia kia ghi những gì nhưng họ cũng chỉ đọc được một vài chữ. Một thời gian sau, việc đào được cổ vật của gia đình ông lắng xuống và trôi vào quên lãng.

 

Bộ Bia và Liễn đá hiện được bảo quản trong bảo tàng Bắc Ninh.

Phải đến hơn 8 năm sau, cuối tháng 8-2012, trong lúc xuống địa bàn để sưu tầm các cổ vật còn lưu lại trong nhân dân, tổ công tác thuộc phòng Nghiên cứu Sưu tầm Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh bất ngờ được nghe câu chuyện về tấm bia cổ năm xưa, đang được lưu giữ tại thôn Xuân Quan và một hiện vật giống như đỉnh đá tại Huệ Trạch tự. Khi các cán bộ bảo tàng tới nơi, gia đình ông Đức vui vẻ trao tặng lại bảo tàng.

Sau những nghiên cứu ban đầu, bảo tàng Bắc Ninh đi đến nhận định bất ngờ: Đây là hai cổ vật bằng đá có niên đại từ năm 601, nếu thông tin được kiểm chứng, đây sẽ là bia đá cổ nhất từng được phát hiện tại Việt Nam và có giá trị rất lớn về mặt văn hóa lịch sử. Sự việc trên cũng thu hút được nhiều chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu lịch sử. Các chuyên gia cho rằng, mô hình bia một tháp như vậy giống với những bia mộ tháp thời Tùy (Trung Quốc) đã từng được phát hiện trước đó (1 chiếc ở Thanh Hóa và một vài chiếc ở Trung Quốc). Nhận định này cũng trùng khớp với nội dung trên bia đá có tên “Xá lợi minh tháp”, cũng như niên đại 601 thời nhà Tùy. Nội dung bia, nguyên văn: Duy Đại Tùy nhân thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu. Nội dung cơ bản ghi lại việc Tùy Dạng Đế cho người đưa xá lợi vào bảo tháp được xây dựng trong chùa Thiền Chúng (Thuyền Chúng) thuộc huyện Long Biên đất Giao Châu xưa.

Đi tìm dấu tích chùa Thiền Chúng

Ông Lê Viết Nga - Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi đã tra cứu nhiều thư tịch cổ, duy nhất chỉ còn lại “Thiền Uyển tập anh” Quyển Hạ (trang 102) có ghi về 1 chùa mang tên là “Thiền Chúng” như sau: “Thiền sư Định Không (? - 808) ở chùa Thiền Chúng, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, nhưng ở phần chú cuối trang lại ghi “Cảm ứng xá lợi ký do Vương Thiệu viết vào cuối năm 601 dẫn trong “Quảng hoằng minh tập” có ghi chùa Thiền Chúng như là nơi dựng tháp rước xá lợi vào năm đó tại Giao Châu”. Như vậy đã phần nào chứng thực được nội dung tấm bia về sự việc xảy ra đúng vào năm 601. Dấu tích chùa Thiền Chúng chính xác ở đâu giờ vẫn còn là câu hỏi?

Nhiều nhà khoa học đưa ra giả thiết, tháp chùa Thiền Chúng sau nhiều năm bị đổ nát đã chìm vào sự quên lãng. Chùa tan, tháp đổ nên sau đó các cổ vật chìm trong lòng đất, đến nay tình cờ người dân phát hiện được. Do các cổ vật nói trên được phát hiện từ 8 năm trước- năm 2004, lớp đất vùi bên trên người dân dùng để đóng gạch hết, nên khi các cán bộ bảo tàng tới khảo sát địa điểm phát hiện cổ vật thì đã không còn gì? Phải chăng, tại địa điểm phát hiện ra hai hiện vật bằng đá này trước đây từng tồn tại một ngôi chùa?

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Lê Viết Nga cho biết, bảo tàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thông tin sau đó sẽ tính đến phương án xin được cấp phép khai quật thám sát. Những thông tin cụ thể về tấm bia cổ dự kiến sẽ được đưa ra tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2012 vào ngày 27 và 28-9 tới đây. Hiện hai cổ vật vẫn được lưu giữ cẩn thận tại bảo tàng tỉnh Bắc Ninh trong khi chờ các nhà khoa học có thêm các nghiên cứu, đánh giá và khẳng định.

Cho tới thời điểm hiện tại, tấm bia được cho là cổ nhất Việt Nam đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. Đó là bia “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn” sưu tầm từ đền Lê Ngọc, thôn Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa có niên đại từ năm 618.

(Theo ĐVO)

http://phatgiaovnn.com/upload1/modules.php?name=News&op=viewst&sid=9327


Âm lịch

Ảnh đẹp